Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Ngày đăng: 14:28 27-01-2016 | 2224 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

 QUỐC HỘI                                                                                                                                                                                            

      Luật số:       /2016/QH14

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

LUẬT

ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật đấu giá tài sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.         

2. Luật này không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

Điều 3. Tài sản đấu giá

Luật này áp dụng đối với việc đấu giá các loại tài sản sau đây:       

1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá bao gồm:

a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

b) Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

c) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

đ) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

e) Tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về xác lập, quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước;

g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

h) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

i) Tài sản cố định của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

k) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

l) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

m) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

n) Tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua;

o) Các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

2. Tài sản do cá nhân, pháp nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này.

2. Giá khởi điểm là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên; giá ban đầu cao nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.

3. Phương thức trả giá lên là phương thức đấu giá, theo đó người tham gia đấu giá trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm.

4. Phương thức đặt giá xuống là phương thức đấu giá, theo đó đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho đến khi có người chấp nhận mức giá do đấu giá viên đưa ra.

5. Đấu giá viên là người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá và điều hành cuộc đấu giá theo quy định của Luật này.

6. Người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá bằng phương thức trả giá lên; người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá bằng phương thức đặt giá xuống.

7. Tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.

8. Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá bằng phương thức trả giá lên.

Mức giảm giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần đặt giá sau so với lần đặt giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá bằng phương thức đặt giá xuống.

Bước giá, mức giảm giá do người có tài sản đấu giá thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá.

9. Người có tài sản đấu giá là chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản, người có thẩm quyền đấu giá tài sản theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Người có tài sản đấu giá bao gồm cá nhân, pháp nhân.

10. Người tham gia đấu giá là cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 5. Nguyên tắc đấu giá tài sản

1. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan.

2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên.

3. Cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện.

Điều 6. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình

1. Quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình.

2. Trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã đấu giá thì quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình.

Việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã đấu giá hoặc khiếu kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả đấu giá quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 68 của Luật này được thực hiện theo thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

3. Trong trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đã đấu giá thành do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo quy định của Luật này thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản đấu giá ngay tình.

Điều 7. Giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá

1. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp việc đấu giá tài sản do Hội đồng thực hiện và được thực hiện như sau:

a) Đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật này thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó;

b) Đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này thì giá khởi điểm do cá nhân, pháp nhân tự xác định hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc cá nhân, pháp nhân khác xác định.

2. Tài sản đấu giá được giám định khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình để hành nghề đấu giá;

b) Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên của mình nhằm trục lợi cho bản thân;

c) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá;

d) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá;

đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Nghiêm cấm doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản;

b) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá;

c) Cản trở người tham gia đấu giá mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá hoặc tham gia cuộc đấu giá;

d) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận;

đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Áp dụng Luật đấu giá tài sản và các luật khác

Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật này.

Chương II

ĐẤU GIÁ VIÊN, DOANH NGHIỆP ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Mục 1

ĐẤU GIÁ VIÊN

Điều 10. Tiêu chuẩn đấu giá viên

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để trở thành đấu giá viên:

1. Có bằng cử nhân ngành luật hoặc ngành kinh tế.

2. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật này, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 12 của Luật này.

3. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Điều 11. Đào tạo nghề đấu giá

1. Người có bằng cử nhân ngành luật hoặc ngành kinh tế và có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 05 năm trở lên được tham dự khóa đào tạo nghề đấu giá tại cơ sở đào tạo nghề đấu giá.

2. Thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng. Nội dung đào tạo bao gồm kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên, kỹ năng hành nghề đấu giá. Người hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về cơ sở đào tạo nghề đấu giá và chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá.

Điều 12. Người được miễn đào tạo nghề đấu giá

1. Đã là luật sư, công chứng viên, kiểm toán viên, kế toán viên, thừa phát lại, quản tài viên.

2. Đã có thời gian làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá tài sản từ 05 năm trở lên.

Điều 13. Tập sự hành nghề đấu giá

1. Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá và người được miễn đào tạo nghề đấu giá được tập sự hành nghề đấu giá tại doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Thời gian tập sự hành nghề đấu giá là 06 tháng. Thời gian tập sự hành nghề đấu giá được tính từ ngày doanh nghiệp đấu giá tài sản thông báo danh sách người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức mình cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đấu giá tài sản có trụ sở.

Doanh nghiệp đấu giá tài sản phân công đấu giá viên hướng dẫn người tập sự hành nghề đấu giá. Đấu giá viên hướng dẫn tập sự phải hướng dẫn, giám sát và chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người tập sự hành nghề đấu giá được hướng dẫn các kỹ năng hành nghề và thực hiện các công việc liên quan đến đấu giá tài sản do đấu giá viên hướng dẫn phân công và chịu trách nhiệm trước đấu giá viên hướng dẫn về những công việc đó. Người tập sự hành nghề đấu giá không được điều hành cuộc đấu giá.

3. Người hoàn thành thời gian tập sự quy định tại khoản 1 Điều này được tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Nội dung kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá bao gồm kỹ năng hành nghề đấu giá, pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật có liên quan, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

4. Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá thực hiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự; thành phần Hội đồng bao gồm đại diện Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và một số đấu giá viên là thành viên. Danh sách thành viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Điều 14. Cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá

1. Người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 của Luật này nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

b) Bằng tốt nghiệp cử nhân ngành luật hoặc ngành kinh tế (bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu);

c) Văn bản xác nhận đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá;

d) 01 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá nộp lệ phí cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

3. Chứng chỉ hành nghề đấu giá là căn cứ để hành nghề đấu giá tài sản.

Điều 15. Những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá

1. Không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này.

2. Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

3. Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

4. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội liên quan đến lừa đảo, tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 16. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá

1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá bị thu hồi Chứng chỉ trong những trường hợp sau:

a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 15 của Luật này;

b) Không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

c) Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này;

d) Thôi hành nghề theo nguyện vọng;

đ) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá có thời hạn;

e) Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;

g) Bị chết, bị tuyên bố là đã chết hoặc mất tích.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá.

Điều 17. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá

1. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 của Luật này thì được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này và lý do thu hồi Chứng chỉ không còn.

2. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 16 của Luật này được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá khi có đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá.

3. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 16 của Luật này được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá khi có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hạn tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá đã hết;

b) Đã được xóa án tích, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

4. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá không được cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá trong các trường hợp sau:

a) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 của Luật này;

b) Bị kết án về tội liên quan đến lừa đảo, tham nhũng, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá nếu bị mất Chứng chỉ hoặc Chứng chỉ bị hư hỏng không thể sử dụng được thì được xem xét, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá.

6. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này; người thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

b) Giấy tờ chứng minh lý do thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá không còn đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; giấy tờ xác nhận thời hạn tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá đã hết, đã được xóa án tích đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này (bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu);

c) 01 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Hình thức hành nghề của đấu giá viên

1. Đấu giá viên hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập, tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản.

2. Việc thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản, ký và thực hiện hợp đồng lao động đối với đấu giá viên hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên

1. Đấu giá viên có các quyền sau đây:

a) Hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

b) Trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản;

c) Truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm Quy chế cuộc đấu giá;

d) Dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá, báo cáo doanh nghiệp đấu giá tài sản để xử lý;

đ) Điều hành cuộc đấu giá theo sự phân công của Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện;

e) Hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đấu giá viên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ nguyên tắc đấu giá tài sản, trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại Luật này;

b) Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và doanh nghiệp đấu giá tài sản về cuộc đấu giá tài sản do mình thực hiện;

d) Chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này;

đ) Tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 của Luật này;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật có liên quan.

Điều 20. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên

1. Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua doanh nghiệp đấu giá tài sản. Việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên được duy trì trong suốt thời gian hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản.

2. Doanh nghiệp đấu giá tài sản có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật đấu giá tài sản

Ngày nhập

27/01/2016

Đã xem

2224 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com