DỰ THẢO LUẬT CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Ngày đăng: 13:42 04-11-2006 | 1924 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Khoa học và Công nghệ
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
LUẬT
CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; người sử dụng sản phẩm, hàng hoá; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản phẩm là vật dụng hoàn chỉnh của quá trình sản xuất, gia công, chế biến để đưa vào lưu thông trên thị trường.
2.Hàng hoá là sản phẩm được đưa ra bán trên thị trường.
3. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ phù hợp của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
4. Sảnphẩm, hàng hóa an toàn là sản phẩm, hàng hoá không có hoặc ít có khả năng gây hại cho sức khỏe, tính mạng của người, cho động vật, thực vật, tài sản và môi trường.
Điều 4. Áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế
1. Hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá phải tuân theo quy định của Luật này. Đối với sản phẩm, hàng hoá đặc thù quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật này, nếu việc quản lý chất lượng đã được quy định trong luật khác thì áp dụng theo luật đó.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Điều 5. Nguyên tắc quản lý chất lượng
1. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật và phù hợp với tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng.
2. Nhà sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình.
3. Bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng con người, bảo vệ động thực vật, tài sản và môi trường.
4. Nhà nước có biện pháp quản lý tương ứng với khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
5. Không phân biệt đối xử.
6. Phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm thuận lợi hoá thương mại.
Điều 6. Phân nhóm sản phẩm, hàng hóa
Căn cứ khả năng gây mất an toàn đối với con người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường, sản phẩm, hàng hoá được phân thành 3 nhóm sau đây:
1. Nhóm 1: Sản phẩm, hàng hoá không có hoặc ít có khả năng gây mất an toàn.
Sản phẩm, hàng hoá được coi là không có hoặc ít có khả năng gây mất an toàn nếu trong điều kiện sử dụng bình thường và hợp lý, chúng không gây ra nguy hại hoặc ít có khả năng gây ra nguy hại cho sức khỏe và sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường.
2. Nhóm 2: Sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn.
Sản phẩm, hàng hoá được coi là có khả năng gây mất an toàn nếu trong điều kiện sử dụng bình thường và hợp lý, chúng vẫn có khả năng gây ra nguy hại cho sức khỏe và sự an toàn của con người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường.
3. Nhóm 3: Sản phẩm, hàng hóa đặc thù.
Sản phẩm, hàng hóa đặc thù là sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, đồng thời có ít nhất một trong các đặc điểm sau đây:
a) Quá trình nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển, bảo quản phải được đầu tư đặc biệt về khoa học, công nghệ, trang thiết bị;
b) Việc thử nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, hàng hoá đòi hỏi phải tuân thủ thủ tục, quy trình đặc biệt;
c) Việc quản lý chất lượng phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn.
4. Chính phủ quy định việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 và nhóm 3.
Chương II
CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Điều 7. Nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về chất lượng nhằm nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các tổ chức, cá nhân.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào năng suất, chất lượng trong cả nước.
3. Giáo dục ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá có chất lượng; nâng cao nhận thức tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh.
Điều 8. Bảo đảm thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và phổ biến thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng có trách nhiệm tập hợp, phân tích và định kỳ công bố thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá do mình sản xuất, kinh doanh.
Điều 9. Phát triển nguồn nhân lực
1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc nghiên cứu, phát triển chất lượng sản phẩm trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong nước và trên thế giới; đào tạo cán bộ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện học tập, tham gia vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nâng cao trình độ về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Điều 10. Xã hội hoá hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Nhà nước tôn trọng và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; tạo điều kiện cho các nhà sản xuất bảo đảm, nâng cao chất lượng, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.
2. Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính trên cơ sở phân biệt chức năng và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ.
3. Khuyến khích phát triển các dịch vụ đo lường, thử nghiệm, giám định, đánh giá chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật khác của tổ chức, cá nhân phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý nhà nước về chất lượng;
4. Tăng cường vai trò của hội, hiệp hội trong các hoạt động xây dựng và phổ biến áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, hướng dẫn, tập huấn, đào tạo, thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 11. Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Nhà nước có chương trình, kế hoạch, biện pháp huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của các tổ chức; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
2. Quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm của Nhà nước đủ năng lực phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Hướng dẫn đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống các phòng đo lường, thử nghiệm của các tổ chức, cá nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
4. Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tiên tiến, hài hoà với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế làm cơ sở cho việc nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.
Điều 12. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế
1. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia, đầu tư vào sản xuất sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh; vào hoạt động đo lường, thử nghiệm, giám định, đánh giá, chứng nhận sản phẩm, hàng hóa.
2. Chú trọng ký kết hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế về kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả đánh giá với tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.
Điều 13. Khen thưởng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Nhà nước quy định các hình thức tôn vinh, khen thưởng xứng đáng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo đảm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Điều 14. Nâng cao chất lượng sản phẩm trọng điểm
1. Tùy theo yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục và xây dựng chương trình nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trọng điểm.
2. Chương trình nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trọng điểm gồm những nội dung cơ bản sau đây:
a) Nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến;
b) Đổi mới công nghệ, thiết bị;
c) Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm, hàng hóa trọng điểm;
d) Nghiên cứu áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến;
đ) Nghiên cứu áp dụng các công cụ, giải pháp nâng cao năng suất;
e) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Chương III
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
Mục 1
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
Điều 15. Phương thức quản lý chất lượng sản phẩm
1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng
Công bố tiêu chuẩn áp dụng là việc nhà sản xuất công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm do mình sản xuất. Tiêu chuẩn công bố áp dụng là một trong các loại tiêu chuẩn sau đây:
a) Tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự xây dựng;
b) Tiêu chuẩn khác (tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế) được doanh nghiệp chấp nhận để áp dụng đối với sản phẩm.
Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2. Công bố sự phù hợp
a) Việc công bố sự phù hợp được thực hiện bằng cách nhà sản xuất thông báo sản phẩm của mình phù hợp với tiêu chuẩn (gọi là công bố hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là công bố hợp quy);
b) Công bố sự phù hợp được thực hiện dựa trên kết quả tự đánh giá của nhà sản xuất, kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm độc lập hoặc kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận;
c) Bộ Khoa học và Công nghệ quy định nội dung, thủ tục công bố sự phù hợp.
3. Chứng nhận sự phù hợp
a) Việc chứng nhận sự phù hợp do tổ chức chứng nhận thực hiện bằng cách đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn (gọi là chứng nhận hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là chứng nhận hợp quy);
b) Bộ Khoa học và Công nghệ quy định nội dung, thủ tục chứng nhận sự phù hợp.
Điều 16. Áp dụng phương thức quản lý chất lượng sản phẩm
1. Nhà sản xuất phải công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm do mình sản xuất, trừ những trường hợp sau đây:
a) Sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp chưa qua chế biến hoặc được chế biến thủ công;
b) Thực phẩm tươi sống hoặc được chế biến thủ công;
c) Sản phẩm có tính chất thời trang;
d) Sản phẩm được sản xuất thủ công;
đ) Các sản phẩm khác không thể có quy trình sản xuất ổn định.
2. Nhà sản xuất tự lựa chọn phương thức công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn.
3. Đối với sản phẩm thuộc nhóm 2, nhà sản xuất phải công bố hợp quy hoặc chứng nhận hợp quy theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Đối với sản phẩm thuộc nhóm 3, nhà sản xuất phải:
a) Công bố hợp quy hoặc chứng nhận hợp quy;
b) Có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng;
c) Tuân thủ quy chế quản lý đặc biệt trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển, bảo quản theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 17. Các loại hình đánh giá sự phù hợp
1. Các loại hình đánh giá sự phù hợp bao gồm:
a) Thử nghiệm mẫu điển hình;
b) Thử nghiệm lô sản phẩm, hàng hoá;
c) Thử nghiệm mẫu điển hình, đánh giá quá trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng và giám sát mẫu thử nghiệm lấy trên thị trường;
d) Thử nghiệm mẫu điển hình, đánh giá quá trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng và giám sát mẫu thử nghiệm lấy tại cơ sở sản xuất;
đ) Thử nghiệm mẫu điển hình, đánh giá quá trình sản xuất, hệ thống chất lượng và giám sát mẫu thử nghiệm lấy tại cơ sở sản xuất, trên thị trường;
e) Thử nghiệm mẫu điển hình, đánh giá quá trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng và giám sát hệ thống quản lý chất lượng, mẫu thử nghiệm lấy tại cơ sở sản xuất, trên thị trường;
g) Đánh giá và giám sát quá trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định nội dung chi tiết các loại hình đánh giá sự phù hợp.
3. Căn cứ yêu cầu quản lý, Bộ quản lý chuyên ngành quy định loại hình đánh giá sự phù hợp tương ứng với sản phẩm cụ thể.
Điều 18. Tổ chức chứng nhận
1. Tổ chức chứng nhận phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
2. Tổ chức chứng nhận thực hiện đánh giá sản phẩm thuộc nhóm 2 và nhóm 3 do Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định và quản lý hoạt động.
Điều 19. Dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy
1. Dấu hợp chuẩn, cách thức thể hiện dấu hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận quy định.
2. Dấu hợp quy, cách thức thể hiện dấu hợp quy do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
3. Nhà sản xuất tự thực hiện việc thể hiện dấu hợp chuẩn, hợp quy.
Điều 20. Điều kiện của sản phẩm được đưa ra thị trường
1. Sản phẩm đã được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy.
2. Sản phẩm phải thể hiện dấu hợp quy, ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
3. Đối với sản phẩm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 16 của Luật này, nhà sản xuất không phải công bố tiêu chuẩn áp dụng nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật.
Đối với sản phẩm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm.
Mục 2
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 21. Hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chất lượng
1. Hàng hoá xuất khẩu phải kiểm tra chất lượng là hàng hoá có liên quan đến lợi ích quốc gia theo các tiêu chí sau đây:
a) Có kim ngạch xuất khẩu lớn;
b) Có số lượng lớn lao động tham gia sản xuất hàng xuất khẩu;
c) Là hàng xuất khẩu nhạy cảm đối với một số thị trường quan trọng.
2. Chính phủ quy định việc ban hành danh mục hàng hoá xuất khẩu phải kiểm tra chất lượng.
Điều 22. Hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng
Hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng là hàng hoá thuộc nhóm 2 và nhóm 3.
Điều 23. Cơ quan kiểm tra
1. Cơ quan kiểm tra là cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 24. Nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu
Bộ quản lý chuyên ngành quy định chi tiết nội dung kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu thuộc danh mục quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này.
Điều 25. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu
1. Cơ quan kiểm tra tiếp nhận hồ sơ hàng hoá nhập khẩu của nhà nhập khẩu, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:
a) Nếu hồ sơ đã có chứng chỉ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được thừa nhận theo các hiệp định, thoả thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc có kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm được chỉ định đạt yêu cầu thì cơ quan kiểm tra xác nhận hàng hoá đáp ứng yêu cầu chất lượng để nhà nhập khẩu làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá với cơ quan hải quan;
b) Nếu hồ sơ chưa có chứng chỉ chất lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cơ quan kiểm tra yêu cầu nhà nhập khẩu bổ sung chứng chỉ chất lượng.
Trường hợp nhà nhập khẩu không bổ sung được chứng chỉ chất lượng theo quy định, cơ quan kiểm tra yêu cầu nhà nhập khẩu thử nghiệm mẫu hàng hoá. Nhà nhập khẩu được quyền lựa chọn tổ chức thử nghiệm được chỉ định phù hợp với yêu cầu thử nghiệm chất lượng hàng hoá.
c) Nếu kết quả thử nghiệm không đạt yêu cầu, cơ quan kiểm tra báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tuỳ theo mức độ vi phạm các yêu cầu quản lý chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc tái chế hàng hoá hoặc buộc tái xuất hoặc buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm, đồng thời thông báo cho cơ quan hải quan để phối hợp xử lý và nhà nhập khẩu biết để thực hiện.
d) Trong trường hợp được tái chế hàng hoá, nhà nhập khẩu chỉ được đưa hàng hoá đã tái chế ra thị trường sau khi có quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 26. Tổ chức thử nghiệm
1.Tổ chức thử nghiệm chất lượng hàng hóa là tổ chức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
2. Tổ chức thử nghiệm được chỉ định phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có đủ năng lực thử nghiệm phù hợp với yêu cầu kiểm tra hàng hóa;
b) Không có liên quan về lợi ích với tổ chức, cá nhân có hàng hóa bị kiểm tra.
3. Tổ chức thử nghiệm phải đưa ra kết quả thử nghiệm khách quan, công bằng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thử nghiệm của mình.
Điều 27. Phí, lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
1. Nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu phải nộp phí, lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hoá.
2. Bộ Tài chính quy định mức, việc thu và quản lý phí, lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hoá.
Điều 28. Điều kiện của hàng hoá nhập khẩu đưa ra thị trường
1. Hàng hoá nhập khẩu phải ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
2. Hàng hoá nhập khẩu thuộc nhóm 2 và nhóm 3 chỉ được đưa vào lưu thông trên thị trường khi đã được kiểm tra chất lượng theo quy định tại Điều 25 của Luật này và đã được thể hiện dấu hợp quy.
Mục 3
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ TRÊN THỊ TRƯỜNG
Điều 29. Nội dung kiểm tra
1. Việc đáp ứng điều kiện đưa hàng hóa ra thị trường.
2. Trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải kiểm tra các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
3. Theo nội dung khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về chất lượng hàng hóa.
Điều 30. Hình thức kiểm tra
1. Theo kế hoạch.
2. Đột xuất khi có khiếu nại, tố cáo, dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu quản lý.
Điều 31. Cơ quan kiểm tra
1. Cơ quan kiểm tra là cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan khác có liên quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường theo quy định của Chính phủ.
Điều 32. Trình tự, thủ tục kiểm tra
1. Cơ quan kiểm tra quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
2. Cơ quan kiểm tra thông báo cho tổ chức, cá nhân bị kiểm tra.
3. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo nội dung của quyết định kiểm tra.
4. Trong trường hợp cần thiết, đoàn kiểm tra lấy mẫu hàng hóa để thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định.
5. Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra.
6. Cơ quan kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra.
7. Cơ quan kiểm tra quyết định xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm.
Điều 33. Biện pháp xử lý đối với hàng hóa không phù hợp
1. Cơ quan kiểm tra thông báo công khai mức độ không phù hợp của hàng hóa.
2. Tùy theo mức độ không phù hợp của hàng hóa với yêu cầu về chất lượng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định một trong các biện pháp sau:
a) Yêu cầu sửa chữa, tái chế hàng hóa;
b) Yêu cầu thu hồi hàng hóa;
c) Đình chỉ lưu thông hàng hóa;
d) Đình chỉ sản xuất.
3. Chính phủ quy định thẩm quyền và biện pháp xử lý quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 34. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm
Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm để kiểm tra chất lượng hàng hoá trên thị trường được quy định như sau:
1. Trường hợp nhà sản xuất, người bán hàng vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa do nhà sản xuất, người bán hàng chi trả;
2. Trường hợp nhà sản xuất, người bán hàng không vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định như sau:
a) Cơ quan kiểm tra quyết định việc lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chi trả. Chi phí này được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động của cơ quan kiểm tra;
b) Tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo chi trả.
Điều 35. Tổ chức thử nghiệm
1. Tổ chức thử nghiệm là tổ chức được quy định tại Điều 26 của Luật này.
2. Tổ chức thử nghiệm chỉ cung cấp kết quả thử nghiệm cho cơ quan kiểm tra.
Điều 36. Phí thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Bộ Tài chính quy định mức, việc thu và quản lý phí thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Chương IV
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Mục 1
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH
Điều 37. Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
1. Quyết định về chất lượng của sản phẩm, hàng hoá.
2. Quyết định về việc tổ chức và các biện pháp kiểm soát nội bộ về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Luật này.
4. Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các loại dấu khác cho sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Nghĩa vụ của nhà sản xuất
1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
2. Cung cấp thông tin về mức độ an toàn của sản phẩm; cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người sử dụng.
3. Thông báo yêu cầu về vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
4. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
5. Bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua.
6. Kịp thời ngừng sản xuất và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc có khả năng gây mất an toàn.
7. Thu hồi hàng hóa không an toàn.
8. Tuân thủ các quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
9. Tuân thủ quy định về quản lý chất lượng trong sản xuất quy định tại Mục 1 Chương III của Luật này.
Điều 39. Nghĩa vụ của nhà xuất khẩu
1. Tuân thủ yêu cầu về quản lý chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Tuân thủ yêu cầu về quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu quy định tại hiệp định thương mại hai bên, nhiều bên giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.
3. Trong trường hợp hàng hoá được tái nhập để tiêu dùng trong nước, nhà xuất khẩu phải thực hiện nghĩa vụ như nhà nhập khẩu quy định tại Điều 40 của Luật này.
Điều 40. Nghĩa vụ của nhà nhập khẩu
1. Chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu.
2. Tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, bảo quản để duy trì chất lượng của hàng hóa.
3. Cung cấp thông tin về mức độ an toàn của hàng hóa; khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người sử dụng.
4. Thông báo điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, bảo quản hàng hoá theo quy định của pháp luật.
5.Tái xuất hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
6. Nếu hàng hóa nhập khẩu không an toàn nhưng không tái xuất được và không thể tái chế thì nhà nhập khẩu phải tiêu hủy hàng hóa này trong thời hạn quy định, chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hoá và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hoá theo quy định của pháp luật.
7. Thu hồi hàng hóa không an toàn.
8. Tuân thủ các quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
9. Tuân thủ quy định về quản lý chất lượng trong nhập khẩu quy định tại Mục 2 Chương III của Luật này.
Điều 41. Nghĩa vụ của người bán hàng
1. Chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa do mình bán.
2. Kiểm tra chất lượng và xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa; các chứng chỉ về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu khác trên sản phẩm, hàng hoá, bao bì và trong tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hoá.
3. Tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, bảo quản hàng hóa để duy trì chất lượng.
4. Cung cấp tài liệu, thông tin về hàng hoá bị kiểm tra cho cơ quan kiểm tra.
5. Cung cấp thông tin về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa cho người mua.
6. Khi nhận được thông tin cảnh báo nguy hiểm về sản phẩm, hàng hoá từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phải kịp thời cung cấp thông tin này và cách phòng ngừa cho người mua.
7.Phải thu hồi hàng hóa không an toàn; hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thu hồi hàng hóa không an toàn quy định tại khoản 7 Điều 38 và khoản 7 Điều 40 của Luật này.
8. Thông báo cho người mua điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, bảo quản hàng hoá.
9. Tuân thủ các quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
10. Tuân thủ quy định về quản lý chất lượng hàng hoá trên thị trường quy định tại Mục 3 Chương III của Luật này.
Mục 2
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG
Điều 42. Quyền của người sử dụng
1. Được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, hàng hoá.
2. Được bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng, định lượng đã công bố hoặc không phù hợp với hợp đồng.
3. Yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa thực hiện trách nhiệm về bảo vệ quyền lợi người sử dụng.
4. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
5. Được tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 43. Nghĩa vụ của người sử dụng
1. Sử dụng hàng hóa theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người bán hàng.
2. Tuân thủ quy định về kiểm tra chất lượng hàng hoá trong quá trình sử dụng hàng hóa thuộc danh mục do Bộ quản lý chuyên ngành quy định.
3. Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng hàng hoá.
Chương V
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP,
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ CHẤT LƯỢNG
Mục 1
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ CHẤT LƯỢNG
Điều 44. Tranh chấp về chất lượng
Tranh chấp về chất lượng bao gồm:
1. Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá giữa người sử dụng với người bán hàng.
2. Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá giữa các nhà sản xuất, kinh doanh với nhau.
Điều 45. Hình thức giải quyết tranh chấp
1. Thương lượng giữa các bên tranh chấp.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thoả thuận chọn làm trung gian.
3. Giải quyết tại trọng tài hoặc toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp về chất lượng tại trọng tài hoặc toà án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng trọng tài hoặc tố tụng dân sự.
Điều 46. Thời hạn khiếu nại
Thời hạn khiếu nại về chất lượng sản phẩm, hàng hoá do các bên thoả thuận; trường hợp các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:
1. Ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành, nếu hàng hoá có bảo hành.
2. Sáu tháng, kể từ ngày bên bị khiếu nại hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 47. Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hoá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, thương mại.
Điều 48. Kiểm tra, thử nghiệm, giám định chất lượng để giải quyết tranh chấp
1. Cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp có thể chỉ định hoặc các bên đương sự có thể thoả thuận đề nghị cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hoá bị tranh chấp về chất lượng.
2. Căn cứ kiểm tra, thử nghiệm, giám định hàng hoá bị tranh chấp
a) Thoả thuận về chất lượng hàng hoá trong hợp đồng;
b) Tiêu chuẩn sản phẩm do nhà sản xuất công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm, hàng hoá trong trường hợp không có hợp đồng hoặc hợp đồng không có quy định về chất lượng hàng hoá.
Mục 2
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ CHẤT LƯỢNG
Điều 49. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Mọi thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
2. Thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế xảy ra, trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác.
Điều 50. Các loại thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo quy định gây ra
1. Hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ.
Điều 51. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải bồi thường cho người bán hàng, người sử dụng khi hàng hóa gây thiệt hại do không bảo đảm chất lượng.
2. Người bán phải sửa chữa, đổi hàng mới, nhận lại hàng hoá có khuyết tật, bồi thường thiệt hại cho người mua theo thoả thuận với người mua hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
3. Sau khi đã sửa chữa, đổi hàng mới, nhận lại hàng hoá có khuyết tật và bồi thường cho người mua, người bán có quyền đòi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cung cấp hàng hoá phải bồi thường cho mình.
4. Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật này.
Điều 52. Các trường hợp không phải bồi thường
1. Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không phải bồi thường thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sản phẩm, hàng hoá không có khuyết tật tại thời điểm được đưa vào lưu thông;
b) Đã gửi thông báo thu hồi hàng hoá có khuyết tật đến người bán trước thời điểm hàng hoá được bán;
c) Sản phẩm không để bán hoặc phân phối nhằm thu lợi dưới bất kỳ hình thức nào;
d) Sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do tuân theo các quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Trình độ khoa học, kỹ thuật chưa đủ để phát hiện khuyết tật của sản phẩm tại thời điểm hàng hoá được đưa ra thị trường;
e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán.
2. Người bán không phải bồi thường cho người mua nếu thiệt hại phát sinh do lỗi của người sử dụng hoặc đã quá thời hạn khiếu nại, khởi kiện.
Điều 53. Trả tiền phạt, bồi thường thiệt hại do cung cấp kết quả sai
1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp cung cấp kết quả sai thì bị xử lý như sau:
a) Trường hợp do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần phí đánh giá; trường hợp các bên không thoả thuận được thì mức phạt do trọng tài hoặc toà án quyết định nhưng không vượt quá mười lần phí đánh giá.
b) Trường hợp do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh.
2. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được thử nghiệm, chứng nhận, kiểm tra có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức được chỉ định.
Chương VI
THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Điều 54. Thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hoá là thanh tra chuyên ngành.
2. Việc thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Điều 55. Hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá bao gồm:
a) Sản xuất sản phẩm, bán hàng hóa có chất lượng thấp hơn mức của tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;
b) Sản xuất sản phẩm, bán hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, bán hàng hoá quá hạn sử dụng;
c) Xuất khẩu, nhập khẩu, bán hàng hoá không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;
d) Vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hoá;
đ) Giả mạo nhãn hàng hoá, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác của sản phẩm, hàng hóa;
e) Sản xuất, nhập khẩu, bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa;
g) Cung cấp thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa về xuất xứ hàng hóa;
h) Giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
i) Vi phạm các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;
k) Lợi dụng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cản trở sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân;
l) Lợi dụng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để gây phương hại cho lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
m) Các vi phạm khác về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này và hình thức xử lý vi phạm.
Điều 56. Xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 57. Khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền mà mình cho là trái pháp luật hoặc về hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình về hoạt động trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Điều 58. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 59. Khởi kiện hành chính
Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước, công chức ra toà án về quyết định hành chính, về hành vi trái pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Chương VII
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM,
HÀNG HOÁ
Điều 60. Trách nhiệm của Chính phủ
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi cả nước.
Điều 61. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, có trách nhiệm:
1. Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm của nền kinh tế quốc dân.
3. Chủ trì phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa trên thị trường.
4. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong cả nước.
5. Chủ trì tổ chức đánh giá, đề xuất các hình thức tôn vinh, khen thưởng cấp quốc gia đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về hoạt động chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn tiêu chí, điều kiện khen thưởng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các Bộ, ngành, địa phương.
6. Phổ biến pháp luật, đào tạo, phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin về chất lượng và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho tổ chức, cá nhân.
7. Tổ chức quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa theo sự phân công của Chính phủ.
8. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
9. Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Điều 62. Trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành
Chính phủ phân công trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các Bộ quản lý chuyên ngành.
Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm:
1. Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
2. Xây dựng ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; quy định cơ chế, biện pháp và phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
4. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hoá thuộc Bộ.
5. Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
6. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
7. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
8. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp.
Điều 63. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh.
2. Tổ chức thực hiện quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo phân cấp quản lý.
3. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hoá của địa phương.
4. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn.
5. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
6. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 64. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24 tháng 12 năm 1999 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Các quy định trước đây trái với quy định của Luật này đều bị bãi bỏ.
Điều 65. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
_______________________________________________________________________
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 2
Cơ quan soạn thảo Bộ Khoa học và Công nghệ
Loại tài liệu Luật
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.