Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngày đăng: 15:17 18-06-2009 | 1980 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số: /20... /QH12

Dự thảo[4]

LUẬT

CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật Các tổ chức tín dụng.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động,kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc mở, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài và của tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với các đối tượng sau:

1. Tổ chức tín dụng.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng.

4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể của các tổ chức tín dụng; việc mở, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng.

Điều 3. Áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, điều ước quốc tế và các Luật có liên quan

1. Việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể của tổ chức tín dụng; việc mở, tổ chức, quản lý và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Trường hợp Luật này và Luật khác có quy định khác nhau về thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể của tổ chức tín dụng; việc mở, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng thì áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; những nội dung về thành lập, tổ chức, quản lý mà Luật này không quy định thì các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã sẽ được áp dụng.

3. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

4. Các bên tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế gồm:

a) Các tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại quốc tế phát hành;

b) Các tập quán thương mại quốc tế khác không trái với pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp có hoạt động chủ yếu và thường xuyên là thực hiện một, một số hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

2. Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã và các loại hình ngân hàng khác.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định tại Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

4. Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật này với mục đích chủ yếu là thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ.

5. Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

6. Ngân hàng hợp tác xã là loại hình ngân hàng do các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

7. Tổ chức tín dụng nước ngoài là tổ chức tín dụng được thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài.

Tổ chức tín dụng nước ngoài được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài.

Ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là loại hình ngân hàng thương mại theo quy định tại Luật này. Công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài là loại hình công ty tài chính theo quy định của Luật này. Công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài là loại hình công ty cho thuê tài chính theo quy định của Luật này.

8. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

9. Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các quỹ dự trữ, một số tài sản “Nợ” khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

10. Giấy phép bao gồm Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy phép mở văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước cấp.

11. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một trong các nghiệp vụ sau đây dưới mọi hình thức:

a) Nhận tiền gửi;

b) Cấp tín dụng;

c) Cung ứng dịch vụ thanh toán.

12. Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của cá nhân, tổ chức dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

13. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để cá nhân, tổ chức sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

14. Cung ứng dịch vụ thanh toán là việc cung ứng phương tiện thanh toán; làm trung gian thực hiện giao dịch thanh toán cho khách hàng thông qua việc chuyển khoản, chuyển tiền; thực hiện thu hộ, chi hộ, thanh toán bù trừ và các dịch vụ thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

15. Phát hành giấy tờ có giá là hoạt động huy động vốn dưới hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu.

16. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

17. Cho thuê tài chính là hình thức cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính giữa bên cho thuê và bên thuê theo các điều kiện quy định tại Điều 113 Luật này.

18. Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

19. Bảo lãnh ngân hàng là cam kết bằng văn bản của tổ chức tín dụng với bên có quyền về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay.

20. Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

21. Tái chiết khấu là việc mua có kỳ hạn các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

22. Môi giới tiền tệ là việc làm trung gian thu xếp thực hiện các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác, có thu phí môi giới.

23. Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.

24. Hoạt động ngân hàng điện tử là việc thực hiện các hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng qua các phương tiện điện tử.

25. Góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, bao gồm cả việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; góp vốn vào quỹ đầu tư, và uỷ thác vốn cho các tổ chức, cá nhân khác góp vốn, mua cổ phần theo các hình thức nêu trên.

26. Các khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp bao gồm:

a) Các khoản đầu tư chiếm trên 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của một doanh nghiệp;

b) Các khoản đầu tư với tỷ lệ sở hữu thấp hơn tỷ lệ quy định tại điểm a khoản này nhưng đủ để chi phối quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên.

27. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng cổ phần là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của một tổ chức tín dụng cổ phần.

28. Sở hữu gián tiếp là việc tổ chức, cá nhân sở hữu vốn điều lệ, vốn cổ phần của tổ chức tín dụng thông qua những người có liên quan hoặc thông qua uỷ thác đầu tư.

29. Thành viên độc lập của Hội đồng quản trị là thành viên Hội đồng quản trị đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật này.

30. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với một tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;

b) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại;

c) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

d) Người có quan hệ thân thuộc với nhau, gồm vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của mình và vợ, chồng của những người này;

e) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người có quan hệ thân thuộc theo quy định tại điểm d khoản này của người quản lý, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

g) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, c, d, và e khoản này với tổ chức, cá nhân uỷ quyền; các cá nhân được uỷ quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau;

h) Nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của công ty hoặc tổ chức tín dụng thông qua các cơ quan quản lý của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó.

31. Công ty liên kết của tổ chức tín dụng là công ty trong đó tổ chức tín dụng hoặc người có liên quan của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng sở hữu từ hơn 11% vốn điều lệ trở lên hoặc từ hơn 11% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, nhưng không phải là công ty con của tổ chức tín dụng đó.

32. Công ty con của tổ chức tín dụng là công ty trong đó:

a) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết; hoặc

b) Tổ chức tín dụng có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty con; hoặc

c) Tổ chức tín dụng có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con; hoặc

d) Tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát việc thông qua các nội dung của nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên của công ty con.

33. Người quản lý tổ chức tín dụng bao gồm Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định tại điều lệ của tổ chức tín dụng.

34. Người điều hành tổ chức tín dụng bao gồm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh và các chức danh điều hành khác theo quy định tại điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 5. Sử dụng các thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng

Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong các tiêu đề hoá đơn, văn bản, thông báo hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác.

Điều 6. Các hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng

1. Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần đại chúng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

4. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

5. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.

6. Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Điều 7. Quyền tự chủ hoạt động

1. Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với pháp luật.

Điều 8. Quyền hoạt động ngân hàng

1. Mọi tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một, một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

2. Không một tổ chức, cá nhân nào ngoài tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động ngân hàng.

Điều 9. Hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng

1. Các tổ chức tín dụng được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích hợp pháp của các bên.

3. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hình thức xử lý các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 10. Bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm:

1. Tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và tất cả các địa điểm giao dịch.

2. Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của mọi khoản tiền gửi.

3. Từ chối việc điều tra, phong toả, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

4. Thông báo công khai mức lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền vay, mức phí dịch vụ, mọi quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.

5. Công bố thời gian giao dịch chính thức và không được tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố. Trường hợp ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết tại nơi giao dịch chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép ngừng giao dịch quá một ngày làm việc nếu không được Ngân hàng Nhà nước cho phép, trừ trường hợp bất khả kháng.

Điều 11. Trách nhiệm phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm:

1. Không được che giấu, thực hiện bất kỳ hoạt động ngân hàng nào liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.

2. Xây dựng các quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật.

4. Hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Điều 12. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng

1. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định cụ thể tại điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng và phải là một trong số những người sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng;

b) Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.

2. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam quá 15 ngày liên tục thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Điều 13. Cung cấp thông tin

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin cho chủ tài khoản về những giao dịch và số dư trên tài khoản của chủ tài khoản theo thoả thuận với chủ tài khoản.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh và được Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin của khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trao đổi thông tin với nhau về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 14. Bảo mật thông tin

1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng và thông tin về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Điều 15. Cơ sở dữ liệu thông tin dự phòng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục.

2. Các quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng không nhận tiền gửi của cá nhân, tổ chức.

Điều 16. Mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

1. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

2. Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 17. Ngân hàng chính sách

1. Nhà nước thành lập ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

2. Các ngân hàng chính sách phải thực hiện kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; xây dựng, ban hành các quy trình nội bộ về các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện chế độ thông tin báo cáo kế toán, thống kê, hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Trên cơ sở các quy định của Luật này, Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của ngân hàng chính sách.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Uỷ ban Kinh tế gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Tổng hợp y kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật tổ chức tín dụng

Ngày nhập

18/06/2009

Đã xem

1980 lượt xem

Bản thuyết minh chi tiết

Ngày nhập

18/06/2009

Đã xem

1980 lượt xem

Tờ trình Chính phủ về Luật các TCTD

Ngày nhập

18/06/2009

Đã xem

1980 lượt xem

Dự thảo Luật các TCTD 15.6.2009

Ngày nhập

18/06/2009

Đã xem

1980 lượt xem

Báo cáo của UỶ ban Kinh tế gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự án luật TCTD

Ngày nhập

18/06/2009

Đã xem

1980 lượt xem

Bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành

Ngày nhập

18/06/2009

Đã xem

1980 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 6

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com