Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Ngày đăng: 09:22 26-06-2012 | 2147 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

LUẬT

BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật bao gồm phòng chống dịch hại tài nguyên thực vật; kiểm dịch thực vật; thuốc bảo vệ thực vật và quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo vệ thực vật là hoạt động nhằm hạn chế phát sinh, tích lũy, lan truyền hoặc không chế, diệt trừ dịch hại để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về năng suất, phẩm chất của tài nguyên thực vật do dịch hại gây ra.

2. Kiểm dịch thực vật là các hoạt động được thiết lập nhằm ngăn chặn dịch hại kiểm dịch thực vật xâm nhập hoặc lây lan.

3. Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc vi sinh vật có tác dụng: xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát dịch hại tài nguyên thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản tài nguyên thực vật; tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.

4. Tài nguyên thực vật bao gồm thực vật có ích và sản phẩm thực vật có ích.

5. Chủ tài nguyên thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý tài nguyên thực vật.

6. Sinh vật có ích là sinh vật có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật hoặc sản phẩm thực vật, bao gồm cả các tác nhân phòng trừ sinh học.

7. Dịch hại là loài, chủng hoặc dạng sinh học của thực vật, động vật hoặc vi sinh vật gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật.

8. Dịch hại kiểm dịch thực vật là dịch hại có nguy cơ gây hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm soát chính thức.

9. Dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật dịch hại không phải dịch hại kiểm dịch thực vật nhưng sự có mặt của chúng trên thực vật dùng để gieo trồng ảnh hưởng đến mục đích sử dụng với tác động kinh tế không thể chấp nhận được, phải được kiểm soát ở Việt Nam.

10. Dịch hại thuộc diện điều chỉnh bao gồm dịch hại kiểm dịch thực vật và dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật.

11. Dịch hại lạ là dịch hại chưa xác định được tên khoa học và chưa từng phát hiện ở trong nước.

12. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (dưới đây gọi tắt là vật thể kiểm dịch) gồm thực vật, sản phẩm thực vật, nơi bảo quản, bao gói, phương tiện vận chuyển, container hoặc các vật thể khác có khả năng mang theo dịch hại đều phải yêu cầu các biện pháp kiểm dịch thực vật, đặc biệt ở nơi liên quan đến vận chuyển quốc tế. 

13. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây được gọi tắt là chủ vật thể) là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc trực tiếp vận chuyển, quản lý vật thể kiểm dịch.

14. Kiểm tra vật thể kiểm dịch là việc quan sát, lấy mẫu, giám định vật thể kiểm dịch để xác định tình trạng nhiễm dịch hại hoặc sự tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật.

15. Phân tích nguy cơ dịch hại là quá trình đánh giá bằng chứng sinh học hoặc bằng chứng khoa học và kinh tế để điều chỉnh hoặc tăng cường biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một loài dịch hại.

16. Cửa khẩu là nơi diễn ra các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và qua lại biên giới quốc gia đối với vật thể kiểm dịch. Cửa khẩu có thể thiết lập ở đường bộ, ga hàng không, đường thuỷ, đường sắt liên thông với nước khác và bưu điện.

17. Vùng không nhiễm dịch hại là vùng mà ở đó có bằng chứng khoa học về việc không có mặt một loài dịch hại cụ thể và điều kiện này được bảo đảm duy trì. 

18. Giám sát dịch hại là quá trình thu thập và ghi nhận dữ liệu về sự có mặt hoặc không có mặt, mức độ phân bố và tác hại của dịch hại thông qua điều tra, theo dõi hoặc các quy trình khác.

19. Xử lý vật thể kiểm dịch là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để dịch hại thuộc diện điều chỉnh và dịch hại lạ, bao gồm: Chọn lọc, thải loại, tái chế, làm sạch, xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, điều chỉnh môi trường sống của dịch hại, trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy, tạm dừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể kiểm dịch và các biện pháp khác.

20. Thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (sau đây được gọi tắt là thuốc kỹ thuật) là sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao được dùng để sản xuất thuốc thành phẩm.

21. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm (sau đây được gọi tắt là thuốc thành phẩm) là sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng, có nhãn hàng hoá và được phép đưa vào lưu thông, sử dụng.

22. Hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là phần hoạt tính sinh học của thuốc bảo vệ thực vật.

23. Nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật là thuốc có hàm lượng hoạt chất cao, chưa được gia công, phối trộn với các dung môi, phụ gia.

24. Tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật là hoạt động làm vô hiệu, phá hủy hoặc cách ly thuốc bảo vệ thực vật nhằm mục đích hạn chế ô nhiễm môi trường.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật 

1. Trong bảo vệ tài nguyên thực vật, phòng là chính trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp và thực hành nông nghiệp tốt, kết hợp tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm trong nhân dân.

2. Trong kiểm dịch thực vật phải bảo đảm phát hiện nhanh chóng, kết luận chính xác dịch hại thuộc diện điều chỉnh và dịch hại lạ đồng thời xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của dịch hại góp phần tạo điều kiện thúc đẩy thương mại.

3. Phòng chống dịch hại tài nguyên thực vật trước hết là trách nhiệm của chủ tài nguyên thực vật. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia công tác phòng chống dịch hại tài nguyên thực vật theo quy định của pháp luật.                                                                                                                                                             

4. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và phải bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật 

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật sau đây:

a) Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo chuyên môn.

b) Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hệ thống các cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

c) Phát triển hệ thống thông tin, giám sát dịch hại.

2. Đảm bảo nguồn lực để thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Nhà nước có chính sách khuyến khích thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và các biện pháp phòng trừ khác thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

b) Quy hoạch và xây dựng các vùng không nhiễm dịch hại.

c) Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

d) Tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hại; các hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ bảo hiểm cây trồng; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nguời sản xuất.

Điều 6. Hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải phù hợp các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Ưu tiên các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về phòng chống dịch hại, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 7. Thông tin và truyền thông về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Việc thông tin và truyền thông về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm cung cấp kiến thức về các loại dịch hại, các biện pháp phòng chống dịch hại trong đó đặc biệt là các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hoạt động phòng chống dịch hại và các quy định của pháp luật có liên quan.

2.Việc thông tin và truyền thông được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, bao gồm:

 a) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

 b) Xây dựng các tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi.

 c) Tổ chức các điểm triển lãm, hội thảo, tập huấn.

 d) Tổ chức các diễn đàn để tham vấn rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 8. Hệ thống cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Hệ thống cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến địa phương.

2. Chính phủ quy định về tổ chức hệ thống cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương, địa phương và mạng lưới bảo vệ thực vật xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở)

Điều 9. Thanh tra về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1.     Thanh tra về bảo vệ và kiểm dịch thực vật là thanh tra chuyên ngành.

2. Cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra.

3. Tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Điều 10. Tổ chức xã hội nghề nghiệp về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia các hoạt động về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội, hiệp hội.

2. Tổ chức xã hội nghề nghiệp về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật để nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia vào việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 11. Hành vi bị nghiêm cấm

1. Sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định gây nguy hiểm cho người, sinh vật có ích và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

2. Cố ý không áp dụng các biện pháp ngăn chặn để dịch hại lây lan.

3. Nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng giống cây bị nhiễm dịch hại thuộc danh mục dịch hại kiểm dịch thực vật.

4. Đưa dịch hại thuộc diện điều chỉnh, dịch hại lạ còn sống, thực vật và sản phẩm thực vật cấm nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

5. Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam mà chưa được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Đưa dịch hại thuộc diện điều chỉnh còn sống đến các vùng chưa có dịch.

7. Nhân nuôi và vận chuyển trái phép dịch hại.

8. Đưa đất hoặc thực vật mang theo đất có nhiễm dịch hại vào Việt Nam.

9. Đưa thêm vật thể chưa kiểm dịch vào lô hàng đã được kiểm dịch thực vật.

10. Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hết hạn sử dụng.

11. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung đã đăng ký.

12. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định; vứt bỏ bao bì thuốc, thuốc bảo vệ thực vật thừa sau khi sử dụng không đúng nơi quy định.

13. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Tờ trình Dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Ngày nhập

26/06/2012

Đã xem

2147 lượt xem

DỰ THẢO LUẬT KIỂM DỊCH VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

Ngày nhập

26/06/2012

Đã xem

2147 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com