DỰ THẢO LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày đăng: 10:18 24-07-2009 | 1876 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Y tế
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
QUỐC HỘI Luật số: /2010 - QH12 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng năm 2010 |
DỰ THẢO NHÓM CHUYÊN GIA LẦN THỨ10 ngày 20/7/2009 |
LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Quốc hội ban hành Luật An toàn thực phẩm.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ứng phó, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.
2. Luật này áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Thực phẩm là những sản phẩm dùng cho mục đích ăn, uống, ngậm hoặc đưa vào cơ thể con người qua đường miệng hoặc đường khác ở dạng nguyên liệu tươi, sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản, trừ thuốc, các chất gây nghiện và thuốc lá.
2. An toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe và tính mạng con người.
3. Vệ sinh thực phẩm bao gồm các điều kiện và các biện pháp cần thiết đối với quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm bảo đảm sản phẩm thực phẩm an toàn, nguyên vẹn và phù hợp cho tiêu thụ của con người
4. Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến
5. Sản xuất ban đầu (Primary production): là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt.
6. Sơ chế (Primary processing): là việc thực hiện các hoạt động tiếp theo sau thu hoạch nhằm tạo ra nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm, thực phẩm tươi sống cho khâu chế biến hoặc có thể ăn ngay.
7. Chế biến thực phẩm (Food secondary processing) là quá trình xử lý nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm, thực phẩm tươi sống theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công để tạo thành nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm.
8. Kinh doanh thực phẩm là hoạt động buôn bán thực phẩm hoặc giới thiệu sản phẩm để bán dưới mọi hình thức, bao gồm cả bảo quản, vận chuyển, phân phối, lưu thông.
9. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý, xảy ra đột ngột, do hấp thụ thức phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
10. Bệnh truyền qua thực phẩm là bệnh do con người ăn phải thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh.
11. Sự cố về an toàn thực phẩm là bất cứ tình huống nào xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm và gây hại tới sức khỏe, tính mạng con người.
12. Phụ gia thực phẩm là chất có hoặc không có giá trị dinh dưỡng được chủ định đưa vào thành phần thực phẩm trong quá trình chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản nhằm mục đích công nghệ giữ nguyên hoặc cải thiện đặc tính nào đó trên sản phẩm thực phẩm.
13. Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được sử dụng một cách có chủ định trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm để hoàn thiện một mục đích công nghệ thực phẩm nào đó. Các chất này có thể được tách ra hoặc tồn dư trong thực phẩm.
14. Thực phẩm tươi sống: Thực phẩm tươi sống là những thực phẩm chưa qua chế biến như : thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm chưa qua chế biến khác (không bao gồm thực phẩm đông lạnh).
15. Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của một hay nhiều bộ phận trong cơ thể người, có thể có tác dụng dinh dưỡng hoặc không, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh;
16. Thực phẩm sử dụng công nghệ gen (gọi tắt là thực phẩm biến đổi gen) là những sản phẩm có một hoặc nhiều thành phần đã bị biến đổi do công nghệ gen nhưng không bao gồm các chất đã được quy định là phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến;
17. Thực phẩm đã qua chiếu xạ là thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp sử dụng các chất có hoạt tính phóng xạ nhằm phòng ngừa sự biến chất, hư hỏng của thực phẩm;
18. Lô sản phẩm thực phẩm là các sản phẩm có cùng tên, nhãn hiệu, cơ sở sản xuất, hạn sử dụng hoặc ngày sản xuất.
19. Hạn sử dụng là thời hạn mà thực phẩm bao gói sẵn vẫn đảm bảo được giá trị dinh dưỡng và an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn mác.
20. Chất ô nhiễm là bất kỳ chất nào không được cho thêm một cách chủ động vào thực phẩm nhưng lại xuất hiện trong thực phẩm do kết quả của quá trình sản xuất, chế biến, xử lý, bao gói, vận chuyển, lưu kho hoặc do ô nhiễm môi trường gây ra.
21. Ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện một chất ô nhiễm trong thực phẩm hoặc môi trường.
22. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
23. Thực phẩm đường phố là thực phẩm dùng để ăn, uống ngay, được bày bán trên đường phố hoặc những nơi công cộng có tính chất tương tự.
Điều 3. Áp dụng pháp luật
1. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về giống cây trồng, giống vật nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thủy sản, thú y, hóa chất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quảng cáo và ghi nhãn và pháp luật khác có liên quan.
2. Đối với các sản phẩm thực phẩm được khai thác tự nhiên và các sản phẩm đặc thù khác phải tuân thủ các nguyên tắc chung của Luật này và được điều chỉnh cụ thể bằng văn bản pháp luật khác.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm
1. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện và phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng;
2. An toàn thực phẩm được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và các tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;
3. Kiểm soát an toàn thực phẩm được thực hiện dựa trên nguyên tắc phân tích nguy cơ trong suốt chuỗi thực phẩm từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông trên thị trường đến tiêu dùng, nhập khẩu, xuất khẩu.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Khuyến khích và có lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý quá trình an toàn thực phẩm tiên tiến (GMP, GAP, GHP, HACCP...) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
2. Khuyến khích các cửa hàng thực phẩm nhỏ cải tiến các điều kiện sản xuất và khuyến khích người bán rong hoạt động trong các chợ trung tâm, các cửa hàng và các chợ cố định khác;
3. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm;
4. Khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điều 6. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng nguyên liệu không phải là thực phẩm, nguyên liệu là thực phẩm thừa để chế biến thực phẩm.
2. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3. Sản xuất, kinh doanh:
a) Thực phẩm đóng gói sẵn không có nhãn mác
b) Thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh, vi sinh vật gây bệnh, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, chất gây bẩn và các chất khác có thể gây hại cho con người vượt quá mức quy định.
c) Thực phẩm bị thiu, thối, biến chất, nhiễm chất bẩn có thể gây hại cho tính mạng, sức khỏe con người.
d) Thực phẩm có chứa chất độc hoặc nhiễm chất độc
đ) Thực phẩm nhiễm bẩn do bao gói, đồ chứa đựng không sạch, bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển
e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu.
g) Sản phẩm của gia súc, gia cầm, thủy sản chết do bị bệnh, bị ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân.
h) Thực phẩm đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấm sản xuất, kinh doanh để phòng, và kiểm soát dịch bệnh.
i) Thực phẩm chức năng, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi, vi chất dinh dưỡng bổ sung vào thực phẩm chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4. Kinh doanh thực phẩm không đáp ứng các thông tin được ghi trên nhãn sản phẩm.
5. Sử dụng phương tiện bị ô nhiễm, phương tiện đã sử dụng để vận chuyển các chất độc hại để vận chuyển thực phẩm.
6. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.
7. Che dấu, nối dối, trì hoãn hoặc cố tình phá huỷ hiện trường hoặc bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm.
8. Những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN VỀ SẢN PHẨM THỰC PHẨM
Điều 7. Điều kiện chung đối với sản phẩm thực phẩm
Sản phẩm thực phẩm phải tuân thủ theo các điều kiện bảo đảm an toàn bao gồm:
- Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng gồm giới hạn về vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, chất ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng;
- Loại phụ gia thực phẩm, phạm vi áp dụng và liều áp dụng được phép;
- Các quy định với các thành phần dinh dưỡng, chất bổ sung trong thức ăn dành cho trẻ em và các đối tượng nhạy cảm khác;
- Các quy định về bao gói và ghi nhãn sản phẩm;
- Quy định về bảo quản thực phẩm.
Điều 8. Sản phẩm thực phẩm tươi sống
1. Tuân thủ theo quy định tại Điều 7 Luật này;
2. Thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật phải có chứng nhận kiểm dịch thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường;
3. Rau quả tươi trước khi lưu thông phải được chứng nhận nguồn gốc.
Điều 9. Sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến
1. Tuân thủ theo quy định tại Điều 7 Luật này;
2. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn:
a) Bao gói thực phẩm phải nguyên vẹn, không rách, hở, móp gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bên trong;
b) Phải được chứng nhận hợp quy và đăng ký lưu hành trước khi lưu thông trên thị trường.
3. Thực phẩm đã qua chế biến không có bao gói sẵn hoặc bao gói đơn giản
a) Nhà nước khuyến khích việc bao gói đơn giản và ghi hạn sử dụng trên bao bì đối với thực phẩm chế biến để ăn ngay, có thời hạn bảo quản ngắn.
b) Sử dụng các bao bì và nguyên liệu bao bì để gói thực phẩm và các đồ dùng sạch, an toàn cho thực phẩm;
Điều 10. Phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến
1. Tuân thủ theo các quy định tại Điều 7 Luật này;
2. Phải được chứng nhận hợp quy và đăng ký lưu hành trước khi lưu thông trên thị trường;
2. Hướng dẫn sử dụng có thể ghi trực tiếp trên nhãn hoặc một tờ đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm, phải được thể hiện bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác (nếu có) theo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm;
Điều 11. Thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng
1. Tuân thủ theo các quy định tại Điều 7 Luật này;
2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm bổ sung phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó, các nguyên liệu cấu tạo nên thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng.
3. Các vi chất có thể được bổ sung vào thực phẩm bao gồm:
a) Vitamin;
b) Khoáng chất;
c) Thành phần được phép khác.
4. Các thành phần được bổ sung ở khoản 2 của Điều này phải bảo đảm không gây tổn hại đến sức khoẻ người sử dụng;
5. Các vi chất dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng phải được quy định bắt buộc bổ sung vào thực phẩm;
6. Phải được chứng nhận hợp quy và đăng ký lưu hành trước khi lưu thông trên thị trường.
Điều 12. Các loại thực phẩm đặc biệt
1. Phải tuân thủ theo quy định tại Điều 7 Luật này;
2. Thực phẩm chức năng:
a) Phải có tài liệu chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố;
b) Đối với thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường lần phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về công dụng của sản phẩm;
Bộ Y tế quy định về thử nghiệm lâm sàng và chỉ định các đơn vị được tiến hành thử nghiệm lâm sàng;
c) Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu, phải có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn;
3. Thực phẩm biến đổi gen:
a) Phải có giấy chứng nhận an toàn sinh học do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với thành phần có gen bị biến đổi;
b) Thực phẩm biến đổi gen nhập khẩu phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do của cơ quan có nhà nước có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp;
4. Thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ
a) Chỉ những thực phẩm thuộc danh mục nhóm thực phẩm được phép chiếu xạ mới được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ theo đúng liều chiếu xạ quy định. Bộ Y tế quy định danh mục nhóm thực phẩm được phép chiếu xạ, liều chiếu xạ cho từng nhóm thực phẩm và ghi nhãn hàng hoá thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ.
Điều 13. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
1. Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn theo quy định của pháp luật, không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm;
2. Có bề mặt nhẵn, không nứt vỡ, không bị ô nhiễm và ăn mòn;
3. Được chế tạo để dễ làm sạch, tẩy rửa, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn bảo quản, sử dụng và thuận lợi cho việc ghi nhãn.
Chương III
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN VỀ
SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
Mục 1
ĐIỀU KIỆN CHUNG VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN
TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
Điều 14. Điều kiện đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải:
1. Có địa điểm, diện tích, có khoảng cách an toàn đối với các nguồn độc hại và các yếu tố khác;
2. Có đầy đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói và bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; Có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiên rửa và khử trùng tay, nước sát trùng, thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại tuân thủ theo quy định của pháp luật;
3. Tuân thủ quy định của pháp luật về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đảm bảo đội ngũ nhân viên duy trì vệ sinh cá nhân, rửa tay và mặc quần áo sạch, đội mũ bảo hộ trong thời gian làm việc;
4. Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành hoặc phối hợp ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 15. Điều kiện đối với bảo quản thực phẩm
1. Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
a) Diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt , có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác;
b) Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường, bảo đảm đủ ánh sáng, có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
c. Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải được vệ sinh thường xuyên trong quá trình bảo quản;
2. Mỗi loại thực phẩm phải tuân thủ phương pháp bảo quản phù hợp với tính chất của từng loại thực phẩm và quy định của nhà sản xuất trong thời gian bảo quản.
Điều 16. Điều kiện đối với vận chuyển thực phẩm
Phương tiện vận chuyển thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ tẩy rửa sạch;
2. Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển;
3. Không vận chuyển thực phẩm cùng các hàng hoá độc hại.
Điều 17. Áp dụng hệ thống quản lý quá trình bảo đảm an toàn thực phẩm
Trên cơ sở yêu cầu đối với từng nhóm thực phẩm cụ thể và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý tiến tiến để bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của con người.
Mục 2
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN
TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM TƯƠI SỐNG
Điều 18. Điều kiện đối với sản xuất thực phẩm tươi sống
1. Bảo đảm các điều kiện an toàn về giống cây, con; sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản thực phẩm, chất kích thích tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục và các chất khác có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật;
2. Thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
3. Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường;
4 . Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu trữ hồ sơ kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm, bao gồm cả nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, vật liệu.
Điều 19. Điều kiện đối với kinh doanh thực phẩm tươi sống
1. Khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải rõ nguồn gốc, xuất xứ;
2. Dụng cụ, bao bì chứa đựng và bảo quản, vận chuyển phải bảo đảm an toàn vệ sinh;
3. Bảo đảm và duy trì an toàn vệ sinh nơi kinh doanh.
Mục 3
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN
TRONG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
Điều 20. Điều kiện đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và quy trình chế biến thực phẩm
1. Bảo đảm các điều kiện chung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người theo quy định tại Điều 14 Luật này;
2. Quy trình chế biến phải bảo đảm thực phẩm không bị ô nhiễm chéo và tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm hoặc độc hại.
Điều 21. Điều kiện đối với nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm
1. Nguyên liệu dùng trong chế biến thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật;
2. Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vi chất dinh dưỡng phải nằm trong Danh mục cho phép sử dụng.
Mục 4
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN
TRONG KINH DOANH THỰC PHẨM ĐÃ QUA CHẾ BIẾN
Điều 22. Điều kiện đối với kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn
1. Việc kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn phải tuân thủ các điều kiện chung quy định tại điều 14, 15 và 16 Luật này;
2. Kiểm tra thường xuyên thực phẩm đang bảo quản và loại bỏ kịp thời các sản phẩm bị hỏng hay quá hạn sử dụng;
3. Có thông tin về tên sản phẩm thực phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tên nhà sản xuất, địa điểm lưu kho và địa chỉ liên lạc.
Điều 23. Điều kiện đối với kinh doanh thực phẩm không bao gói
1. Có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các chất ô nhiễm khác;
2. Rửa sạch, khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng đối với các thực phẩm ăn ngay.
3. Có thông tin về tên, xuất xứ và ngày sản xuất của sản phẩm thực phẩm.
Mục 5
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN
ĐỐI VỚI THỰC PHẨM ĐƯỜNG PHỐ
Điều 24. Điều kiện đối với vị trí bày bán thực phẩm
1. Phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn ô nhiễm khác;
2. Phải được bày bán trên bàn, giá kệ cao hơn mặt đất theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Điều kiện đối với dụng cụ và con người
1. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng;
2. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm;
3. Có phương tiện che nắng, mưa, bụi bẩn và côn trùng;
4. Có đủ nước sạch dùng cho việc chế biến và vệ sinh ăn uống;
5. Người làm dịch vụ thực phẩm đường phố phải tuân thủ quy định của pháp luật về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Điều 26. Việc áp dụng các điều kiện chung về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Các quy định tại Mục 1 Chương 3 Luật này không áp dụng đối với việc kinh doanh thực phẩm đường phố.
Chương IV
THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
Điều 27. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm trừ các trường hợp sau đây:
a. Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
b. Kinh doanh thực phẩm đường phố;
c. Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
d. Các loại hình khác do Chính phủ quy định.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng điều kiện quy định tại Mục 1, Chương III Luật này và các điều kiện sau đây:
a. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Mục 2, Chương III Luật này;
b. Chế biến thực phẩm phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Mục 3, Chương III Luật này;
c. Kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các điều kiện quy đinh tại Điều 23 Mục 4 Chương III của Luật này.
Điều 28. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm
1. Cơ quan quản lý chuyên ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ tiến hành thẩm xét hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, thẩm định cơ sở và cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
2. Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 29. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm
1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp pháp);
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Bản cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh;
e) Giấy khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế;
f) Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về An toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trình tự, thủ tục cấp chứng nhận:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật này;
b) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 15 ngày phải cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở đó. Trường hợp không cấp, phải nêu rõ lý do.
Điều 30. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, chế biến/kinh doanh thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm, hết thời hạn trên cơ sở phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận;
Chương V
QUẢNG CÁO, GHI NHÃN VỀ THỰC PHẨM
Mục 1
QUẢNG CÁO THỰC PHẨM
Điều 31. Nội dung quảng cáo thực phẩm
Nội dung quảng cáo thực phẩm phải thể hiện được các thông tin sau:
1. Tên gọi và công dụng của sản phẩm
2. Thành phần chính của sản phẩm và hàm lượng
3. Tên, địa chỉ của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm
4. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản (đối với thực phẩm cần phải có sự hướng dẫn sử dụng và bảo quản);
5. Những cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có)
Điều 32. Thông báo quảng cáo thực phẩm
1. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải gửi hồ sơ thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận nội dung quảng cáo.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo, kiểm tra và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.
Mục 2
GHI NHÃN THỰC PHẨM
Điều 33. Ghi nhãn đối với thực phẩm sản xuất trong nước
1. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bao gói sẵn phải được ghi nhãn.
2. Ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, việc ghi nhãn thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh.
b) Phải thể hiện sản phẩm được chứng nhận an toàn bằng dấu hợp chuẩn hoặc dấu hợp quy.
c) Đối với phụ gia thực phẩm, trên nhãn phải ghi rõ cụm từ "Phụ gia thực phẩm" và các thông tin về phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng và cách sử dụng.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm trước khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường.
Điều 34. Ghi nhãn đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải được ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
2. Ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen hoặc nguyên liệu thực phẩm biến đổi gen được nhập khẩu để lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam còn phải khi rõ trên nhãn dòng chữ bằng tiếng Việt "Thực phẩm đã qua chiếu xạ", "Thực phẩm biến đổi gen", "Biến đổi gen" bên cạnh tên thành phần có gen bị biến đổi và ký hiệu quốc tế của loại thực phẩm đó.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể việc ghi nhãn hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này.
Chương VI
THỰC PHẨM NHẬP KHẨU VÀ XUẤT KHẨU
Mục 1
THỰC PHẨM NHẬP KHẨU
Điều 35. Điều kiện an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại Luật này và phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Phải được chứng nhận hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và đăng ký lưu hành;
b) Phải có Giấy chứng nhận về an toàn đối với quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm do tổ chức hợp pháp của nước xuất khẩu cấp;
c) Phải qua kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu và được cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm lần đầu nhập khẩu vào Việt nam mà chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng về an toàn, người nhập khẩu có trách nhiệm chứng minh thực phẩm đó an toàn đối với con người theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 36. Nguyên tắc kiểm tra nhà nước về an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Tất cả thực phẩm nhập khẩu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, trừ các loại sau:
a) Thực phẩm mang theo người để tiêu dùng cá nhân không quá số lượng phải nộp thuế nhập khẩu;
b) Thực phẩm là quà biếu nhân đạo, là hàng trong túi ngoại giao, túi lãnh sự;
c) Thực phẩm tạm nhập, tái xuất;
d) Thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu;
đ) Thực phẩm gửi kho ngoại quan;
e) Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu;
g) Thực phẩm là hàng mẫu tham gia các hội chợ được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản theo quy định của pháp luật;
h) Thực phẩm trao đổi của cư dân biên giới;
i) Thực phẩm do doanh nghiệp Việt Nam gia công cho chủ hàng nước ngoài chỉ để xuất khẩu;
k) Nguyên liệu thô phải qua tinh chế, chế biến lại;
l) Thực phẩm tươi sống, sơ chế thuộc danh mục phải kiểm dịch động vật hoặc kiểm dịch thực phẩm.
2. Thực phẩm nhập khẩu đã được xác nhận đạt yêu cầu an toàn thực phẩm do tổ chức có thẩm quyền của nước ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam trong hoạt động chứng nhận an toàn, công nhận hệ thống quản lý an toàn có thể bị kiểm tra nếu phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm;
3. Thực phẩm nhập khẩu đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, thực phẩm của tổ chức, cá nhận sản xuất, kinh doanh đã được chứng nhận có hệ thống quản lý an toàn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế được phép áp dụng tại Việt nam có thể được giảm số lần kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Điều 37. Trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo đảm các điều kiện sau:
a) Chỉ được thông quan khi có giấy đăng ký kiểm tra chất lượng thực phẩm
b) Chỉ được lưu thông khi được cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu.
2. Phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn tực phẩm nhập khẩu bao gồm:
a) Kiểm tra chặt;
b) Kiểm tra thông thường;
c) Kiểm tra giảm nhẹ;
d) Kiểm tra hồ sơ.
Mục 2
THỰC PHẨM XUẤT KHẨU
Điều 38. Điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu
1. Đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về chất lượng sản phẩm về sản phẩm và quá trình sản xuất, kinh doanh;
2. Được kiểm tra và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của nước nhập khẩu bởi tổ chức được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Điều 39. Chứng nhận đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Thực phẩm trước khi xuất khẩu phải được chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tính an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe con người;
2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu.
Chương VII
KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM
Điều 40. Điều kiện về cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm
Cơ sở kiểm nghiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm;
2. Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định, quản lý hoạt động của các cơ sở kiểm nghiệm;
3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy chế chung chỉ định các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm.
Điều 41. Lấy mẫu thực phẩm
1. Cơ quan quản lý chuyên ngành, đoàn kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm lấy mẫu kiểm nghiệm trong các trường hợp sau:
a) Kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất;
b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về an toàn thực phẩm.
2. Trường hợp kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất, đoàn kiểm tra, thanh tra phải lấy mẫu, mua mẫu theo quy định của pháp luật.
3. Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể trình tự, thủ tục lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Điều 42. Chi phí kiểm nghiệm thực phẩm
1. Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm để kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và trên thị trường do cơ quan kiểm tra, thanh tra quyết định việc lấy mẫu và kiểm nghiệm chi trả;
2. Căn cứ kết quả kiểm nghiệm, cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm kết luận tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân đó phải trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm cho cơ quan thực hiện kiểm tra, thanh tra;
3. Trường hợp thực phẩm bị khiếu nại, tố cáo về an toàn mà cơ quan kiểm tra, thanh tra kết luận việc khiếu nại, tố cáo về an toàn thực phẩm không đúng thì tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo phải trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho cơ quan kiểm tra, thanh tra và kiểm nghiệm;
4. Tổ chức, cá nhân gửi mẫu để kiểm nghiệm phải tự chi trả chi phí kiểm nghiệm mẫu theo quy định.
Chương VIII
KIỂM SOÁT NGUY CƠ Ô NHIỄM THỰC PHẨM;
ỨNG PHÓ, NGĂN CHẶN VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ
VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Mục 1
KIỂM SOÁT NGUY CƠ Ô NHIỄM THỰC PHẨM
Điều 43. Nội dung hoạt động đánh giá, quản lý và truyền thông nguy cơ
1. Hoạt động đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm gồm các nội dung sau:
a) Điều tra, xét nghiệm xác định các mối nguy ô nhiễm thực phẩm thuộc các nhóm tác nhân như: vi sinh vật; hoá học; lý học;
b) Xác định nguy cơ của các mối nguy ảnh hưởng đến sức khoẻ, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của chúng đối với sức khoẻ cộng đồng.
2. Hoạt động quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm gồm các nội dung sau:
a) Đề xuất các giải pháp hạn chế nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm;
b) Kiểm soát, phối hợp nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tập thể.
3. Hoạt động truyền thông nguy cơ ô nhiễm thực phẩm gồm các nội dung sau:
a) Truyền thông nguy cơ để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng tránh khi xảy ra các vụ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm do thực phẩm bị ô nhiễm gây ra;
b) Thông báo, dự báo nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ thực phẩm bị ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh của vật nuôi có thể truyền cho người và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Điều 44. Đối tượng và nội dung kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm
1. Đối tượng kiểm soát nguy cơ nhiễm thực phẩm gồm:
a) Sản phẩm thực phẩm nghi ngờ ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh;
b) Sản phẩm thực phẩm nhập khẩu nghi ngờ ô nhiễm;
c) Môi trường, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nghi ngờ ô nhiễm;
2. Nội dung kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm gồm:
a) Tác nhân gây ô nhiễm thực phẩm;
b) Nguy cơ thực phẩm ô nhiễm đối với sức khoẻ cộng đồng;
c) Giải pháp giảm thiểu, khắc phục ảnh hưởng của nguy cơ ô nhiễm đối với sức khoẻ cộng đồng.
Mục 2
ỨNG PHÓ KHẨN CẤP, NGĂN CHẶN
VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 45. Các biện pháp khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh truyền qua thực phẩm đều phải khai báo với cơ quan chức năng theo quy định.
2. Các biện pháp khắc phục ngộ độc thực phẩm bao gồm:
a) Phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
b) Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc. Bệnh truyền qua thực phẩm gây dịch thì thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Truy nguyên nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm, điều tra, xác định vi phạm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.
c) Đình chỉ sản xuất, kinh doanh hoặc thu hồi thực phẩm gây ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm đang lưu thông trên thị trường.
d) Thông báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
đ) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Điều 46. Ứng phó với tình trạng khẩn cấp về an toàn thực phẩm
1. Uỷ ban nhân dân các cấp phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp về an toàn thực phẩm.
2. Kế hoạch ứng phó khẩn cấp phải được xây dựng trên cơ sở phân tích một cách khoa học về những sự kiện đã, đang và sẽ xảy ra trong tương lai.
Điều 47. Ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu liên quan đến sự cố an toàn thực phẩm để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm ở địa phương.
3. Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch phòng ngừa đối với những sự cố về an toàn thực phẩm ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam nhằm giảm thiểu các mối nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng của người dân.
Điều 48. Khắc phục sự cố về an toàn thực thực phẩm
1. Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quốc gia về khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm trong nước;
2. Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố về an toàn thựuc phẩm trong phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và Kế hoạch của cơ quan cấp trên;
3. Người đứng đầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch khắc phục riêng đối với sự cố an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý.
Mục 3
TRUY NGUYÊN NGUỒN GỐC, THU HỒI VÀ XỬ LÝ ĐỐI VỚI
THỰC PHẨM KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN
Điều 49. Truy nguyên nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn
1. Tổ chức, cá nhân phải truy nguyên nguồn gốc thực phẩm thực hiện các yêu cầu sau:
a) Xác định, thông báo lô sản phẩm vi phạm căn cứ vào mã số ghi trên nhãn sản phẩm và hồ sơ lưu;
b) Yêu cầu các đại lý báo cáo số lượng sản phẩm của từng lô vi phạm, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường;
c) Tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm vi phạm, địa chỉ các đại lý, kế hoạch thu hồi và biện pháp xử lý.
2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong truy nguyên nguồn gốc thực phẩm:
a) Kiểm tra, thanh tra việc thu hồi, xử lý vi phạm;
b) Quy định thời hạn hoàn thành việc thu hồi, xử lý theo cấp độ thu hồi;
c) Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; công bố thông tin theo quy định của pháp luật về sản phẩm bị thu hồi.
3. Bộ Y tế quy định chi tiết về quy chế đình chỉ, thu hồi sản phẩm vi phạm.
Điều 50. Thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn
1. Các sản phẩm là đối tượng thu hồi:
a) Sản phẩm hết hạn sử dụng,
b) Sản phẩm không đạt các yêu cầu kỹ thuật đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quy định bắt buộc áp dụng;
c) Sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành;
d) Sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bảo quản;
đ) Sản phẩm quảng cáo sai quy định của pháp luật;
e) Sản phẩm có liên quan tự sinh ra hoặc cố tình thêm vào trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm bị cấm sử dụng;
g) Sản phẩm nhập khẩu không qua kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm và chưa được cấp chứng nhận lưu hành tự do đã đưa vào lưu thông, sử dụng.
h) Sản phẩm đã nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác, hoặc các tổ chức quốc tế thông báo có ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
2. Hình thức thu hồi:
a) Thu hồi tự nguyện do doanh nghiệp tự phát hiện, thu hồi sản phẩm không phù hợp;
b) Thu hồi bắt buộc: Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp thu hồi đối với các sản phẩm đã xác định vi phạm hoặc nghi ngờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, cộng đồng.
3. Mức độ thu hồi:
a) Thu hồi lô sản phẩm được áp dụng khi xác định được chính xác lô sản xuất căn cứ một hoặc kết hợp các nội dung sau: ngày sản xuất; số lô sản xuất; hạn sử dụng;
b) Thu hồi loại sản phẩm (tất cả các sản phẩm cùng loại có cùng nhãn hiệu, cùng nơi sản xuất đang lưu thông trên thị trường) được áp dụng khi có cơ sở xác định sản phẩm vi phạm là phổ biến hoặc có nguy cơ trong sản xuất, công nghệ không thể khắc phục, sửa chữa được.
4. Cấp độ thu hồi (mức khẩn cấp) theo ba cấp độ sau:
a) Cấp độ 1 (cấp 1) trong vòng 7 ngày đối với sản phẩm vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc có thể gây tử vong;
b) Cấp độ 2 (cấp 2) trong vòng 15 ngày: Đối với sản phẩm vi phạm gây tác hại tạm thời hoặc tức thì đối với sức khoẻ nhưng không nghiêm trọng;
c) Cấp độ 3 (cấp 3) trong vòng 30 ngày: Đối với sản phẩm ở mức nghi ngờ không an toàn.
5. Cưỡng chế thu hồi:
a) Doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm đã nhận được Quyết định đình chỉ, thu hồi của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị cưỡng chế thu hồi nếu quá thời hạn thu hồi vẫn chưa thực hiện thu hồi sản phẩm;
b) Tịch thu và áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác khi một tổ chức, cá nhân từ chối thực hiện quyết định đình chỉ, thu hồi hoặc cơ quan có thẩm quyền có lý do cho rằng quyết định thu hồi không có hiệu quả hoặc phát hiện ra việc vi phạm vẫn đang tiếp diễn;
c) Doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức các biện pháp cưỡng chế thu hồi.
6. Trách nhiệm thu hồi và xử lý:
a) Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý theo quy định đối với sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh;
b) Trong trường hợp khẩn cấp hoặc có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tổ chức thu hồi sản phẩm;
c) Doanh nghiệp chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm bị thu hồi;
d) Báo cáo kết quả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 51. Xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn
1. Các hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn bao gồm:
a) Tái chế
b) Chuyển mục đích sử dụng
c) Tiêu hủy
d) Khắc phục lỗi ghi nhãn sai
đ) Tái xuất
e) Tịch thu
2. Đối với thực phẩm nhập lậu, thực phẩm là hàng giả, hàng nhái phải được tiến hành kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm và tùy vào số lượng để áp dụng biện pháp xử lý cụ thể.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Chương IX
THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 52 . Mục đích, yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Thông tin, giáo dục, tryền thông về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản suất, kinh doanh, sinh hoạt, ăn uống lạc hậu, gây mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người.
2. Việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chính xác, kịp thời, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;
b) Phù hợp với truyền thống, văn hoá, bản sắc dân tộc, tôn giáo, đạo đức xã hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán;
c) Phù hợp với từng loại đối tượng được tuyên truyền
Điều 53 . Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm.
2. Kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; các chương trình kiểm soát tiên tiến về an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan.
3. Nguyên nhân, cách nhận biết nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các biện pháp phòng, chống mất an toàn thực phẩm; các mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
4. Hậu quả của mất an toàn thực phẩm đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm .
6. Các nội dung khác có liên quan đến an toàn thực phẩm.
Điều 54. Đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm.
2. Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho các đối tượng sau đây:
a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống;
b) Người quản lý, điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Người tiêu dùng thực phẩm.
Điều 55. Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Thực hiện trực tiếp.
2. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
4. Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá quần chúng khác.
Điều 56. Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông kiến thức về an toàn thực phẩm.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan cung cấp chính xác và khoa học các thông tin về an toàn thực phẩm.
3. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm, lồng ghép chương trình an toàn thực phẩm với các chương trình thông tin, truyền thông khác.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng nội dung giáo dục an toàn thực phẩm kết hợp với các nội dung giáo dục khác.
5. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn địa phương.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
Chương X
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 57. Nội dung quản lý nhà nước
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về an toàn thực phẩm;
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm;
3. Quản lý hệ thống kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm;
4. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm;
5. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm;
6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm;
7. Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm;
8. Hợp tác quốc tế về an toàn thực phẩm.
Điều 58. Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước;
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
3. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các bộ, ngành khác có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Điều 59. Phạm vi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của bộ, cơ quan ngang bộ
1. Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với quá trình chế biến, kinh doanh thực phẩm trong nước; sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến trong nước và nhập khẩu;
2. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống trong nước; sản phẩm thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và nhập khẩu;
3. Bộ Công thương chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong quá trình sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường;
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
CHƯƠNG XI
THANH TRA, KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM
MỤC 1
THANH TRA AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 60. Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm
1. Thanh tra an toàn thực phẩm do thanh tra chuyên ngành của ngành y tế và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện;
2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật này do Chính phủ quy định;
Căn cứ vào yêu cầu thực tế, Chính phủ quyết định việc thành lập tổ chức thanh tra an toàn thực phẩm quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 61. Thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm thuộc ngành y tế
1. Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc ngành y tế thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế.
2. Nội dung thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thuộc ngành y tế bao gồm:
a) Việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng đối với thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu được lưu thông trên thị trường, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 62 Luật này;
b) Việc áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, tuân thủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62 Luật này;
c) Hoạt động quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế;
d) Hoạt động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Điều 62. Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Nội dung thanh tra về an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn:
a) Việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng đối với thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và nhập khẩu;
b) Việc áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, tuân thủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống và sản xuất ban đầu, sơ chế thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;
c) Tồn dư thuốc thú ý, hóa chất bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại và các tác nhân gây bệnh cho động vật, thực vật trong muối, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản trước khi thu hoạch, trong sơ chế, kinh doanh thực phẩm tươi sống; kiểm soát giết mổ động vật và vệ sinh thú y;
d) Các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở, vùng nuôi trồng thuỷ sản, thu hoạch, thu mua, vận chuyển, bảo quản, sơ chế nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối;
đ) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với muối, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản nhập khẩu và sản xuất trong nước để chế biến, xuất khẩu trước khi đưa ra tiêu thụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Điều 63. Thanh tra an toàn thực phẩm liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ , ngành khác.
1. Thanh tra an toàn thực phẩm đối với những vấn đề liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành nào do thành tra chuyên ngành của bộ, ngành đó thực hiện;
2. Trong trường hợp vấn đề an toàn thực phẩm có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành thì việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thủ trưởng Bộ, ngành nơi tiếp nhận vụ việc quyết định và chủ trì tổ chức thực hiện.
Điều 64. Thanh tra viên chuyên ngành an toàn thực phẩm
1. Thanh tra viên là công chức nhà nước, được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra an toàn thực phẩm. Các công chức chuyên môn về an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm làm thanh tra viên kiêm nhiệm;
2. Thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật;
3. Thanh tra viên được tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ thanh tra viên và hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật;
4. Ngoài những quy định chung về tiêu chuẩn của thanh tra viên theo quy định của pháp luật về thanh tra, thanh tra viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác phù hợp với ngành, lĩnh vực do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Điều 65. Cộng tác viên thanh tra an toàn thực phẩm
1. Cộng tác viên thanh tra là người được Chánh Thanh tra các cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền trưng tập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra;
2. Cộng tác viên thanh tra phải có phẩm chất chính trị tốt; có ý thức trách nhiệm, trung thực, khách quan, công minh; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra;
3. Cộng tác viên được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra và các văn bản pháp luật khác liên quan.
MỤC 2
KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 66. Trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của mình theo quy định tại Điều 59 Luật này;
2. Trong trường hợp việc kiểm tra về an toàn thực phẩm có liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành hoặc địa phương, cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan thuộc các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để thực hiện.
3. Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc:
a) Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử;
b) Bảo vệ bí mật các thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức;
c) Không được hạch sách, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra và các kết luận có liên quan.
4. Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm do các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện trong phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Điều 67. Nội dung kiểm tra về an toàn thực phẩm
Nội dung kiểm tra về an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định tại các điều 61, 62 và 63 Luật này.
Điều 68. Quyền hạn trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm
Khi kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có các quyền sau đây:
1. Quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoặc phân công cán bộ công chức thuộc cơ quan mình thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về an toàn thực phẩm;
2. Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm;
3. Tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn;
4. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định của đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, hành vi của thành viên đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 69. Nhiệm vụ trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có các nhiệm vụ sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm hằng quý, năm trình cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về an toàn thực phẩm xem xét, phê duyệt;
2. Xác định loại thực phẩm cụ thể để tiến hành kiểm tra an toàn phẩm định kỳ hoặc đột xuất;
3. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu; xác nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu.
Điều 70. Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
1. Đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quyết định thành lập trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp trên phê duyệt hoặc trong trường hợp cần phải kiểm tra đột xuất;
2. Trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm xuất trình các giấy tờ, tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm;
b) Lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm khi cần thiết;
c) Niêm phong thực phẩm không bảo đảm an toàn;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực hiện ngay biện pháp khắc phục về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
đ) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
e) Bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật này khi tiến hành kiểm tra;
g) Báo cáo chính xác và kịp thời kết quả kiểm tra cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Chương XII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 71. Điều khoản chuyển tiếp
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày Luật này có hiệu lực phải làm các thủ tục để xin đổi tên thành Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 72. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực từ ngày ..... tháng...... năm 2011.
Bãi bỏ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003.
Điều 73. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ và các cơ quan khác có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm 2010.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Y tế
Loại tài liệu Luật
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.