Theo dõi (0)

Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 của Quốc hội

Ngày đăng: 09:55 31-10-2006 | 1969 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ủy ban thường vụ Quốc hội

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

TỜ TRÌNH QUỐC HỘI

VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

NĂM 2007

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

 

Tại phiên họp thứ 44 (tháng 10 năm 2006), trên cơ sở Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 14 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ, đề nghị của các cơ quan, tổ chức có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, Báo cáo thẩm tra số 1937/UBPL11 ngày 12 tháng 10 năm 2006 của Uỷ ban pháp luật và ý kiến của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và quyết định dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 như sau:

 

I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2006

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, Quốc hội dự kiến  xem xét, thông qua 25 luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến về 25 dự án; Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 10 pháp lệnh và 01 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2006), Quốc hội đã thông qua 10 luật, 01 nghị quyết (trong đó có 4 dự án được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội); xem xét, cho ý kiến về 13 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 11 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Trong số các dự án còn lại thuộc Chương trình năm 2006 có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, Bộ luật thi hành án, Luật về hội đã được Quốc hội cho ý kiến, nhưng do cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ hơn một số nội dung nên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị được lùi thời gian trình Quốc hội xem xét, thông qua; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ, Chính phủ đề nghị chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 để có thời gian nghiên cứu, tổng kết sửa đổi một cách toàn diện; dự án Luật đăng ký bất động sản do còn có ý kiến khác nhau nên trước mắt xin được rút khỏi Chương trình năm 2006; các dự án khác là Luật bảo hiểm y tế, Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật tố cáo và giải quyết tố cáo, Luật công vụ, Luật trưng cầu ý dân dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ đề nghị được chuyển sang Chương trình năm 2007 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Về các dự án pháp lệnh, quán triệt quan điểm chỉ đạo về việc tăng cường ban hành các đạo luật, giảm dần các pháp lệnh nên hầu hết các dự án pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 chưa thông qua năm 2005 được xây dựng thành các dự án luật và Quốc hội đã xem xét, thông qua trong năm 2006, như Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật trợ giúp pháp lý, Luật đấu thầu, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).... Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động được xây dựng thay thế cho dự án Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ đình công, dự án Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được xây dựng từ dự án Pháp lệnh về hiến, lấy ghép mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người, dự án Luật công chứng được xây dựng từ Pháp lệnh công chứng sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 này. Các dự án Pháp lệnh tương trợ tư pháp, Pháp lệnh kế hoạch hóa, Pháp lệnh đầu tư xây dựng cơ bản được xây dựng thành các luật tương ứng và đang được gấp rút chuẩn bị để trình Quốc hội. Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh lãnh sự và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được đề nghị xây dựng thành một dự án chung là Luật về cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Ngoài các dự án pháp lệnh được chuyển thành luật nói trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua được 01 pháp lệnh và một số nghị quyết khác có quy phạm pháp luật. Dự kiến từ nay đến hết năm 2006, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ thông qua một số dự án pháp lệnh và cho ý kiến một số dự án pháp lệnh khác để chuẩn bị thông qua vào các tháng tiếp theo.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, hoạt động xây dựng pháp luật trong năm 2006 đã tiếp tục phát huy được những kết quả tích cực của năm trước. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã vừa làm, vừa tiếp tục cải tiến, điều chỉnh quy trình để tổ chức công việc cho phù hợp hơn, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp tục phát huy vai trò chủ động của mình trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Các cơ quan tham gia vào quá trình chuẩn bị văn bản đã có sự phối hợp ngày càng tốt hơn. Về cơ bản công tác xây dựng pháp luật đã kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là chương trình xây dựng pháp lệnh. Ngoài nguyên nhân do nhiều dự án pháp lệnh được xây dựng thành luật thì còn nguyên nhân khác là do việc chuẩn bị các dự án chậm, không theo đúng tiến độ chương trình làm việc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra dự án dẫn đến việc xem xét, thông qua gặp nhiều khó khăn. Chất lượng chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nên phải mất nhiều thời gian cho việc xem xét, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản. Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được chuẩn bị chu đáo để trình đồng thời với các dự án luật, pháp lệnh làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả thi hành luật, pháp lệnh .

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng như của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan song để hoàn thành chương trình, mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy cần phải tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là việc chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm thời gian và nâng cao chất lượng dự thảo. Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cần nâng cao hơn nữa tính chủ động và bảo đảm sự độc lập trong quá trình thẩm tra dự án để nắm sâu vấn đề, kịp thời tham mưu cho Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các chính sách, quan điểm, tư tưởng được thể hiện trong các luật, pháp lệnh; phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời, cần tiếp tục huy động tối đa sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, trước hết là đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các nhà chuyên môn vào quá trình xây dựng pháp luật trong thời gian giữa hai kỳ họp và tại kỳ họp Quốc hội.

 

II- VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2007

A- Định hướng cơ bản cho việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007:

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 phải quán triệt một số định hướng cơ bản sau đây:

            1. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, các nghị quyết của Ban chấp hành trung ương, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;

2. Chú trọng xây dựng và ban hành các đạo luật phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân;

3. Ưu tiên đưa vào Chương trình những dự án còn lại thuộc Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI đã được chuẩn bị tương đối kỹ và một số dự án có yêu cầu bức xúc, được cơ quan, tổ chức đề nghị đưa vào Chương trình thuyết minh rõ về dự án; đồng thời phải bảo đảm tính khả thi của Chương trình.

            B- Dự kiến Chương trình:

Trong năm 2007 dự kiến sẽ có 3 kỳ họp Quốc hội: kỳ họp đầu năm (kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XI), kỳ họp giữa năm (kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới) và kỳ họp cuối năm. Trong 3 kỳ họp này, kỳ họp đầu năm, Quốc hội phải tập trung cho nội dung tổng kết nhiệm kỳ khoá XI và chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, các cơ quan hữu quan cũng phải dành nhiều thời gian cho công tác này; kỳ họp giữa năm, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII, Quốc hội phải tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự nên sẽ có ít thời gian dành cho các công việc khác; kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội tập trung xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét báo cáo công tác của các cơ quan hữu quan đồng thời dành thời gian hợp lý cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, thời gian giữa hai kỳ họp thứ 10 và thứ 11 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XI và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XII là quá ngắn, nên thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật không được nhiều và khó có thể tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án luật

Căn cứ vào tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật năm 2007 và dự kiến tình hình hoạt động của Quốc hội năm 2007; trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật, đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 như sau:

 

CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH THỨC

 

I. CÁC DỰ ÁN LUẬT:

1. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XI (dự kiến vào tháng 3-2007):

a) Trình Quốc hội thông qua: 2 dự án luật

1.            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội;

2.            Luật tương trợ tư pháp.

b) Trình Quốc hội cho ý kiến: 2 dự án luật

1.            Luật hoá chất;

2.            Luật đặc xá.

2. Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá XII (dự kiến vào tháng 7-2007):

 Trình Quốc hội cho ý kiến: 2 dự án luật

1.            Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước;

2.            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (về vấn đề biểu khung thuế xuất khẩu, biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi).

3. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII (dự kiến vào tháng 11-2007):

a) Trình Quốc hội thông qua: 8 dự án luật, 01 dự án nghị quyết

1.            Luật thuế thu nhập cá nhân;

2.            Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá;

3.            Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình;

4.            Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm;

5.            Luật hoá chất;

6.            Luật đặc xá;

7.            Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước;

8.            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (về vấn đề biểu khung thuế xuất khẩu, biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi);

9.            Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2012) và năm 2008.

b) Trình Quốc hội cho ý kiến: 9 dự án luật

1.            Luật bảo hiểm y tế;

2.            Luật thuế sử dụng đất;

3.            Luật thủ tục hành chính;

4.            Luật công vụ;

5.            Luật về thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức;

6.            Luật năng lượng nguyên tử;

7.            Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);

8.            Luật hoạt động chữ thập đỏ;

9.            Luật đầu tư công.

II. CÁC DỰ ÁN PHÁP LỆNH: (13 dự án)

·              Các dự án thuộc chương trình năm 2006 chuyển sang:

1.            Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế;

2.            Pháp lệnh bảo vệ các công trình, mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia;

3.            Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển;

4.            Pháp lệnh về án phí, lệ phí tại Tòa án nhân dân;

5.            Pháp lệnh công nghệ cao;

6.            Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

·              Các dự án mới:

7.            Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam;

8.            Pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng;

9.            Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân dự và tố tụng hành chính;

10.       Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự;

11.       Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

12.       Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay;

13.       Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (bao gồm cả vấn đề xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân).

 

CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN BỊ

I. Các dự án luật:  (15 dự án)

1.            Luật nông dân;

2.            Bộ luật thi hành án;

3.            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự;

4.            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự;

5.            Luật các vùng biển Việt Nam;

6.            Luật trưng cầu ý dân;

7.            Luật về hội;

8.            Luật dân số;

9.            Luật về cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm cả vấn đề lãnh sự).

10.       Luật phí và lệ phí;

11.       Luật bồi thường nhà nước;

12.       Bộ luật xử lý vi phạm hành chính;

13.       Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi);

14.       Luật báo chí (sửa đổi);

15.       Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý.

 

*

*       *

Trên đây là dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

T/M UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch

(đã ký)

Nguyễn Phú Trọng

 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Phụ lục 3

Ngày nhập

31/10/2006

Đã xem

1969 lượt xem

Phụ lục 2

Ngày nhập

31/10/2006

Đã xem

1969 lượt xem

Phụ lục 1

Ngày nhập

31/10/2006

Đã xem

1969 lượt xem

Dự kiến chương trình dạng .DOC

Ngày nhập

31/10/2006

Đã xem

1969 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 4

Cơ quan soạn thảo Ủy ban thường vụ Quốc hội

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com