BÁO CÁO RÀ SOÁT ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VÀ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Thứ Hai 11:16 26-03-2018

BÁO CÁO RÀ SOÁT ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VÀ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH Ở VIỆT NAM

 

Lời nói đầu

“Quyền tự do kinh doanh” lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục được tái khẳng định theo hướng rộng hơn trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quy định này thể hiện sự cởi mở và khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thay đổi về tư duy quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Và thực tế, hệ thống pháp luật kinh doanh của nước ta trong vài năm gần đây đã có những chuyển mình mạnh mẽ, theo hướng tích cực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ nhất ở hai văn bản quan trọng là Luật doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014 và hàng loạt chính sách “cởi trói” cho doanh nghiệp đã được ban hành, các giấy phép con bị bãi bỏ, thủ tục gia nhập thị trường đơn giản, thuận tiện hơn nhiều, các thủ tục hành chính dần được tinh giản và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển mình theo hướng tích cực trên, thì trong hệ thống pháp luật vẫn còn chứa đựng nhiều “rào cản” khiến cho việc hiện thực hóa “quyền tự do kinh doanh” gặp nhiều thách thức.

Với mong muốn thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, truyền tải tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp tới các nhà làm chính sách, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (The World Bank) đã tiến hành rà soát các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) và điều kiện kinh doanh của một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của ba Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, qua đó nhận diện những ngành, nghề kinh doanh, điều kiện kinh doanh chưa phù hợp để kiến nghị bãi bỏ/sửa đổi. VCCI hy vọng Báo cáo nghiên cứu sẽ là thông tin hữu ích cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xem xét, đánh giá các chính sách pháp luật kinh doanh.

Báo cáo này được xây dựng dựa trên nghiên cứu, đánh giá của Nhóm nghiên cứu và ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình góp ý xây dựng các chính sách có liên quan. Kết cấu của Báo cáo gồm hai phần lớn:

• Phần I: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện – Nhận diện và Kiến nghị. Ở phần này, Nhóm nghiên cứu rà soát và đánh giá các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) qua đó đưa ra các kiến nghị về tính phù hợp của một số ngành, nghề khi xác định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

• Phần II: Điều kiện kinh doanh một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ – Nhận diện và Kiến nghị. Ở phần này, Nhóm nghiên cứu rà soát và đánh giá các điều kiện kinh doanh của một số ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý của ba Bộ, qua đó đưa ra các kiến nghị cụ thể về việc bãi bỏ/sửa đổi các điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.

VCCI trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã đồng hành cùng VCCI trong các hoạt động đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật.

Những đánh giá trong Báo cáo này là của Nhóm nghiên cứu và do đó không thể hiện quan điểm chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.