Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày đăng: 14:21 27-01-2016 | 2266 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

            ­QUỐC HỘI

Luật số:          20.../QH13

Dự thảo 5

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

LUẬT

BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật ban hành quyết định hành chính.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành quyết định hành chính.

2. Việc ban hành các quyết định hành chính sau đây được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan:

a) Quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng;

b) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

c) Quyết định hành chính ban hành trong trường hợp khẩn cấp;

d) Quyết định hành chính áp dụng chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyết định hành chính là văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan hành chính nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật này ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, được áp dụng một lần nhằm giải quyết vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, nghĩa vụ, lợi ích của một hoặc một số đối tượng xác định hoặc nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

2. Cơ quan ban hành quyết định hành chính bao gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, trực thuộc cơ quan ngang Bộ; Uỷ ban nhân dân các cấp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.

          3. Quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành là các quyết định có nội dung: từ chối việc xác lập, công nhận, chấp thuận, cho phép được hưởng quyền, lợi ích cụ thể; xác lập nghĩa vụ; làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành.

          4. Quyết định hành chính bất lợi cho bên thứ ba là quyết định mà việc thi hành quyết định hành chính đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.

5. Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích công cộng, là quyết định ban hành hoặc phê duyệt chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường; sức khỏe của cộng đồng; trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác làm ảnh hưởng đến lợi ích công cộng.

6. Quyết định hành chính ban hành trong trường hợp cấp thiết là quyết định được ban hành để ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 3. Nguyên tắc ban hành quyết định hành chính

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của quyết định hành chính.

          2. Bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính.

3. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và công bằng trong quá trình ban hành quyết định hành chính.

Điều 4. Hình thức, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày của quyết định hành chính

1. Quyết định hành chính thể hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Quyết định;

b) Quyết định ban hành kèm theo Giấy chứng nhận, Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ;

c) Giấy chứng nhận, Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ;

d) Các hình thức khác do luật định.

2. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, quyết định hành chính phải có các nội dung cơ bản sau đây:

a) Cơ quan ban hành; số, ký hiệu văn bản; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành;

b) Căn cứ pháp lý ban hành quyết định;  

c) Họ, tên, địa chỉ của cá nhân; tên, địa chỉ của tổ chức thi hành quyết định;

d) Nội dung của quyết định;

đ) Hiệu lực của quyết định;

e) Họ tên, chức vụ, chữ ký người ban hành quyết định; dấu của cơ quan ban hành; nơi nhận quyết định.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày quyết định hành chính.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định mẫu giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký, chứng chỉ và hình thức khác do luật định, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Điều 5. Ngôn ngữ của quyết định hành chính

1. Ngôn ngữ trong quyết định hành chính là tiếng Việt.

2. Ngôn ngữ sử dụng trong quyết định hành chính phải bảo đảm tính chính xác, phổ thông; diễn đạt đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu.

Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức là đối tượng thi hành quyết định hành chính

1. Đối tượng thi hành quyết định hành chính có quyền sau đây:

a) Tham gia vào quá trình ban hành quyết định hành chính theo quy định tại Luật này và pháp luật liên quan;

b) Kiến nghị với cơ quan ban hành quyết định hành chính xử lý quyết định hành chính có sai sót;

c) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố tụng hành chính;

d) Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước do hành vi trái pháp luật gây ra.

2. Đối tượng thi hành quyết định hành chính có nghĩa vụ sau đây:

a) Thi hành quyết định hành chính đã có hiệu lực;

b) Thực hiện các yêu cầu của cơ quan ban hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng thi hành quyết định hành chính được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc luật sư, người đại diện thực hiện các quyền quy định tại khoản 1 Điều này. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.

Điều 7. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan ban hành quyết định hành chính

1. Cơ quan ban hành quyết định hành chính có các quyền hạn sau đây:

a) Ban hành hoặc từ chối ban hành quyết định hành chính theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ việc ban hành quyết định hành chính;

2. Cơ quan ban hành quyết định hành chính có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy định pháp luật về ban hành quyết định hành chính;

b) Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành quyết định hành chính tại Điều 26 của Luật này;

c) Bảo đảm đối tượng thi hành quyết định hành chính nhận được quyết định hành chính trước khi thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Kịp thời xử lý hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý quyết định hành chính trái pháp luật;

đ) Bảo đảm thực hiện quyết định của cơ quan hành chính cấp trên, phán quyết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong ban hành quyết định hành chính;

e) Bảo đảm bí mật hồ sơ theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước, không tiết lộ hoặc cung cấp theo yêu cầu các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh khi chưa có sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó.

Điều 8. Từ chối ban hành quyết định hành chính

1. Cơ quan ban hành quyết định hành chính có quyền từ chối ban hành quyết định hành chính trong các trường hợp sau:

a) Không có đủ căn cứ pháp lý để ban hành quyết định hành chính;

b) Có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba;

c) Vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc lợi ích công cộng.

2. Trong trường hợp từ chối ban hành quyết định hành chính, cơ quan ban hành quyết định hành chính phải có văn bản thông báo cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do từ chối ban hành quyết định hành chính.

Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Ban hành quyết định hành chính trái thẩm quyền.

2. Giả mạo, làm sai lệch giấy tờ, tài liệu, thông tin trong hồ sơ ban hành quyết định hành chính; làm giả quyết định hành chính.

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của đối tượng thi hành quyết định hành chính hoặc ban hành quyết định hành chính nhằm đem lại lợi ích cho bản thân và  cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con của mình.

4. Can thiệp trái pháp luật vào việc ban hành quyết định hành chính.

  5. Chống đối, trốn tránh, cố tình trì hoãn việc ban hành, việc thi hành quyết định hành chính.

  6. Sử dụng công văn, thông báo, kết luận để thay thế quyết định hành chính.

Điều 10. Giám sát, kiểm tra, xử lý quyết định hành chính

Việc ban hành quyết định hành chính phải được giám sát, kiểm tra; quyết định hành chính trái pháp luật phải bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 11. Áp dụng pháp luật trong việc ban hành quyết định hành chính

Luật này áp dụng chung cho việc ban hành quyết định hành chính.

Trường hợp luật khác không quy định về việc ban hành quyết định hành chính thì áp dụng quy định của Luật này; trường hợp luật khác có quy định nhưng trái với nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này thì phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

CHƯƠNG II

ỦY QUYỀN BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Điều 12. Ủy quyền ban hành quyết định hành chính

Ủy quyền ban hành quyết định hành chính là việc cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính trực tiếp giao cho cơ quan, cá nhân khác nhân danh mình ban hành quyết định hành chính.

Điều 13. Nguyên tắc ủy quyền ban hành quyết định hành chính

1. Người ủy quyền là người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật và chỉ được ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền của mình.

2. Người ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp.

3. Người được ủy quyền ban hành quyết định hành chính chỉ được ban hành quyết định hành chính trong phạm vi được ủy quyền.

4. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại.

5. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.

6. Nội dung văn bản ủy quyền phải xác định rõ phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, nội dung ủy quyền, trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền.

7. Việc ủy quyền chấm dứt sau khi thực hiện xong công việc, khi hết thời hạn được ủy quyền, khi người được ủy quyền thôi giữ chức vụ.

8. Người được ủy quyền sử dụng dấu của cơ quan của người ủy quyền khi ban hành quyết định hành chính.

Điều 14. Hình thức ủy quyền

Việc ủy quyền ban hành quyết định hành chính được thực hiện bằng hai hình thức sau đây:

1. Ủy quyền thẩm quyền ban hành quyết định hành chính;

2. Ủy quyền ký ban hành quyết định hành chính.

Điều 15. Ủy quyền thẩm quyền

1. Người đứng đầu cơ quan có thể ủy quyền một phần thẩm quyền của mình cho cấp phó hoặc thủ trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp. Việc ủy quyền này được thực hiện tại một trong các văn bản sau đây:

a) Quy chế làm việc của cơ quan;

b) Quyết định phân công công việc của Thủ trưởng;

c) Văn bản ủy quyền.

2. Trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền ban hành quyết định hành chính trong trường hợp này được xác định như sau:

a) Người ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của quyết định hành chính do người được ủy quyền ban hành, trừ trường hợp người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền.

b) Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước người ủy quyền và trước pháp luật về quyết định hành chính do mình ban hành và hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của mình.

Điều 16. Ủy quyền ký ban hành quyết định hành chính

1. Ủy quyền ký ban hành quyết định hành chính được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Cấp phó hoặc Thủ trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp được giao ký ban hành quyết định hành chính mà người đứng đầu cơ quan đã xem xét, đồng ý hoặc phê duyệt nội dung của quyết định đó.

b) Người đứng đầu cơ quan làm việc theo chế độ tập thể thay mặt cơ quan đó ký ban hành quyết định hành chính mà theo quy định của pháp luật hoặc theo quy chế làm việc của cơ quan, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.

2. Trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền trong trường hợp này được xác định như sau:

a) Người ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định hành chính do người được ủy quyền ký ban hành;

b) Người được ủy quyền ký chịu trách nhiệm trước người ủy quyền về quyết định hành chính đó.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính

Ngày nhập

27/01/2016

Đã xem

2266 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com