Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại
Ngày đăng: 09:25 02-04-2013 | 3386 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
DỰ THẢO 2
NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 21 tháng 12 năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự ngày 29 tháng 6 năm 2009;;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2011;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Hành vi vi phạm về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và hàng giả;
c) Hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hoá nhập lậu; hàng hoá lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.
d) Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá;
đ) Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu;
e) Hành vi vi phạm về đầu cơ hàng hoá, găm hàng và đưa tin thất thiệt;
g) Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại;
h) Hành vi vi phạm về hoạt động trung gian thương mại;
i) Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới;
k) Hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh;
l) Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
m) Hành vi vi phạm về thương mại điện tử;
n) Hành vi vi phạm về hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.
o) Hành vi vi phạm về hoạt động thương mại khác;
3. Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại về thương mại điện tử; về kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng; về giá và niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ; về chứng từ, hoá đơn mua bán hàng hoá, dịch vụ; về đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá lưu thông, kinh doanh trên thị trường; về nhãn hàng hoá; về sở hữu trí tuệ; về thủ tục đăng ký kinh doanh, về quảng cáo thương mại thì xử phạt hành chính theo quy định của Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 2. Đối tượng xử phạt hành chính
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức là người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm cả các tổ chức kinh tế là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và các đơn vị, địa điểm kinh doanh trực thuộc của các tổ chức kinh tế nói trên. Tổ chức không bao gồm hộ kinh doanh cá thể.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Hàng hóa” theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005.
2. “Kinh doanh” theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005.
3. “Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hoá.
4. “Buôn bán”là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hoá vào lưu thông.
5. “Hàng hóa lưu thông trên thị trường” gồm hàng hoá mua bán, vận chuyển trên đường, để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm khác.
6. “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
7. “Hàng cấm” gồm hàng hoá cấm kinh doanh; cấm lưu hành, sử dụng; không hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
8. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:
a) Hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
b) Hàng hoá nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hoá khi lưu thông trên thị trường;
c) Hàng hoá nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định; không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hoá khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hoá đơn, chứng từ nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan quản lý nhà nước có chức năng xác định là hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hoá đơn;
đ) Hàng hoá nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
9. “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hoá; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hoá có nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hoá, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hoá của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá;
g) Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
h) Tem, nhãn, bao bì giả.
10. “Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác, giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hoá, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hoá của thương nhân khác.
11. “Tang vật” gồm vật, tiền, giấy tờ, hàng hoá thành phẩm hoặc chưa thành phẩm, nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, bộ phận, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và các loại vật tư, nguyên liệu khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
12. “Phương tiện vi phạm” gồm phương tiện vận tải, công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để thực hiện vi phạm hành chính.
13. “Bí mật cá nhân của người tiêu dùng” là thông tin liên quan đến cá nhân người tiêu dùng đã được người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan khác áp dụng các biện pháp bảo mật mà nếu tiết lộ hoặc sử dụng thông tin này không có sự chấp thuận của họ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tính mạng, tài sản hoặc các thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần khác với người tiêu dùng.
14. “Bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng” là các tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ yêu cầu việc cung cấp thông tin, xây dựng thông tin, cung cấp dịch vụ truyền thông về hàng hoá, dịch vụ.
Điều 4. Áp dụng các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt cảnh cáo quy định tại Nghị định này được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt có tình tiết giảm nhẹ hoặc do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
2. Hình thức và mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt chính được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đó do tổ chức thực hiện thì xử phạt gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
3. Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng đối với tang vật và phương tiện vi phạm có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính. Đối với loại tang vật nếu áp dụng được các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều này thì không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật.
4. Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng như sau:
a) Chỉ áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b) Chỉ áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
c) Trường hợp Nghị định này quy định áp dụng cả hai hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề và đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp cá nhân, tổ chức không được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
5. Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này được áp dụng như sau:
a) Buộc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm vi phạm được áp dụng đối với loại hàng hóa, vật phẩm vi phạm mà việc tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và trật tự an toàn xã hội;
b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, vật phẩm vi phạm được áp dụng đối với loại hàng giả loại bỏ được yếu tố vi phạm và việc loại bỏ yếu tố vi phạm này không dẫn đến khả năng vi phạm tiếp theo;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá vi phạm được áp dụng trong trường hợp người vi phạm có khả năng thực hiện được các biện pháp này;
d) Buộc thu hồi tiêu huỷ hoặc buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng đối với số hàng hóa mà người vi phạm đã tiêu thụ, đã bán còn đang lưu thông trên thị trường;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính được áp dụng đối với người vi phạm có thu lợi bất hợp pháp và bao gồm toàn bộ số lợi thu được từ thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
e) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và theo quy định tại Nghị định này.
6. Khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt phải quy định thời hạn phù hợp để cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện. Trường hợp đã hết thời hạn thực hiện ghi trong quyết định xử phạt mà không thực hiện thì phải cưỡng chế thi hành hoặc quyết định tịch thu để xử lý theo quy định.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 3
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.