Dự thảo Nghị định quy định việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ngày đăng: 11:04 31-01-2013 | 2054 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM PHÁP LUẬT
TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN LỰC, AN TOÀN ĐẬP THUỶ ĐIỆN,
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Dự thảo 24/01/2013
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo về công trình thuỷ lợi ngày ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà không phải là tội phạm, bao gồm:
1. Vi phạm trong lĩnh vực điện lực
a) Quy định về giấy phép hoạt động điện lực;
b) Quy định về xây dựng, lắp đặt công trình điện;
c) Quy định về hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện;
d) Quy định về hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện;
đ) Quy định về sử dụng điện;
e) Quy định về an toàn điện;
g) Quy định về điều độ hệ thống điện;
h) Quy định về thị trường điện lực.
2. Vi phạm trong lĩnh vực an toàn đập thuỷ điện
a) Quy định chung và quy định về an toàn trong xây dựng đập thủy điện;
b) Quy định về quản lý đập thủy điện;
c) Quy định về bảo đảm an toàn đập thủy điện và vùng hạ du;
d) Các hành vi vi phạm liên quan khác.
3. Vi phạm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
a) Quy định về kiểm toán năng lượng;
b) Quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp;
c) Quy định về quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm;
d) Quy định về nhãn năng lượng trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng;
đ) Quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ;
e) Hành vi cản trở hoạt động công vụ trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 2. Nguyên tắc xử phạt
1. Nguyên tắc xử phạt được áp dụng theo các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 3 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Điều 3. Thời hiệu xử phạt
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là 01 năm; đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 5 Nghị định này.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với hành vi vi phạm đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
3. Trường hợp xử phạt vi phạm đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm.
4. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Điều 4. Các hình thức xử phạt
1. Hình thức xử phạt chính
Đối với từng hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
b) Phạt tiền
Mức phạt tiền trong Nghị định này được áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định đối tượng vi phạm là tổ chức, cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân; 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền trong lĩnh vực an toàn đập thuỷ điện tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân; 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân; 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để quyết định mức phạt tiền trong khung phạt tiền đã được quy định tại Nghị định này đối với từng hành vi vi phạm. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
2. Hình thức xử phạt bổ sung
Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Trong lĩnh vực điện lực
- Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn;
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng làm phương tiện vi phạm;
- Thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
b) Trong lĩnh vực an toàn đập thủy điện
- Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn;
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng làm phương tiện vi phạm.
c) Trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
- Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ có thời hạn;
- Tạm giữ phương tiện, thiết bị vi phạm;
- Tịch thu các tang vật, phương tiện, thiết bị bị tẩu tán.
Điều 5. Các biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài các hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung quy định tại Điều 4 Nghị định này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
1. Trong lĩnh vực điện lực
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn hoặc tạm dừng làm việc;
d) Buộc nộp đủ phí, lệ phí theo quy định;
đ) Buộc nộp ngân sách nhà nước số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm;
e) Buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra;
g) Buộc kiểm định lại thiết bị đo đếm điện hoặc thay thế thiết bị đo đếm điện khác;
h) Buộc chia tách Đơn vị phát điện có tổng công suất đặt các nhà máy điện trên 25% tổng công suất đặt toàn hệ thống;
i) Buộc sử dụng các thiết bị đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật;
k) Buộc phải trang bị đúng, đầy đủ trang thiết bị an toàn, dụng cụ làm việc;
l) Buộc phải sử dụng đúng, đầy đủ trang thiết bị an toàn, dụng cụ làm việc hoặc tạm dừng làm việc;
m) Buộc phải chặt, tỉa cây để bảo đảm khoảng cách từ cây đến bộ phận bất kỳ của công trình lưới điện;
n) Buộc phải di chuyển ra khỏi hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm;
o) Buộc phải ban hành đầy đủ quy trình, nội quy;
p) Buộc phải kiểm tra, thí nghiệm thiết bị điện, hệ thống chống sét, hệ thống nối đất theo quy định;
q) Buộc phải khắc phục các khiếm khuyết hoặc tạm dừng vận hành đường dây, thiết bị;
r) Buộc ký hợp đồng mua bán điện;
s) Buộc phải đo cường độ điện trường;
t) Buộc phải niêm yết sơ đồ lưới điện theo quy định.
2. Trong lĩnh vực an toàn đập thuỷ điện
a) Các biện pháp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
3. Trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
a) Buộc thu hồi giấy chứng nhận, chứng chỉ đã cấp hoặc nhãn năng lượng;
b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu;
c) Buộc loại bỏ tổ máy phát điện;
d) Đình chỉ dán nhãn năng lượng hoặc buộc dán nhãn năng lượng theo quy định;
đ) Xóa tên khỏi Danh mục các phòng thử nghiệm đạt chuẩn được thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng;
e) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy thiết bị, phương tiện vận tải đã nhập khẩu;
g) Buộc chấm dứt lưu hành hoặc tiêu hủy thiết bị, phương tiện vận tải;
h) Buộc chấm dứt lưu hành phương tiện, thiết bị, máy móc sau 06 tháng kể từ ngày bị phạt tiền;
i) Buộc thực hiện đúng các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng theo quy định;
k) Buộc sử dụng thiết bị chiếu sáng đúng quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng.
Lĩnh vực liên quan
Phiên bản 1
Dự thảo Phụ lục Nghị định quy định việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ngày nhập
31/01/2013
Đã xem
2054 lượt xem
Thông tin tài liệu
Số lượng file 3
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.