Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện

Ngày đăng: 15:58 17-09-2012 | 1934 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ

Quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện

và vận hành khai thác các công trình thủy điện


BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ các Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 và số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ và các quy định hiện hành khác có liên quan;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 888/TTg-KTN ngày 31 tháng 5 năm 2010 về việc tăng cường quản lý các dự án thủy điện;

Bộ Công Thương quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện như sau:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Quy hoạch bậc thang thủy điện: Là quy hoạch xác định các dự án thủy điện có thể đầu tư xây dựng với công suất lắp máy (Nlm) lớn hơn 30 MW trên một dòng sông hoặc hệ thống các dòng sông của một lưu vực sông.

2. Quy hoạch thủy điện nhỏ: Là quy hoạch xác định các dự án thủy điện có thể đầu tư xây dựng với Nlm đến 30 MW trên các sông, suối nhánh của lưu vực sông.

3. Quy hoạch thủy điện tích năng: Là quy hoạch xác định các vị trí có thể xây dựng được nhà máy thủy điện tích năng nhằm cung cấp công suất phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống điện quốc gia.

CHƯƠNG II

QUẢN LÝ QUY HOẠCH THỦY ĐIỆN

Điều 3. Lập quy hoạch thủy điện

1. Quy hoạch thủy điện được lập thành Quy hoạch bậc thang thủy điện, Quy hoạch thủy điện nhỏ và Quy hoạch thủy điện tích năng.

2. Quy hoạch bậc thang thủy điện được lập thống nhất cho từng lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính. Đối với các lưu vực sông đã phê duyệt Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông chính, cho phép lập Quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông nhánh nhưng phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông chính.

3. Quy hoạch thủy điện nhỏ được lập theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).

4. Quy hoạch thủy điện tích năng được lập cho phạm vi toàn quốc hoặc theo từng vùng, miền của hệ thống điện quốc gia.

5. Quy hoạch thủy điện được lập 01 lần và có thể được rà soát theo định kỳ 05 (năm) năm nhằm điều chỉnh, bổ sung các dự án.

6. Quy hoạch thủy điện phải phù hợp với quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, Quy hoạch thủy điện nhỏ phải phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch thủy điện tích năng đã được phê duyệt; Quy hoạch thủy điện tích năng phải phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.

7. Quy hoạch thủy điện phải do cơ quan tư vấn có chức năng theo quy định của pháp luật lập.

8. Nguồn kinh phí lập quy hoạch thủy điện sử dụng ngân sách nhà nước hoặc huy động từ các doanh nghiệp có liên quan nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Hàng năm, Bộ Công Thương đăng ký ngân sách nhà nước để lập Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch thủy điện tích năng trên phạm vi cả nước; UBND tỉnh đăng ký ngân sách để lập Quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn trong năm tiếp theo.

9. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh phí và tổ chức lập quy hoạch để tham gia phát triển nguồn thủy điện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Khoản 10 Điều này thống nhất chủ trương.

10. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch thủy điện:

a) Bộ Công Thương tổ chức lập Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch thủy điện tích năng trong phạm vi cả nước.

b) UBND tỉnh tổ chức lập Quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn. Đối với các dự án thủy điện nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, UBND tỉnh nơi dự kiến bố trí nhà máy thủy điện thống nhất với UBND các tỉnh có liên quan trước khi lập quy hoạch.

Điều 4. Nội dung, sản phẩm quy hoạch thủy điện

1. Đối với Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch thủy điện nhỏ: Nội dung, sản phẩm quy hoạch thực hiện theo Phụ lục tại Quyết định số 3836/QĐ-BCN ngày 22 tháng 11 năm 2005 của Bộ Công nghiệp. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm các nội dung sau:

a) Cập nhật hiện trạng và quy hoạch các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước có liên quan trên lưu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Điều tra, khảo sát đầy đủ các điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, dân sinh, kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, công trình lưới điện...) trong khu vực nghiên cứu quy hoạch.

c) Đánh giá ảnh hưởng của các dự án thủy điện đề xuất quy hoạch đối với các dự án có liên quan khác trên lưu vực.

d) Nghiên cứu các phương án sơ đồ và quy mô khai thác thủy năng; đánh giá hiệu quả kinh tế - năng lượng của các dự án đề xuất để kiến nghị phương án quy hoạch. Nội dung phân tích hiệu quả kinh tế của các dự án thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2014/QĐ-BCN ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Bộ Công nghiệp và các quy định hiện hành khác có liên quan.

đ) Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ.

e) Khảo sát, đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của các dự án đề xuất quy hoạch đối với dân cư, đất đai, nhu cầu khai thác và sử dụng nước phía hạ lưu. Ngoại trừ các dự án thủy điện lớn đa mục tiêu, các dự án khác được đề xuất quy hoạch phải đảm bảo không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại hoặc không di dời quá 01 hộ dân với 01 MW công suất lắp máy.

g) Sơ bộ đánh giá và kiến nghị giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội như: xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; trồng hoàn trả diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án...

h) Xếp hạng thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án kiến nghị trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và tác động môi trường - xã hội của từng dự án.

2. Đối với Quy hoạch thủy điện tích năng:

a) Thực hiện các nội dung nêu tại Khoản 1 Điều này.

b) Cập nhật kết quả dự báo cung - cầu điện và các biểu đồ phụ tải trong nghiên cứu Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt; cập nhật hiện trạng vận hành của các nhà máy điện và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện có liên quan của hệ thống điện.

c) Phân tích, đánh giá sự cần thiết và quy mô của các dự án thủy điện tích năng trong việc phát điện phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống điện quốc gia.

Điều 5. Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện

1. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy hoạch, UBND tỉnh (đối với Quy hoạch thủy điện nhỏ) hoặc cơ quan tư vấn lập quy hoạch (đối với Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch thủy điện tích năng) có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt quy hoạch thủy điện, kèm theo hồ sơ quy hoạch.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ trình duyệt quy hoạch, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định và có văn bản kèm theo bản sao hồ sơ quy hoạch gửi các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến về quy hoạch thủy điện.

3. Nội dung thẩm định quy hoạch thủy điện bao gồm:

a) Sự phù hợp của quy hoạch thủy điện với các dự án, công trình hiện có hoặc quy hoạch liên quan khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Mức độ tin cậy, đáp ứng yêu cầu chất lượng của các tài liệu, số liệu sử dụng trong nghiên cứu quy hoạch.

c) Sự phù hợp về mặt kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của hệ thống bậc thang và của từng dự án trong quy hoạch.

d) Đánh giá các tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực môi trường - xã hội của các dự án trong quy hoạch.

đ) Sự phù hợp của tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện kiến nghị trong quy hoạch với hiện trạng công trình lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn.

4. Cơ quan được lấy ý kiến về quy hoạch thủy điện nêu tại Khoản 2 Điều này có trách nhiệm trả lời Bộ Công Thương trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Quá thời hạn nêu trên, nếu các cơ quan liên quan không có ý kiến thì được coi như đã đồng ý với nội dung quy hoạch.

5. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ trình duyệt quy hoạch, Bộ Công Thương có văn bản phê duyệt quy hoạch thủy điện hoặc trả lời cơ quan trình duyệt quy hoạch thủy điện.

6. Thông tin về các dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch bao gồm:

a) Vị trí xây dựng công trình: Tọa độ địa lý; tên sông/suối, hệ thống sông;  tên xã, huyện, tỉnh nơi dự kiến bố trí tuyến đập và nhà máy thủy điện.

b) Sơ đồ khai thác và nhiệm vụ của dự án.

c) Các thông số chính của dự án: Diện tích lưu vực đến tuyến đập (Flv), lưu lượng bình quân năm (Qo), mực nước dâng bình thường (MNDBT), mực nước chết (MNC), chế độ điều tiết của hồ chứa, mực nước hạ lưu nhà máy nhỏ nhất (MNHLmin), lưu lượng phát điện lớn nhất và nhỏ nhất (Qtđ min/max), Nlm, công suất đảm bảo (Nđb) và điện lượng bình quân năm (Eo).

d) Chỉ tiêu kinh tế (hệ số lợi ích - chi phí B/C).

đ) Những vấn đề kinh tế - kỹ thuật, môi trường - xã hội của dự án cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong quá trình nghiên cứu đầu tư xây dựng.

e) Tiến độ dự kiến đầu tư xây dựng các dự án.

7. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi phê duyệt quy hoạch thủy điện, Bộ Công Thương gửi 01 bản gốc quyết định phê duyệt đến các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện

Ngày nhập

17/09/2012

Đã xem

1934 lượt xem

VCCI lấy ý kiến DN, HHDN về Dự thảo Thông tư quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện

Ngày nhập

17/09/2012

Đã xem

1934 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com