Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan một số loại hàng hóa

Ngày đăng: 10:03 28-09-2012 | 2207 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

Dự thảo ver. 3 (26.9)

THÔNG TƯ

Quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất,

chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan một số loại hàng hóa


­­­        Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan;

Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan một số loại hàng hóa như sau:

CHƯƠNG 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan một số loại hàng hóa có tái xuất qua các tỉnh biên giới (dưới đây viết tắt là kinh doanh tạm nhập tái xuất). 

2. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này bao gồm: hàng hóa thuộc các Danh mục hàng hóa quy định tại Điều 3 Thông tư này và hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài nhưng không thuộc Phụ lục số 2 quy định tại Điều 3 Thông tư này (dưới đây viết tắt là Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân Việt Nam (dưới đây viết tắt là thương nhân) kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan hàng hóa quy định tại Điều 1 Thông tư này có tái xuất qua các tỉnh biên giới; cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, xác nhận, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh nêu trên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo cam kết về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

CHƯƠNG II

BAN HÀNH DANH MỤC MỘT SỐ LOẠI HÀNG HÓA

Điều 3. Ban hành kèm theo Thông tư này các Danh mục hàng hóa dưới đây:

1. Hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất (Phụ lục số 1).

2. Hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất (Phụ lục số 2).

3. Hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (Phụ lục số 3).

4. Hàng hóa thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương (Phụ lục số 4).

CHƯƠNG III

CẤP MÃ SỐ KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT HÀNG HÓA

Điều 4. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này và hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa tối thiểu là 02 năm kể từ ngày thành lập.

2. Ký quỹ là 05 tỷ VNĐ (năm tỷ đồng Việt Nam) tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố nơi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 5. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa tối thiểu là 02 năm kể từ ngày thành lập.

2. Ký quỹ là 05 tỷ VNĐ (năm tỷ đồng Việt Nam) tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố nơi thương nhân có kho, bãi theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Có kho/ bãi phục vụ việc kinh doanh tạm nhập tái xuất. Cụ thể:

a) Kho, bãi có sức chứa tối thiểu là 100 công-ten-nơ lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 3.000 m2. Kho, bãi được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, được xây với chiều cao tối thiểu là 2,5 m; có lối đi dành cho xe chở container di chuyển ra vào kho, bãi; có cổng và biển hiệu của thương nhân sử dụng kho, bãi.

b) Kho, bãi có đủ nguồn điện (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng có công suất tương đương) và các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các container lạnh theo sức chứa của kho, bãi được quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

c) Kho, bãi phải thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân ký hợp đồng thuê, thời hạn tối thiểu là 03 năm; phải nằm trong quy hoạch hoặc trong khu vực quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có diễn ra hoạt động tái xuất thực phẩm đông lạnh. Quy hoạch và khu vực quy định nêu trên cần được trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương.

d)  Đối với các tỉnh chưa có hoạt động tái xuất thực phẩm đông lạnh trên địa bàn, khi có phát sinh mới và có nhu cầu quy hoạch khu vực kho, bãi để thương nhân tham gia kinh doanh tạm nhập tái xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi với Bộ Công Thương trước khi quy hoạch.

đ) Kho, bãi mà thương nhân đã kê khai để xin cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan không được cho thương nhân khác thuê toàn bộ hoặc thuê lại một phần kho, bãi của mình để sử dụng vào mục đích xin cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.

Điều 6. Quy định về cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa

1. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa quy định tại Điều 4 Thông tư này được cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất khi đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp mã số gồm:

a) Đơn đề nghị cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất (theo mẫu tại Phụ lục số 5a hoặc 5b): 01 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp): 01 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

c) Văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố nơi thương nhân đăng ký thành lập xác nhận về việc thương nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 4: 01 bản chính.

d) Văn bản của Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố nơi thương nhân đăng ký thành lập xác nhận về số tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 4: 01 bản chính.

2. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này được cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất khi đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp mã số gồm:

a)  Các giấy tờ quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 6.  

b) Văn bản của Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố nơi thương nhân có kho, bãi xác nhận về số tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 5: 01 bản chính.

c) Văn bản của Điện lực tỉnh, thành phố nơi thương nhân có kho, bãi xác nhận về việc kho, bãi có đủ nguồn điện lưới để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa: 01 bản chính.

3. Thương nhân gửi hồ sơ đăng ký cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất qua đường bưu điện đến Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất cho thương nhân. Trường hợp không cấp mã số, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất của thương nhân có thời hạn hiệu lực là 3 năm, kể từ ngày cấp.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo 3 Thông tư Quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan một số loại hàng hóa

Ngày nhập

28/09/2012

Đã xem

2207 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com