Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ

Ngày đăng: 12:33 24-05-2012 | 2147 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

(Dự thảo 18/5/2012)

LUẬT

THỦ ĐÔ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật Thủ đô,

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; chính sách đặc thù xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.

Điều 2. Giải thích từ ngữ                                  

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nội thành là khu vực thuộc địa giới hành chính các quận của thành phố Hà Nội.

2. Ngoại thành là khu vực thuộc địa giới hành chính các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

3. Vùng Thủ đô là địa phận gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo Quy hoạch phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội.

Điều 3. Vị trí, vai trò của Thủ đô

Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.

Thủ đô là đô thị đặc biệt, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở chính của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, kinh tế và giao dịch quốc tế; nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.

Điều 4. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô

1. Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền Hà Nội; là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân Thủ đô; là nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức và nhân dân cả nước.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Điều 5. Trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước

1. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, gương mẫu đi đầu trong cả nước về xây dựng chính quyền, quản lý đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

2. Bảo đảm điều kiện thuận lợi, an toàn cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô.

3. Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô và các địa phương khác mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Điều 6. Biểu tượng của Thủ đô

Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh một mặt của Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám, được cách điệu bằng hình tròn kép bao quanh một lầu hai tầng, trên có mái cách điệu từ chữ H, tầng hai là hình vuông nhỏ, tầng một là hình vuông lớn được cách điệu từ chữ N, cạnh đáy có chữ HÀ NỘI.

Điều 7. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô

1. Người nước ngoài có công trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô thì có thể được tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định điều kiện cụ thể, thẩm quyền, thủ tục tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

Điều 8. Chính sách đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô

1. Thủ đô là địa bàn trọng điểm quốc gia được Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và bảo vệ đặc biệt.

2. Nhà nước có chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, thu hút các nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô.

CHƯƠNG II

CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ XÂY DỰNG,

PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ THỦ ĐÔ

Điều 9. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô được hoạch định trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ngoại thành và nội thành; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô làm động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước.

2. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là căn cứ để phê duyệt, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Điều 10. Quy hoạch chung xây dựng  Thủ đô

1. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm kết nối liên thông hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô với Vùng Thủ đô.

2. Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quyết định vị trí khu vực Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sau khi trình Quốc hội cho ý kiến.

3. Việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô phải tuân theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

4. Quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến Thủ đô được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và phải được lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Điều 11. Quản lý quy hoạch Thủ đô

1. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành biện pháp bảo đảm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quyết định tuyến đường giao thông quan trọng quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội thành.

Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật.

3. Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

4. Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông quan trọng, phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên, kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; căn cứ vào yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và ý kiến của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định. 

Khi triển khai dự án phát triển tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích công cộng.

Trong trường hợp quy hoạch có xây dựng tại chỗ nhà ở tái định cư hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì phải ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh đó.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định cụ thể ranh giới, mốc giới, diện tích phần đất hai bên đường cần phải thu hồi.

Điều 12. Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô

1. Không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý nghiêm theo đồ án quy hoạch; việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực nông thôn phải bảo đảm đồng bộ, phù hợp với việc quản lý, tạo lập không gian xanh của Thủ đô; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử.

2. Đối với các tuyến đường giao thông quan trọng trong nội thành cần cải tạo, chỉnh trang thì phải lập dự án đồng bộ cả đường giao thông và cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, bảo đảm giữ gìn không gian kiến trúc đặc trưng của đô thị, phát triển cân bằng, ổn định, nâng cao điều kiện sống của người dân.

3. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định các tuyến đường giao thông cần cải tạo, chỉnh trang quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Tổ chức lập và thực hiện dự án quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Ban hành quy chế quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn; quy chế cải tạo và kiểm soát phát triển khu vực trung tâm đô thị Thủ đô được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

c) Xác định các khu vực cải tạo, tái thiết đô thị để tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế đô thị. Việc quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị và cấp giấy phép xây dựng phải tuân thủ thiết kế đô thị;

d) Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Điều 13. Phát triển kinh tế Thủ đô

1. Phát triển kinh tế Thủ đô theo yêu cầu hiện đại và bền vững; ưu tiên phát triển kinh tế tri thức, các ngành dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sạch.

2. Phát triển kinh tế ngoại thành bảo đảm tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái và nông sản sạch; củng cố và phát triển có chọn lọc các nghề và làng nghề truyền thống; xây dựng nông thôn mới.

3. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế ngoại thành, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.

4. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch ổn định vùng sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

5. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, các biện pháp huy động nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành, vùng kinh tế quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Ban hành quy chế bảo tồn, khôi phục, củng cố và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, các ngành nghề mới chất lượng cao, thu hút lao động địa phương.

Điều 14. Phát triển giáo dục và đào tạo

1. Xây dựng Thủ đô thành trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và thế giới.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,  trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô, theo hướng ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.

3. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Ban hành chính sách về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao thuộc thẩm quyền quản lý; 

b) Ban hành chính sách liên kết, hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao.

4. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Quy định cụ thể tiêu chí cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao phù hợp với khu vực và thế giới; đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đạt các tiêu chí đã ban hành;

b) Quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao.

Điều 15. Phát triển khoa học và công nghệ

1. Xây dựng Thủ đô thành trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước; ưu tiên phát triển các dịch vụ khoa học và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trên địa bàn Thủ đô.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các biện pháp nhằm khai thác hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong nước và nước ngoài; phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn Thủ đô gắn kết với thị trường công nghệ trong nước và quốc tế.

3. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ ở Thủ đô.

Điều 16. Bảo tồn và phát triển văn hoá

1. Bảo tồn, phát triển văn hoá Thủ đô tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

2. Các khu vực đặc thù trên địa bàn Thủ đô cần được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bao gồm:

a) Trung tâm chính trị - hành chính Ba Đình;

b) Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô.

c) Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây;

d) Khu phố cổ, biệt thự cũ, làng cổ, làng nghề truyền thống;

đ) Khu vực đặc thù khác theo quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

3. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia bảo tồn, tôn tạo, xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí ở Thủ đô theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này và quy định việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực về văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

5. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành chính sách khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

6. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Ban hành quy định về tiêu chí văn hóa, nếp sống văn hóa trên địa bàn Thủ đô phù hợp với truyền thống văn hóa và vị trí, vai trò của Thủ đô;

b) Ban hành quy chế bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 17. Quản lý và bảo vệ môi trường

1. Quản lý, bảo vệ môi trường Thủ đô bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế, môi trường tự nhiên và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường; hạn chế tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

2. Sông, suối, hồ, rừng, cây xanh trên địa bàn Thủ đô phải được bảo vệ, quản lý nghiêm, sử dụng hiệu quả, hợp lý, phù hợp với chức năng sinh thái, cảnh quan và bảo đảm duy trì, phát triển không gian mặt nước, không gian xanh.

Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa; san, lấp sông, hồ; phá rừng, cây xanh trên địa bàn Thủ đô; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm cải tạo sông, hồ, suối bị ô nhiễm, xuống cấp. Việc cải tạo các sông, suối, hồ phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số chỉ số môi trường quan trọng về đất, nước, không khí và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của Thủ đô sau khi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan.

4. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi  nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp thực hiện các biện pháp giải quyết triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.

5. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Ban hành biện pháp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ sông, suối, hồ, rừng, cây xanh, công viên, vườn hoa quy định tại khoản 2 Điều này; bảo vệ vành đai xanh của Thủ đô;

b) Ban hành chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 18. Phát triển, quản lý nhà ở

1. Quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở và các khu đô thị phải phù hợp với yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân. Việc phát triển các khu nhà ở trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ quy hoạch, chương trình phát triển nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn Thủ đô.

Trong các dự án phát triển nhà ở thương mại phải dành tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở cao hơn so với quy định chung của cả nước để phát triển nhà ở xã hội.

3. Cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ không bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị; tạo lập các khu đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống theo tiêu chí giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất nhưng không làm gia tăng đột biến dân cư, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

4. Việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ phải bảo tồn, phát huy giá trị các hình thái kiến trúc theo quy định của pháp luật về quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị và bảo vệ di sản văn hóa.

5. Chính phủ ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành.

6. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành biện pháp thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

7. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Quy định cụ thể tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ để thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

c) Lập quy hoạch để thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 19. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật

1. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được xếp vào loại đặc biệt quan trọng và phải được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và ban hành chính sách huy động nguồn lực khác để xây dựng, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

3. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

a) Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị do thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng và do các bộ, ngành chuyển giao cho Thủ đô;

b) Đầu tư đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý và xử lý chất thải rắn, hệ thống cung cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị, hệ thống thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô;

c) Xây dựng quy hoạch hệ thống các công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô.

Điều 20. Quản lý giao thông vận tải

1. Hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch giao thông Thủ đô; ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải hành khách công cộng.

2. Các đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Thủ đô, trừ các đường cao tốc, được chuyển giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý sau khi được xây dựng, cải tạo hoặc điều chỉnh.

3. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội có trách nhiệm ban hành các chính sách:

a) Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng, phương thức vận tải khối lượng lớn;

b) Sử dụng các phương tiện giao thông phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và yêu cầu quản lý của Thủ đô;

c) Khuyến khích đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm: 

a) Quản lý, bảo trì, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông do thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng và đoạn tuyến quốc lộ được chuyển giao theo quy định tại  khoản 2  Điều này;

b) Tổ chức giao thông, bảo đảm sự thông suốt của các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Thủ đô.

Điều 21. Quản lý dân cư

1. Dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch.

2. Công dân đang tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tam trú liên tục tại chỗ ở đó từ 02 năm trở lên.

3. Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.

4. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định, thực hiện các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương trong Vùng Thủ đô đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành Hà Nội.

Điều 22. Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xử phạt vi phạm hành chính

1. Trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được bảo đảm bằng các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả; mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành được thực hiện theo quy định sau:

a) Áp dụng mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức phạt tiền tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực trật tự và an toàn xã hội, văn hóa, đất đai, xây dựng.

b) Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định thì cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định áp dụng trong nội thành.

3. Chính phủ quy định cụ thể mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt theo từng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này. 

Điều 23. Chính sách, cơ chế về tài chính

1. Thực hiện cơ chế tài chính - ngân sách  đối với Thủ đô Hà Nội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô trên cơ sở các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định.

3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được thực hiện một số biện pháp sau đây để xây dựng, phát triển Thủ đô:

a) Trong trường hợp cần thiết, được vay vốn từ nguồn tài chính của Nhà nước, tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô theo quy định của pháp luật;

b) Quy định mức thu phí, lệ phí cao hơn không quá 2 lần so với mức thu quy định chung của Chính phủ đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.

Điều 24. Quản lý đất đai

1. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Ban hành biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô;

b) Tổ chức xây dựng, công bố công khai hệ thống thông tin địa lý, thông tin địa chính, thông tin về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Thủ đô;

2.  Khi thực hiện thu hồi đất của trụ sở các cơ quan trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thủ đô để sử dụng cho mục đích đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện di dời. Ngân sách các cấp bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị theo phân cấp hiện hành.

CHƯƠNG III

TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ THỦ ĐÔ

Điều 25. Trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội

1. Quốc hội giám sát tối cao việc thi hành Luật Thủ đô; định kỳ 5 năm xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành Luật Thủ đô.

Điều 26. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

2. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủ đô; huy động Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia, phối hợp, hỗ trợ Thủ đô trong từng lĩnh vực cụ thể.

3. Phê duyệt chiến lược quản lý phát triển đô thị Vùng Thủ đô và Thủ đô theo đề nghị của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

4. Báo cáo Quốc hội việc thi hành Luật Thủ đô.

Điều 27. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch ngành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô;

2. Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khi triển khai các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô để bảo đảm quản lý thống nhất theo quy hoạch.

Điều 28. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong công tác xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô; chủ động mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác với Thủ đô phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng, phát triển Thủ đô.

Điều 29. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các quy định của Luật Thủ đô và chịu trách nhiệm về những sai phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô.

3. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan trung ương, các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước;

b) Tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô;

c) Hằng năm, báo cáo Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô.

Điều 30. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn Thủ đô

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn Thủ đô có trách nhiệm tham gia xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Điều khoản chuyển tiếp

Các dự án xây dựng mới bệnh viện, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nội thành đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã triển khai thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện.

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm ...

2. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội số 29/2000/PL-UBTVQH hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 33. Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn thi hành những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XII, kỳ họp thứ chín thông qua ngày … tháng ... năm…….                                                          

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Sinh Hùng

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo 18/5/2012

Ngày nhập

24/05/2012

Đã xem

2147 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com