Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư quy định quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp

Ngày đăng: 17:51 16-11-2011 | 2339 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

 DỰ THẢO 2


THÔNG TƯ

Quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp

_____________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008;

Căn cứ Luật Hoá chất ngày 21 tháng 11 năm 2007; Nghị định số 26 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma tuý và tiền chất; Nghị định số 133/2003/NĐ-CP ngày 06  tháng 11 năm 2003 của Chính phủ bổ sung một số chất vào danh mục các chất ma tuý và tiền chất và Nghị định số 163/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ sửa tên, bổ sung, chuyển, loại bỏ một số chất thuộc danh mục các chất ma tuý và tiền chất kèm theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm  2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước; Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg  ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy;

Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công thương;

Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể việc quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, giao, nhận, tồn trữ, vận chuyển; chế độ ghi chép, báo cáo thống kê tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp.

2. Việc cấp phép tạm nhập, tái xuất tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp theo Phụ lục 1 Thông tư này chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Quyết định số 24/2006/QĐ-BTM ngày 15 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ngừng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đồ gỗ thành phẩm qua Việt Nam sang Hoa Kỳ và quy định việc tạm nhập, tái xuất tinh dầu xá xị phải có giấy phép của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương); Thông tư số 10/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công thương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp (sau đây gọi tắt là tiền chất) là các hóa chất được sử dụng trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm của các ngành công nghiệp như những nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế chất ma túy.

2. Thất thoát tiền chất là sự thất thoát tiền chất từ mục đích hợp pháp sang mục đích bất hợp pháp để sản xuất ma túy trong quá trình sản xuất, kinh doanh, điều chế, xử lý, hủy bỏ.

Điều 4. Danh mục tiền chất

Tiền chất thuộc Danh mục tiền chất quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này được áp dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, giao, nhận, tồn trữ và vận chuyển tiền chất.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý và kiểm soát tiền chất

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu tiền chất vào Việt Nam hoặc xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra nước ngoài khi có giấy phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu do Bộ Công thương cấp.

2. Doanh nghiệp chế xuất khi bán tiền chất vào nội địa hoặc doanh nghiệp nội địa khi bán tiền chất cho doanh nghiệp chế xuất phải có giấy phép  do Bộ Công thương cấp.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất phải được Bộ Công thương cho phép. Tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh tiền chất phải đáp ứng các quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương II Thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất phải chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng của mình.

Chương II

SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG TIỀN CHẤT

Mục 1

SẢN XUẤT TIỀN CHẤT

Điều 6. Yêu cầu chung

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước và các quy định tại Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất phải đáp ứng các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh hoá chất ngành công nghiệp theo quy định tại Điều 14 Luật Hoá chất; các điều kiện sản xuất hóa chất trong ngành công nghiệp quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

c) Phải có kho bảo quản, có các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 24 Thông tư này. Trường hợp không có kho riêng thì tiền chất phải để một khu vực riêng biệt trong kho đạt tiêu chuẩn theo quy định, có biện pháp bảo đảm an toàn, chống thất thoát.

d) Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất chỉ được phép hoạt động khi được Bộ Công thương cho phép.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị cho phép sản xuất tiền chất

Hồ sơ đề nghị cho phép sản xuất tiền chất gồm các giấy tờ sau:

1. Đơn đề nghị cho phép sản xuất tiền chất thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

2. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng: Bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân.

3. Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo đề án hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường kèm theo đề án do cơ quan có thẩm quyền cấp: Bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân.

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền: Bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân

5. Quy trình sản xuất tiền chất.

6. Kế hoạch giám sát định kỳ chất lượng tiền chất hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra tiền chất được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận.

7. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ tiền chất trong cơ sở sản xuất.

Điều 8. Trình tự, thủ tục cho phép sản xuất tiền chất

1. Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ quy định tại Điều 7 Thông tư này gửi về Bộ Công thương (Cục Hóa chất).

2. Cơ quan thẩm định hồ sơ

a) Cục Hóa chất là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép sản xuất tiền chất;

b) Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cho phép sản xuất tiền chất, Cục Hóa chất thông báo cho tổ chức, cá nhân nội dung chưa đầy đủ, chưa hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất;

c) Trong thời gian không quá 15 (mười năm) ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ đã hợp lệ và đầy đủ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này, Cục Hóa chất kiểm tra tình hình thực tế tại cơ sở sản xuất tiền chất và thẩm định hồ sơ. Trường hợp chưa cho phép hoặc không cho phép sản xuất tiền chất phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Cơ quan cho phép sản xuất tiền chất

Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Công thương xem xét, quyết định cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất.

4. Thời hạn cho phép sản xuất tiền chất

Thời hạn cho phép sản xuất tiền chất là 05 năm, kể từ ngày Bộ Công thương ký quyết định cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất.

Điều 9. Quản lý trong sản xuất tiền chất

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất phải lập sổ riêng theo dõi số lượng tiền chất được sản xuất, không theo dõi chung với hàng hóa, vật tư khác. Sổ theo dõi sản xuất tiền chất gồm các thông tin: Số lượng sản xuất theo từng quý; hàm lượng hoặc nồng độ; tên tiền chất; công thức hóa học; công suất; phương thức sản xuất; thiết bị sản xuất; công nghệ áp dụng. Sổ theo dõi sản xuất tiền chất được lưu giữ trong thời hạn 05 (năm) năm.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất tiền chất phải xây dựng quy chế trong sản xuất tiền chất để giúp người quản lý và nhân viên có biện pháp phòng ngừa không làm thất thoát tiền chất.

Quy chế sản xuất tiền chất trong cơ sở sản xuất gồm các nội dung: Mục đích sản xuất tiền chất; danh mục tiền chất sản xuất; an toàn trong sản xuất, tồn trữ, vận chuyển tiền chất; sự phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý tiền chất.

3. Trong quá trình sản xuất nếu phát hiện mất mát, thất thoát tiền chất  phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết.

Mục 2

KINH DOANH TIỀN CHẤT

Điều 10. Yêu cầu chung

Tổ chức, cá nhân phân phối, mua bán, trao đổi tiền chất thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định số 80/2001/NĐ-CP, Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 26/2011/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này, cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

2. Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh tiền chất phải có trình độ từ trung cấp trở lên về chuyên ngành hoá chất.

3. Người trực tiếp tiếp xúc với tiền chất của cơ sở kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất; được đào tạo định kỳ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về tiền chất.

4. Có Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Có trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại hoặc có hợp đồng vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

6. Phải có kho bảo quản tiền chất, có các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 24 Thông tư này. Trường hợp không có kho riêng thì tiền chất phải để một khu vực riêng biệt trong kho đạt tiêu chuẩn theo quy định, có biện pháp bảo đảm an toàn, chống thất thoát.

7. Có Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ tiền chất trong cơ sở kinh doanh.

Điều 11. Kiểm soát kinh doanh tiền chất

Tổ chức, cá nhân khi phân phối, mua bán, trao đổi tiền chất với nhau phải có:

1. Hợp đồng mua bán tiền chất hoặc một trong các tài liệu: hợp đồng nguyên tắc; thoả thuận bán hàng, mua hàng; bản ghi nhớ. Trong hợp đồng phải có nội dung thông tin cảnh báo: Tiền chất có thể bị lợi dụng vào sản xuất ma túy; không được sử dụng tiền chất vào mục đích bất hợp pháp.

2. Hóa đơn mua bán tiền chất.

3. Phiếu xuất kho, nhập kho.

Điều 12. Quản lý kinh doanh tiền chất

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất phải lập sổ riêng theo dõi tiền chất, không theo dõi chung với hàng hóa, vật tư khác. Sổ theo dõi kinh doanh tiền chất gồm các thông tin: Họ và tên khách hàng; địa chỉ; số điện thoại, số fax; năm thành lập; khách hàng tiếp tục bán lại hay là nơi sử dụng tiền chất cuối cùng; mục đích của việc sử dụng tiền chất (nếu tiền chất được sử dụng để sản xuất thì phải nêu tên sản phẩm); số lượng tiền chất bán ra hàng ngày. Sổ theo dõi mua bán tiền chất được lưu giữ trong thời hạn 05 (năm) năm.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất phải xây dựng quy chế về kinh doanh tiền chất để giúp người quản lý và nhân viên có biện pháp phòng ngừa không làm thất thoát tiền chất.

Quy chế kinh doanh tiền chất trong cơ sở kinh doanh gồm các nội dung: Mục đích của quy chế; danh mục tiền chất kinh doanh; thông tin khách hàng; an toàn trong tồn trữ, vận chuyển tiền chất; sự phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý tiền chất.

3. Trong quá trình phân phối, mua bán, trao đổi tiền chất nếu phát hiện  mất mát, bán nhầm tiền chất phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết.

Mục 3

SỬ DỤNG TIỀN CHẤT

Điều 13. Yêu cầu sử dụng tiền chất  

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tiền chất phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm phải:

1. Tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất theo quy định tại Chương V của Luật Hóa chất và các quy định về huấn luyện, đào tạo an toàn hóa chất quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

2. Tiền chất phải được cất giữ, bảo quản trong kho riêng, có các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 24 Thông tư này. Trường hợp không có kho riêng thì tiền chất phải để một khu vực riêng biệt trong kho đạt tiêu chuẩn theo quy định, có biện pháp bảo đảm an toàn, chống thất thoát.

3. Xây dựng định mức tiêu hao tiền chất trên một đơn vị sản phẩm.

4. Có Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ tiền chất được sử dụng.

Điều 14. Lập kế hoạch sử dụng tiền chất

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tiền chất hàng năm phải lập kế hoạch sử dụng và thông báo cho Bộ Công thương (Cục Hóa chất) để theo dõi. Kế hoạch sử dụng tiền chất thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

2. Định kỳ hàng năm tổ chức, cá nhân phải gửi kế hoạch sử dụng tiền chất về Bộ Công thương (Cục Hóa chất). Thời hạn gửi kế hoạch chậm nhất là ngày 17 tháng 01 của năm tiếp theo.

Điều 15. Quản lý việc sử dụng tiền chất

1. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tiền chất phải lập sổ riêng theo dõi, không theo dõi chung với hàng hóa, vật tư khác. Sổ theo dõi gồm các thông tin: số lượng tiền chất sử dụng hàng ngày, thời gian và mục đích sử dụng, định mức tiêu hao tiền chất trên một đơn vị sản phẩm. Sổ theo dõi sử dụng  tiền chất được lưu giữ trong thời hạn 05 năm.

2. Trong quá trình sử dụng tiền chất nếu phát hiện thất thoát tiền chất phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết.

Chương III

NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU TIỀN CHẤT

Điều 16. Trình tự, thủ tục cho phép nhập khẩu tiền chất vào Việt Nam và xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra nước ngoài

1. Hồ sơ đề nghị nhập khẩu hoặc xuất khẩu

Tổ chức, cá nhân lập 01 (một) bộ hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này;

b) Hợp đồng mua bán tiền chất hoặc một trong các tài liệu: hợp đồng nguyên tắc; thoả thuận bán hàng, mua hàng; bản ghi nhớ: Bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ

Cục Hóa chất là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra và thẩm định hồ sơ xin phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất.

3. Cơ quan cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất

Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Công thương xem xét, quyết định việc cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất.

4. Thời gian cấp giấy phép

a) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Cục Hóa chất thông báo cho tổ chức, cá nhân nội dung chưa đầy đủ, chưa hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất;

b) Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ đầy đủ và hợp lệ quy định tại Điểm a Khoản này, Cục Hóa chất kiểm tra, thẩm định hồ sơ và trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất. Trường hợp không cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 17. Thời hạn của giấy phép

1. Giấy phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất được cấp cho từng lần nhập khẩu vào Việt Nam hoặc xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và có thời hạn trong vòng 03 (ba) tháng, kể từ ngày cấp phép.

2. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 18. Gia hạn giấy phép

1. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong thì tổ chức, cá nhân phải đề nghị Bộ Công thương (Cục Hóa chất) xem xét gia hạn thêm.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm:

a) Công văn đề nghị gia hạn;

b) Giấy phép đã được cấp: bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân.

3. Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép, Cục Hóa chất thông báo cho tổ chức, cá nhân nội dung chưa đầy đủ, chưa hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất.

4. Thời hạn cấp giấy phép gia hạn chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ đầy đủ và hợp lệ quy định tại Khoản 3 Điều  này. Giấy phép chỉ gia hạn một lần trong năm kế hoạch, thời gian gia hạn không quá 03 (ba) tháng.

Giấy phép gia hạn thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này.

Điều 19. Xuất khẩu tiền chất vào nội địa và xuất khẩu tiền chất vào Khu chế xuất

1. Doanh nghiệp chế xuất khi bán tiền chất vào nội địa hoặc doanh nghiệp nội địa khi bán tiền chất cho doanh nghiệp chế xuất phải thực hiện các quy định về xuất nhập khẩu và làm thủ tục hải quan theo quy định hiện hành.

2. Giấy phép xuất khẩu tiền chất vào nội địa và xuất khẩu tiền chất vào Khu chế xuất được cấp theo đề nghị của doanh nghiệp và có thời hạn trong vòng 03 (ba) tháng, kể từ ngày cấp phép.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiền chất đối với doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư này. Giấy phép xuất khẩu tiền chất vào nội địa và xuất khẩu tiền chất vào Khu chế xuất thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong thì doanh nghiệp phải đề nghị Bộ Công thương (Cục Hóa chất) xem xét gia hạn thêm.

a) Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm:

a) Công văn đề nghị gia hạn;

b) Giấy phép đã được cấp: bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân;

c) Phiếu theo dõi, trừ lùi của cơ quan hải quan: bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân.

Điều 20. Gửi Giấy phép đến cơ quan có liên quan

Trong thời hạn chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu, Bộ Công thương (Cục Hóa chất) có trách nhiệm gửi giấy phép đến Bộ Công an (Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy), Bộ Tài chính và Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP.

Điều 21. Thông báo tiền xuất khẩu

Phối hợp kiểm soát trong thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động nhập khẩu các tiền chất từ nước ngoài vào Việt Nam; đối với hoạt động xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 và Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Điều 22. Thu hồi giấy phép và đình chỉ việc nhập khẩu, xuất khẩu

1. Bộ Công thương quyết định thu hồi giấy phép trong các trường hợp:

a) Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được cấp không đúng thẩm quyền;

b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp phép;

c) Cho thuê, mượn giấy phép; tự ý sửa đổi nội dung giấy phép;

d) Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tiền chất của tổ chức, cá nhân chấm dứt;

đ) Không gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Thông tư này đến Bộ Công thương (Cục Hóa chất) trong thời hạn 01 (một) tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản.

2. Đình chỉ việc nhập khẩu, xuất khẩu

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ bị đình chỉ việc nhập khẩu, xuất khẩu trong thời hạn 03 (ba) tháng nếu vi phạm lần thứ nhất; đình chỉ trong thời hạn 06 (sáu) tháng nếu vi phạm lần thứ hai; đình chỉ vĩnh viễn nếu vi phạm lần thứ ba.

Chương IV

GIAO, NHẬN, TỒN TRỮ, VẬN CHUYỂN TIỀN CHẤT

Điều 23. Giao, nhận tiền chất

1. Khi giao, nhận tiền chất, bên giao và bên nhận phải tiến hành kiểm tra, đối chiếu tên của tiền chất về nồng độ, hàm lượng, số lượng, chất lượng, số lô hàng, hạn sử dụng tiền chất.

2. Người nhận hàng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân và giấy ủy quyền nhận hàng và chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, chủng loại tiền chất trong quá trình vận chuyển, giao đầy đủ cho người có trách nhiệm trực tiếp sử dụng và quản lý.

3. Khi giao, nhận xong hai bên giao, nhận phải ký và ghi rõ họ tên vào chứng từ xuất kho, nhập kho.

Điều 24. Tồn trữ tiền chất

1. Tiền chất phải được bảo quản như đối với hóa chất nguy hiểm. Các loại tiền chất nếu được bảo quản chung mà có thể trở thành nguồn gây nguy hiểm mới hoặc làm tăng mức độ nguy hiểm thì phải được bảo quản riêng.

2. Kho tồn trữ tiền chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm treo ở nơi dễ nhận thấy, có hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của tiền chất. Trường hợp tiền chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.

3. Phải có trang thiết bị giám sát an toàn hoặc các trang thiết bị cần thiết làm giảm đặc tính nguy hiểm của tiền chất như thông gió, điều chỉnh nhiệt độ, chống nắng, chống cháy, chống lửa, chống ẩm, chống sét, chống tĩnh điện.  

4. Các tiền chất tồn trữ phải có nhãn theo các quy định hiện hành về ghi nhãn. Nhãn tiền chất phải đảm bảo độ bền cơ học, hóa học trong suốt quá trình tồn tại của tiền chất.

5. Tiền chất tồn trữ phải có sổ ghi chép đầy đủ hàng ngày số liệu xuất kho, nhập kho, cất giữ, sử dụng và phải thực hiện các biện pháp cần thiết tránh làm thất thoát. Trường hợp phát hiện có thất thoát tiền chất phải báo ngay cho cơ quan công an và cơ quan quản lý chuyên ngành hóa chất tại địa bàn hoạt động để có biện pháp ngăn ngừa, khắc phục hậu quả.

6. Phiếu xuất kho, nhập kho các tiền chất phải viết riêng, không được viết chung với các loại hàng hóa, vật tư khác.

Điều 25. Vận chuyển tiền chất

1. Bao bì, thùng chứa tiền chất khi vận chuyển phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về bao gói hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp, đảm bảo tiền chất không bị rò rỉ, bị tràn ra ngoài hoặc gây ra các rủi ro khác do thay đổi điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, áp suất trong khi vận chuyển. Không được vận chuyển tiền chất chung với các hàng hóa khác.

2. Trong quá trình vận chuyển, bao bì, thùng chứa tiền chất phải có nhãn hàng hóa, phải dán nhãn biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng theo quy định hiện hành và có đầy đủ phiếu an toàn hóa chất.

3. Tổ chức, cá nhân có hàng vận chuyển phải có biện pháp bảo đảm an toàn, không để hàng bị thất thoát và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng hàng do mình vận chuyển.

4. Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển tiền chất thực hiện theo quy định hiện hành về vận chuyển hàng nguy hiểm.

Chương VI

CHẾ ĐỘ GHI CHÉP, BÁO CÁO

Điều 26. Chế độ ghi chép, hóa đơn, chứng từ

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất phải mở sổ riêng theo dõi số lượng tiền chất nhập khẩu, xuất khẩu, không được theo dõi chung với các loại hàng hoá, vật tư khác. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, giao, nhận, tồn trữ tiền chất phải mở sổ riêng theo dõi theo quy định tại Điều 9, Điều 12 và Điều 15 Thông tư này.

2. Phiếu xuất kho, nhập kho tiền chất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, giao, nhận, tồn trữ tiền chất không được viết chung với các loại hàng hoá, vật tư khác.

3. Thực hiện đầy đủ chế độ hoá đơn, chứng từ theo các quy định hiện hành. Việc mua bán tiền chất không có hoá đơn, chứng từ đều bị coi là kinh doanh trái phép và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Hết thời hạn lưu giữ sổ theo dõi, chứng từ liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, giao, nhận, tồn trữ tiền chất, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm lập hội đồng để tiến hành hủy sổ sách, chứng từ và phải lập biên bản.

Điều 27. Chế độ báo cáo thống kê

1. Chế độ báo cáo thống kê tiền chất

Chế độ báo cáo thống kê tiền chất thực hiện theo nhóm chỉ tiêu quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm đ Khoản 4 Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy và các quy định tại Thông tư này.

2. Đối với cơ sở sản xuất, sử dụng, nhập khẩu, xuất khẩu, tồn trữ tiền chất

a) Hàng tháng phải thực hiện việc kiểm kê số lượng tiền chất tồn kho;

b) Vào ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hàng năm, các cơ sở sản xuất, sử dụng, nhập khẩu, xuất khẩu, tồn trữ tiền chất phải báo cáo thống kê tình hình  sản xuất, sử dụng, nhập khẩu, xuất khẩu, tồn trữ tiền chất gửi về Bộ Công thương (Cục Hóa chất). Báo cáo thống kê thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này;    

c) Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

3. Các Sở Công thương

Vào ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hàng năm, các Sở Công Thương phải báo cáo tình hình kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất trên địa bàn quản lý gửi về Bộ Công thương (Cục Hóa chất). Báo cáo tình hình kinh doanh thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này

4. Báo cáo thống kê tổng hợp

Định kỳ 06 tháng và hàng năm, Bộ Công thương (Cục Hoá chất) báo cáo tình hình quản lý, kiểm soát tiền chất gửi Bộ Công an.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hóa chất

a) Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, phổ biến việc thực hiện Thông tư này;

b) Tổ chức thẩm định hồ sơ và trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc cho phép sản xuất tiền chất; cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất; theo dõi việc sử dụng tiền chất của các tổ chức, cá nhân.

c) Hàng năm chủ trì phối hợp với Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy thuộc Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất quy định tại Thông tư này.

2. Các Sở Công thương

a) Chủ trì phối hợp với Bộ Công thương (Cục Hóa chất), công an tỉnh, thành phố; Chi cục quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan kiểm tra các yêu cầu về kinh doanh tiền chất đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất trên địa bàn quản lý theo nội dung quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này. Việc kiểm tra tiến hành theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.

b) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thực hiện thủ tục kiểm tra theo quy định; thông báo kết quả kiểm tra cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất và báo cáo tình hình kiểm tra cho Bộ Công thương (Cục Hóa chất);

c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.

Điều 29. Các tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng và nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp của Luật Phòng, chống ma tuý; các văn bản hướng dẫn thi hành và Thông tư này.

2. Tạo điều kiện và chấp hành các quy định kiểm tra, thanh tra về quản lý, kiểm soát tiền chất. Trường hợp vi phạm các quy định của Thông tư này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Điều khoản chuyển tiếp

1. Từ ngày 01 tháng 8 năm 2012, tổ chức, cá nhân bắt đầu kinh doanh tiền chất phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này. Tổ chức, cá nhân đã kinh doanh tiền chất trước ngày có hiệu lực của Thông tư được gia hạn trong vòng 05 (năm) tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực để bổ sung các yêu cầu. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân không đáp ứng yêu cầu sẽ phải ngừng kinh doanh tiền chất cho đến khi thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định.

2. Từ ngày 01 tháng 9 năm 2012, tổ chức, cá nhân bắt đầu sản xuất tiền chất chỉ được hoạt động khi Bộ Công thương cho phép. Tổ chức, cá nhân đã hoạt động sản xuất tiền chất trước ngày có hiệu lực của Thông tư được gia hạn trong vòng 06 (sáu) tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực để bổ sung các yêu cầu. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân không đáp ứng yêu cầu sẽ phải ngừng sản xuất tiền chất cho đến khi thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng     năm 2012.

2. Thông tư này thay thế:

a) Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành danh mục và quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp;

b) Quyết định số 04/2004/QĐ-BCN ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc bổ sung một số chất vào Danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN;

c) Quyết định số 41/2006/QĐ-BCN ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp sửa đổi Điều 6, Khoản D Điều 8 của Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp;

d) Quyết định số 5041/QĐ-BCT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ sung một số chất vào Danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN;

đ) Thông tư số 13/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính tại Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công thương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư quy định quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và các phụ lục đi kèm dự thảo.

Ngày nhập

16/11/2011

Đã xem

2339 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com