Dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh án phí, lệ phí của Tòa án
Ngày đăng: 22:28 23-06-2011 | 2518 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Tòa án nhân dân tối cao
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ––––––––––––––––––––––– Số: /2011/NQ-HĐTP (Dự thảo 2) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc –––––––––––––––––––––––––––––––––––––– Hà Nội, ngày tháng năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
Hướng dẫn áp dụng một số quy định của
Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
–––––––––––––––––––
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27 tháng 02 năm 2009;
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Về khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Theo khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì lệ phí giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên cần chú ý là kể từ ngày 01-01-2012 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS có hiệu lực, lệ phí giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 2. Áp dụng mức án phí, lệ phí Tòa án
Mức án phí, lệ phí Toà án đối với từng loại vụ việc được quy định cụ thể tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, không quy định tối thiểu hay tối đa mức án phí mà một đương sự phải nộp trong một vụ án.
Ví dụ: Đối với vụ án dân sự có giá ngạch nhưng giá trị tranh chấp dưới bốn triệu đồng hoặc vụ án dân sự không có giá ngạch thì đương sự phải chịu án phí là 200.000 đồng. Nếu các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu mức án phí là 100.000 đồng.
Điều 3. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí (về khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án)
Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước không phải nộp tiền tạm ứng án phí, bao gồm:
1. Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định.
2. Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.
3. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định;
b) Lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cần yêu cầu Tòa án bảo vệ thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách.
Ví dụ 1: Cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án buộc doanh nghiệp có hành vi không nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Ví dụ 2: Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 4. Phạm vi miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án (về Điều 14 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án)
1. Phạm vi áp dụng: Quy định này áp dụng cho cả người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận hoàn cảnh khó khăn và được hợp pháp hóa lãnh sự.
2. Việc miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Trong trường hợp đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự, trong đó có thỏa thuận để một bên đương sự chịu toàn bộ số tiền án phí phải nộp, đương sự này có đơn yêu cầu miễn nộp một phần tiền án phí và đủ điều kiện quy định tại Điều 14 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì Tòa án không miễn nộp một phần tiền án phí cho đương sự.
Điều 5. Về khoản 6 và khoản 7 Điều 18 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Trường hợp vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại điểm a, b, d, đ, e và k khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự hoặc các điểm a, b và c khoản 1 Điều 120 của Luật tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại điểm c, g, h và i khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự hoặc điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 109 của Luật tố tụng hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 6. Về khoản 2 Điều 21 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Các đương sự trong vụ án hình sự kháng cáo về phần dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này. Bị cáo kháng cáo về phần dân sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
Điều 7. Về khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Đối với phần dân sự về bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự thì người phải bồi thường phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án như sau:
1. Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương đương với phần yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
3. Người bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
4. Bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự, người bị hại được Tòa án chấp nhận.
5. Bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn dân sự, người bị hại được Tòa án chấp nhận.
6. Đương sự, người bị hại, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp Toà án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên toà thì phải chịu 50% mức án phí quy định. Trường hợp đương sự, người bị hại, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại tại phiên toà sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
Điều 8. Về khoản 7 Điều 23 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Tòa án không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo nhưng vẫn sửa quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm có lợi (bản án sơ thẩm có thiếu sót ngoài phần có yêu cầu kháng cáo của bị cáo) hoặc bất lợi cho người kháng cáo (trường hợp có cả kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân hoặc kháng cáo của người bị hại yêu cầu tăng hình phạt) thì người kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Điều 9. Về quy định tại khoản 1 và khoản 7 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Khi áp dụng quy định tại khoản 7 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, đối với vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch thì án phí mà mỗi đương sự phải chịu trong trường hợp này được tính sau khi xác định được phần tài sản mà họ được hưởng thì căn cứ vào giá trị của phần tài sản đó để tính án phí.
Ví dụ: tài sản tranh chấp phải chia có giá trị 600.000.000 đồng. Số người được chia tài sản là 4 người. Trị giá tài sản một người là 150.000.000 đồng. Án phí một người phải nộp là 7.500.000 đồng.
Điều 10. Về quy định tại khoản 9 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng (ví dụ với giá trị tài sản tranh chấp là 600.000.000 đồng), đồng thời những người liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu các đương sự phải trả khoản nợ chung của vợ chồng (ví dụ số nợ chung là 100.000.000 đồng) và yêu cầu này được chấp nhận thì các đương sự phải chịu án phí dân sự đối với phần tài sản được chia (trong giá trị tài sản tranh chấp là 600.000.000 đồng) và phải chịu án phí dân sự đối với phần nợ phải trả trong số nợ chung.
Điều 11. Về quy định tại khoản 10 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
1. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án trong trường hợp Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
2. Trường hợp có yêu cầu riêng về cấp dưỡng thì đương sự phải chịu án phí về cấp dưỡng theo quy định tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Trường hợp đương sự yêu cầu ly hôn và có tranh chấp về cấp dưỡng thì đương sự vừa phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch đối với yêu cầu ly hôn và vừa phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch đối với yêu cầu cấp dưỡng.
Điều 12. Về quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Theo quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án thì các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Toà án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên toà thì phải chịu 50% mức án phí quy định. Khi áp dụng quy định này cần lưu ý:
1. Án phí đối với yêu cầu xin ly hôn được xác định theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Nếu trong vụ án ly hôn, ngoài yêu cầu xin ly hôn, đương sự còn yêu cầu Toà án chia tài sản chung của vợ chồng và trước khi mở phiên toà, các bên đương sự đã thoả thuận được với nhau về việc chia tài sản chung đó thì Toà án áp dụng quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án để giảm cho đương sự 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà họ phải nộp cho yêu cầu chia tài sản chung.
2. Trường hợp các đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án tuyên trong bản án, quyết định để đảm bảo cho việc thi hành án thì được xem là trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hoà giải trước khi mở phiên toà và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
3. Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng, đồng thời những người liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu các đương sự phải trả khoản nợ chung của vợ chồng. Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án về toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
4. Trong vụ án ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành, các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trường hợp này thuộc trường hợp các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Toà án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên toà theo quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Do vậy, các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định.
Điều 13. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm (Về Điều 33 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án)
Theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên cần chú ý là kể từ ngày 01-7-2011 Luật tố tụng hành chính có hiệu lực thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 14. Về khoản 3 Điều 34 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
1. Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Người phải bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, trong trường hợp toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của người yêu cầu được Tòa án chấp nhận.
3. Người khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
4. Người khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Người phải bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của người khởi kiện được Tòa án chấp nhận.
5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu bồi thường thiệt hại không được Tòa án chấp nhận. Người phải bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
6. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.
Điều 15. Về Điều 51 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
1. Kể từ ngày 01-7-2009, khi thụ lý các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm, các vấn đề về tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí; án phí, lệ phí Tòa án phải được xem xét và quyết định theo đúng các quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
2. Đối với các vụ việc đã được Toà án thụ lý để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc theo thủ tục phúc thẩm trước ngày Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án có hiệu lực pháp luật (ngày 01-7-2009), nhưng sau ngày 01-7-2009 Toà án mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, thì các quyết định về án phí, lệ phí Toà án được thực hiện theo quy định của Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ “Về án phí, lệ phí Toà án” và các văn bản trước đây về án phí, lệ phí Toà án; trường hợp theo quy định của Nghị định số 70/CP mà đương sự phải chịu án phí, lệ phí Toà án, nhưng theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án thì đương sự không phải chịu hoặc được miễn, giảm án phí, lệ phí Toà án, thì áp dụng quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án đối với họ.
Điều 16`. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày tháng năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Kể từ thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì đối với những vụ án mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.
3. Kể từ thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì đối với các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận:
- Uỷ ban pháp luật của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Bộ Tư pháp;
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC; - Lưu: VP, Viện KHXX (TANDTC). |
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN CHÁNH ÁN Trương Hoà Bình |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Tòa án nhân dân tối cao
Loại tài liệu Nghị quyết
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.