Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Ngày đăng: 12:11 06-04-2011 | 1634 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài chính

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ

——

Số: /2011/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________________________________

Hà Nội, ngày tháng năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

__________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Quản lý Nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 06 năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này qui định về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

2. Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là việc Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn theo cơ chế ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, ổn định xã hội (sau đây gọi chung là tín dụng chính sách xã hội).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng Chính sách xã hội là cơ quan tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo qui định tại Nghị định này và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan.

2. Các tổ chức, cá nhân được vay vốn theo qui định tại Nghị định này và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc của tín dụng chính sách xã hội

1. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm cho vay đúng đối tượng, đúng qui định của Chính phủ và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan.

2. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác (sau đây gọi chung là người vay) được vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.

Điều 4. Cơ quan tổ chức thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách

1. Giao Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

2. Điều lệ tổ chức và hoạt động, chế độ tài chính, chế độ tiền lương, chế độ tiền lương của cán bộ, viên chức của Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Chương II

NGUỒN VỐN ĐỂ THỰC HIỆN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Điều 5. Nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước

1. Vốn điều lệ Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Vốn ODA được Chính phủ giao.

Điều 6. Vốn huy động

Ngân hàng Chính sách xã hội được huy động các nguồn vốn sau

1. Nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tiết kiệm của người nghèo;

2. Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

3. Các Ngân hàng thương mại duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước. Tiền gửi của các Ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Chính sách xã hội được trả lãi tương đương với lãi suất huy động loại kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng thương mại tại thời điểm gửi tiền;

4. Vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vay Ngân hàng Nhà nước.

Điều 7. Các nguồn vốn khác

1. Vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.

2. Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước.

3. Các nguồn vốn khác

Chương III

TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Điều 8. Đối tượng được vay vốn.

1. Hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

2. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

3. Học sinh, sinh viên là con hộ nghèo.

Các đối tượng nêu trên gọi chung là người vay

Điều 9. Điều kiện để được vay vốn

1. Người vay phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã;

2. Mục đích vay vốn của người vay phù hợp với qui định tại Nghị định này.

Điều 10. Vốn vay được sử dụng vào các việc sau :

1. Các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định này, sử dụng vốn vay để:

a) Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

b) Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.

d) Trang trải các chi phí để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định này, sử dụng vốn vay để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.

Điều 11. Phương thức cho vay

Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp đối với người vay hoặc uỷ thác qua các tổ chức chính trị xã hội theo hợp đồng uỷ thác.

Điều 12. Mức vốn cho vay

Mức vốn cho vay do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định trên cơ sở nhu cầu vay vốn của người vay và nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ.

Điều 13. Lãi suất cho vay

1. Nguyên tắc xác định lãi suất cho vay:

a) Lãi suất cho vay do Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định cho từng thời kỳ theo theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất huy động bình quân cộng với phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội

b) Lãi suất cho vay được qui định cụ thể đối với từng đối tượng vay căn cứ vào khả năng tài chính của đối tượng vay và khả năng hỗ trợ của Nhà nước

2. Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và không thay đổi trong cả thời hạn vay vốn.

3. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 150% lãi suất khi cho vay.

Điều 14. Thời hạn cho vay

1. Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của người vay.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo các thể loại ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Điều 15. Thu hồi nợ, chuyển nợ quá hạn

1. Người vay có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký.

2. Khi đến hạn thời hạn trả nợ, người vay có khả năng trả nợ nhưng không trả nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển nợ quá hạn. Ngân hàng Chính sách xã hội kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác và các tổ tiết kiệm vay vốn có biện pháp thu hồi nợ.

Điều 16. Qui trình và thủ tục cho vay

Ngân hàng Chính sách xã hội qui định qui trình và thủ tục cho vay đối với từng người vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

Điều 17. Bảo đảm tiền vay.

Người vay khi vay vốn theo quy định của Nghị định này không phải áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay.

Điều 18. Phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng

1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các Tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội được lập Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý các rủi ro do đối với người vay do các nguyên nhân khách quan. Mức trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được quy định tại cơ chế tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội

Điều 19. Rủi ro, xử lý rủi ro

1. Rủi ro được xem xét xử lý bao gồm:

a) Thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản của người vay hoặc của dự án;

b) Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người vay hoặc có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật mà không còn pháp nhân, không còn vốn, tài sản để trả nợ.

c) Người vay bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích.

2. Biện pháp xử lý rủi ro được xem xét áp dụng gồm: gia hạn nợ, khoanh nợ, xoá nợ (gốc, lãi).

3. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý nợ bị rủi ro theo qui chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 20. Kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay

Ngân hàng chính sách xã hội xây dựng quy trình và thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của đối tượng vay vốn phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng, tính chất của khoản vay nhằm bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay. Trường hợp đối tượng được vay vốn đã vay vốn nhưng không sử dụng tiền vay đúng mục đích, Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã và các cơ quan chức năng thu hồi nợ theo qui định.

Chương IV

KẾ HOẠCH TÍN DỤNG

Điều 21. Lập kế hoạch tín dụng

Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội lập kế hoạch tín dụng báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Điều 22. Nội dung của kế hoạch tín dụng

1. Tổng mức tăng trưởng tín dụng, trong đó chi tiết cụ thể cho từng chương trình và từng đối tượng vay theo tiến độ cho vay trong năm.

2. Nguồn vốn để thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng, trong đó chi tiết từng loại nguồn vốn, phù hợp với tiến độ cho vay trong năm.

3. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 23. Thủ tướng Chính phủ

1. Chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bố trí nguồn vốn cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Quyết định việc sử dụng và chuyển giao nguồn vốn ODA, nguồn vay nợ nước ngoài của Chính phủ dành cho tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

3. Phê duyệt đề án và chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo qui định của Luật quản lý Nợ công và các văn bản hướng dẫn để huy động vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

4. Quyết định xử lý các khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo thẩm quyền qui định tại qui chế xử lý nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 24. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 25. Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch tín dụng hàng năm và 05 năm do Ngân hàng Chính sách xã hội lập.

2. Theo dõi hoạt động tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc: huy động vốn và trả nợ các nguồn vốn huy động; sử dụng vốn để cho vay và thực hiện một số nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hàng năm đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 26. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Tổng hợp kế hoạch tín dụng hàng năm và 05 năm do Ngân hàng Chính sách xã hội lập đã được Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 27. Các cơ quan, tổ chức được cử người tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài chức năng quản lý chuyên ngành thuộc thẩm quyền, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau :

1. Tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chính sách và giải pháp cơ bản để thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

2. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện các giải pháp chuyên ngành có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Cử đại diện có đủ thẩm quyền tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 28. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, Ban Chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo địa phương, ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; kết hợp chương trình kinh tế với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình văn hoá - xã hội nhằm hỗ trợ Người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế rủi ro.

2. Quyết định thành lập và giám sát hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị tại địa phương theo quy định của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Chỉ đạo các tổ chức nhận ủy thác trong việc chấp hành chính sách tín dụng đối với Người vay tại địa phương, xử lý các sai phạm, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 29. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm :

1. Chỉ đạo các ngành và Ban Chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo của huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng đối với Người vay trên địa bàn.

2. Chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã chấp hành đầy đủ các quy định về thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét cho vay, xác nhận danh sách hộ nghèo đủ điều kiện vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi tiền vay của Người vay.

3. Quyết định thành lập và giám sát hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 30. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm :

1. Lập danh sách hộ nghèo theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố.

2. Chỉ đạo việc thành lập và chấp thuận hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

3. Tổ chức và chỉ đạo Ban Chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc bình xét hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, bảo đảm dân chủ và công khai, xác nhận danh sách hộ nghèo vay vốn, phối hợp với tổ chức cho vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ.

4. Có ý kiến về đề nghị của Người vay đối với các trường hợp xin gia hạn nợ và xử lý rủi ro.

5. Phối hợp với các Ban, ngành chức năng ở cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tài trợ và tổ chức cho vay mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kiến thức về thị trường..., quy chế vay vốn, trả nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 31. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm:

1. Chịu trách nhiệm tổ chức điều hành hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức huy động vốn, sử dụng vốn để cho vay, thu hồi nợ và trả nợ các nguồn vốn huy động theo quy định đảm bảo an toàn vốn và tài sản của Nhà nước.

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2011 và thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Điều 33. Bãi bỏ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm:

1. Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Cho vay hộ gia đình tại vùng khó khăn

2. Quyết định 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Cho vay thương nhân tại vùng khó khăn

3. Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Cho vay cơ sở sản xuất sử dụng người lao động là người sau cai nghiện.

4. Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng phục vụ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn

5. Quyết định số 365/QĐ-NHNN ngày 13/04/2004 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.

Điều 34. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Ngày nhập

06/04/2011

Đã xem

1634 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com