Dự thảo Thông tư hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Ngày đăng: 10:21 29-11-2010 | 1214 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
_____________ |
___________________ |
Số: ……/2010/TT-BTC |
Hà Nội, ngày … tháng năm 2010 |
Dự thảo
THÔNG TƯ
Hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử
bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Kế toán ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Bộ Tài chính hướng dẫn về tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
Phần A
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về việc khởi tạo, phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế các cấp; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn được hướng dẫn trong Thông tư số 153/2010/TT-BTC.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử và chứng thực điện tử; cơ quan thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan lựa chọn hình thức hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ được sử dụng trong Thông tư này có cùng nghĩa như đã được giải thích tại Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Kế toán ngày 17 tháng 6 năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong phạm vi Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch Điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử (chữ ký điện tử bao hàm chữ ký số).
Dịch vụ giá trị gia tăng trong hoạt động tài chính (gọi tắt là dịch vụ VAN : Value Added Network)) là dịch vụ truyền, nhận chứng từ điện tử giữa người sử dụng dịch vụ và cơ quan chuyên môn để thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Điều 4. Một số tiêu chí phải có trên hoá đơn điện tử
Ngoài nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, hoá đơn điện tử phải có nội dung sau:
a) Tên hoá đơn, ký hiệu hoá đơn, số hoá đơn, tên liên hoá đơn;
b) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
c) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu có);
d) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hoá đơn giá trị gia tăng;
đ) Tổng số tiền thanh toán (bằng số và bằng chữ), và ngày, tháng, năm lập và gửi hoá đơn điện tử.
e) Chữ ký điện tử của bên mua hàng hoá, dịch vụ,
f) Chữ ký điện tử của bên bán hàng hoá, dịch vụ (nếu có)
g) Số hoá đơn điện tử là 1 số duy nhất, theo trật tự thời gian và liên tục
Một số trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết có đầy đủ các nội dung bắt buộc nêu trên được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC.
Phần B
KHỞI TẠO, PHÁT HÀNH VÀ SỬ DỤNG HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ
Điều 5. Khởi tạo hoá đơn điện tử
1. Khởi tạo hoá đơn điện tử là hoạt động làm ra hoá đơn trên hệ thống máy tính của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng hoá, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các Bên theo quy định của pháp luật.
2. Hoá đơn điện tử được khởi tạo trên hệ thống sau khi quyết định áp dụng hoá đơn điện tử có hiệu lực.
3. Người khởi tạo hoá đơn điện tử là tổ chức, cá nhân kinh doanh tạo hoặc gửi một hoá đơn điện tử trước khi hoá đơn điện tử đó được lưu giữ nhưng không bao hàm người trung gian chuyển hoá đơn điện tử.
4. Người khởi tạo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hoá đơn điện tử do mình khởi tạo.
5. Ra quyết định áp dụng hoá đơn điện tử
Căn cứ biên bản đánh giá các điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử, lãnh đạo đơn vị ra quyết định áp dụng hoá đơn điện tử và chịu trách nhiệm về quyết định này.
Quyết định áp dụng hoá đơn điện tử phải thể hiện các nội dung sau:
- Trang thiết bị phần cứng và phần mềm sử dụng cho việc khởi tạo và lập hoá đơn điện tử;
- Bộ phận kỹ thuật chịu trách nhiệm hoặc nhà cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật;
- Các bộ phận trong doanh nghiệp được sử dụng hoá đơn điện tử;
- Các loại hoá đơn điện tử được sử dụng và phạm vi sử dụng;
- Quy trình khởi tạo, lập, luân chuyển và lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử trong nội bộ doanh nghiệp.
Quyết định áp dụng hoá đơn điện tử được lưu hành trong các bộ phận liên quan đến việc sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp và được cung cấp theo yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, thanh tra việc sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp.
6. Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì việc xác định người khởi tạo một hoá đơn điện tử được thực hiện theo quy định tại Luật Giao dịch Điện tử số 51/2005/QH11, cụ thể:
a) Một hoá đơn điện tử là của người khởi tạo nếu hoá đơn điện tử đó được người khởi tạo gửi hoặc được gửi bởi một hệ thống thông tin được thiết lập để hoạt động tự động do người khởi tạo chỉ định;
b) Người nhận có thể coi hoá đơn điện tử là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả hoá đơn điện tử đó là của người khởi tạo;
c) Kể từ thời điểm người nhận biết có lỗi kỹ thuật trong việc truyền gửi hoá đơn điện tử hoặc đã sử dụng các phương pháp xác minh lỗi được người khởi tạo chấp thuận thì không áp dụng quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
7. Số thứ tự hoá đơn điện tử
Người khởi tạo hoá đơn điện tử chịu trách nhiệm cấp số thứ tự cho mỗi hoá đơn điện tử đã lập, bảo đảm số thứ tự của hoá đơn là số thứ tự theo dãy số tự nhiên gồm 7 chữ số trong một ký hiệu hóa đơn.
8. Điều kiện khởi tạo hóa đơn điện tử
a) Việc khởi tạo hoá đơn điện tử phải tuân thủ các quy định của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như pháp luật về giao dịch điện tử;
b) Người khởi tạo hoá đơn điện tử là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc lập hoá đơn điện tử chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh;
c) Tuân thủ tốt chế độ pháp luật về thuế;
d) Có cơ chế kiểm soát nội bộ hiệu quả.
Điều 6. Lập hóa đơn điện tử
1. Lập hoá đơn là việc ghi đầy đủ nội dung của hoá đơn theo quy định khi bán hàng hoá, dịch vụ.
2. Lập hoá đơn điện tử đối với hàng hoá, dịch vụ: Trừ trường hợp có thoả thuận khác trong các lĩnh vực đặc thù được Bộ Tài chính cho phép bằng văn bản thì:
Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Thời điểm, địa điểm lập, gửi hoá đơn điện tử, thời điểm, địa điểm nhận hoá đơn điện tử, lập, gửi hoặc nhận tự động hoá đơn điện tử được thực hiện theo quy định tại Luật Giao dịch Điện tử số 51/2005/QH11, cụ thể:
3. Thời điểm, địa điểm lập và gửi hoá đơn điện tử
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm lập và gửi hoá đơn điện tử được quy định như sau:
a) Thời điểm lập một hoá đơn điện tử là thời điểm hoá đơn điện tử được lập đầy đủ nội dung và nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo;
b) Thời điểm gửi một hoá đơn điện tử là thời điểm hoá đơn điện tử đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo. Trong trường hợp hoá đơn điện tử không rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo, thời điểm gửi là thời điểm nhận được hoá đơn điện tử.
c) Địa điểm lập và gửi hoá đơn điện tử là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức, hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân.
4. Nhận hoá đơn điện tử
a) Người nhận hoá đơn điện tử là người được chỉ định nhận hoá đơn điện tử từ người khởi tạo hoá đơn điện tử nhưng không bao hàm người trung gian chuyển hoá đơn điện tử đó.
b) Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì việc nhận hoá đơn điện tử được quy định như sau:
- Người nhận được xem là đã nhận được hoá đơn điện tử nếu hoá đơn điện tử được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được;
- Người nhận có quyền coi mỗi hoá đơn điện tử nhận được là một hoá đơn điện tử độc lập, trừ trường hợp hoá đơn điện tử đó là bản sao của một hoá đơn điện tử khác mà người nhận biết hoặc buộc phải biết hoá đơn điện tử đó là bản sao;
c) Trường hợp trước hoặc trong khi lập và gửi hoá đơn điện tử, người khởi tạo có yêu cầu hoặc thoả thuận với người nhận về việc người nhận phải gửi cho mình thông báo xác nhận khi nhận được hoá đơn điện tử thì người nhận phải thực hiện đúng yêu cầu hoặc thoả thuận này;
- Trường hợp trước hoặc trong khi lập và gửi hoá đơn điện tử, người khởi tạo đã tuyên bố hoá đơn điện tử đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận thì hoá đơn điện tử đó được xem là chưa lập và gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được hoá đơn điện tử đó trong vòng 3 (ba) ngày từ khi người khởi tạo lập và gửi hoá đơn điện tử;
- Trường hợp người khởi tạo đã lập và gửi hoá đơn điện tử mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi xác nhận; nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa lập và gửi hoá đơn điện tử đó.
Ghi chú: Theo quy định tại phần 4c này thì không đúng với phương án 7b ở trang sau
5. Thời điểm, địa điểm nhận hoá đơn điện tử
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận hoá đơn điện tử được quy định như sau:
a) Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận hoá đơn điện tử thì thời điểm nhận là thời điểm hoá đơn điện tử nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận hoá đơn điện tử thì thời điểm nhận hoá đơn điện tử là thời điểm hoá đơn điện tử đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận và có thể truy cập được;
b) Địa điểm nhận hoá đơn điện tử là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận hoá đơn điện tử là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.
6. Lập, gửi hoặc nhận tự động hoá đơn điện tử
Trong trường hợp người khởi tạo hoặc người nhận chỉ định một hoặc nhiều hệ thống thông tin tự động lập và gửi hoặc nhận hoá đơn điện tử thì việc lập, gửi hoặc nhận hoá đơn điện tử được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều này.
Chứng từ điện tử được gửi, nhận và xử lý giữa cá nhân với hệ thống thông tin tự động hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý. Tổ chức, cá nhân chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc sử dụng hệ thống thông tin tự động trong các hoạt động tài chính của mình.
7. Các hình thức lập hoá đơn điện tử
a) Người bán hàng hoá, dịch vụ lập hoá đơn điện tử, sau đó gửi cho người mua ký chữ ký điện tử. Sau khi ký, người mua hàng hoá, dịch vụ gửi lại cho người bán để tiến hành các bước tiếp theo của quá trình giao dịch mua bán.
b) Người mua hàng hoá, dịch vụ đăng nhập vào trang thông tin (website) của người bán, điền thông tin vào mẫu hoá đơn, ký chữ ký điện tử, sau đó gửi cho người bán,
Phương án 1: Người bán kiểm tra tính hợp lệ của hoá đơn điện tử, nếu có sai sót thì đề nghị người mua sửa chữa, nếu không có sai sót thì gửi thông báo chấp thuận hoá đơn điện tử đó cho người mua muộn nhất là 3 ngày kể từ khi nhận được hoá đơn điện tử và tiến hành các bước tiếp theo của quá trình giao dịch mua bán.
Phương án 2: Việc kiểm tra tính hợp lệ của hoá đơn điện tử do phần mềm hoá đơn điên tử làm (nếu hoá đơn điện tử chưa hợp lệ thì người mua không thể ký chữ ký điện tử và gửi đi). Sau khi nhân được hoá đơn điện tử đã ký, người bán gửi thông báo chấp thuận hoá đơn điện tử đó cho người mua muộn nhất là 3 ngày kể từ khi nhận được hoá đơn điện tử và tiến hành các bước tiếp theo của quá trình giao dịch mua bán.
Điều 7. Nguyên tắc và điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử
1. Nguyên tắc sử dụng hoá đơn điện tử
a) Các bên tham gia chấp thuận sử dụng hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
b) Khi sử dụng hoá đơn điện tử, các bên phải có thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hoá đơn điện tử đó.
c) Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hoá đơn khác nhau (hoá đơn tự in, hoá đơn đặt in hoặc hoá đơn điện tử).
2. Điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử:
a) Có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hoá đơn điện tử;
b) Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu để thực hiện việc khởi tạo, lập, sử dụng hoá đơn điện tử theo quy trình kế toán và thanh toán hiện hành;
c) Có chữ ký điện tử của người đại diện theo pháp luật, người được uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng hoá đơn điện tử;
d) Xác lập phương thức giao nhận hoá đơn điện tử và kỹ thuật của vật mang tin;
đ) Cam kết về các hoạt động diễn ra do hoá đơn điện tử của mình lập khớp, đúng quy định.
e) Người lập phải thông báo phát hành hoá đơn điện tử trước khi sử dụng theo quy định tại Thông tư 153/2010/TT-BTC, kể cả trong trường hợp uỷ nhiệm lập hoá đơn điện tử.
3. Tự đánh giá các điều kiện về sử dụng hoá đơn điện tử
Tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành sử dụng hoá đơn điện tử phải lập Hội đồng để tự đánh giá các nội dung sau:
a) Việc cấp mã số thuế và chứng thực chữ ký điện tử theo quy định tại Luật Giao dịch Điện tử;
b) Đảm bảo vận hành thông suốt trong việc khởi tạo và lập hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, dịch vụ của hệ thống thiết bị (thiết bị, hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử - EDI và hệ thống khách hàng tiềm năng trong giao dịch điện tử);
c) Bảo đảm nguyên tắc mỗi số hoá đơn điện tử chỉ được khởi tạo, lập một lần khi bán hàng hoá, dịch vụ.
Điều 8. Chữ ký trên hoá đơn điện tử
Giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ lựa chọn sử dụng hình thức hoá đơn điện tử phải sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử và chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp hoặc do doanh nghiệp tự cung cấp (ví dụ: ngân hàng..). Trong trường hợp chưa có dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các bên tham gia giao dịch có thể thoả thuận với nhau bằng văn bản về việc sử dụng chữ ký điện tử để bảo đảm thuận tiện, an toàn trong quá trình thực hiện giao dịch
1. Chữ ký điện tử và chữ ký số
1.1. Chữ ký điện tử
a) Chữ ký điện tử xác nhận người gửi đã chấp nhận và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trong chứng từ điện tử. Chữ ký điện tử phải được mã hoá bằng khoá mật mã; chữ ký điện tử được xác lập riêng cho từng cá nhân để xác định quyền và trách nhiệm của người lập và những người liên quan chịu trách nhiệm về tính an toàn và chính xác của hoá đơn điện tử. Chữ ký trên hoá đơn điện tử có giá trị như chữ ký tay trên hoá đơn bằng giấy.
b) Chữ ký điện tử có các đặc điểm sau:
- Chỉ người ký mới có
- Cho phép định danh người ký
- Được tạo ra từ những phương tiện mà người ký toàn quyền kiểm soát
- Bảo đảm mối liên hệ với hoá đơn để mà những sửa đổi hoá đơn sau này có thế dễ dàng tìm ra.
c) Chữ ký điện tử có thể bao hàm các cam kết gửi bằng email, nhập các số định dạng cá nhân (PIN) vào các máy ATM, ký bằng bút điện tử với thiết bị màn hình cảm ứng tại các quầy tính tiền, chấp nhận các điều khoản người dùng (EULA) khi cài đặt phần mềm máy tính, ký các hợp đồng điện tử online...
d) Trường hợp thay đổi nhân viên kỹ thuật giải mã thì phải thay đổi lại ký hiệu mật, chữ ký điện tử, các khoá bảo mật và phải thông báo cho các bên có liên quan đến giao dịch điện tử.
đ) Người được giao quản lý, sử dụng ký hiệu mật, chữ ký điện tử, mã khoá bảo mật phải bảo đảm bí mật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu để lộ gây thiệt hại tài sản của đơn vị và của các bên tham gia giao dịch.
e) Tổ chức, cá nhân được lựa chọn áp dụng hình thức, công cụ mã hóa hoá đơn điện tử. Việc mã hóa hoá đơn điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật
1.2. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khoá bí mật tương ứng với khoá công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số. Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định. Cụ thể, loại văn bản có chữ ký thì phải dùng chữ ký số, loại văn bản có chữ ký và con dấu thì phải dùng chữ ký số theo các tiêu chuẩn an toàn về chữ ký số quy định tại điều 9 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.
- Khách hàng cá nhân không có con dấu nên hoá đơn điện tử có thể sử dụng chữ ký số không cần tuân theo các quy định an toàn tại điều 9 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP nhưng vẫn phải có chứng thực chữ ký số.
- Khách hàng tổ chức sử dụng chữ ký và con dấu nên hoá đơn điện tử phải sử dụng chữ ký điện tử tuân thủ theo các điều kiện an toàn tại điều 9 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và cũng phải chứng thực chữ ký.
Chữ ký số trong giao dịch ngân hàng điện tử sử dụng là loại chữ ký số chuyên dùng do chính ngân hàng đó thực hiện hoặc liên kết thực hiện với đơn vị khác nhằm phục vụ nhu cầu giao dịch nội bộ.
2. Chứng thư điện tử và chứng thư số
a) Chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.
b) Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp. Chứng thư số được sử dụng để nhận diện một cá nhân, một máy chủ, hoặc một vài đối tượng khác và gắn định danh của đối tượng đó với một khoá công khai (public key), được cấp bởi những tổ chức có thẩm quyền xác nhận định danh và cấp các chứng thư số.
c) Chứng thư điện tử được coi là chưa đáng tin cậy, do chứng thư đó đã hết hạn, hoặc được cấp phép bởi một số tổ chức chưa có uy tín, chưa được trình duyệt biết đến (tức là chưa có trong danh sách tin cậy của trình duyệt), hoặc chứng nhận đó là kiểu tự ký (self-signed certificate), nghĩa là phía đối tác tự xác nhận rằng đó chính là họ chứ không phải ai khác.
3. Chứng thực chữ ký điện tử và chữ ký số
Chứng thực điện tử là hoạt động chứng thực danh tính của những người tham gia vào việc gửi và nhận thông tin qua mạng, đồng thời, cung cấp cho họ những công cụ, những dịch vụ cần thiết để thực hiện việc bảo mật thông tin, chứng thực nguồn gốc và nội dung thông tin.
Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử là hoạt động:
a) Cấp, gia hạn, tạm đình chỉ, phục hồi, thu hồi chứng thư điện tử.
b) Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký điện tử của người ký thông điệp dữ liệu.
c) Cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng được phép thực hiện các hoạt động chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng. Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động chuyên ngành hoặc lĩnh vực. Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.
Bản chất của sản phẩm chứng thực chữ ký số công cộng tương tự như cấp con dấu và xác nhận con dấu của người đóng dấu, cung cấp bằng chứng cho sự nhận diện của một đối tượng. Sản phẩm giải quyết vấn đề mạo danh, giúp cho cho người nhận thông tin biết thông tin từ đâu cung cấp và tin cậy vào bên cung cấp thông tin.
Dịch vụ chứng thực chữ ký số là một loại hình dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Chữ ký số, chữ ký điện tử, chứng thư số, chứng thư điện tử, việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số, chữ ký điện tử, giá trị pháp lý, đảm bảo an toàn cho chữ ký số, chữ ký điện tử, nghĩa vụ của người ký, của người nhận được thực hiện theo quy định tại Luật GD ĐT và Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 9. Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử
Ngoài quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính Phủ, ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử có các nội dung sau:
1. Đối tượng uỷ nhiệm: Người bán hàng được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hoá đơn cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ. Hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải ghi tên đơn vị bán là đơn vị ủy nhiệm và đóng dấu đơn vị ủy nhiệm phía trên bên trái của tờ hóa đơn. Trường hợp hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của đơn vị ủy nhiệm. Việc ủy nhiệm phải được xác định bằng văn bản trước thời điểm lập hoá đơn điện tử giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm. Trong đó nêu rõ trách nhiệm khi thanh tra và khi cơ quan thanh tra tiếp cận văn bản lưu trữ.
Người thứ ba ở đây có thể gồm các đối tượng sau:
- Người thứ ba làm trung gian cho cả người bán và người mua
- Người thứ ba là một người chỉ làm trung gian cho người bán hoặc là một người chỉ làm trung gian cho người mua
2. Nội dung ủy nhiệm: Nội dung văn bản ủy nhiệm phải ghi đầy đủ các thông tin về hoá đơn ủy nhiệm (hình thức hoá đơn, loại hoá đơn, ký hiệu hoá đơn và số lượng hoá đơn (từ số... đến số...)); mục đích ủy nhiệm; thời hạn ủy nhiệm; phương thức giao nhận hoặc phương thức cài đặt hoá đơn ủy nhiệm; phương thức thanh toán hoá đơn ủy nhiệm.
- Trên hoá đơn nên có dòng chữ “hoá đơn do tổ chức/cá nhân A lập mang tên và cho công ty B”
3. Trách nhiệm của các Bên:
1. Bên ủy nhiệm phải phát hành thông báo ủy nhiệm có ghi đầy đủ các thông tin về hoá đơn ủy nhiệm, mục đích ủy nhiệm, thời hạn ủy nhiệm dựa trên văn bản ủy nhiệm đã ký kết, có tên, chữ ký, dấu (nếu có) của đại diện bên ủy nhiệm cho bên nhận ủy nhiệm. Thông báo ủy nhiệm phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm.
- Người uỷ nhiệm phải cam kết:
+ Nộp thuế GTGT của những hoá đơn mang tên mình
+ Yêu cầu bản sao hoá đơn ngay lập tức nếu không nhận được hoá đơn
+ Thông báo ngay những thay đổi liên quan đến nội dung hoá đơn điện tử của công ty mình cho Bên nhận ủy nhiệm.
Trong mọi trường hợp, người uỷ nhiệm chịu trách nhiệm cuối cùng về vấn đề hoá đơn và thuế GTGT.
2. Bên nhận ủy nhiệm phải niêm yết thông báo ủy nhiệm tại nơi bán hàng hoá, dịch vụ để người mua hàng hoá, dịch vụ được biết. Người nhận uỷ nhiệm giữ bản gốc hoá đơn và gửi bản sao cho người uỷ nhiệm
3. Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước hạn ủy nhiệm lập hoá đơn, hai bên phải xác định bằng văn bản và bên được ủy nhiệm phải tháo gỡ ngay các thông báo đã niêm yết tại nơi bán hàng hoá, dịch vụ.
4. Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các hoá đơn ủy nhiệm trong báo cáo sử dụng hoá đơn hàng quý theo hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Nguyên tắc uỷ nhiệm, điều kiện uỷ nhiệm, giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định hiện hành
Điều 10. Bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán dưới 200.000đồng/lần: Được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính Phủ
Điều 11. Xử lý hoá đơn điện tử lập sai
Ngoài hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính Phủ, hoá đơn điện tử lập sai được xử lý như sau:
1. Hoá đơn điện tử lập sai chưa gửi nếu phát hiện sai thì điều chỉnh thông tin sai và ghi thông tin đúng theo quy trình điều chỉnh kế toán trên máy, không huỷ bỏ hoá đơn. Trường hợp một cá nhân mắc phải lỗi nhập thông tin trong một hoá đơn điện tử được sử dụng để trao đổi với hệ thống thông tin tự động của bên khác nhưng hệ thống thông tin tự động này không hỗ trợ cho cá nhân đó sửa lại lỗi thì cá nhân đó hoặc người đại diện của mình có quyền rút bỏ phần hoá đơn điện tử có lỗi nếu tuân thủ hai điều kiện sau:
a) Ngay khi biết có lỗi, cá nhân hoặc đại diện của cá nhân đó có trách nhiệm thông báo để bên kia biết về lỗi và nêu rõ mình đã mắc phải lỗi trong hoá đơn điện tử này.
b) Cá nhân hoặc đại diện của cá nhân đó vẫn chưa sử dụng hoặc có được bất kỳ lợi ích vật chất hay giá trị nào từ hàng hóa hay dịch vụ nhận được từ bên kia.
Quyền rút bỏ phần hoá đơn điện tử có lỗi không ảnh hưởng tới việc áp dụng pháp luật quy định về hậu quả các lỗi phát sinh ngoài các quy định tại Điều này.
2. Hoá đơn điện tử đã lập và giao cho người mua (chưa hoặc đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ), nếu phát hiện sai phải hủy bỏ thì tổ chức, cá nhân phải lập biên bản có chữ ký xác nhận của bên mua hàng, bên bán hàng, nếu là tổ chức phải ký xác nhận và đóng dấu của người đứng đầu tổ chức và lập lại hoá đơn khác giao cho người mua; bên mua hàng, bên bán hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số hóa đơn hủy bỏ.
Điều 12. Lưu trữ, bảo quản hoá đơn điện tử
Hoá đơn đã lập trong các tổ chức, cá nhân không phải là đơn vị kế toán được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của tổ chức, cá nhân đó.
Hoá đơn đã lập trong các đơn vị kế toán được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.
Chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng giấy (hình thức bảo quản, lưu trữ bằng giấy) hoặc trực tiếp dưới dạng dữ liệu điện tử bằng phương tiện điện tử, quang học hay tương tự (hình thức bảo quản, lưu trữ dữ liệu điện tử)
Đối với hình thức bảo quản, lưu trữ bằng giấy, chứng từ điện tử phải in ra giấy theo đúng mẫu chứng từ quy định và ký tên, đóng dấu đầy đủ, để bảo quản, lưu trữ. Việc bảo quản lưu trữ, chứng từ điện tử dưới hình thức này phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành về bảo quản, lưu trữ chứng từ kế toán bằng giấy.
Đối với hình thức bảo quản, lưu trữ dữ liệu điện tử, dữ liệu điện tử lưu trữ phải là dạng nguyên bản đ∙ sử dụng để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức bỏn hàng hoỏ, cung ứng dịch vụ, hoặc dưới hình thức có thể sử dụng để thể hiện một cách chính xác về chứng từ kế toán đ∙ sử dụng để hạch toán và thanh toán vốn.
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức bỏn hàng hoỏ, cung ứng dịch vụ được chuyển hoá hình thức bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử sang lưu trữ bằng giấy.
Cả người bán và người mua hàng hoá, dịch vụ có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản hoá đơn điện tử theo quy định hiện hành
Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hoá đơn điện tử như bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo các quy định hiện hành và phải thoả mãn các điều kiện sau:
a) Nội dung của hoá đơn điện tử có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;
b) Nội dung của hoá đơn điện tử được lưu trữ trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung hoá đơn điện tử đó;
c) Hoá đơn điện tử được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận hoá đơn điện tử.
d) Cho phép tiếp cận đầy đủ và trực tuyến đến dữ liệu lưu trữ
Thời điểm, thời hạn lưu trữ, nơi lưu trữ được thực hiện theo các quy định hiện hành về lưu trữ hoá đơn, chứng từ tại Nghị định số 129/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 13. Hủy và tiêu huỷ hoá đơn điện tử
Hủy và tiêu huỷ hoá đơn điện tử được thực hiện như hủy và tiêu huỷ chứng từ điện tử theo quy định tại Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ, cụ thể
Hủy hoá đơn điện tử là làm cho hoá đơn đó không có giá trị sử dụng.
Tiêu hủy hoá đơn điện tử là làm cho hoá đơn đó không thể truy cập và tham chiếu đến thông tin chứa trong nó.
Hoá đơn điện tử chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của các bên tham gia giao dịch, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; việc huỷ hoá đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hoá đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoá đơn điện tử đã hết thời hạn lưu trữ theo quy định, nếu không có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy. Việc tiêu hủy hoá đơn điện tử phải được thể hiện bằng văn bản, không được làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các hoá đơn điện tử chưa tiêu hủy và phải bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.
Hoá đơn điện tử của tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó thực hiện việc tiêu huỷ.
Điều 14. Chuyển từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn giấy và ngược lại
Các bên liên quan theo quy định có trách nhiệm chuyển từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn giấy để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá hữu hình trong quá trình lưu thông. Hoá đơn giấy này được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và theo pháp luật hiện hành.
1. Khi cần thiết, hoá đơn điện tử có thể chuyển sang hoá đơn giấy, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phản ánh toàn vẹn nội dung của hoá đơn điện tử;
b) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn giấy;
c) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn giấy.
2. Khi cần thiết, hoá đơn giấy có thể chuyển sang hoá đơn được xử lý, gửi, lưu trữ...dưới dạng điện tử nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phản ánh toàn vẹn nội dung của hoá đơn giấy;
b) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử;
c) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử.
3. Giá trị pháp lý của các hoá đơn chuyển đổi
Giá trị pháp lý của hoá đơn chuyển đổi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 78/2008/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tài chính.
4. Ký hiệu riêng trên hoá đơn chuyển đổi
Ký hiệu riêng trên hoá đơn chuyển đổi từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn dạng giấy bao gồm đầy đủ các thông tin sau: dòng chữ phân biệt giữa hoá đơn chuyển đổi và hoá đơn nguồn (ví dụ “HOÁ ĐƠN CHUYỂN ĐỔI TỪ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ”); họ và tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi; thời gian thực hiện chuyển đổi.
Ký hiệu riêng trên hoá đơn chuyển đổi từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử bao gồm đầy đủ các thông tin sau: chuỗi ký tự phân biệt giữa hoá đơn chuyển đổi và hoá đơn nguồn (ví dụ “HOÁ ĐƠN CHUYỂN ĐỔI TỪ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ); họ và tên, chữ ký điện tử của người thực hiện chuyển đổi; thời gian thực hiện chuyển đổi. Hình thức thể hiện của ký hiệu riêng được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
Điều 15. Giá trị hoá đơn điện tử
Hoá đơn được tạo, lập dưới dạng giấy được xử lý, gửi, lưu trữ hoặc truyền bằng đường điện tử không được coi là hoá đơn điện tử.
Hoá đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thông tin chứa trong hoá đơn điện tử đó có thể truy cập được để sử dụng khi cần thiết.
1. Khi một hoá đơn bằng giấy chuyển thành hoá đơn được xử lý, gửi, truyền, lưu trữ....dưới dạng điện tử để giao dịch, thanh toán thì hoá đơn được xử lý, gửi, truyền, lưu trữ....dưới dạng điện tử sẽ có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính và khi đó hoá đơn bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.
Khi một hoá đơn điện tử đã thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính chuyển thành hoá đơn bằng giấy thì hoá đơn bằng giấy đó chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ kế toán, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.
2. Hoá đơn điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hoá đơn điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hoá đơn điện tử hay dạng khác.
b) Thông tin chứa trong hoá đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
3. Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hoá đơn điện tử.
4. Tiêu chuẩn về sự tin cậy được xem xét phù hợp với mục đích thông tin được tạo ra và mọi bối cảnh liên quan.
5. Hoá đơn điện tử được coi là có chữ ký của một bên nếu:
a) Đã sử dụng một phương pháp để xác nhận được bên ký hoá đơn điện tử và xác nhận sự chấp thuận của bên đó đối với thông tin chứa trong hoá đơn điện tử được ký.
b) Phương pháp nói trên đủ tin cậy cho mục đích tạo ra và trao đổi hoá đơn điện tử xét tới mọi bối cảnh và thỏa thuận liên quan.
Điều 16. Thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài
Việc thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và các yếu tố có liên quan khác.
Hoá đơn điện tử ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng tại Việt Nam để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách…được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán ngày 17 tháng 6 năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 17. Kiểm tra việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về hoá đơn điện tử trong hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn điện tử tham gia hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Việc thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn điện tử tham gia hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm tra, chính là so sánh các tệp hoá đơn khác nhau được phát hành và nhận bởi khách hàng và nhà cung cấp của công ty. Đối tượng kiểm tra là các tệp hoá đơn được vi tính hoá. Giá trị của hoá đơn phụ thuộc vào tính hiệu quả của biện pháp kỹ thuật được sử dụng. Tệp điện tử có giá trị như bản gốc bằng giấy nếu nó có các nội dung theo quy định.
Tổ chức, cá nhân bị kiểm tra có trách nhiệm áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để tạo điều kiện cho quá trình kiểm tra của cán bộ thuế. Cán bộ thuế có thẩm quyền có thể kiểm tra không báo trước tại trụ sở người phát hành hoặc người nhận, nếu cần tại trụ sở của người làm dịch vụ về hoá đơn điện tử. Các tổ chức này có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế khi cần danh sách các thông điệp dữ liệu phát ra hoặc nhận được cũng như những bất thường nếu có.
Cán bộ thuế có quyền kiểm tra các phần mềm hoặc dữ liệu. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào sự tương thích trong hoạt động của hệ thống truyền dữ liệu, vào sự tồn tại về nội dung của danh sách tổng hợp thông điệp dữ liệu và vào việc thực hiện giao dịch trên hệ thống truyền dữ liệu.
Nếu hệ thống không tương thích và không được sửa chữa trong 30 ngày, người bán sẽ không có quyền lập hoá đơn điện tử và sau 30 ngày này, các hoá đơn điện tử sẽ không có giá trị pháp lý.
5. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra chữ ký điện tử
b) Kiểm tra hệ thống truyền dữ liệu
- Hệ thống phải độc lập
- Không thể sửa đổi dữ liệu được truyền
- Hoá đơn điện tử gửi và nhận được phải giống nhau về hình thức và nội dung
c) Kiểm tra việc lưu trữ thông tin theo trật tự thời gian khi phát hành hoặc khi nhận
d) Kiểm tra việc lập danh sách tổng hợp các thông điệp dữ liệu điện tử nhận được
Việc niêm phong, tạm giữ, tịch thu hoá đơn điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ.
Phần C
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2011. Ngoài các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này, việc tạo, phát hành, sử dụng hoá đơn, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính, thanh tra, kiểm tra và các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các nội dung hướng dẫn về hoá đơn tại các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Các văn bản hướng dẫn khác về hóa đơn không trái với Thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành.
Điều 19. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn giải quyết kịp thời ./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó TTCP; - Văn phòng TW và các ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; - Toà án Nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - UBND, Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Website Chính phủ; Công báo; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Hội Kế toán và Kiểm toán VN, Hội Kiểm toán viên hành nghề VN (VACPA); - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Bộ Tài chính; - Lưu VT, TCT (VT, CS-4b) |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.