Theo dõi (0)

Dự thảo thông tư liên tịch quy định cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá bán điện theo thị trường

Ngày đăng: 00:00 29-07-2009 | 1416 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

BỘ CÔNG THƯƠNG -

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: /2009/TTLT-BCT-BTC

Hà Nội, ngày tháng năm 2009

DỰ THẢO


THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá bán điện theo thị trường


Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường;

Căn cứ Quyết định số /2009/QĐ-TTg ngày tháng năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định và ban hành giá bán điện theo cơ chế thị trường;

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo thị trường như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo thị trường quy định tại Điều 3 Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị hoạt động phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Công ty mua bán điện, các Công ty điện lực, Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chi phí dịch vụ phụ trợ là chi phí mua các dịch vụ điều tần, điều áp, dự phòng khởi động nguội, dự phòng khởi động nhanh, khởi động đen, vận hành phải phát do đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia mua từ các đơn vị phát điện cung cấp dịch vụ phụ trợ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành hệ thống, duy trì độ tin cậy và an ninh hệ thống điện.

2. Chi phí điều hành - quản lý ngành là chi phí cung cấp dịch vụ điều độ hệ thống và giao dịch thị trường điện, chi phí cho hoạt động điều tiết điện lực, chi phí điều hành sản xuất kinh doanh điện của cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

3. Công ty điện lực là các công ty phân phối điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và công ty cổ phần điện lực trực tiếp mua điện từ Công ty mua bán điện qua hợp đồng và mua điện từ các nhà máy điện từ 30MW trở xuống để bán cho khách hàng sử dụng điện hoặc đơn vị bán lẻ điện.

4. Điều tiết theo hiệu quả hoạt động là phương pháp xây dựng giá bán điện và doanh thu cho phép hàng năm trong chu kỳ điều chỉnh giá của đơn vị phân phối điện hoặc đơn vị điện lực dựa trên hiệu quả hoạt động dự kiến của đơn vị.

5. Điểm giao nhận điện là điểm giao nhận điện giữa Công ty mua bán điện với Công ty điện lực gồm các điểm giao nhận điện giữa lưới truyền tải điện và lưới phân phối điện và các điểm giao nhận giữa nhà máy điện và lưới phân phối điện.

6. Giá bán buôn điện là giá bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các Công ty điện lực gồm giá bán buôn bình quân và giá bán buôn hiệu chỉnh được tính tại điểm giao nhận điện.

7. Giá bán buôn bình quân là tổng giá phát điện bán buôn bình quân với giá điều hành và phụ trợ bán buôn bình quân được tính tại điểm giao nhận điện.

8. Năm N là năm áp dụng biểu giá bán điện mới.

9. Năm (N-1) là năm liền trước năm áp dụng biểu giá bán điện N và là năm tiến hành xây dựng biểu giá điện cho năm N.

10. Năm (N-2) là năm trước năm N-1 và là năm có báo cáo kiểm toán tài chính cho các hoạt động sản xuất kinh doanh điện của cả năm, và số liệu thực hiện năm N-2 được sử dụng trong các tính toán điều chỉnh khi xây dựng biểu giá bán điện cho năm N.

11. Tổng doanh thu truyền tải điện là tổng doanh thu cho phép hàng năm của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho hoạt động cung cấp dịch vụ truyền tải điện đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quy định.

Chương II

CƠ CHẾ XÂY DỰNG GIÁ BÁN ĐIỆN THEO THỊ TRƯỜNG

Điều 3. Trách nhiệm của các đơn vị trong việc xây dựng giá bán điện hàng năm

1. Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia

a) Lập kế hoạch huy động các tổ máy và từng nhà máy theo chi phí tối thiểu toàn hệ thống cho năm tiếp theo.

b) Lập tổng chi phí dịch vụ phụ trợ cho năm tiếp theo theo phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ phụ trợ do Bộ Công Thương ban hành.

c) Lập chi phí điều độ hệ thống và điều hành giao dịch thị trường điện cho phép năm tiếp theo theo phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành.

2. Công ty mua bán điện

Căn cứ kế hoạch phát điện do đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia lập, căn cứ vào hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện, tính toán các chi phí và doanh thu sau:

a) Chi phí mua điện từ các nhà máy điện BOT năm tiếp theo.

b) Chi phí mua điện từ các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu năm tiếp theo.

c) Chi phí mua điện từ các nhà máy điện khác theo hợp đồng mua bán điện dưới dạng hợp đồng sai khác (CfD).

d) Chi phí điện nhập khẩu năm tiếp theo.

đ) Doanh thu xuất khẩu điện năm tiếp theo.

e) Tổng chi phí mua điện của năm tiếp theo.

3. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia:

Căn cứ vào phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện do Bộ Công Thương ban hành,

a) Lập và trình duyệt tổng doanh thu truyền tải điện cho phép của năm tiếp theo.

b) Lập và trình duyệt giá truyền tải điện cho các đơn vị phải thanh toán giá truyền tải điện trong năm tiếp theo.

4. Công ty điện lực:

a) Lập dự báo nhu cầu phụ tải năm tiếp theo cho toàn Công ty và tại các điểm giao nhận điện của Công ty.

b) Lập tổng chi phí mua điện từ các nguồn điện nhỏ có công suất đặt từ 30 MW trở xuống căn cứ vào hợp đồng mua bán điện của Công ty điện lực với các nhà máy điện nhỏ.

c) Lập doanh thu cho phép cho hoạt động phân phối và bán lẻ điện của từng năm trong chu kỳ định giá theo phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt doanh thu cho phép và giá phân phối điện của các Công ty điện lực do Bộ Công Thương ban hành.

5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Căn cứ vào các phương pháp quy định tại Quyết định số /2009/QĐ-TTg ngày tháng năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định và ban hành giá bán điện theo cơ chế thị trường,

a) Lập chi phí điều hành sản xuất kinh doanh điện năm tiếp theo của cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

b) Lập tổng chi phí điều hành - quản lý ngành năm tiếp theo trên cơ sở chi phí điều độ hệ thống và điều hành giao dịch thị trường; chi phí dịch vụ phụ trợ; chi phí điều hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị hạch toán phụ thuộc; và chi phí điều tiết điện lực đã được Bộ Công Thương duyệt.

c) Lập giá bán điện bình quân trên cơ sở tổng chi phí phát điện, tổng chi phí truyền tải, tổng chi phí điều hành - quản lý ngành, tổng chi phí phân phối và bán lẻ điện được duyệt.

d) Lập giá bán buôn bình quân cho năm tiếp theo, gồm giá phát điện bán buôn bình quân, giá điều hành và phụ trợ bán buôn bình quân trên cơ sở tổng chi phí phát điện tính toán, tổng chi phí điều hành - quản lý ngành được duyệt cho năm tiếp theo.

đ) Lập giá truyền tải điện bình quân cho năm tiếp theo trên cơ sở tổng chi phí truyền tải điện được duyệt cho năm tiếp theo.

e) Lập giá bán buôn hiệu chỉnh năm tiếp theo cho các Công ty điện lực.

g) Lập biểu giá bán điện cho năm tiếp theo.

h) Lập phương án giá điện và Hồ sơ đề án giá điện để trình duyệt.

Điều 4. Hồ sơ đề án giá điện

Hồ sơ đề án giá điện bao gồm:

1. Tờ trình phương án giá điện năm tiếp theo (năm N) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

2. Phương án giá điện năm tiếp theo (chi tiết quy định tại Điều 5 Thông tư này);

3. Các tài liệu kèm theo:

a) Các Hợp đồng mua bán điện mới được ký sau thời điểm trình phương án giá điện năm trước, gồm:

- Hợp đồng mua bán điện giữa EVN và đơn vị phát điện;

- Hợp đồng xuất nhập khẩu điện giữa EVN và nước ngoài;

- Hợp đồng xuất nhập khẩu điện giữa Công ty điện lực và nước ngoài;

- Hợp đồng mua bán điện giữa các Công ty điện lực và các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở xuống;

- Hợp đồng mua bán điện giữa Công ty Mua bán điện với Công ty điện lực.

b) Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ.

c) Báo cáo tài chính được kiểm toán năm (N-2) và các báo cáo thống kê thực hiện đến hết ngày 31 tháng 8 năm (N-1) và ước thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm (N-1) (gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo thuyết minh tình hình tài chính) của các đơn vị phát điện đã cổ phần hóa, các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn, các Công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (báo cáo tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn).

d) Tiến độ vào vận hành theo từng tháng các công trình nguồn điện, lưới truyền tải điện năm N.

đ) Kế hoạch đầu tư lưới truyền tải điện của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cho năm tiếp theo và dự kiến cho từng năm của 4 năm tiếp theo.

e) Tổn thất lưới truyền tải điện.

g) Tổn thất lưới phân phối điện ở các cấp điện áp của từng Công ty điện lực.

h) Điện năng giao nhận tại các điểm giao nhận giữa Công ty Mua bán điện và các Công ty điện lực.

Điều 5. Nội dung phương án giá điện

Phương án giá điện gồm thuyết minh, các bảng biểu tính toán và tài liệu kèm theo có những nội dung chính sau đây:

1. Đánh giá thực hiện biểu giá bán điện hiện hành.

a) Đánh giá nhu cầu phụ tải đến 31 tháng 8, ước thực hiện đến 31 tháng 12 năm (N-1).

b) Phân tích, đánh giá tình hình kinh doanh điện, số liệu thực hiện của giá bán điện bình quân, biểu giá bán điện, tỷ trọng các nhóm đối tượng khách hàng đến 31 tháng 8, ước thực hiện đến 31 tháng 12 năm (N-1).

c) Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện đầu tư nguồn điện, lưới truyền tải điện đến 31 tháng 8, ước thực hiện đến 31 tháng 12 năm (N-1).

d) Phân tích, đánh giá sự thay đổi của chi phí sản xuất kinh doanh điện theo yếu tố và giá thành điện thương phẩm.

đ) Phân tích, đánh giá sự thay đổi của chi phí sản xuất kinh doanh điện theo các khâu và giá thành điện thương phẩm theo các khâu.

e) Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các chỉ tiêu tài chính chủ yếu đến 31 tháng 8.

g) Phân tích, đánh giá sai khác thông số đầu vào tính toán giá điện đến 31 tháng 8, ước thực hiện đến 31 tháng 12 năm (N-1).

2. Thông số đầu vào sử dụng cho xây dựng phương án giá điện gồm:

a) Tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến năm tiếp theo.

b) Tổng sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu dự kiến năm tiếp theo.

c) Kế hoạch huy động các tổ máy theo chi phí tối thiểu toàn hệ thống năm tiếp theo.

d) Giá than cho sản xuất điện năm tiếp theo.

đ) Giá khí cho sản xuất điện năm tiếp theo.

e) Giá dầu DO, FO cho sản xuất điện năm tiếp theo.

g) Tỷ giá bình quân giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ dự kiến cho năm N được lấy bằng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam công bố vào ngày 31 tháng 8.

h) Giá mua điện theo hợp đồng mua bán điện (bao gồm cả hợp đồng xuất nhập khẩu điện), giá mua điện dự kiến của các đơn vị phát điện chưa có hợp đồng.

3. Tổng chi phí phát điện năm N, gồm:

a) Nhu cầu phụ tải năm tiếp theo các Công ty điện lực tại các điểm nhận điện của công ty, bao gồm cả dự báo sản lượng và chi phí điện tự sản xuất, dự báo sản lượng điện mua từ các nhà máy điện nhỏ có công suất từ 30MW trở xuống.

b) Tổng chi phí mua điện từ các nguồn điện nhỏ công suất từ 30 MW trở xuống, chi phí điện tự sản xuất của các Công ty điện lực.

c) Tổng chi phí phát điện của các nhà máy điện BOT cho năm tiếp theo.

d) Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cho các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc.

đ) Tổng chi phí phát điện của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu hạch toán phụ thuộc cho năm tiếp theo.

e) Tổng chi phí phát điện của các nhà máy điện mua qua hợp đồng mua bán điện cho năm tiếp theo.

g) Tổng chi phí nhập khẩu điện và doanh thu xuất khẩu điện cho năm tiếp theo.

4. Tổng chi phí truyền tải điện, bao gồm:

a) Các chỉ tiêu tài chính cho khâu truyền tải, gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tỉ lệ tự đầu tư (SFR), tỷ lệ thanh toán nợ (DSCR).

b) Tổng doanh thu truyền tải điện cho phép.

5. Tổng chi phí điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ cho phép năm tiếp theo, bao gồm:

a) Nhu cầu và chi phí mua dịch vụ phụ trợ của năm tiếp theo.

b) Chi phí điều độ hệ thống và điều hành giao dịch thị trường điện cho phép năm tiếp theo.

c) Chi phí điều tiết điện lực cho phép năm tiếp theo.

d) Chi phí quản lý điều hành cho phép năm tiếp theo của cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn.

6. Giá bán buôn bình quân, giá truyền tải điện bình quân và giá bán buôn hiệu chỉnh cho các Công ty điện lực.

7. Tổng chi phí phân phối và bán lẻ điện, gồm:

a) Các chỉ tiêu tài chính cho các Công ty điện lực, gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tỉ lệ tự đầu tư (SFR), tỷ lệ thanh toán nợ (DSCR).

b) Tổng doanh thu cho phép các Công ty điện lực.

8. Các chỉ tiêu tài chính cho toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tỉ lệ tự đầu tư (SFR), tỷ lệ thanh toán nợ (DSCR).

9. Giá điện bình quân chung.

10. Biểu giá bán điện chi tiết.

Điều 6. Nguyên tắc điều chỉnh doanh thu hoặc chi phí cho phép

1. Việc điều chỉnh doanh thu, chi phí cho phép hàng năm cho năm N của các khâu được thực hiện căn cứ theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán và doanh thu, chi phí được duyệt của năm (N-2).

2. Chi phí cho phép của khâu phát điện được phép điều chỉnh khi có những thay đổi hợp lệ của các thông số đầu vào thực hiện so với các thông số đầu vào được duyệt trong phương án giá điện năm (N-2).

3. Doanh thu cho phép năm tiếp theo của Công ty điện lực được phép điều chỉnh theo các biến động chi phí hợp lý khi có các thay đổi bất thường sau:

a) Thay đổi bất thường về thuế; quy định, chính sách về lương; hoặc có thiên tai làm biến động lớn chi phí thực hiện trong kỳ định giá của một khâu hoặc đơn vị.

b) Phát sinh nhu cầu đầu tư hợp lý, hợp lệ ngoài kế hoạch được duyệt trong kỳ định giá.

Điều 7. Điều chỉnh chi phí khâu phát điện

1. Công ty mua bán điện có trách nhiệm lập và duy trì tài khoản điều chỉnh giá phát điện để phục vụ cho việc điều chỉnh chi phí khâu phát điện.

Việc điều chỉnh chi phí khâu phát điện được thực hiện cho chi phí mua điện của Công ty mua bán điện. Chi phí mua điện của Công ty mua bán điện ( ) gồm tổng chi phí mua điện từ các nhà máy điện và nhập khẩu điện trừ doanh thu xuất khẩu điện của Công ty mua bán điện.

2. Trình tự điều chỉnh chi phí khâu phát điện:

a) Trước ngày 15 tháng 3 năm (N-1), Công ty mua bán điện có trách nhiệm xác định khoản tiền chênh lệch chi phí mua điện của Công ty trong năm N-2 theo công thức sau:

Trong đó:

:

Chi phí mua điện thực tế của Công ty mua bán điện trong năm N-2

:

Chi phí mua điện được duyệt theo kế hoạch của Công ty mua bán điện cho năm N-2

:

Tổng sản lượng điện thuần thực tế Công ty mua bán điện mua trong năm N-2, được xác định theo công thức sau:

:

Sản lượng điện thanh cái các nhà máy điện BOT được Công ty mua bán điện mua trong năm

:

Sản lượng điện thanh cái các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu được Công ty mua bán điện mua trong năm

:

Sản lượng điện thanh cái các nhà máy điện khác được Công ty mua bán điện mua trong năm

:

Sản lượng điện nhập khẩu được Công ty mua bán điện nhập khẩu trong năm

:

Sản lượng điện xuất khẩu được Công ty mua bán điện xuất khẩu trong năm

:

Tổng sản lượng điện thuần theo kế hoạch Công ty mua bán điện mua cho năm N-2, được xác định theo các thành phần như trên

Trường hợp > 0, thì khoản tiền chênh lệch được trích chuyển trước thuế thu nhập doanh nghiệp vào tài khoản điều chỉnh giá phát điện của Công ty mua bán điện.

Trường hợp ≤ 0, thì không phải trích chuyển vào tài khoản điều chỉnh giá phát điện. Khoản chi phí mua điện phát sinh của năm (N-2) do các biến động thông số đầu vào sẽ được tính bù vào chi phí mua điện cho phép năm N.

b) Trước ngày 01 tháng 10 năm (N-1), Công ty mua bán điện có trách nhiệm tính tổng lượng điều chỉnh chi phí mua điện của Công ty mua bán điện dự kiến cho năm N để bù trừ khoản tiền chênh lệch chi phí mua điện của Công ty mua bán điện trong năm N-2.

Trường hợp > 0, thì chi phí mua điện trình duyệt cho năm N của Công ty mua bán điện được xác định bằng tổng chi phí mua điện dự kiến trừ khoản tiền chênh lệch ; tài khoản điều chỉnh giá phát điện của Công ty mua bán điện được điều chỉnh giảm một khoản tiền bằng .

Trường hợp ≤ 0, thì chi phí mua điện trình duyệt cho năm N của Công ty mua bán điện được xác định bằng chi phí mua điện dự kiến cộng thêm khoản tiền chênh lệch bằng giá trị tuyệt đối của .

c) Trước ngày 01 tháng 12 năm (N-1), Tổ điều hành giá bán điện thông qua tổng lượng điều chỉnh chi phí mua điện cho năm N của Công ty mua bán điện, làm cơ sở để tính tổng chi phí mua điện .

Điều 8. Điều chỉnh doanh thu khâu truyền tải điện

1. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có trách nhiệm lập tài khoản điều chỉnh giá truyền tải để phục vụ cho việc xây dựng tổng doanh thu truyền tải điện cho phép hàng năm.

2. Trình tự điều chỉnh tổng doanh thu truyền tải điện:

a) Trước ngày 15 tháng 3 năm (N-1), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có trách nhiệm tính toán khoản tiền chênh lệch tổng doanh thu truyền tải điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia trong năm N-2 theo công thức sau:

Trong đó:

:

Tổng doanh thu truyền tải điện của Công ty mua bán điện thực hiện thực tế trong năm N-2

:

Tổng doanh thu truyền tải điện của Công ty mua bán điện được duyệt trong phương án giá truyền tải điện của năm N-2

Trường hợp > 0, thì khoản tiền chênh lệch được trích chuyển trước thuế thu nhập doanh nghiệp vào tài khoản điều chỉnh giá truyền tải của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

Trường hợp ≤ 0, thì không phải trích chuyển vào tài khoản điều chỉnh giá truyền tải. Khoản chi phí truyền tải điện phát sinh của năm (N-2) sẽ được tính bù vào tổng doanh thu truyền tải điện cho phép năm N.

b) Trước ngày 01 tháng 10 năm (N-1), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có trách nhiệm tính tổng lượng điều chỉnh Tổng doanh thu truyền tải điện dự kiến cho năm N để bù trừ khoản tiền chênh lệch Tổng doanh thu truyền tải điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia trong năm N-2.

Trường hợp > 0, thì Tổng doanh thu truyền tải điện trình duyệt cho năm N của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được xác định bằng Tổng doanh thu truyền tải điện dự kiến trừ khoản tiền chênh lệch ; tài khoản điều chỉnh giá truyền tải của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được điều chỉnh giảm một khoản tiền bằng .

Trường hợp ≤ 0, thì Tổng doanh thu truyền tải điện trình duyệt cho năm N của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được xác định bằng Tổng doanh thu truyền tải điện dự kiến cộng thêm khoản tiền chênh lệch bằng giá trị tuyệt đối của .

c) Trước ngày 01 tháng 12 năm (N-1), Tổ điều hành giá bán điện thông qua tổng lượng điều chỉnh Tổng doanh thu truyền tải điện cho năm N của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia để làm cơ sở tính tổng doanh thu truyền tải điện .

Điều 9. Điều chỉnh doanh thu của Công ty điện lực

1. Doanh thu cho phép của Công ty điện lực được điều chỉnh theo chu kỳ từ ba đến năm (3 – 5) năm với phương pháp điều tiết theo hiệu quả hoạt động nhằm đảm bảo thu hồi chi phí vốn hàng năm (CAPEX) của lưới phân phối điện tối ưu và chi phí vận hành hàng năm (OPEX) cho hoạt động quản lý vận hành hiệu quả khâu phân phối, bán lẻ điện của công ty.

2. Doanh thu cho phép năm tiếp theo của Công ty điện lục được điều chỉnh theo các biến động chi phí hợp lý khi có các thay đổi bất thường quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Chương III

CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH GIÁ BÁN ĐIỆN THEO THỊ TRƯỜNG

Điều 10. Trình tự thủ tục lập, thẩm định sơ bộ phương án giá điện hàng năm

1. Trước ngày 20 tháng 9 hàng năm (năm N-1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm trình bộ số liệu thông số đầu vào tính toán giá điện năm tiếp theo (năm N) cho Tổ điều hành giá bán điện thẩm định, làm cơ sở lập phương án điều chỉnh giá điện.

2. Trước ngày 05 tháng 10 hàng năm (năm N-1), Tổ điều hành giá bán điện có trách nhiệm phê duyệt bộ số liệu thông số đầu vào tính toán giá điện năm tiếp theo (năm N), gửi văn bản phê duyệt đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

3. Trước ngày 20 tháng 10 hàng năm (năm N-1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm trình Hồ sơ đề án giá điện cho năm áp dụng giá (năm N).

Điều 11. Trình tự thủ tục thẩm định và phê duyệt phương án giá điện

Căn cứ vào kết quả thẩm định của Tổ điều hành giá bán điện về mức giá bán điện bình quân, trình tự thủ tục thẩm định và phê duyệt phương án giá điện quy định cho hai trường hợp sau:

1. Trường hợp mức giá bán điện bình quân điều chỉnh tăng (hoặc giảm) thấp hơn hoặc bằng 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành:

a) Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm (năm N-1), Tổ điều hành giá bán điện trình Bộ trưởng Bộ Công Thương kết quả thẩm định để phê duyệt phương án giá điện bình quân cho năm áp dụng giá (năm N).

b) Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, Bộ Công Thương phê duyệt phương án giá điện bình quân cho năm áp dụng giá (năm N), áp dụng từ ngày 01 tháng 3 của năm đó (năm N).

c) Trước ngày 25 tháng 02, Bộ Công Thương ban hành Quy định biểu giá bán điện cho năm áp dụng giá (năm N) và hướng dẫn giá bán điện.

2. Trường hợp giá bán điện bình quân điều chỉnh tăng (hoặc giảm) cao hơn 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành:

a) Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, Tổ điều hành giá bán điện có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương để phê duyệt hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá điện, gửi Bộ Tài chính thẩm định.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản.

b) Trước ngày 15 tháng 01, Bộ Công Thương có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính để lập phương án giá điện cuối cùng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trường hợp đến ngày 05 tháng 01 năm N, Bộ Tài chính không có văn bản thẩm định chính thức cho phương án giá điện, Bộ Công Thương được phép trình Thủ tướng Chính phủ phương án giá điện cuối cùng.

c) Trường hợp đến ngày 15 tháng 02, Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định phê duyệt phương án giá điện mới cho năm N, thì Bộ trưởng Bộ Công Thương được phép ban hành biểu giá bán điện cho năm N với mức giá bán điện bình quân điều chỉnh tăng hoặc giảm 5% so với giá bán điện bình quân của năm N-1.

Điều 12. Nội dung Hồ sơ thẩm định của Tổ điều hành giá bán điện trình Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nội dung Hồ sơ thẩm định của Tổ điều hành giá bán điện trình Bộ trưởng Bộ Công Thương bao gồm:

1. Báo cáo thẩm định, gồm các nội dung sau:

a) Đánh giá tình hình thực hiện giá điện của năm N-1 đến hết ngày 31 tháng 8 năm (N-1) và năm (N-2);

b) Đánh giá các phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình và đề xuất phương án giá điện bình quân cho năm N;

c) Đề xuất biểu giá bán điện cho các đối tượng khách hàng theo các cấp điện áp cho năm N;

d) Đánh giá tác động của biểu giá bán điện đề xuất đối với nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân;

đ) Kiến nghị các bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế Hướng dẫn giá bán điện cho năm N.

2. Dự thảo Quyết định giá bán điện cho năm N, gồm các nội dung:

a) Giá bán điện bình quân năm N;

b) Biểu giá bán lẻ điện;

c) Biểu giá bán buôn điện.

3. Dự thảo Thông tư hướng dẫn giá bán điện cho năm áp dụng giá (năm N), gồm các nội dung chính sau:

a) Giá bán điện theo thời gian sử dụng trong ngày.

b) Giá bán điện theo đối tượng sử dụng.

c) Giá bán điện cho nông thôn.

d) Giá bán điện cho khu tập thể, cụm dân cư.

đ) Giá bán điện cho khu công nghiệp.

Điều 13. Nội dung Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá điện gửi Bộ Tài chính

1. Văn bản đề nghị thẩm định phương án giá điện cho năm áp dụng giá (năm N).

2. Tờ trình của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giá điện và giá bán điện bình quân cho năm áp dụng giá (năm N).

3. Phương án giá điện năm N do Tổ điều hành giá bán điện kiến nghị và các tài liệu kèm theo.

Điều 14. Nội dung hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giá điện

1. Tờ trình của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giá điện đã được tiếp thu hiệu chỉnh theo ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

2. Văn bản thẩm định phương án giá điện của Bộ Tài chính.

3. Bản tiếp thu giải trình của Bộ Công Thương về các ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

4. Phương án giá điện cuối cùng của Bộ Công Thương sau khi đã tiếp thu hiệu chỉnh theo ý kiến thẩm định và dự thảo Quyết định.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ Điều hành giá bán điện

1. Tổ điều hành giá bán điện do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương là tổ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính là tổ phó. Các thành viên khác của Tổ điều hành giá bán điện là các cán bộ của Cục Điều tiết điện lực và Cục Quản lý giá do tổ trưởng và tổ phó đề xuất danh sách.

2. Tổ điều hành giá bán điện có trách nhiệm thẩm định đề án giá điện năm tiếp theo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, báo cáo Bộ Công Thương. Trường hợp cần thiết, Tổ điều hành giá bán điện được phép sử dụng tư vấn để thực hiện các công tác thẩm định phương án giá điện.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Giám đốc các Công ty điện lực, Công ty mua bán điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ TÀI CHÍNH

THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Hiếu

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ CÔNG THƯƠNG

THỨ TRƯỞNG

Đỗ Hữu Hào

Nơi nhận:

- Như Điều 16;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp

- Công báo;

- Website Chính phủ;

- Website Bộ Công Thương;

- Website Bộ Tài chính;

- Lưu VT(BCT), PC; ĐTĐL.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo thông tư liên tịch quy định cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá bán điện theo thị trường

Ngày nhập

29/07/2009

Đã xem

1416 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com