Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

Ngày đăng: 01:47 28-06-2009 | 1826 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

            ­QUỐC HỘI

Luật số:           20.../QH12

 

Dự thảo 1

(gửi lấy ý kiến) 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


        Hà Nội, ngày    tháng    năm 20..

QUỐC HỘI        
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá…., kỳ họp thứ…

(Từ ngày… tháng… năm….)

 

LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/NQ10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp  thứ 10;

Quốc hội khoá... ban hành Luật Tiếp cận thông tin,

 Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Mục đích của Luật

Mục đích của Luật này là nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và góp phần phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo quy định của Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thông tin là tin tức, dữ liệu có trong hồ sơ, tài liệu do các cơ quan quy định tại Điều 4 của Luật này tạo ra hoặc nhận được để thực hiện nhiệm vụ được giao và hiện đang được các cơ quan này nắm giữ.

2. Hồ sơ, tài liệu gồm bản viết trên giấy, bản in trên giấy, bản chiếu,  tranh, bản vẽ, hình ảnh, ảnh chụp, băng hình, băng ghi âm, đĩa mềm, thẻ nhớ hoặc bất kỳ một dạng vật chất nào có chứa tin tức, dữ liệu.

3. Tiếp cận thông tin là xem, nghe, đọc, ghi chép, trích dẫn, sao chép, chụp hồ sơ, tài liệu; được trả lời trực tiếp, được nhận bản sao chép, bản chụp hồ sơ, tài liệu, trừ hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh.

Điều 4. Cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin

Các cơ quan sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin:

1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội;

2. Văn phòng Chủ tịch nước;

3. Chính phủ; bộ; cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

4. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp;

5. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 5. Thông tin được tiếp cận

Thông tin được tiếp cận là thông tin được công bố công khai rộng rãi và thông tin tiếp cận theo yêu cầu.

Thông tin được công bố công khai rộng rãi là thông tin mà cơ quan  nắm giữ có trách nhiệm chủ động công bố bằng các hình thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Thông tin tiếp cận theo yêu cầu là thông tin mà cơ quan nắm giữ cung cấp khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Điều 6. Thông tin không được tiếp cận và chưa được tiếp cận

1. Những thông tin sau đây không được tiếp cận:

a) Thông tin thuộc bí mật nhà nước;

b) Thông tin thuộc bí mật đời tư;

c) Thông tin thuộc bí mật kinh doanh.

2. Những thông tin sau đây chưa được tiếp cận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

a) Các thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;

b) Thông tin đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán;

c) Thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo.

Điều 7. Quyền tiếp cận thông tin

1. Mọi công dân Việt Nam, tổ chức được thành lập hợp pháp theo pháp luật Việt Nam có quyền được tiếp cận thông tin.

2. Người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, các tổ chức nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có quyền được tiếp cận các thông tin  liên quan đến họ hoặc lĩnh vực hoạt động của họ.

Điều 8. Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

1. Bảo đảm công khai, minh bạch và kịp thời trong việc cung cấp thông tin.

2. Bảo vệ quyền tiếp cận thông tin chính đáng của cá nhân, tổ chức.

3. Bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của thông tin.

4. Bảo đảm sự bình đẳng.

5. Bảo đảm lợi ích cộng đồng.

6. Bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh.

 Điều 9. Phương thức tiếp cận thông tin

Cá nhân, tổ chức tiếp cận thông tin theo phương thức sau đây:

1. Tiếp cận thông tin được công bố công khai rộng rãi;

2. Yêu cầu được tiếp cận thông tin.

Điều 10. Nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin

Trong việc tiếp cận thông tin, cá nhân, tổ chức có các nghĩa vụ sau đây:

1. Tuân thủ trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin theo quy định của Luật này;

2. Sử dụng thông tin phục vụ nhu cầu hợp pháp;

3. Không lạm dụng quyền tiếp cận thông tin gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nắm giữ thông tin.

Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở việc tiếp cận thông tin; cung cấp thông tin sai lệch.

2. Tiết lộ bí mật nhà nước và những bí mật khác đã được pháp luật quy định.

3. Sử dụng thông tin để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, chiến tranh, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Sử dụng thông tin để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 12. Mối quan hệ giữa Luật này và các luật khác có liên quan

 Luật này áp dụng chung cho việc tiếp cận thông tin; trong trường hợp luật khác có quy định khác rộng hơn về phạm vi thông tin được tiếp cận, thuận lợi hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin thì áp dụng quy định của luật đó.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật tiếp cận Thông tin

Ngày nhập

28/06/2009

Đã xem

1826 lượt xem

Tờ trình Dự thảo Luật tiếp cận Thông tin

Ngày nhập

28/06/2009

Đã xem

1826 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com