Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT BƯU CHÍNH

Ngày đăng: 11:26 10-02-2009 | 1952 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI

_______

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số: /200 /QH…

Hà Nội, ngày tháng năm 200

DỰ THẢO 9

Ngày 23/1/2009


QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá…, kỳ họp thứ…

(Từ ngày…tháng…năm…)


LUẬT BƯU CHÍNH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Quốc hội ban hành Luật Bưu chính,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bưu chính, bao gồm cung ứng dịch vụ bưu chính, thực hiện dịch vụ bưu chính công ích, quản lý bưu chính, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, người sử dụng dịch vụ bưu chính tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính tại Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Bưu chính với quy định của luật khác về cùng một vấn đề liên quan đến hoạt động bưu chính thì áp dụng quy định của Luật Bưu chính.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ bưu chính, gồm cả dịch vụ chuyển phát, là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi từ một địa điểm này đến một địa điểm khác.

2. Bưu gửi bao gồm thư, kiện hàng hoá được gửi qua mạng bưu chính.

3. Thư là thông tin trao đổi dạng viết tay, bản in có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, được gửi bằng các phương tiện vật lý từ một địa điểm này đến một địa điểm khác. Ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí không được coi là thư.

4. Mạng bưu chính là hệ thống các trung tâm đầu mối, điểm phục vụ được kết nối bằng các tuyến thu gom, vận chuyển và phát do mọi thành phần kinh tế thiết lập để cung ứng dịch vụ bưu chính.

5. Điểm phục vụ bao gồm các bưu cục, kiốt, đại lý, điểm Bưu điện văn hoá xã, thùng thư công cộng độc lập và các điểm phục vụ khác.

6. Công trình bưu chính công cộng bao gồm các kết cấu xây dựng, phương tiện, máy móc, thiết bị thuộc mạng bưu chính công cộng.

7. Tem bưu chính là ấn phẩm được phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính.

8. Người sử dụng dịch vụ là tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính. Người sử dụng dịch vụ gồm người gửi và người nhận.

9. Người gửi là tổ chức, cá nhân có tên trong phần địa chỉ người gửi trên bưu gửi hoặc trên hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

10. Người nhận là tổ chức, cá nhân có tên trong phần người nhận trên bưu gửi.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động bưu chính

1. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phát huy mọi nguồn lực của đất nước để phát triển lĩnh vực bưu chính phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đầu tư phát triển bưu chính đối với nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của Nhà nước.

3. Xây dựng và phát triển thị trường bưu chính theo nguyên tắc công khai, cạnh tranh lành mạnh, có sự quản lý của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động bưu chính.

4. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính.

5. Khuyến khích ứng dụng, thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bưu chính.

6. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bưu chính.

Điều 6. Bảo đảm an toàn bưu gửi và an ninh thông tin

1. Bí mật đối với thông tin riêng của mọi tổ chức, cá nhân chuyển qua mạng bưu chính được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Thông tin riêng gồm nội dung của bưu gửi; thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người gửi và người nhận; các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng dịch vụ chuyển phát.

2. Việc kiểm tra, thu giữ bưu gửi chuyển qua mạng bưu chính phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật phải tạo điều kiện để doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính bảo đảm hoạt động kinh doanh và chất lượng dịch vụ.

Điều 7. Các trường hợp được phục vụ ưu tiên

1. Các trường hợp được phục vụ ưu tiên theo thứ tự sau đây:

a) Trường hợp khẩn cấp về quốc phòng, an ninh;

b) Trường hợp khẩn cấp phục vụ chống hoả hoạn, thiên tai và thảm hoạ khác;

c) Trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch bệnh;

d) Trường hợp khẩn cấp phục vụ cứu nạn, cứu hộ;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc huy động doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phục vụ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, thiết bị và mạng bưu chính nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội; vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; hoạt động buôn bán trái pháp luật.

2. Chiếm đoạt, bóc mở, tráo đổi nội dung bưu gửi, tiết lộ thông tin riêng trái pháp luật.

3. Cản trở hoạt động hợp pháp về bưu chính.

4. Trộm cắp, gây hư hại công trình bưu chính công cộng.

5. Thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh sau:

a) Khuyến mại trong cung ứng dịch vụ làm ảnh hưởng tới phạm vi cung cấp dịch vụ dành riêng;

b) Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo sự cạnh tranh không bình đẳng và phân biệt đối xử với khách hàng;

c) Sử dụng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính dành riêng để trợ cấp cho các khoản lỗ do việc cung ứng các dịch vụ cạnh tranh khác dưới giá thành ;

6. Sản xuất, mua bán, sử dụng, trao đổi, lưu trữ tem bưu chính và các hình thức thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trái pháp luật.

7. Hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính không có giấy phép, không thông báo hoạt động theo quy định của Luật này.

8. Mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa giấy phép cung ứng dịch vụ thư, giấy xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh, giấy xác nhận đăng ký hoạt động.

9. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về bưu chính.

Điều 9. Mã bưu chính quốc gia

1. Mã bưu chính là tập hợp các ký tự số nhằm xác định một hoặc một nhóm địa chỉ bưu chính được sử dụng trong hoạt động bưu chính.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về mã bưu chính quốc gia.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo 9 Luật Bưu chính

Ngày nhập

10/02/2009

Đã xem

1952 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com