Theo dõi (0)

Dự thảo thông tư Về hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp

Ngày đăng: 08:58 18-04-2007 | 1470 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ
Về hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp 

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 
Căn cứ Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH-11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư này hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp như sau::
 
Điều 1: Đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 và áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).

Điều 2. Áp dụng Luật Doanh nghiệp, Điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan.
1. Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp áp dung theo quy định của Luật Doanh nghiệp; trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều này.
2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam là thành viên có quy định khác về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh, cơ cấu sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh, thì áp dụng theo các quy định đó của Điều ước quốc tế.
Trong trường hợp này, nếu các cam kết song phương có nội dung khác với cam kết đa phương thì áp dụng theo nội dung cam kết có thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp và người đầu tư.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy đinh của Luật Doanh nghiệp và các luật sau đây về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp, quyền tự chủ kinh doanh, cơ cấu lại và giải thể doanh nghiệp, thì áp dụng theo quy định của luật đó.
1. Luật các tổ chức tín dụng;
2. Luật Dầu khí;
3. Luật hàng không dân dụng Việt nam;
4. Luật xuất bản
5. Luật Báo chí;
6. Luật giáo dục;
7. Luật chứng khoán;
8. Luật kinh doanh bảo hiểm;
9. Luật luật sư;
4. Trường hợp có quy định khác nhau giữa các luật nói tại khoản 3 Điều này và các điều ước quốc tế, thì áp dụng quy định thuận lợi hơn đối với đối với doanh nghiệp và người đầu tư.

Điều 3. Ngành, nghề cấm kinh doanh.
1. Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh gồm:
...?

Điều 4. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
1. Điều kiện kinh doanh là những điều kiện cụ thể làm căn cứ hay tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được nhà nước uỷ quyền xem xét và cấp:
a. giấy phép kinh doanh,
b.Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,
c. Chứng chỉ hành nghề,
d. Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp,
đ. Xác nhận vốn pháp định hoặc phê duyệt,
e. Chấp thuận khác dưới mọi hình thức; hoặc
g. Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh danh ngành, nghề đó mà không cần xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Ngành nghề kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh cụ thể yêu cầu phải có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề, hoặc hoạt động đó phải được quy định cụ thể tại luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của thủ tướng Chính phủ.
3. Các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điệu kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 2 Điều này đều không có hiệu lực thi hành. Các quy định hiện hành về điều kiện kinh tại thông tư hoặc quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ phải được bổ sung, sửa đổi theo đúng quy định tại khoản 2 Điều này trước ngày …tháng…. năm 2007. Sau thời hạn đó, tất cả các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tại thông tư, quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều bị bãi bỏ.

Điều 5. Ngành nghề kinh doanh đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề.
1. Chứng chỉ hành nghề quy định tại các khoản 4 Điều 16, khoản 5 điều 17, khoản 5 điều 18 và khoản 5 điều 19 Luật Doanh nghiệp là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hội nghề nghiệp được nhà nước uỷ quyền cấp cho cá nhân và xác nhận việc cá nhân đó có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định theo quy định của pháp luật.
2. Ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề bao gồm:
Ngành nghề đòi hỏi chứng chỉ hành nghề của Giám đốc (người đứng đầu cơ sở kinh doanh)
a. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
b. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (trong trường hợp không ủy quyền)
c. Chứng chỉ sản xuất, gia công, sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật
d. Chứng chỉ hành nghề xông hơi, khử trùng
đ. Chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
e. Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh tư nhân
g. Chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân
h. Chứng chỉ hành nghề luật sư - đối với văn phòng luật sư và công ty luật (công ty TNHH 1 thành viên)
Ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề của cả giám đốc và người khác:
a. Chứng chỉ kiểm tóan viên
b. Chứng chỉ hành nghề luật sư (đối với công ty luật hợp danh)
Ngành nghề chỉ cần có chứng chỉ hành nghề của người khác:
a. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y
b. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình
c. Chứng chỉ hành nghề kĩ sư
d. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư
đ. Chứng chỉ hành nghề luật sư  - đối với công ty luật (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên)
e. Chứng chỉ hành nghề dược
g. Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
h. Chứng chỉ định giá bất động sản
3. Đối với doanh nghiệp ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này, thì việc đăng ký kinh doanh phải có thêm điều kiện về chứng chỉ hành nghề theo quy định dưới đây:
a. Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề mà mà pháp luật yêu cầu giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề, thì giám đốc của doanh nghiệp đó pải có chứng chỉ hành nghề.
b. Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề, thì giám đốc của doanh nghiệp đó và ít nhất một cán bộ quản lý khác phải có chứng chỉ hành nghề.
c. Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề, thì ít nhất một người quản lý của doanh nghiệp đó phải có chứng chỉ hành nghề.
4. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, thì điều kiện về chứng chỉ hành nghê áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Chứng chỉ hành nghề của người nước ngoài ?

Điều 6. Ngành, nghề pháp luật đồi hỏi phải có vốn pháp định.
1. Ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định bao gồm:
a) Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngòai.
b) Hoạt động giới thiệu việc làm.
b) Thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngòai.
c) Sản xuất phim.
d) Kinh doanh bất động sản.
đ) Kinh doanh cảng hàng không.
e) Cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không
g) Kinh doanh vận chuyển hàng không.
h) Kinh doanh chứng khoán và quản lý quỹ, bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khóan, bảo lãnh phát hành chứng khóan, tư vấn đầu tư chứng khóan.
i) Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bao gồm công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.
k) Sở giao dịch hàng hóa; thành viên môi giới và thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa.
m) Kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm
n) Kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
l) Kinh doanh lữ hàng quốc tế.
o) Thành lập nhà xuất bản.
p) ..............
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của số vốn được xác nhận là vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm mức vốn điều lệ thực tế không thấp hơn vốn pháp định đã được xác nhận trong cả quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì việc đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh đó phải có thêm xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vốn pháp định.
4. Mức cụ thể vốn pháp định, hồ sơ, trình tự, thủ tục, các thức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định áp dụng theo quy định tương ứng đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu phải có vốn pháp định.
5. Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định; người trực tiếp xác nhận vốn pháp định cùng liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số vốn tại thời điểm xác nhận.

Điều 7. Quyền đăng ký và tiến hành hoạt động kinh doanh.
1. Doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào, nếu ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký không thuộc loại có điều kiện quy định theo quy định tại các điểm (a) đến (e) khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
2. Đối với doanh nghiệp có sở hữu của của người nước ngoài từ 51% trở lên, ??????????

Điều 8. Quyền thành lập doanh nghiệp.
1. Tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam, không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính và mọi cá nhân không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp, đều có quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 và 5 Điều này.
2. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Cá nhân chủ sở hữu doanh nghiêph tư nhân vẫn có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh.
3. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài lần đầu tiên đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt nam phải có dự án đầu tư. Trong trường hợp này, để thành lập doanh nghiệp người đầu tư phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh đồng thời với đăng ký đầu tư; và doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh, khi:
a. Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 24 Luật doanh nghiệp; và
b. Dự án đầu tư được đăng ký hoặc được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và chấp thuận theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này có quyền đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký đầu tư theo các quy định tương ứng như đối với tổ chức, cá nhân người Việt nam. Trong trường hợp này, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền theo quy định của Luật doanh nghiệp; và việc đăng ký đầu tư thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
5. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền sở hữu trên 51% tại các doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề mà theo cam kết quốc doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài trên 51% chưa được quyền kinh doanh các ngành, nghề đó, hoặc người nước ngoài chưa được quyền có hiện diện thương mại của mình dưới mọi hình thức trong các ngành, nghề kinh doanh đó.

Điều 9. Quyền góp vốn, mua cổ phần.
1. Tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính và mọi cá nhân không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, nếu không thuộc đôi tượng quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Doanh nghiệp, đều có quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại doanh nghiệp theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp, trừ các trường hợp dưới đây:
a. Tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài tại các công ty niêm yết thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
b. Sở hữu của người nước ngoài trong các trường hợp đặc thù theo các luật quy định tại điều …..thông tư này;
c. Tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá được thực hiện theo pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước
c. Tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài bị hạn chế theo các cam kết quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam là thành viên (nên nghiên cứu, xem xét và quy định cụ thể luôn, đó là ngành nào và đến khi nào ???????).
2. Người đầu tư nước ngoài thực hiện việc góp vốn vào công ty TNHH hoặc mua lại phần góp vốn của thành viên công ty TNHH hoặc của chủ sở hữu công ty theo quy định về góp vốn hoặc chuyển nhượng phần góp vốn và đăng ký thay đổi thành viên theo Luật doanh nghiệp và nghị định về đăng ký kinh doanh.
Việc mua cổ phần mới phát hành, mua lại cổ phần được thực hiện theo quy định về mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phần và đăng ký cổ đông, thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo Luật Doanh nghiệp.
3. Trường hợp người đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, nhận chuyển nhượng phần góp vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì việc đăng ký thay đổi thành viên thực hiện tại cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, nhận chuyển nhượng phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước, thì việc đăng ký thay đổi thành viên thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
4. Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký thay đổi thành viên thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

Điều 10. Người quản lý doanh nghiệp.
1. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a. Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp; và
b. Thành viên là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty; hoặc người khác, thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty.
 Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm b Khoản này, thì áp dụng tiêu chuẩn do Điều lệ công ty quy định.
2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a. Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp;
b. Cổ đông là cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông; hoặc cổ đông sở hữu ít hơn 5% tổng số cổ phần, người không phải là cổ đông, thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành nghề kinh doanh chính của công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm b Khoản này, thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định.
3. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác, thì chủ tịch Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có thể kiêm giám đốc, tổng giám đốc; chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức có thể kiêm giám đốc, tổng giám đốc; và chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần có thể kiêm giám đốc, tổng giám đốc.
4. Nếu điều lệ công ty không quy định khác, thì chủ tịch Hội đồng thành viên và giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có thể làm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc, tổng giám đốc của công ty khác.
5. Trường hợp cá nhân người nước ngoài được giao làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thì người đó phải ở Việt nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ và phải đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật. Trường hợp xuất cảnh khỏi Việt nam trong thời hạn quá 30 ngày liên tiếp, thỉ phải:
a. Uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để người đó thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b. Thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính biết ít nhất 3 ngày trước khi xuất cảnh. Thông báo ít nhất phải có mục đích xuất cảnh, thời gian xuất cảnh, nơi đến và thời gian dự định nhập cảnh trở lại Việt nam.

Điều 11. Số người đại diện theo uỷ quyền tham gia hội đồng thành viên hoặc dự họp đại hội đồng cổ đông.
1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thành viên trở lên là tổ chức có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ được quyền cử không quá ba người đại diện theo uỷ quyền tham gia Hội đông thành viên.
2. Cô đông công ty cổ phần là tổ chức sở hữu ít nhất 10% tống số cổ phần phổ thông có quyền uỷ quyền tối đa ba người tham dự họp Đại hội đòng cổ đông.

Điều 12. Tên riêng của doanh nghiệp.
1. Tên doanh nghiệp là tập hợp của ít nhất 2 thành tố, gồm loại hình doanh nghiệp doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp.
2. Loại hình doanh nghiệp là “công ty trách nhiệm hữu hạn”, hoặc “công ty cổ phần”, hoặc “công ty hợp danh”, hoặc “doanh nghiệp tư nhân”.
3. Chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền tự do đặt tên riêng cho doanh nghiệp của mình, trừ trường hợp quy định tại Khoản …. Điều …. Luật Doanh nghiệp.

Điều 13. Cổ đông sáng lập và số cổ phần được quyền chào bán.
1. Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký vào Bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.
2. Công ty cổ phần mới thành lập phải có cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
3. Các cổ đông sang lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sang lập khác.
4. Cổ đông sáng lập sở hữu hơn 20% số cổ phần được quyền chào bán có quyền tự do chuyển nhượng số cổ phần vượt hơn đó cho người khác, mà không cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
5. Sau ba năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu số cổ phần được quyền chào bán còn lại quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật doanh nghiệp không được bán hết, thì công ty phải thông báo gia hạn việc chào bán số cổ phần đó.

Điều 14. Giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần.
1. Công ty cổ phần giảm vốn điều lệ bằng cách mua lại cổ phần theo Điều 90 và Điều 91 Luật Doanh nghiệp.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thanh toán hết sổ cổ phần đã mua lại, công ty thông báo giảm vốn điều lệ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký.
2. Hồ sơ yêu cầu giảm vốn điều lệ gồm có:
a. Giấy đề nghị giảm vốn điều lệ;
b. Quyết định mua lại cổ phần hoặc yêu cầu mua lại cổ phần của cổ đông;
c. Báo cáo tổng số vốn chủ sở hữu và tổng số vốn nợ theo sổ kế toán tại thời điểm thanh toán hết các cổ phần được mua lại.
Người đại diện theo pháp luật của công ty chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của nội dung hồ sơ quy định tại khoản này.
3. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký giảm vốn điều lệ cho công ty.

Điều 15. Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hoặc đã đăng ký chuyển đổi theo quy định của Nghị định số 101/2006/NĐ-CP có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ngoài trụ sở chính. Hồ sơ, trình tự và thủ tục lập chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện theo quy định tương ứng của Nghi định số 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh.
2. Trường hợp lập chi nhánh trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính,thì việc đăng ký lập chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện tại cơ quan quản lý đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Trường hợp lập chi nhánh, văn phòng đại diện ngoài tỉnh, thành phố tực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ trở chính, thì việc đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thuộc sở Kế hoạch và Đầu tư.
4. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa hoặc không chuyển đổi và đăng ký lại theo Nghị định 101/2006/NĐ-CP, thì việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền, nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính.

Điều 16. Bầu dồn phiếu.
1. Phướng thức dồn phiếu bầu quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp được áp dụng đối với tất cả các công ty cổ phần, gồm cả các công ty niêm yết, trừ trường hợp Luật Chứng khoán có quy định khác.
2. Trước và trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền cùng nhau lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu bầu cho người do họ để cử. Trường hợp công ty dự định bầu 5 thành viên Hội đồng quản trị, thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 17% tổng số cổ phần của công ty sẽ chắc chắn bầu được một thành viên Hội đồng quản trị; nếu dự định bầu 7 thành viên, thì cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu 12,5% có thêm 1 cổ phần nữa chắc chắn sẽ bầu được một thành viên Hội đồng quản trị.
3. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát phải có số phiếu bầu cao tương ứng, nhưng ít nhất bằng 65% tổng số cổ phần của cổ đông tham dự họp. Tỷ lệ này được tính bằng cách lấy tổng số phiếu bầu tương ứng với mỗi ứng cử viên làm tử số và tổng số cổ phần của các cổ đông tham dự cuộc họp đó làm mầu số.

Điều 17. Hướng dẫn bổ sung về Họp Hội đồng quản trị.
1. Cuộc họp của hội đồng quản trị theo giấy triệu tập lần thứ nhất được tiến hành khi có từ ¾ tổng số thành viên trở lên dự họp.
2. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản 1 Điều này không đủ số thành viên dự họp theo quy định, thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trong trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn ½ số thành viên Hội đồng quản trị dự họp.

Điều 18. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên khi chủ sở hữu công ty đã góp đủ số vốn vào công ty như đã cam kết. Công ty được chuyển đổi
bằng cách:
a. Chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, cho, tặng một phần sở hữu của mình tại công ty cho một hoặc một số người khác; hoặc
b. Công ty huy động thêm vốn góp từ một hoặc một số người khác.
2. Trường hợp chuyển đổi theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này, thì hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
a. Giấy đề nghị chuyển đổi;
b. Điều lệ công ty như quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp;
c. Danh sách thành viên gồm nội dung quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 23 Luật doanh nghiệp và phần vốn góp tương ứng của mỗi thành viên;
d. Hợp đồng chuyển nhượng, hoặc giấy tờ xác nhận việc cho, tặng hoặc thừa kế một phần sở hữu của công ty.
3. Trường hợp chuyển đổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thì hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
a. Giấy đề nghị chuyển đổi;
b. Điều lệ công ty như quy định tại Điều 22 Luật doanh nghiệp;
c. Danh sách thành viên theo quy định tại Điều 23 Luật doanh nghiệp.
d. Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc huy động thêm phần vốn góp.
5. Công ty gửi hoặc nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư đồng thời là đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đồng thời, thu hồi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với công ty chuyển đổi.
6. Công ty đã đăng ký chuyển đổi có quyền giữ nguyên tên, con dấu, tài khoản và mã số thuế đã đăng ký; không phải làm thủ tục thay đổi các loại hồ sơ, giấy tờ chứng nhận, chứng thực sở hữu tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
7. Công ty đã đăng ký chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty chuyển đổi.

Điều 19. Chuyển đổi công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
1. Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bằng cách:
a. Một cổ đông hoặc một thành viên mua hoặc nhận chuyển nhượng các cổ phần, phần góp vốn tương ứng của tất cả các cổ đông, thành viên còn lại; hoặc
b. Một cổ đông hoặc thành viên nhận đầu tư bằng cổ phần hoặc phần góp vốn của tất cả các cổ đông, thành viên còn lại.
2. Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
a. Giấy đề nghị chuyển đổi;
b. Điều lệ công ty chuyển đổi;
c. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc phần góp vốn, hoặc thoả thuận về việc nhận góp vốn đầu tư bằng cổ phần hoặc phần góp vốn.
3. Công ty gửi hoặc nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư đồng thời là đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đồng thời, thu hồi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với công ty chuyển đổi.
4. Công ty đã đăng ký chuyển đổi có quyền giữ nguyên tên, con dấu, tài khoản và mã số thuế đã đăng ký; không phải làm thủ tục thay đổi các loại hồ sơ, giấy tờ chứng nhận, chứng thực sở hữu tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
5. Công ty đã đăng ký chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty chuyển đổi.

Điều 20. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần.
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trường hợp công ty trách nhiệm có ít hơn 3 thành viên, việc huy đồng thêm thành viên mới có thể thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi công ty. Thành viên mới có thể là người nhận chuyển nhượng một phần góp vốn của thành viên hiện có hoặc người nhận góp thêm vốn vào công ty.
2. Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
a. Giấy đề nghị chuyển đổi;
b. Quyết định của Chủ sở hữu công ty hoặc hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty;
c. Điều lệ công ty cổ phần chuyển đổi;
d. Danh sách cổ đông sở hữu hơn 5% số cổ phần phổ thông với nội dung theo quy định tại Điều..... Luật Doanh nghiệp.
d. Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc thoả thuận tiếp nhận thêm vốn đầu tư.
3. Công ty gửi hoặc nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư đồng thời là đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đồng thời, thu hồi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với công ty chuyển đổi.
4. Công ty đã đăng ký chuyển đổi có quyền giữ nguyên tên, con dấu, tài khoản và mã số thuế đã đăng ký; không phải làm thủ tục thay đổi các loại hồ sơ, giấy tờ chứng nhận, chứng thực sở hữu tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
5. Công ty đã đăng ký chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty chuyển đổi.

Điều 21. Nội dung chủ yếu của giấy đề nghị chuyển đổi.
Giấy đề nghị chuyển đổi quy định tại các Điều..... ít nhất phải có các nội dung:
1. Tên công ty được chuyển đổi;
2. Tên công ty chuyển đổi (nếu công ty dự định thay đổi tên khi chuyển đổi)
3. Địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, địa chỉ giao dịch thư điện tử (nếu có);
4. Ngành, nghề kinh doanh;
5. Vốn điều lệ hiện hành và vốn điều lệ sau khi huy động thêm phần vốn góp, hoặc cổ phần;
đ. Hình thức chuyển đổi;
6. Họ và tên, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân, hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Điều 22. Nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh áp dụng đối với trường hợp chuyển đổi theo các điều....... Nghị định (thông tư) này.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các công ty chuyển đổi theo quy định tại các điều.... có nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên công ty được chuyển đổi, số và ngày cấp đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ;
2. Tên công ty chuyển đổi;
3. Địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đị diện; số điện thoại, số fax và địa chỉ giao dịch thư điện tử (nếu có);
4. Vốn điều lệ của công ty chuyển đổi đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; số cổ phần và giá trị cổ phần đã bán; số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần.
5. Ngành, nghề kinh doanh;
6. Họ và tên, địa chỉ thường trú hoặc đăng ký tạm trú (đối với người nước ngoài), quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu (đối với người nước ngoài), hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đị diện theo pháp luật của công ty.

Điều 23. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp.
1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Doanh ngiệp hoặc bị Toà tuyên giải thể.
2. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp quy dịnh tại khoản 5 Điều 158 Luật Doanh nghiệp bao gồm:
a. Quyết định giải thể hoặc quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc quyết định của Toà án tuyên bố giải thể doanh nghiệp.
b. Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm việc thanh toán hết các khoản nợ về thuế;
c. Danh sách người lao động và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;
d. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
đ. Con dấu của doanh ngiệp;
f. Số hoá đơn gia trị gia tăng chưa sử dụng.
h. Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo Điều 158 Luật Doanh nghiệp, trong đó có cam kết đã thanh toán hết các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, giải quyết các quyền lợi hợp pháp của người lao động.
3. Thành viên HĐQT, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, và giám đốc hoặc tổng giám đốc, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
Trường họp, hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, thì phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết; và chịu trách niệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn ba năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiêp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
4. Việc giải thể các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động tương ứng theo các luật quy định tại Điều…. (thông tư hay nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
5. Chi nhánh của doanh nghiệp được giải thể theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ giải thể chi nhánh bao gồm:
a. Quyết định giải thể hoặc quyết định thu hối giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh;
b. Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả số nợ về thuế của chi nhánh;
c. Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
d. Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh;
đ. Con dấu của chi nhánh;
e. Số hoá đơn giá trị gia tăng chưa sử dụng;
Người đại theo pháp luật của doanh nghiệp và giám đốc chi nhánh bị giải thể liên đới chịu trách nhiệm về tính rung thực và chính xác của hổ sơ giải thể chi nhánh.
Doanh nghiệp chịu trác nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho nười lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định củ pháp luật.
6. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận đủ số sơ giải thể quy định tại khoản 2 và 5 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp hoặc chi nhánh trong sổ đăng ký kinh doanh; đồng thời, thông báo với cơ quan thuế và cơ quan công an cùng cấp về kết thúc giải thể doanh nghịêp, hoặc chi nhánh của doanh nghiệp.

Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 25. Tổ chức thực hiện
...../.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Báo cáo 6 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999

Ngày nhập

18/04/2007

Đã xem

1470 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com