Báo cáo “Thủ tục đầu tư Nhà máy điện rác – Rào cản và giải pháp”

Thứ Ba 15:38 10-12-2024

Tốc độ đô thị hóa thuộc nhóm nhanh nhất Đông Á của Việt Nam đã tạo áp lực lớn lên môi trường với lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng lên nhanh chóng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị trung bình hơn 38.000 tấn/ngày trong năm 2023 , và tốc độ tăng trung bình 10-16% mỗi năm, trong khi hoạt động thu gom và xử lý không kịp tốc độ này. Do đó, làm sao để xử lý lượng chất thải sinh hoạt này đang là một bài toán lớn mà nhiều chính quyền địa phương đang tìm cách xử lý.

Hiện nay, phương pháp xử lý chất thải chủ yếu là chôn lấp. Phương pháp này dù có chi phí thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong vài năm gần đây, với yêu cầu bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, các địa phương đang có xu hướng chuyển sang các công nghệ xử lý thân thiện với môi trường hơn. Trong đó, công nghệ đốt rác phát điện (hay còn gọi là điện rác) là công nghệ hiện đại, có nhiều ưu điểm nổi bật như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính… . Điện rác được ưu tiên đẩy mạnh phát triển trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và hiện được nhiều địa phương quan tâm.

Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư vào các dự án này không phải là điều dễ dàng. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng nhà máy điện rác đi vào hoạt động trên cả nước còn rất ít. Một nguyên nhân quan trọng có thể kể đến là sự thiếu vắng, chưa đồng bộ của các quy định pháp luật, từ đó dẫn đến việc đầu tư các dự án này phức tạp, kéo dài, kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trước tình hình đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện một nghiên cứu nhằm xác định những điểm vướng mắc về mặt pháp lý, từ đó đưa ra các đề xuất để thúc đẩy hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này. Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ cung cấp thêm thông tin hữu ích cho các bên liên quan và cả những ai quan tâm đến sự phát triển của hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Do thời gian và nguồn lực có hạn, chúng tôi không thể đề cập đến tất cả các vướng mắc trên thực tế cũng như toàn bộ lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Về lĩnh vực, Báo cáo chỉ tập trung vào các dự án nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác phát điện. Về nội dung, Báo cáo này sẽ đề cập đến các vấn đề pháp lý của dự án đầu tư, từ giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi dự án đi vào vận hành chính thức.

Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ nguồn lực để thực hiện báo cáo này trong khuôn khổ Dự án Sáng kiến chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Toàn văn Báo cáo: Báo cáo “Thủ tục đầu tư Nhà máy điện rác – Giải pháp và rào cản”