Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón

Ngày đăng: 10:38 31-10-2011 | 2030 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

DỰ THẢO 6 ngày 30.6.2011

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón

________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định sản xuất, gia công, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón.

2. Các loại phân bón thuộc Nghị định này bao gồm:

a) Các loại phân vô cơ gồm: phân đa lượng, phân trung lượng, phân vi lượng, phân bón đất hiếm.

b) Các loại phân hữu cơ gồm: phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh, phân vi sinh vật.

c) Phân bón làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng.

d) Các loại phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng.

đ) Chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất giữ ẩm trong phân bón, chất phụ gia phân bón, chất cải tạo đất.

e) Giá thể cây trồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phân bón vô cơ là phân khoáng thiên nhiên hoặc phân hoá học được sản xuất theo phương pháp công nghiệp có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

2. Phân đa lượng là phân trong thành phần có chứa ít nhất một yếu tố dinh dưỡng gồm: Đạm ký hiệu là N (tính bằng N tổng số); Lân ký hiệu là P (tính bằng P2O5 hữu hiệu) và Kali ký hiệu là K (tính bằng K2O hữu hiệu hoặc hoà tan).

3. Phân trung lượng là phân trong thành phần có chứa ít nhất một yếu tố dinh dưỡng gồm: Can xi (được tính bằng Ca hoặc CaO), Magiê (được tính bằng Mg hoặc MgO), Lưu huỳnh (được tính bằng S) và Silíc (được tính bằng Si hoặc SiO2 hoà tan) ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

4. Phân vi lượng là phân trong thành phần có chứa ít nhất một yếu tố dinh dưỡng gồm: Bo (được tính bằng B), Co ban (được tính bằng Co), Đồng (được tính bằng Cu hoặc CuO), Sắt (được tính bằng Fe), Mangan (được tính bằng Mn hoặc MnO), Molipđen (được tính bằng Mo) và Kẽm (được tính bằng Zn hoặc ZnO) ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

5. Phân bón đất hiếm là loại phân trong thành phần chủ yếu có ít nhất một trong số 17 nguyên tố sau: Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium, Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium, Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, lutetium) trong bảng tuần hoàn Mendêleép) ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

6. Phân bón hữu cơ là các loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ có hàm lượng chất hữu cơ và các chỉ tiêu chất lượng khác đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

7. Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

8. Phân hữu cơ truyền thống là loại phân có nguồn gốc từ chất thải của người, động vật hoặc từ các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vệ sinh an toàn toàn thực phẩm, môi trường theo quy định.

9. Phân hữu cơ khoáng là phân hữu cơ được trộn thêm một hoặc một số yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng ở dạng khoáng mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được.

10. Phân hữu cơ vi sinh là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một loại vi sinh vật sống có ích phù hợp với quy định của tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các văn bản quy định tương đương đã ban hành.

11. Phân vi sinh vật là loại phân trong thành phần có chứa một hoặc nhiều loại vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải ka li, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng quang hợp và các vi sinh vật có ích khác có mật độ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

12. Phân bón tăng khả năng miễn dịch cây trồng là loại phân bón vô cơ hoặc hữu cơ có tác dụng làm tăng sức miễn dịch của cây trồng đối với các loại sâu, bệnh hại hoặc tăng sức đề kháng của cây trồng trong các điều kiện khó khăn của thời tiết như nóng, lạnh, khô hạn, úng ngập hoặc ngập mặn…

13. Phân bón có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng là loại phân bón vô cơ hoặc hữu cơ được bổ sung ít nhất một trong các chất điều hoà sinh trưởng theo quy định với hàm lượng không vượt mức quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

14. Chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón là những chất khi phối trộn hoặc bón cùng với phân bón có tác dụng nâng cao hiệu suất sử dụng các chất dinh dưỡng có trong phân bón.

15. Chất giữ ẩm trong phân bón là những chất tự nhiên hay nhân tạo có khả năng hút và giữ nước mạnh, có tác dụng cung cấp nước vào đất khi đất khô hạn và có thể phối trộn với các yếu tố dinh dưỡng của cây trồng.

16. Chất phụ gia phân bón là các chất vô cơ hoặc hữu cơ được phối trộn với các chất dinh dưỡng trong quá trình sản xuất phân bón.

17. Chất cải tạo đất là chất khi bón vào đất có tác dụng nâng cao độ phì, cải thiện đặc điểm lý tính, hoá tính, sinh học đất.

18. Giá thể cây trồng là những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo không phải là đất, được dùng làm nền để trồng cây.

19. Chất gây hại có trong phân bón là các kim loại nặng gồm: Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg), Ti tan (Ti), Crôm (Cr), Đồng (Cu), Kẽm (Zn); các vi khuẩn gây bệnh gồm: vi khuẩn E.coli, Salmonella và các chất gây hại khác như: biuret, axit tự do… có trong phân bón vượt quá hàm lượng cho phép được quy định tại tiêu chuẩn chất lượng phân bón, quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại phân bón tương ứng.

20. Phân bón giả là loại phân bón được xác định như sau:

a) Phân bón làm giả, làm nhái có hình dáng, màu sắc, nhãn hàng hoá   giống như loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu đang được bảo hộ.

b) Không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc mức quy định theo tiêu chuẩn chất lượng phân bón hiện hành.

c) Hàm lượng định lượng tổng các chất dinh dưỡng chỉ đạt dưới 60% mức công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc mức quy định theo tiêu chuẩn chất lượng phân bón hiện hành.

d) Hàm lượng một (01) yếu tố dinh dưỡng đối với các yếu tố đa lượng chỉ đạt dưới 50% mức công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc mức quy định trong tiêu chuẩn chất lượng phân bón; Hàm lượng một (01) yếu tố dinh dưỡng đối với các yếu tố dinh dưỡng khác, hàm lượng hữu cơ chỉ đạt dưới 40% mức công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc mức quy định theo tiêu chuẩn chất lượng phân bón được ban hành.

21. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân bón là lượng các chất dinh dưỡng hoà tan trong nước hoặc trong axít yếu mà cây trồng có thể hấp thụ được và được xác định bằng các phương pháp phân tích theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, được biểu thị bằng một trong các đơn vị tính gồm: tỷ lệ phần trăm (%), g/kg hoặc mg/kg hoặc đơn vị phần triệu (ppm) so với khối lượng chất khô đối với phân bón thể rắn, nếu là phân bón thể lỏng được biểu thị bằng các đơn vị: %, mg/lít, g/lít hoặc phần triệu (ppm) so với thể tích.

22. Tiêu chuẩn chất lượng phân bón là bản liệt kê quy định về mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với từng loại phân bón hoặc nhóm phân bón được phép sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam.

23. Công bố tiêu chuẩn áp dụng là bản công bố về thành phần và thành phần định lượng yếu tố dinh dưỡng, tính chất vật lý, hoá học, sinh học, cách sử dụng, cảnh báo an toàn…của phân bón và định rõ mức dung sai (độ lệch) về hàm lượng các yếu tố dinh dưỡng khi phân tích.

24. Sản xuất phân bón là quá trình sử dụng máy móc, thiết bị để chế biến nguyên vật liệu theo một quy trình công nghệ nhất định tạo ra sản phẩm phân bón có chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng phân bón được ban hành.

25. Kinh doanh phân bón là việc mua bán, lưu giữ phân bón để bán ra thị trường.

26. Gia công phân bón là việc bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất phân bón theo yêu cầu sử dụng hoặc hợp đồng của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

27. Phân bón Nhóm I là các loại phân bón trong thành phần không chứa các chất độc hại có khả năng gây mất an toàn cho người, động, thực vật và môi trường, thuộc Nhóm I trong quy định về tiêu chuẩn chất lượng phân bón được ban hành.

28. Phân bón Nhóm II là các loại phân bón trong thành phần chứa các chất gây hại có khả năng gây mất an toàn cho người, động, thực vật và môi trường, thuộc Nhóm II theo quy định về tiêu chuẩn chất lượng phân bón được ban hành.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Tiêu chuẩn phân bón được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh ở Việt Nam kèm theo Dự thảo

Ngày nhập

31/10/2011

Đã xem

2030 lượt xem

Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón

Ngày nhập

31/10/2011

Đã xem

2030 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 3 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com