Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề

Ngày đăng: 11:16 20-03-2008 | 1512 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH
Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề
_______________
 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện).

Điều 2. Nguyên tắc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề

1. Đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề.
2. Phân cấp quản lý nhà nước về dạy nghề phải đảm bảo tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết để thực hiện được các công việc được phân cấp.
3. Xác định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với lĩnh vực dạy nghề, đồng thời bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý dạy nghề các cấp trong việc quyết định và thực hiện nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

Điều 3. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề theo quy định của Luật Dạy nghề và Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm cụ thể sau đây:
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển dạy nghề và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề và tổ chức thực hiện.
3. Chủ trì tổ chức thẩm định và ban hành chương trình khung cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho từng nghề đào tạo; tiêu chuẩn cụ thể của giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; danh mục nghề đào tạo ở các cấp trình độ; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề.
4. Quy định điều kiện cụ thể thành lập, thủ tục thành lập cơ sở dạy nghề, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh dạy nghề; sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở dạy nghề; xếp hạng cơ sở dạy nghề công lập; thủ tục bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc, phó giám đốc trung tâm dạy nghề. Ban hành điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề; quy chế mẫu trung tâm dạy nghề; quy chế tuyển sinh, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp; quy chế cấp bằng, chứng chỉ nghề; quy chế công tác học sinh, sinh viên học nghề; quy chế học sinh, sinh viên học nghề nội trú; quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên học nghề. Quyết định thành lập trường cao đẳng nghề công lập, cho phép thành lập trường cao đẳng nghề tư thục; phê duyệt Điều lệ, công nhận Hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề tư thục.
5. Quy định tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề; công nhận, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề; chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề.
6. Quy định nguyên tắc, quy trình và tổ chức chỉ đạo việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; thoả thuận với các Bộ về việc ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho từng nghề; chủ trì, phối hợp với các Bộ tổ chức chỉ đạo việc thực hiện đánh giá kỹ năng nghề quốc gia của người lao động; quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
7. Hướng dẫn, chỉ đạo việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.
8. Tổ chức hội giảng giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị tự làm, hội thi học sinh giỏi nghề quốc gia và quốc tế; công tác giáo dục và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao đối với học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề.
9. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động dạy nghề.
10. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lập, phân bổ dự toán ngân sách dạy nghề; quản lý việc sử dụng và quyết toán ngân sách dạy nghề của các đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
11. Tổ chức, chỉ đạo công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về dạy nghề.
12. Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế về dạy nghề.
13. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dạy nghề; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của các Bộ

1. Các Bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước quy định tại Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mỗi Bộ; đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước về dạy nghề.
2. Các Bộ có cơ sở dạy nghề trực thuộc có trách nhiệm:
a) Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dạy nghề của Bộ mình phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dạy nghề quốc gia.
b) Quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề công lập trực thuộc; công nhận xếp hạng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc.
c) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, giám đốc, phó giám đốc trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc.
d)  Quyết định phê duyệt Điều lệ trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc.
đ) Thực hiện quản lý các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc về tổ chức, biên chế, nhân sự, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện giảng dạy, học tập và các hoạt động khác của các cơ sở dạy nghề trực thuộc.
e) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình khung cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho từng nghề.
f) Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc thực hiện các quy định của nhà nước, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về dạy nghề.
g) Tổ chức hội giảng giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị tự làm, hội thi học sinh giỏi nghề cấp Bộ.
h) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, hội nghề nghiệp có liên quan tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho từng nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ sau khi có văn bản thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
i) Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức hoạt động dạy nghề của Bộ và báo cáo định kỳ về dạy nghề với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
k) Thực hiện hợp tác quốc tế về dạy nghề theo thẩm quyền.
l) Thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ về dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ sở dạy nghề trực thuộc theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan, tổng hợp quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển dạy nghề của cả nước và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các Bộ liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập, phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước về dạy nghề; xây dựng chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước cho hoạt động dạy nghề; thực hiện thanh tra, kiểm tra tài chính ngân sách đối với lĩnh vực dạy nghề theo phân cấp của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở dạy nghề; cơ chế quản lý và sử dụng nguồn thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác của cơ sở dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về phát triển dạy nghề của tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn tỉnh và có trách nhiệm sau đây:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển dạy nghề của tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; bảo đảm các điều kiện về ngân sách, biên chế giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các cơ sở dạy nghề công lập của tỉnh.
2. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí dạy nghề theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
3. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trực thuộc thực hiện các quy định của nhà nước và của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về dạy nghề.
4. Quyết định thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập thuộc tỉnh và cho phép thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề tư thục trên địa bàn; đình chỉ hoạt động dạy nghề, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập thuộc tỉnh và tư thục trên địa bàn; công nhận xếp hạng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề công lập thuộc tỉnh theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, Giám đốc, Phó giám đốc trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc và công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Hội đồng quản trị của trường trung cấp nghề, giám đốc, phó giám đốc trung tâm dạy nghề tư thục theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
6. Quyết định phê duyệt Điều lệ trường cao đẳng nghề công lập thuộc tỉnh, Điều lệ trường trung cấp nghề, Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm dạy nghề công lập thuộc tỉnh và tư thục trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
7. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề công lập thuộc tỉnh trong việc lập kế hoạch biên chế và thực hiện định mức biên chế theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế đối với các cơ sở dạy nghề.
8. Quản lý và kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; quy chế tuyển sinh, quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp và việc cấp văn bằng, chứng chỉ nghề theo quy định của pháp luật.
9. Hướng dẫn, chỉ đạo việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề trong tỉnh.
10. Tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hoá sự nghiệp dạy nghề.
11. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức hoạt động dạy nghề và báo cáo định kỳ về dạy nghề với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng nhân dân cùng cấp.
12. Thực hiện hợp tác quốc tế về dạy nghề theo thẩm quyền.
13. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về dạy nghề ở địa phương theo quy định của pháp luật.
14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn:
1. Xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển dạy nghề ở địa phương; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.
3. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành những quy định cụ thể về quản lý dạy nghề, chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, học sinh - sinh viên học nghề phù hợp với các quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lập, tổng hợp, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán ngân sách dạy nghề hàng năm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách của địa phương.
5. Tổ chức hội giảng giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị tự làm, hội thi học sinh học giỏi nghề cấp tỉnh.
6. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh các giải pháp thực hiện xã hội hoá dạy nghề; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.
7. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dạy nghề; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về dạy nghề theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn huyện; chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về phát triển dạy nghề trên địa bàn huyện:
1. Xây dựng các chương trình, đề án phát triển dạy nghề của huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua; tổ chức và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, đề án dạy nghề đã được phê duyệt; bảo đảm các điều kiện về ngân sách và biên chế cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các cơ sở dạy nghề trực thuộc để thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí dạy nghề theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước trong trường hợp phân cấp quản lý ngân sách của địa phương quy định ngân sách cấp huyện chi cho công tác dạy nghề.
3. Chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá dạy nghề, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức đối với các cơ sở dạy nghề của huyện theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức kiểm tra hoạt động dạy nghề và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo định kỳ về dạy nghề với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

20/03/2008

Đã xem

1512 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com