Theo dõi (1)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Ngày đăng: 10:24 07-12-2012 | 3576 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Khoản 2 Điều 171 Bộ luật Lao động về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam; Khoản 9 Điều 172 Bộ luật Lao động về các trường hợp khác không thuộc diện cấp giấy phép lao động; Điều 175 Bộ luật Lao động quy định cụ thể điều kiện cấp, việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động đối với lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam sau đây được viết tắt là người lao động nước ngoài).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau:

a) Thực hiện hợp đồng lao động;

b) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp được hiểu là nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia nêu trên của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

Hiện diện thương mại được hiểu là người cung cấp dịch vụ mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác, lập ra một pháp nhân và cung cấp dịch vụ ở nước đó.

c) Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thoả thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế;

d) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.

Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng được hiểu là người lao động nước ngoài làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Những người này đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 (hai) năm và phải đáp ứng các điều kiện đối với "chuyên gia" như Khoản 2 Điều này.

đ) Chào bán dịch vụ.

Người lao động nước ngoài chào bán dịch vụ được hiểu là người nước ngoài không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện: không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và người chào bán không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ.

e) Người lao động nước ngoài làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

g) Tình nguyện viên.

Tình nguyện viên được hiểu là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhà thầu có sử dụng người lao động nước ngoài, bao gồm:

a) Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư;

b) Nhà thầu (thầu chính, thầu phụ) nước ngoài nhận thầu tại Việt Nam;

c) Văn phòng đại diện, chi nhánh của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế;

d) Cơ quan quản lý nhà nước; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

đ) Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ;

e) Các cơ sở y tế, văn hoá, giáo dục, dạy nghề, thể thao được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập;

g) Văn phòng dự án nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam;

h) Văn phòng điều hành của bên hợp danh nước ngoài theo hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam;

i) Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

k) Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

l) Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

m) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhà thầu nêu trên sau đây được viết tắt là người sử dụng lao động.

Chương II

CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG, CẤP LẠI GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG, TRỤC XUẤT NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Điều 3. Các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động

1. Các trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 172 Bộ luật Lao động.

2. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới của 11 ngành dịch vụ bao gồm: dịch vụ kinh doanh; dịch vụ thông tin; dịch vụ xây dựng; dịch vụ phân phối; dịch vụ giáo dục; dịch vụ môi trường; dịch vụ tài chính; dịch vụ y tế; dịch vụ du lịch; dịch vụ văn hóa giải trí và dịch vụ vận tải.

Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ nêu trên.

3. Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.

4. Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

5. Làm việc tại các trường phổ thông quốc tế thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên chính phủ.

6. Tình nguyện viên.

Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hình thức tình nguyện viên.

7. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 4. Điều kiện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của ph¸p luËt ViÖt Nam;

2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành; chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

Nhà quản lý, giám đốc điều hành là người lao động nước ngoài trực tiếp quản lý doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, chỉ chịu sự giám sát hoặc chỉ đạo chung từ hội đồng quản trị hoặc các cổ đông của doanh nghiệp hoặc cấp tương đương; quản lý doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo doanh nghiệp đó hoặc một phòng, ban hoặc một đơn vị trực thuộc của hiện diện thương mại, giám sát và kiểm soát công việc của các nhân viên chuyên môn, nhân viên quản lý hoặc nhân viên giám sát khác, có quyền thuê và sa thải hoặc kiến nghị thuê, sa thải hoặc các hoạt động về nhân sự khác. Các nhà quản lý, giám đốc điều hành này không trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của hiện diện thương mại.

Chuyên gia là người lao động nước người ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có từ 5 (năm) năm kinh nghiệm trở lên trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý.

Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật trong khoảng thời gian từ 01 (một) năm trở lên, có bằng hoặc chứng chỉ và đã làm việc từ 03 (ba) năm trở lên theo chuyên ngành kỹ thuật được đào tạo.

Đối với người lao động nước ngoài xin vào hành nghề y, dược tư nhân, trực tiếp khám, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hành nghề y, dược tư nhân hoặc về giáo dục, dạy nghề.

4. Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;

5. Được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép sử dụng người lao động nước ngoài.

Điều 5. Nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

1. Hằng năm, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng nhu cầu sử dụng lao động vào từng vị trí công việc theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó xác định từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và cần phải tuyển người lao động nước ngoài; báo cáo giải trình bằng văn bản với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố Trung ương nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc tại địa phương và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định những vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận bằng văn bản về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng người sử dụng lao động và từng vị trí công việc theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cần tuyển thì người sử dụng lao động phải báo cáo giải trình bổ sung bằng văn bản với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố Trung ương nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính và được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.  

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; việc chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động

1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

2. Giấy chứng nhận sức khoẻ được cấp ở nước ngoài hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ được cấp ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn chấp thuận giấy chứng nhận sức khoẻ được cấp ở nước ngoài.

3. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người lao động nước ngoài cư trú ở nước ngoài trước khi đến Việt Nam cấp, chứng nhận hoặc phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị trong thời hạn 6 (sáu) tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động hợp lệ.

4. Chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Đối với một số nghề, công việc thì việc chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy công nhận là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với người lao động nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống;

- Bản xác nhận hoặc các giấy phép lao động hoặc các bản hợp đồng lao động xác định có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý và phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ đảm nhận. Bản xác nhận ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm nêu trên do người sử dụng lao động mà lao động nước ngoài đã làm việc xác nhận;  

- Bản liệt kê các câu lạc bộ bóng đá mà cầu thủ đó đã tham gia thi đấu và phải có chứng nhận của câu lạc bộ mà cầu thủ đó đã tham gia thi đấu liền trước đó đối với cầu thủ bóng đá;

- Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài;

- Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay;

- Các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Văn bản bản chấp thuận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương về việc cho phép sử dụng người lao động nước ngoài;

6. 03 (ba) ảnh mầu (kích thước 3cm x 4cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 (sáu) tháng tính từ thời điểm người lao động nước ngoài nộp hồ sơ.

Các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Khoản 3 Khoản 4 Điều này là bản chính hoặc bản sao mà bằng tiếng nước ngoài thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, sau đó dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.    

7. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài:    

a) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 (mười hai) tháng.

b) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có hợp đồng ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài.

c) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có hợp đồng ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 (hai) năm.

d) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

đ) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

e) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hình thức tình nguyện viên của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 7. Thời hạn của giấy phép lao động

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ giao kết hoặc thời hạn của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam hoặc thời hạn hợp đồng ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài hoặc văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ hoặc thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thời hạn của giấy phép lao động đối với các trường hợp nêu trên tối đa không quá 24 (hai mươi tư) tháng.

Điều 8. Trình tự cấp giấy phép lao động:

1. Trước thời hạn ít nhất 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi người lao động nước ngoài có toàn bộ thời gian làm việc cho người sử dụng lao động tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp người lao động người nước ngoài không có toàn bộ thời gian làm việc cho người sử dụng lao động tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của người sử dụng lao động.

2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp không cấp giấy phép lao động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo tình hình cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 9. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động

1. Giấy phép lao động bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi về số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trên giấy phép lao động.        

2. Giấy phép lao động hết hạn.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động

1. Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị cấp lại giấy phép lao động theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

2. Giấy phép lao động đã được cấp (trừ trường hợp giấy phép lao động đã cấp nhưng bị mất) còn thời hạn ít nhất 5 (năm) ngày nhưng không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giấy phép lao động đã được cấp hết hạn;

4. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài:    

a) Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này phải có 03 (ba) ảnh mầu (kích thước 3cm x 4cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 (sáu) tháng tính từ thời điểm người lao động nước ngoài nộp hồ sơ.

b) Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 Nghị định này phải có giấy chứng nhận sức khoẻ được cấp ở Việt Nam; văn bản của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc bản sao hợp đồng ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài hoặc văn bản chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục đàm phán cung cấp dịch vụ tại Việt Nam hoặc giấy đăng ký của tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế tại Việt Nam còn hiệu lực, bản sao hợp đồng lao động ký kết giữa đại diện tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và người lao động nước ngoài hoặc thoả thuận chứng minh lao động nước ngoài tiếp tục làm việc tại tổ chức phi chính phủ.

Điều 11. Trình tự cấp lại giấy phép lao động

 1. Đối với  trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này, trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài phát hiện giấy phép lao động bị mất, bị hỏng, thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động đã được cấp có trách nhiệm báo cáo người sử dụng lao động;

Trong thời hạn 5 (năm) ngày, kể từ ngày người sử dụng lao động nhận được báo cáo của người lao động nước ngoài phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đã cấp giấy phép lao động đó.

2. Đối với  trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này, trước ít nhất 5 (năm) ngày nhưng không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động để người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc ở vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải cấp lại giấy phép lao động theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình cấp lại giấy phép lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 12. Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại

1. Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại trong trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này bằng thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động.

2. Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này bằng thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ giao kết.

3. Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại trong trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định này bằng thời hạn của phía nước ngoài cử lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam hoặc bằng thời hạn của hợp đồng ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài hoặc bằng thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thời hạn của giấy phép lao động quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều này tối đa không quá 24 (hai mươi tư) tháng.

Điều 13. Thu hồi giấy phép lao động

1. Các trường hợp giấy phép lao động bị thu hồi:

a) Nội dung khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động là giả mạo.

b) Giấy phép lao động hết thời hạn.

c) Người lao động nước ngoài hoặc người sử dụng lao động không thực hiện đúng theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp.

d) Chấm dứt hợp đồng lao động.

đ) Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.

e) Hợp đồng kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế hết thời hạn hoặc chấm dứt.

g) Văn bản của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thông báo thôi cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

h) Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam chấm dứt hoạt động.

i) Người lao động nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Toà án.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài có trách nhiệm thu hồi giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 14. Buộc xuất cảnh hoặc trục xuất người lao động nước ngoài

1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động, trừ các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, căn cứ áp dụng và hồ sơ đề nghị hình phạt buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều này sau khi nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan công an có thẩm quyền cấp thị thực cho người lao động nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động hoặc nộp được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động hợp lệ, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động hợp lệ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và bãi bỏ các quy định trái với các quy định tại Nghị định này.

3. Đối với những người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, thì giấy phép lao động đó vẫn còn hiệu lực và không phải đổi giấy phép lao động mới.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Lĩnh vực liên quan

Thông tin tài liệu

Số lượng file

Cơ quan soạn thảo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com