Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT QUY HOẠCH

Ngày đăng: 14:51 27-01-2016 | 2486 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

DỰ THẢO

 Trình Chính phủ 27-28/7

 

LUẬT

QUY HOẠCH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật quy hoạch.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động quy hoạch trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.  Quy hoạch là định hướng và sắp xếp, phân bố không gian cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hữu hạn của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra cho thời kỳ dài hạn trên một lãnh thổ xác định.

2.  Quy hoạch quốc gia là việc xác định những định hướng phát triển bền vững có tính chiến lược về: sử dụng tài nguyên, hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị và nông thôn, phân định và liên kết các vùng lãnh thổ, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế.

3.  Quy hoạch không gian biển quốc gia là việc cụ thể hóa, tuân thủ các định hướng phát triển của quy hoạch quốc gia; phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường trong vùng biển, hải đảo và vùng bờ biển.

4.  Quy hoạch ngành quốc gia là việc cụ thể hóa, tuân thủ các định hướng phát triển của quy hoạch quốc gia, liên kết giữa các ngành và xác định những định hướng lớn của ngành trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.  

5.  Quy hoạch vùng là việc cụ thể hóa các định hướng phát triển của quy hoạch quốc gia và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, phân vùng chức năng, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch đô thị, nông thôn trên vùng lãnh thổ.

6.  Quy hoạch tỉnh là việc cụ thể hóa, tuân thủ các định hướng phát triển của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, nông thôn trên lãnh thổ tỉnh.

7.  Hoạt động quy hoạch bao gồm: tổ chức lập quy hoạch; tổ chức thẩm định quy hoạch; phê duyệt quy hoạch; công khai quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch; giám sát, đánh giá về quy hoạch.

8.  Báo cáo quy hoạch là tài liệu thể hiện nội dung quy hoạch, bao gồm báo cáo tổng hợp, bản đồ và mô hình (nếu có).

9.      Vùng kinh tế - xã hội (sau đây gọi chung là vùng) là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, dân cư, kết cấu hạ tầng và chính trị hành chính.

10. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cho việc lập quy hoạch.

11. Bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện sự phân bố phương án quy hoạch trong thời kỳ quy hoạch.

12. Giám sát hoạt động quy hoạch là việc theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch ở các cấp, các ngành và địa phương; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, thiếu sót để đảm bảo hiệu quả của hoạt động quy hoạch.

13. Đánh giá thực hiện quy hoạch là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu cụ thể so với quy hoạch được phê duyệt hoặc tiêu chí đánh giá theo quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định. 

14. Kế hoạch thực hiện quy hoạch là việc xác định các nguồn lực và sử dụng nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Điều 4. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch

1. Đảm bảo tính thống nhất, tính tuân thủ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đảm bảo tính tuân thủ, tính liên tục, tính kế thừa trong hệ thống quy hoạch ở Việt Nam; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải tuân thủ theo trình tự quy định tại Luật này.

3. Đảm bảo tính khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế phát triển chung trên thế giới.

4. Đảm bảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong các hoạt động quy hoạch.

5. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hoá, lịch sử; nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và của từng địa phương trong quá trình lập quy hoạch.

6. Phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đất đai và các nguồn lực khác để phát triển bền vững.

7. Quy hoạch phải đảm bảo liên kết giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Điều 5. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải theo trình tự sau đây:

1. Tổ chức lập quy hoạch:

a) Phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch;

b) Lập quy hoạch;

c) Lấy ý kiến về quy hoạch.

2. Tổ chức thẩm định quy hoạch.

3. Phê duyệt quy hoạch.

Điều 6. Thời kỳ quy hoạch

Thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm. Các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.

Điều 7. Kinh phí cho hoạt động quy hoạch

1. Kinh phí cho hoạt động quy hoạch được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng kinh phí cho hoạt động quy hoạch.

Điều 8. Chính sách của nhà nước về quy hoạch

1. Nhà nước điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt.

3. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động quy hoạch; đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy hoạch đã được phê duyệt.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động quy hoạch.

5. Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động quy hoạch mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 9. Nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cho hoạt động quy hoạch.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.

3. Tổ chức thực hiện các hoạt động quy hoạch; ban hành cơ chế, chính sách quản lý phát triển theo quy hoạch.

4. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về quy hoạch.

5. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động quy hoạch.

6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch.

7. Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động quy hoạch.

8. Hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch.

9. Giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch và tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình trong hoạt động quy hoạch.

3. Cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch phải tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch.

4. Ý kiến của tổ chức, cá nhân về hoạt động quy hoạch phải được nghiên cứu, tiếp thu và công khai.

Điều 11. Các hành vi bị cấm

1. Quyết định lập, phê duyệt quy hoạch không phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch.

2. Đưa, nhận, môi giới hối lộ, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động quy hoạch.

3. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động quy hoạch.

4. Tổ chức lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và cá nhân tham gia lập quy hoạch không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.

5. Cản trở việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy hoạch; cản trở hoặc gây khó khăn trong việc giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.

6. Từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch.

7. Thực hiện trái quy hoạch đã được phê duyệt.

8. Cản trở, gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động quy hoạch.

CHƯƠNG II

LẬP QUY HOẠCH

Mục 1

TỔ CHỨC LẬP QUY HOẠCH

Điều 12. Hệ thống quy hoạch

Hệ thống quy hoạch được quy định trong Luật này bao gồm:

1. Cấp quốc gia:

a) Quy hoạch quốc gia;

b) Quy hoạch không gian biển quốc gia;

c) Quy hoạch ngành quốc gia bao gồm: sử dụng tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chính phủ quy định danh mục các ngành quốc gia phải lập quy hoạch.

2. Cấp vùng: Quy hoạch vùng. Chính phủ quy định chi tiết các vùng phải lập quy hoạch.

3. Cấp tỉnh: Quy hoạch tỉnh.

4. Quy hoạch đô thị, nông thôn cấp huyện, cấp xã căn cứ vào các quy hoạch quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để thực hiện theo quy định của pháp luật về đô thị, nông thôn.

Điều 13. Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch

1. Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ cấp quốc gia đến cấp vùng đến cấp tỉnh đến cấp huyện đến cấp xã. Quy hoạch cấp vùng phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia. Quy hoạch cấp tỉnh phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Quy hoạch cấp huyện phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Quy hoạch cấp xã phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện.  

2. Quy hoạch quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn.

3. Quy hoạch không gian biển quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

4. Quy hoạch ngành quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn.

5. Quy hoạch vùng là cơ sở để lập quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn.

6. Quy hoạch tỉnh là cơ sở để lập quy hoạch đô thị, nông thôn trên trên lãnh thổ của tỉnh.

Điều 14. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch

1. Hội đồng quy hoạch quốc gia tổ chức lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng.

2. Các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, kinh phí lập quy hoạch và tổ chức lựa chọn tư vấn lập quy hoạch quy định tại Điều 16 của Luật này.

Điều 15. Nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch

1. Nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch bao gồm nội dung chủ yếu sau:

a) Căn cứ lập quy hoạch.

b) Yêu cầu về nội dung quy hoạch.

c) Phương pháp và quy trình lập quy hoạch.

d) Kinh phí lập quy hoạch.

đ) Thời hạn lập quy hoạch.

e) Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức lập quy hoạch.

2. Phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch:

a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí lập quy hoạch tỉnh.

Điều 16. Tư vấn lập quy hoạch

1. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch phải có tư cách pháp nhân; đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận.

2. Cá nhân tham gia lập quy hoạch phải có năng lực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhận.

3. Việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 17. Đánh giá môi trường chiến lược trong lập quy hoạch

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

2. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của quy hoạch và phải được lập đồng thời với quá trình lập quy hoạch.

3. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.

4. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện trước khi thẩm định quy hoạch.

Điều 18. Lấy ý kiến về quy hoạch

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch.

2. Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

3. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch được thực hiện thông qua lấy ý kiến đại diện cộng đồng bằng hình thức phát phiếu điều tra phỏng vấn hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, đăng tải trên trang thông tin điện tử. Đại diện cộng đồng được lấy ý kiến có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng theo quy định của pháp luật.

4. Các ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

5. Chính phủ quy định việc lấy ý kiến đối với từng loại quy hoạch.

Mục 2

PHẠM VI VÀ NỘI DUNG QUY HOẠCH

Điều 19. Phạm vi và nội dung quy hoạch quốc gia

1. Quy hoạch quốc gia chỉ tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường liên ngành, liên vùng.

2. Quy hoạch quốc gia phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển; xu thế phát triển công nghệ; xác định các sản phẩm quốc gia, các khu vực bảo tồn, khu vực hạn chế khai thác, sử dụng, khu vực khuyến khích phát triển và các vấn đề cần phải giải quyết.

b) Xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển.

c) Dự báo viễn cảnh và các kịch bản phát triển.

d) Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội.

đ) Phân vùng và liên kết vùng.

e) Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

g) Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia.

h) Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.

i) Định hướng phát triển không gian biển.

k) Định hướng sử dụng đất quốc gia.

l) Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu.

m) Danh mục các dự án quan trọng quốc gia.

n) Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch.

o) Bản đồ các loại.

Điều 20. Phạm vi và nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia

1. Quy hoạch không gian biển quốc gia chỉ tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường trong vùng biển, hải đảo và vùng bờ biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

2. Quy hoạch không gian biển quốc gia phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, các nguồn lực phát triển và các vấn đề cần phải giải quyết.

b) Xác định các vùng cấm khai thác, các vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái và các công trình nổi, ngầm trong vùng biển, hải đảo và vùng bờ biển.

c) Dự báo xu thế biến động của tài nguyên và môi trường, các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tài nguyên và môi trường; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường trong vùng biển, hải đảo và vùng bờ biển trong thời kỳ quy hoạch.

d) Xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển.

đ) Dự báo viễn cảnh và các kịch bản phát triển.

e) Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội trong vùng biển, hải đảo và vùng bờ biển.

g) Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu.

h) Phân vùng chức năng.

i) Danh mục dự án quan trọng quốc gia trong vùng biển, hải đảo và vùng bờ biển.

k) Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch.

l) Bản đồ các loại.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật quy hoạch

Ngày nhập

27/01/2016

Đã xem

2486 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com