Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Ngày đăng: 10:20 07-06-2012 | 2501 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Y tế

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

LUẬT
PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác được sử dụng bằng cách hút, nhai, ngửi, hít, ngậm.
2. Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.
3. Sản phẩm mô phỏng thuốc lá là sản phẩm được thiết kế có hình thức như bao gói hoặc điếu thuốc lá.
4. Tác hại của thuốc lá là ảnh hưởng có hại của việc sản xuất, sử dụng thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội.
5. Cảnh báo sức khoẻ là thông tin bằng chữ và hình ảnh mô tả hoặc giải thích về ảnh hưởng có hại tới sức khỏe con người do việc sử dụng thuốc lá.
6. Kinh doanh thuốc lá là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ thuốc lá trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
7. Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người.
8. Nơi làm việc là nơi được sử dụng cho mục đích lao động.
9. Trong nhà là nơi có mái che và có một hay nhiều bức tường chắn hoặc vách ngăn xung quanh.
Điều 3. Nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.
2. Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra.
3. Thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
4. Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không khí không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2. Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
3. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.
4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá và giảm tác hại khi sử dụng thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; khuyến khích người hút thuốc lá tự nguyện cai nghiện thuốc lá.
5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề.
6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
c) Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá;
đ) Tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị nghiện thuốc lá;
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo thẩm quyền;
g) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá;
h) Hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại thuốc lá.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong phạm vi địa phương; chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.
Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; quy định không hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn vào các hương ước.
3. Gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 7. Quyền và trách nhiệm của công dân
1. Được sống trong môi trường không có khói thuốc lá.
2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
3. Vận động, tuyên truyền người khác không hút hoặc bỏ hút thuốc lá.
4. Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
5. Tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
Điều 8. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá với các nước, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, phù hợp với pháp luật mỗi nước và thông lệ quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế:
a) Hợp tác trong phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả;
b) Hợp tác trong việc cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá xuyên biên giới;
c) Hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ kinh phí và trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm mô phỏng thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người sử dụng dưới mọi hình thức.
3. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá.
4. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá.
5. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
6. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm.
7. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
8. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
9. Tài trợ của các đơn vị kinh doanh thuốc lá trừ trường hợp quy định tại Điều 16 Luật này.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày nhập

07/06/2012

Đã xem

2501 lượt xem

Báo cáo Tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày nhập

07/06/2012

Đã xem

2501 lượt xem

Báo cáo Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày nhập

07/06/2012

Đã xem

2501 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 3

Cơ quan soạn thảo Bộ Y tế

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com