Rượu, bia, thuốc lá – nên tăng thuế nào?

Thứ Hai 11:30 22-05-2006
Rượu, bia, thuốc lá - nên tăng thuế nào?

Vừa qua, Chính phủ đã trình lên Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt, trong đó đề xuất giải pháp giảm thuế với ô tô nhập khẩu đồng thời tăng thuế thuốc lá và bia hơi. Nhân đây, Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (Việt Kiều Mỹ) muốn gửi gắm những ý nguyện của mình tới Chính phủ và QH qua những phân tích về vấn đề này.

Thuốc lá? Tăng thuế thôi, chưa đủ!

Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ hậu chiến, hoặc để hạn chế tiêu thụ những xa xỉ phẩm và các sản phẩm độc hại.

Kinh nghiệm cho thấy, tại hầu hết các quốc gia áp dụng loại thuế này đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế và tạo điều kiện cho nạn buôn lậu phát triển.

Riêng đối với rượu bia và thuốc lá, cần phải có sự phân biệt rõ ràng. Nhiều người cho rằng: Rượu bia là một loại nước uống thông dụng, không có lý do gì để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Chẳng qua nhà nước muốn khai thác tình thế để tăng nguồn thu cho ngân sách chứ không có lợi gì cho nền kinh tế hay quyền lợi của nguời tiêu dùng.

Với thuốc lá thì khác. Các công trình nghiên cứu trên toàn thế giới đều kết luận rằng thuốc lá có hại cho sức khoẻ, không những cho người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh, gia đình vợ con, thậm chí đến thai nhi và các thế hệ mai sau.

Chi phí phát sinh cho cộng đồng do nhu cầu điều trị các bệnh thuốc lá gây ra cũng vô cùng lớn so với số thuế thu vào cho ngân sách. Các lý lẽ về bảo vệ việc làm cho nông dân trồng thuốc lá cũng như kết quả kinh doanh của các xí nghiệp sản xuất thuốc lá là không thể chấp nhận được.

Vì những hậu quả tai hại của thuốc lá nên các nước phát triển cấm không cho phép xây dựng thêm nhà máy sản xuất thuốc lá, trong khi đó Việt Nam lại mở cửa cấp giấy phép đầu tư phát triển công nghệ sản xuất thuốc lá. Một trong những lý do chính là nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các nước, việc tăng thuế rượu, bia, thuốc lá không hề làm giảm tiêu thụ để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Tại Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Mỹ và các nước tiên tiến khác, Quốc Hội đã ban hành và nhà nước nghiêm chỉnh áp dụng những đạo luật ngăn cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng. Trong mỗi cơ quan hoặc xí nghiệp đều cấm không được tự do hút thuốc lá, mà phải vào những phòng đặc biệt cách ly mỗi khi có nhu cầu hút thuốc.

Do những hạn chế ngặt nghèo này, dần dần người dân nhận thức rõ sự nguy hại của thuốc lá, và đồng thời nhận ra mình tự cách ly khỏi cộng đồng nên số người hút thuốc lá giảm xuống rất nhanh.

Có thể thấy, nếu chỉ dùng biện pháp đánh thuế cao thôi là không hiệu quả. Nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trực tiếp hạn chế và trực tiếp tác động đến tâm lý của người dân mới đạt được kết quả giảm mức tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá cũng như cần sa, ma tuý, và các chất độc hại khác.

Ô tô? Đánh thuế cao là "quên" người tiêu dùng

Đối với ôtô, vấn đề căn bản là hoạch định kinh tế để có chính sách phù hợp. Trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế, các quốc gia tập trung phát huy tiềm năng nội lực, phát triển các lĩnh vực mà quốc gia đó có ưu thế tương đối tốt, tức là có thế cạnh tranh tốt. Vì vậy Mỹ và các nước Châu Âu không tập trung phát triển các ngành như may mặc, giầy dép mà chủ yếu phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Thậm chí như Hàn Quốc, sau một thời kỳ phát triển công nghệ ôtô, nay cũng đã điều chỉnh lại, chuyển nhượng công ty ôtô DAEWOO cho GM của Mỹ. Thậm chí như Anh quốc cũng chấp nhận cho công ty MG phá sản và bán lại cho Trung Quốc.

Do đó việc bảo hộ cho các xí nghiệp lắp ráp ôtô tại Việt Nam bằng phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao là phản lại với quy luật phát triển kinh tế và quy tắc hội nhập. Mặc khác để bảo hộ cho một lĩnh vực công nghệ non nớt lạc hậu bằng cách nâng giá ôtô lên cao hơn giá bình quân quốc tế gấp ba, bốn lần là đi ngược lại quyền lợi của tập thể nhân dân là người tiêu dùng.

Nếu biện hộ rằng cần đánh thuế tiêu thụ cao để hạn chế sử dụng ôtô vì hạ tầng đường sá giao thông còn kém, thì không khác nào nói rằng vì lý do các trường học còn thiếu cơ sở vật chất nên phải đánh thuế hay tăng học phí để hạn chế số học sinh sinh viên.

Ôtô là một phương tiện giao thông, một công cụ sản xuất, phát triển kinh tế văn hoá xã hội. Trong lịch sử phát triển kinh tế trên toàn cầu, phát triển giao thông là tiền đề cho mở mang bờ cõi, giao lưu. Viện lẽ hạ tầng kém mà hạn chế lưu thông là một nghịch lý.

Tăng thuế và chống buôn lậu?

Nhưng tăng thuế với những mặt hàng như rượu bia, thuốc lá bao giờ cũng kèm theo buôn lậu tăng. Làm thế nào để chống điều này?

Ngày nào sức tiêu thụ còn mạnh thì sẽ còn có buôn lậu, có cầu thì sẽ có cung. Do đó việc tăng thuế, tăng cường lực lượng hải quan chống buôn lậu tự nó không đem lại kết quả. Bằng chứng là trên toàn thế giới nạn buôn lậu ma tuý mỗi ngày một tăng vì số người mắc bệnh “nghiện” gia tăng. Nhưng không phải vì thế mà nhà nước cứ thoải mái cho phép hút chích ma tuý để tăng thu ngân sách.

Giải pháp cuối cùng vẫn là tìm mọi cách để ngăn chặn và làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu giảm thì cung sẽ giảm.

Thuế GTGT- Thu nhỏ hơn chi!

Trước hết nói về hiệu quả và tác dụng của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT).

Các nhà làm luật chủ trương rằng, đây là một đạo luật hiện đại và khoa học. Cơ sở cho chủ thuyết này dựa trên cách tính thế GTGT như sau: Người bán sản phẩm thanh toán cho nhà nước một số thuế (ví dụ là 25%) trên giá trị của sản phẩm, nhưng được hoàn trả tất cả các số thuế đầu vào (trên nguyên liêu, dịch vụ v.v…). Kết quả là, khi đem đi tiêu thụ, người bán sản phẩm chỉ thanh toán cho nhà nước số thuế tính trên “giá trị gia tăng” của mình đưa vào sản phẩm. Các nguyên liệu, dịch vụ v.v… đầu vào sẽ không bị đánh thuế hai lần, khi mua vào và khi bán ra.

Nhưng thực tế là, các nước có nền kinh tế phát triển cao như Mỹ và một số quốc gia khác không có luật thuế GTGT. Vì sao?

Từ lý thuyết đến thực hành, các nước áp dụng luật thuế GTGT đã gặp phải những tác động tiêu cực, phi kinh tế.

Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế tài chính ở Pháp ước lượng rằng, các xí nghiệp phải để ra bình quân hơn hai tháng mỗi năm (10% chi phí lương nhân viên) để lưu giữ hoá đơn, tính thuế đầu vào, khai thuế GTGT và nhà nước phải mất từ 30 đến 40% chi phí để thu thuế cũng như hậu kiểm. Những chi phí trên là một gánh nặng trên giá thành sản xuất, nâng cao giá thành của hàng hoá và dịch vụ, làm giảm sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế.

Nhìn từ phương diện kinh tế vĩ mô, thuế GTGT mà một loại thuế “âm”. Chi phí phát sinh cho các xí nghiệp cộng với chi phí thu thuế, kiểm soát nguồn thu đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, không tương xứng với số thuế thu được cho ngân sách.

Vì những tác động trên nên Mỹ không lập ra luật thuế GTGT và đơn giản hoá các loại thuế, giúp các xí nghiệp tiết kiệm thời gian, tránh những chi phí phản tác dụng cũng như những phiền hà do việc quản lý thuế của các cơ quan nhà nước gây ra.

Vì vậy, theo tôi, Chính phủ và Quốc Hội nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ các nước có luật thuế GTGT, so sánh với các nước không có luật thuế GTGT, để kịp thời có sư lựa chọn hợp lý và có lợi cho tiến trình phát triển và hội nhập.

Bùi Kiến Thành
Vietnam Net 04/11/2005

Các văn bản liên quan