Mặt hàng xi măng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Thứ Ba 15:47 10-01-2017

Thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016, trong đó: Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định: “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoán sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên”, sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT. Có nghĩa là sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định: “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” bị áp thuế xuất khẩu 5%.

Với các quy định như vậy, khi thực hiện sẽ tác động mạnh đến sản lượng xuất khẩu xi măng và clanh-ke. Cụ thể, chi phí xuất khẩu của các công ty xi măng sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/tấn và không thể cạnh tranh nổi với các nước xuất khẩu khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia… đang xuất khẩu với giá rất thấp.

Trong tình hình hiện tại, ngành xi măng Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như:

– Tính đến hết năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng cả nước là 82 triệu tấn trong khi tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 55 triệu tấn, dư thừa khoảng 27 triệu tấn. Khối lượng xuất khẩu trong năm 2015 khoảng 16 triệu tấn là cứu cánh cho ngành xi măng. Dự kiến đến cuối năm 2016, tổng công suất cả nước sẽ là 89 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 60 triệu tấn, dư thừa khoảng 29 triệu tấn. Giai đoạn 2017-2020 sẽ tiếp tục có những dự án nhà máy sản xuất xi măng lớn đi vào hoạt động, nếu như việc xuất khẩu xi măng và clanh-ke bị giảm mạnh, sản lượng dư thừa sẽ rất lớn và toàn ngành xi măng sẽ khó khăn để tồn tại.

– Thị trường xi măng, clanh-ke trên thế giới có những chuyển biến bất lợi cho ngành xi măng Việt Nam. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ, lượng xi măng dư thừa ước khoảng 500 triệu tấn. Kinh tế Thái Lan, Malaysia chưa có dấu hiệu hồi phục và tiếp tục là những nước xuất khẩu xi măng, clanh-ke nhiều hơn tiêu thụ. Ngành xi măng Indonesia cũng bắt đầu đối mặt với tình trạng nguồn cung lớn từ năm 2016 và bắt đầu xuất khẩu xi măng, clanh-ke. Dự kiến từ năm 2017, Indonesia sẽ là đối thủ lớn của Việt Nam trong xuất khẩu mặt hàng này.

– Ngành xi măng Việt Nam hiện đang nỗ lực để giảm phụ thuộc vào tài nguyên, khoáng sản, năng lượng trong nước. Công ty xi măng Nghi Sơn cũng như các nhà máy xi măng khác bắt đầu thí điểm nhập khẩu than để sử dụng thay cho than trong nước, nghiên cứu lắp đặt thiết bị thu hồi nhiệt khí thải để có thể tự cung cấp một phần điện năng, nghiên cứu xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp vì một sản phẩm xi măng “xanh” hơn bảo vệ môi trường.

Với các nguyên nhân đó, Công ty xi măng Nghi Sơn kiến nghị với Chính phủ cho hoãn áp dụng hai Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 đối với mặt hàng xi măng và clanh-ke xuất khẩu, để hỗ trợ ngành sản xuất xi măng trong nước tạo được thêm nguồn lực để đứng vững, tăng cường sức cạnh tranh và phát triển ra thị trường thế giới.