Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Quy định về hoạt động thông tin tín dụng

Ngày đăng: 13:30 01-06-2012 | 2301 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ

Quy định về hoạt động thông tin tín dụng

                                                                

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Để thực hiện nhiệm vụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), thúc đẩy sự minh bạch về thông tin, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và phát triển kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thông tin tín dụng như sau:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

   Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động thông tin tín dụng bao gồm:

1. Thu thập, xử lý, cập nhật và lưu giữ thông tin tín dụng nhận được từ tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng.

2. Khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

          3. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia hệ thống thông tin tín dụng.

          4. Xử lý sai sót dữ liệu, xử lý khiếu nại về hoạt động thông tin tín dụng.

          Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước:

a) Trung tâm Thông tin tín dụng;

b) Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước;

c) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

2. Tổ chức tín dụng;

3. Tổ chức, cá nhân tham gia hệ thống thông tin tín dụng;

4. Khách hàng vay.

   Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống chỉ tiêu báo cáo thông tin tín dụng là các chỉ tiêu thông tin tối thiểu nhằm nhận dạng, phản ánh những đặc điểm, trạng thái hoạt động, nghĩa vụ thanh toán và các yếu tố khác liên quan đến đánh giá khả năng trả nợ của từng khách hàng có quan hệ cấp tín dụng với tổ chức tín dụng.

2. Chỉ tiêu thông tin nhận dạng là các thông tin nhằm xác định rõ về một khách hàng vay, phân biệt được với khách hàng vay khác.

3. Khách hàng vay là tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác theo quy định của pháp luật, có quan hệ cấp tín dụng với tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

4. Tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là:

a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam, công ty có chức năng mua bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty thông tin tín dụng tư nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán;

b) Tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ tín dụng tại Việt Nam hoặc có nhu cầu cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tại nước ngoài.

          c)  Tổ chức khác có nhu cầu và được Trung tâm Thông tin tín dụng chấp thuận.

5. Thông tin tiêu cực về khách hàng là thông tin về nợ xấu; thông tin về vi phạm nghĩa vụ thanh toán; thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật như: bị khởi kiện, khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

CHƯƠNG II

HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TÍN DỤNG 

Điều 4.  Hệ thống chỉ tiêu báo cáo thông tin tín dụng

Hệ thống chỉ tiêu báo cáo thông tin tín dụng bao gồm các chỉ tiêu thông tin tín dụng trong phụ lục đính kèm, được chia thành các nhóm chỉ tiêu thông tin sau:

1. Thông tin nhận dạng khách hàng vay;

2. Thông tin chi tiết về hợp đồng cấp tín dụng;

3. Thông tin thẻ tín dụng;

4. Thông tin bảo đảm tiền vay;

5. Thông tin về tài chính của khách hàng vay là doanh nghiệp.

Điều 5. Báo cáo thông tin tín dụng

1. Tổ chức tín dụng phải tạo lập báo cáo thông tin tín dụng bằng file điện tử theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn cụ thể của Trung tâm Thông tin tín dụng. Trường hợp đặc biệt, có thể báo cáo bằng văn bản nhưng phải được Trung tâm Thông tin tín dụng chấp thuận.

2. Kỳ báo cáo thông tin tín dụng

a) Kỳ báo cáo phát sinh: Thực hiện chậm nhất sau 03 ngày làm việc khi có khách hàng vay mới hoặc có thay đổi nội dung các chỉ tiêu báo cáo thông tin tín dụng đối với khách hàng vay.

b) Kỳ báo cáo tháng: Thực hiện chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối tháng trước. Nội dung báo cáo là thông tin dư nợ của từng khách hàng vay, thông tin về thẻ tín dụng, thông tin bảo đảm tiền vay tại thời điểm cuối tháng trước.

c) Kỳ báo cáo năm: Thực hiện chậm nhất trước ngày 15 tháng 4 hàng năm đối với các chỉ tiêu thông tin tài chính cuối năm trước của khách hàng vay tại đơn vị báo cáo.

3. Tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng thực hiện báo cáo thông tin tín dụng theo thoả thuận giữa Trung tâm Thông tin tín dụng và tổ chức đó.

Điều 6. Xử lý thông tin tín dụng

1. Trên cơ sở thông tin thu nhận, Trung tâm Thông tin tín dụng sử dụng các giải pháp công nghệ, nghiệp vụ để chuẩn hoá, làm sạch, ghép nối và cập nhật vào kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. 

2. Trung tâm Thông tin tín dụng, tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng thực hiện việc điều chỉnh dữ liệu sai sót, giải quyết khiếu nại theo trình tự quy định tại Thông tư này.

Điều 7. Lưu giữ, bảo mật thông tin tín dụng

1.  Dữ liệu  thông tin tín dụng được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin tín dụng trong thời gian tối thiểu 5 năm, kể từ ngày cập nhật hoặc thu nhận.

2. Việc lưu giữ dữ liệu thông tin tín dụng phải bảo đảm tính toàn vẹn, đầy đủ, không bị sai lệch trong suốt thời gian lưu giữ và phải tra cứu được khi cần thiết.

3. Trung tâm Thông tin tín dụng phải  thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng trái với quy định tại Thông tư này và quy định khác của pháp luật.

Điều 8. Cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng

1. Sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng được tạo lập và cung cấp cho các đối tượng sau:

a) Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng;

c) Khách hàng vay;

d) Tổ chức khác và cá nhân có nhu cầu nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng vay;

e) Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

2.  Các đối tượng thuộc Điểm b, c, d, e Khoản 1 Điều này phải ký hợp đồng dịch vụ với Trung tâm Thông tin tín dụng và thanh toán tiền dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định.

3. Hạn chế cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng

a) Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng  trong thời gian tối đa 5 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó.

b) Không cung cấp thông tin cho khách hàng vay về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng của khách hàng vay.

c) Không cung cấp những thông tin thuộc danh mục bí mật theo quy định của pháp luật.

d) Không cung cấp sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm những điều quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật.

CHƯƠNG III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TÍN DỤNG

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng

1. Xây dựng và hướng dẫn hệ thống mã số, chỉ tiêu thông tin, mẫu file điện tử, cách thức truyền tin; tổ chức đăng ký, cấp quyền truy cập hệ thống để báo cáo thông tin, khai thác sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các đơn vị sử dụng và người sử dụng.

2. Thu nhận, xử lý, cập nhật, lưu giữ thông tin tín dụng do các tổ chức tín dụng, tổ chức  khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng báo cáo; thu thập thông tin liên quan về khách hàng vay từ các tổ chức, cá nhân liên quan;

3. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc báo cáo thông tin của các tổ chức tín dụng; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng và đề xuất việc xử lý vi phạm quy định pháp luật về hoạt động thông tin tín dụng;

4. Điều chỉnh dữ liệu thông tin tín dụng về khách hàng vay trong trường hợp phát hiện có sai sót;

5. Tạo lập và cung cấp kịp thời các sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng theo đúng đối tượng, mục đích sử dụng quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Trung tâm Thông tin tín dụng;

6. Khuyến cáo để người sử dụng biết về nguyên tắc, phạm vi sử dụng dịch vụ hoặc khi có căn cứ nghi ngờ dữ liệu thông tin sai sót tại thời điểm cung cấp dịch vụ;

7.  Hỗ trợ đào tạo cán bộ nghiệp vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước khi có yêu cầu;

8. Được thu tiền cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng từ các tổ chức tín dụng, tổ chức khác và cá nhân theo quy định;

9. Được từ chối cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng đối với những đối tượng không chấp hành đúng các quy định của Thông tư này.

10. Tối thiểu một năm một lần tổ chức lấy ý kiến đánh giá của đơn vị sử dụng, người sử dụng về chất lượng dịch vụ thông tin tín dụng.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng cung cấp cho Trung tâm Thông tin tín dụng danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh, đơn vị trực thuộc tổ chức tín dụng được thành lập, giải thể, phá sản, mua bán, sáp nhập; vốn tự có của tổ chức tín dụng và các thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng để đối chiếu, kiểm soát dữ liệu báo cáo thông tin tín dụng.

2. Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ cung cấp số liệu về hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng cho Trung tâm Thông tin tín dụng để đối chiếu, kiểm soát dữ liệu báo cáo thông tin tín dụng.

3. Vụ Quản lý Ngoại hối cung cấp cho Trung tâm Thông tin tín dụng số liệu về tình hình vay, trả nợ nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong nước.

4. Vụ Tín dụng cung cấp cho Trung tâm Thông tin tín dụng các trường hợp được cho vay vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước; thông tin liên quan đến việc phát hành các công cụ nợ của doanh nghiệp.

5. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình được khai thác sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động quản lý nhà nước theo quy định tại Thông tư này.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng để triển khai hoạt động thông tin tín dụng tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

2. Được khai thác sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng

1. Thực hiện báo cáo thông tin tín dụng theo đúng quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Trung tâm Thông tin tín dụng.

2. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin tín dụng báo cáo Trung tâm Thông tin tín dụng. 

3. Phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng để điều chỉnh dữ liệu khi có sai sót theo quy định tại Thông tư này.

4. Được khai thác, sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Trung tâm Thông tin tín dụng.

5. Phải thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền khai thác sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của Trung tâm Thông tin tín dụng.

Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng

1. Thực hiện báo cáo thông tin tín dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin theo thoả thuận với Trung tâm Thông tin tín dụng.

2. Phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng để điều chỉnh dữ liệu khi có sai sót theo quy định tại Thông tư này và thoả thuận với Trung tâm Thông tin tín dụng.

3. Được khai thác, sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định tại Thông tư này và cam kết với Trung tâm Thông tin tín dụng.

4. Phải thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền khai thác sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của Trung tâm Thông tin tín dụng.

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay

1. Được khai thác miễn phí thông tin về quan hệ tín dụng của chính bản thân khách hàng một lần trong một năm để kiểm tra thông tin.

2. Được yêu cầu Trung tâm Thông tin tín dụng, Tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh dữ liệu thông tin tín dụng của chính mình trong trường hợp phát hiện có sai sót.

3. Phải thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền khai thác sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của Trung tâm Thông tin tín dụng.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU CHỈNH DỮ LIỆU SAI SÓT, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15: Điều chỉnh dữ liệu sai sót

1.  Trường hợp dữ liệu sai sót do tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng phát hiện, tổ chức đó phải gửi lại báo cáo thông tin tín dụng và thông báo kịp thời cho Trung tâm Thông tin tín dụng để hủy file dữ liệu sai sót. Đồng thời, có văn bản của người có thẩm quyền nêu rõ lý do sai sót và đề nghị Trung tâm Thông tin tín dụng điều chỉnh dữ liệu sai sót đó.

2.  Trường hợp dữ liệu sai sót do Trung tâm Thông tin tín dụng phát hiện, Trung tâm Thông tin tín dụng phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức khác để rà soát, điều chỉnh lại dữ liệu theo trình tự sau:

a)  Dữ liệu không được tạo lập đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như: không đúng mẫu file quy ước, thiếu chỉ tiêu thông tin bắt buộc, trùng lặp thông tin, nhập dữ liệu không đúng quy ước hoặc các lỗi kỹ thuật khác, Trung tâm Thông tin tín dụng gửi trả lại toàn bộ file dữ liệu hoặc phần dữ liệu sai sót;

b) Tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng phải kiểm tra lại dữ liệu thông tin có sai sót để chỉnh sửa dữ liệu và báo cáo Trung tâm Thông tin tín dụng.

Điều 16. Giải quyết khiếu nại

1. Trường hợp khách hàng vay phát hiện thông tin tín dụng về bản thân có sai sót, có quyền khiếu nại với Trung tâm Thông tin tín dụng hoặc tổ chức tín dụng để yêu cầu kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin. Việc khiếu nại có thể thực hiện trực tiếp bằng văn bản hoặc qua mạng điện tử, trong đó phải nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, căn cứ chứng minh dữ liệu có sai sót.

2. Tổ chức nhận được khiếu nại của khách hàng vay phải thông báo cho khách hàng vay biết trong vòng 5 (năm) ngày làm việc. Trường hợp cần bổ sung thông tin để có cơ sở xác định, giải quyết khiếu nại, phải thông báo để khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.

3. Tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót và thông báo cho khách hàng vay trong vòng 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hợp lệ. Trường hợp phải thực hiện việc kiểm tra, xác minh nội dung yêu cầu khiếu nại tại các cơ quan, tổ chức có liên quan khác, tổ chức tiếp nhận được kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay biết về nguyên nhân kéo dài thời gian.

Điều 17. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định hiện hành.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành      

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 và thay thế Quyết định số 51/2007/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin tín dụng;

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng hướng dẫn chi tiết về các chỉ tiêu báo cáo thông tin, hệ thống mã số, tiêu chuẩn định dạng dữ liệu, mẫu file báo cáo điện tử, cách thức báo cáo của tổ chức tín dụng, tổ chức khác tham gia hệ thống thông tin tín dụng quy định tại Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng, Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Danh mục chỉ tiêu thông tin

Ngày nhập

01/06/2012

Đã xem

2301 lượt xem

Dự thảo Thông tư

Ngày nhập

01/06/2012

Đã xem

2301 lượt xem

Bản thuyết trình Dự thảo Thông tư

Ngày nhập

01/06/2012

Đã xem

2301 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 3

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com