Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Quy định và hướng dẫn về việc trang bị, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM)

Ngày đăng: 21:23 27-11-2011 | 2066 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ

Quy định và hướng dẫn về việc trang bị, quản lý, vận hành,

đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định và hướng dẫn về việc trang bị, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (Automated Teller Machine - viết tắt là ATM) như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định và hướng dẫn về việc trang bị, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động ATM;

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM (sau đây gọi tắt là TCCƯDVTT), người sử dụng dịch vụ ATM (sau đây gọi là khách hàng) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Các điều kiện yêu cầu khi trang bị ATM

1. Các yêu cầu chung đối với TCCƯDVTT khi trang bị ATM:

a) Xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể về mua sắm (loại máy móc thiết bị), lắp đặt, trang bị, tổ chức vận hành và giám sát hoạt động ATM, đảm bảo:

- Có hệ thống cơ sở hạ tầng vận hành, hệ thống dự phòng, phần mềm quản lý bảo đảm vận hành hoạt động ATM thông suốt, ổn định và an toàn.

- Có đủ nhân sự, cán bộ có năng lực, chuyên môn, đạo đức để quản lý, vận hành hoạt động ATM an toàn, hiệu quả.

b) Xây dựng, ban hành các quy định nội bộ về chính sách bảo mật thông tin, quy trình quản lý rủi ro, quy trình vận hành, kiểm soát, giám sát hoạt động ATM.

2. Các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM:

a) ATM phải được trang bị thiết bị an ninh, bảo mật để chống thâm nhập trái phép và bảo vệ dữ liệu.

b) ATM phải lưu trữ đầy đủ nhật ký giao dịch và các thông tin liên quan để đáp ứng yêu cầu tra soát, kiểm tra và giải quyết tranh chấp.

c) ATM cho phép khách hàng giao dịch tối thiểu bằng hai (02) ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh.

d) ATM trả tiền trước khi trả thẻ, hoặc trường hợp ATM trả tiền sau khi trả thẻ thì thời gian tối đa cho việc trả tiền là sáu mươi (60) giây kể từ khi trả thẻ.

e) Phải có nguồn điện dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động ATM để hoàn tất giao dịch đang thực hiện và trả thẻ cho khách hàng trong trường hợp mất điện đột ngột.

f) Tại vị trí đầu đọc thẻ phải có biểu tượng hướng dẫn cách đưa thẻ vào đầu đọc.

g) ATM có hình thức nhắc nhở khách hàng không để quên thẻ hoặc quên tiền.

h) ATM phải có khả năng cung cấp tối thiểu bốn (04) loại mệnh giá đồng tiền Việt Nam.

3. Các yêu cầu đối với vị trí đặt ATM:

a) Vị trí đặt ATM phải đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách hàng sử dụng và đảm bảo an ninh, an toàn cho ATM.

b) ATM, phòng đặt ATM (nếu có) phải đáp ứng quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện và an toàn điện.

c) ATM phải có đủ ánh sáng cần thiết, đảm bảo khả năng màn hình hiển thị tốt để việc thao tác giao dịch được thực hiện dễ dàng trong suốt thời gian giao dịch.

d) Tại vị trí đặt ATM, TCCƯDVTT trang bị gương để khách hàng có thể quan sát được phía sau khi thực hiện giao dịch ATM.

e) Tại nơi đặt ATM, có hướng dẫn sử dụng dịch vụ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có biểu tượng các tổ chức phát hành thẻ được chấp nhận thanh toán, tên hoặc số hiệu ATM, số điện thoại liên hệ với bộ phận hỗ trợ và đơn vị quản lý ATM, số điện thoại trực của cơ quan công an trên địa bàn.

Điều 3. Quy định về việc lắp đặt, thay đổi tên gọi/số hiệu, địa điểm đặt ATM

1. Khi triển khai lắp đặt, thay đổi tên gọi/số hiệu, địa điểm đặt ATM, TCCƯDVTT phải báo cáo (theo mẫu Phụ lục 1) gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn ít nhất mười lăm (15) ngày làm việc trước khi thực hiện.

2. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của TCCƯDVTT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn phải có ý kiến bằng văn bản và nêu rõ lý do nếu các ATM lắp đặt mới không đảm bảo các điều kiện quy định tại Thông tư này.

Trường hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn đã có ý kiến về việc các TCCƯDVTT chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư này thì TCCƯDVTT phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện mới được triển khai lắp đặt.

3. TCCƯDVTT cập nhật ngay những thay đổi về mạng lưới ATM trên trang thông tin điện tử chính thức của TCCƯDVTT đó.

Điều 4. Trách nhiệm của các TCCƯDVTT

1. Quản lý, vận hành hoạt động ATM:

a) Thời gian phục vụ của hệ thống ATM phải đảm bảo là 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần.

b) Sự cố ATM ngừng hoạt động phải được khắc phục trong thời gian tối đa bảy mươi hai (72) giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng.

c) Mọi trường hợp ATM ngừng hoạt động quá bảy mươi hai (72) giờ, phải báo cáo cụ thể nguyên nhân về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn, thông báo tại ATM và cập nhật tình trạng ngừng hoạt động của ATM đó trong mạng lưới ATM trên trang thông tin điện tử chính thức của TCCƯDVTT.

d) Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ATM, thực hiện yêu cầu tra soát, xử lý một số trường hợp sự cố thường gặp.

e) Công bố biểu phí dịch vụ ATM trên trang thông tin điện tử chính thức của TCCƯDVTT và ATM phải hiển thị được thông tin về các khoản phí mà khách hàng phải trả nếu sử dụng dịch vụ.

f) Biên lai giao dịch ATM phải rõ ràng, dễ đọc, có thể cho khách hàng lựa chọn in ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Các thông tin trên biên lai tối thiểu phải thể hiện: tên loại hóa đơn giao dịch, mã giao dịch, ngày tháng và thời gian thực hiện giao dịch, số tiền giao dịch, số dư đầu, số dư cuối, các loại phí liên quan, tên hoặc số hiệu ATM.

g) Ghi nhật ký giao dịch ATM; nhật ký giao dịch ATM phải rõ ràng, dễ đọc. Các thông tin trên nhật ký ATM tối thiểu phải bao gồm các dữ liệu: tên hoặc số hiệu ATM; số thẻ; mã giao dịch; ngày giao dịch; thời gian bắt đầu giao dịch; thời gian kết thúc giao dịch; số tiền giao dịch; số tờ tiền theo từng loại mệnh giá được trả ra; các loại phí liên quan; đối với giao dịch thành công, nhật ký phải thể hiện tiền đã được máy chi ra và tiền đã được lấy đi.

h) Dữ liệu giao dịch và nhật k ‎ý giao dịch ATM phải được đảm bảo tính toàn vẹn và lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

i) Giám sát mức tiền tại ATM, đảm bảo ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Trường hợp ATM hết tiền phải thực hiện tiếp quỹ trong bốn (04) giờ làm việc và không quá mười lăm (15) giờ nếu ngoài giờ làm việc kể từ thời điểm ATM hết tiền.

k) Theo dõi, phát hiện và kịp thời xử lý các giao dịch bị lỗi, đảm bảo khớp đúng với việc thực hiện giao dịch của khách hàng.

l) Duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần để khách hàng liên hệ trong trường hợp cần thiết.

m) Tiếp nhận, xử lý hoặc phối hợp xử lý ngay các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng. Thời hạn tối đa để xử l ‎ý tra soát, khiếu nại và trả lời khách hàng đối với giao dịch ATM nội mạng là bảy (07) ngày làm việc kể từ khi nhận được khiếu nại của khách hàng. Thời hạn tối đa để xử l ‎ý tra soát, khiếu nại và trả lời khách hàng đối với giao dịch ATM ngoại mạng (trừ các giao dịch quốc tế) là mười hai (12) ngày làm việc kể từ khi nhận được khiếu nại của khách hàng. 

2. Đảm bảo an toàn, bảo mật:

a) Phải tuân thủ quy định pháp luật về việc đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

b) Bảo toàn, bảo mật dữ liệu, thông tin khách hàng trong quá trình xử lý, truyền và lưu trữ dữ liệu; dữ liệu giao dịch phải được mã hóa khi truyền qua mạng.

c) Thiết lập, duy trì hệ thống kiểm soát và ngăn chặn các truy cập trái phép vào hệ thống ATM.

d) Giám sát, bảo vệ an toàn cho các ATM của mình.

e) Phải trang bị camera và đảm bảo hoạt động giám sát của camera tại các ATM. Hình ảnh thu được của camera phải được lưu trữ tối thiểu ba mươi (30) ngày.

Đối với các ATM chưa lắp đặt camera, TCCƯDVTT phải tiến hành lắp đặt trong thời gian sáu (06) tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

f) Camera giám sát được phép ghi lại nhận dạng khách hàng, thao tác đưa thẻ vào, rút thẻ ra khỏi máy, lấy tiền khỏi máy và các hoạt động tại ATM, nhưng không ghi lại thao tác nhập mã PIN của khách hàng.

g) Phải lắp đặt thiết bị chống skimming (Anti-skimming, bao gồm cả phần cứng và phần mềm) nhằm ngăn ngừa, phòng chống thiết bị giả mạo (skimming) sao chép, đánh cắp thông tin thẻ tại các máy ATM.

h) TCCƯDVTT thường xuyên theo dõi, giám sát các giao dịch ATM và cảnh báo khách hàng khi phát hiện các giao dịch nghi ngờ gian lận.

i) TCCƯDVTT cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an trong việc điều tra, xử lý khi phát hiện tội phạm công nghệ cao, trộm cắp, phá hoại ATM.

j) Các TCCƯDVTT thỏa thuận, phối hợp với nhau, chia sẻ thông tin về tội phạm để ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro, gian lận.

k) TCCƯDVTT cung cấp hoặc khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản (như dịch vụ SMS banking,…) để giúp khách hàng tự giám sát tài khoản của mình.

l) Đối chiếu dữ liệu giao dịch định kỳ:

TCCƯDVTT và khách hàng thỏa thuận về việc thực hiện đối chiếu giao dịch định kỳ.

Trường hợp TCCƯDVTT và khách hàng không có thỏa thuận, nếu khách hàng có đăng ký địa chỉ email để nhận thông tin đối chiếu, tài khoản của khách hàng có phát sinh giao dịch trong kỳ thì TCCƯDVTT phải thực hiện gửi (miễn phí) theo định kỳ (do TCCƯDVTT quy định nhưng không quá 3 tháng) thông tin giao dịch, số dư tài khoản trong kỳ qua email đã đăng ký để khách hàng tự đối chiếu số liệu.

3. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng ATM:

a) Phải có kế hoạch và đảm bảo thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng ATM.

b) Bảo đảm an toàn cho ATM và tiền trong ATM trong thời gian bảo trì, bảo dưỡng.

c) Việc kiểm tra tại máy ATM cần được thực hiện tối thiểu hai tuần một lần. Khi kiểm tra cần chú trọng thực hiện nội dung kiểm tra về an toàn điện, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn các thiết bị lạ lắp đặt trái phép nhằm trộm thông tin thẻ.

d) Việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng phải có biên bản ghi chép.

Điều 5. Trách nhiệm của khách hàng sử dụng ATM

1. Khách hàng phải tuân thủ hướng dẫn của TCCƯDVTT.

2. Khách hàng tự bảo vệ bí mật mã PIN khi giao dịch tại ATM; chú ‎ý quan sát bàn phím, khe đọc thẻ để phát hiện thiết bị trộm thông tin hoặc điểm bất thường tại ATM.

3. Khi phát hiện các dấu hiệu gian lận, các thiết bị lạ, hành vi gian lận, trộm cắp, phá hoại liên quan đến ATM hoặc các trục trặc, sự cố ATM, khách hàng cần thông báo ngay cho TCCƯDVTT (bộ phận hỗ trợ hoặc quản lý ATM), cơ quan công an.

4. Khách hàng không được che mặt hoặc ngăn ngừa camera giám sát ghi lại nhận diện của mình khi sử dụng ATM. Các giao dịch thực hiện tại ATM bởi người che mặt hoặc ngăn cản camera ghi lại nhận diện bị coi là giao dịch có dấu hiệu gian lận. TCCƯDVTT có quyền từ chối thực hiện giao dịch hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ để xác minh khi phát hiện khách hàng che mặt hoặc ngăn cản camera nhận diện trong quá trình thực hiện giao dịch tại ATM.

Điều 6. Quy định đối với ATM lưu động

1. ATM lưu động: Là ATM có thể được di chuyển đến một hoặc một số địa điểm để phục vụ khách hàng trong những khoảng thời gian với dịch vụ nhất định.

2. Đối với ATM lưu động, TCCƯDVTT không thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điểm b/, Điểm c/ Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

3. TCCƯDVTT triển khai ATM lưu động trong phạm vi được phép hoạt động.

4. TCCƯDVTT sử dụng các biện pháp xác thực đảm bảo an toàn đối với các thiết bị mạng và các kết nối không dây.

5. TCCƯDVTT có biện pháp ngăn ngừa việc giả mạo ATM lưu động và hướng dẫn khách hàng đặc điểm nhận biết.

6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định về việc cho phép TCCƯDVTT mở ATM lưu động tùy theo tình hình hoạt động từng thời kỳ.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lắp đặt ATM trái phép, ATM giả mạo.

2. Mọi hành vi xâm nhập hệ thống ATM trái phép; lắp đặt, cài đặt thêm các thiết bị, phần mềm nhằm mục đích trộm cắp thẻ, thông tin thẻ, mã PIN và tiền trong ATM.

3. Trộm cắp, phá hoại ATM và các thiết bị tại ATM.

4. Các hành vi gian lận tại ATM (như lợi dụng lỗi kỹ thuật, sơ hở của hệ thống, sơ hở của khách hàng) để chiếm đoạt tiền không phải của mình.

5. Cố tình cung cấp thông tin sai sự thật trong tra soát, khiếu nại.

Điều 8. Thông tin, báo cáo

1. TCCƯDVTT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phải thực hiện báo cáo theo Quy định về báo cáo thống kê ban hành kèm theo Thông tư 21/2010/TT-NHNN ngày 8/10/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khi có yêu cầu đột xuất.

2. TCCƯDVTT báo cáo các đề án, kế hoạch, các quy định nội bộ đã quy định tại Điều 2 Thông tư này; báo cáo việc thực hiện nâng cấp hệ thống ATM về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán) ít nhất 15 ngày trước khi triển khai thực hiện.

3. TCCƯDVTT cần báo cáo kịp thời những vấn đề bất thường phát sinh trong hệ thống ATM của mình về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán).

4. TCCƯDVTT cập nhật và công bố trên trang thông tin điện tử chính thức các thông tin về mạng lưới ATM của mình như: địa điểm đặt ATM, tên hoặc số hiệu ATM, số điện thoại liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ hoặc quản lý ATM.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Vụ Thanh toán có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện yêu cầu khi trang bị ATM quy định tại Điều 2 Thông tư này và thông báo cho các TCCƯDVTT thực hiện, làm đầu mối tiếp nhận các báo cáo, tổng hợp về tình hình hoạt động của mạng lưới ATM.

2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này của các TCCƯDVTT.

3. Cục Công nghệ tin học ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, đánh giá về kỹ thuật, vận hành ATM đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

4. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, theo dõi đối với hoạt động ATM trên địa bàn theo thẩm quyền; kịp thời phản ánh các vấn đề vướng mắc, sự cố phát sinh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán) để phối hợp xử lý. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra các ATM được lắp đặt trên địa bàn (theo mẫu Phụ lục 2).

Điều 10. Xử lý vi phạm

TCCƯDVTT, khách hàng sử dụng ATM và tổ chức, cá nhân khác có liên quan không tuân thủ các quy định và hướng dẫn tại thông tư này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ cung cấp dịch vụ, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  /  /2011. Bãi bỏ các quy định và hướng dẫn trước đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc trang bị, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động ATM trái với Thông tư này.

2. Việc sửa đổi, bổ sung và thay thế Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng giám đốc (Giám đốc) các TCCƯDVTT và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư Quy định và hướng dẫn về việc trang bị, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM)

Ngày nhập

27/11/2011

Đã xem

2066 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com