Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức, cá nhân

Ngày đăng: 10:53 10-05-2007 | 2074 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC             CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VIỆT
VIỆT NAM                                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
           __________                                        _________________________         
Số:      /2007/TT-NHNN                                   Hà Nội,  ngày     tháng      năm 2007
 


 DỰ THẢO

THÔNG TƯ 
HƯỚNG DẪN VIỆC VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

Căn cứ Nghị định số 134/2005NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là “Ngân hàng Nhà nước”) hướng dẫn việc vay, trả nợ nước ngoài của Người cư trú là tổ chức và cá nhân như sau:

MỤC I: QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh
 Thông tư này điều chỉnh hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của Người cư trú là    tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng thuộc khu vực công hoặc khu vực tư nhân (gọi chung là “Doanh nghiệp”) và Người cư trú là cá nhân.

2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, ngoài các từ ngữ đã được định nghĩa tại Nghị định số 134/2005NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định số 160/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối, các cụm từ sau đây được hiểu như sau:
2.1) Hợp đồng vay nước ngoài là các thoả thuận vay nước ngoài có hiệu lực rút vốn, trong đó quy định các điều khoản và điều kiện của khoản vay nước ngoài, như: Hợp đồng mua hàng trả chậm, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thuê tài chính và các thoả thuận vay nước ngoài khác.
2.2) Thoả thuận thay đối vay nước ngoài là thoả thuận bằng văn bản giữa Người vay  và Người cho vay nước ngoài về nội dung bổ sung, sửa đổi Hợp đồng  vay nước ngoài đã ký. Thoả thuận thay đổi vay nước ngoài có thể dưới hình thức Hợp đồng mới, phụ lục Hợp đồng vay đã ký.
2.3) Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản ngoại tệ mà Doanh nghiệp, cá nhân phải mở tại Tổ chức tín dụng được phép để thực hiện khoản vay nước ngoài

3.
Vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân bao gồm việc vay nước ngoài bằng các hình thức sau đây:
a) Vay bằng tiền;
b) Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ trả chậm theo phương thức mở thư tín dụng hoặc nhờ thu hoặc thanh toán bằng điện chuyển tiền trả chậm qua Tổ chức tín dụng được phép.
c) Thuê tài chính;
d) Phát hành trái phiếu ra nước ngoài;
đ) Các loại hình vay nước ngoài khác.

4.
Doanh nghiệp, cá nhân  ký Hợp đồng vay nước ngoài tự chịu trách nhiệm về năng lực pháp lý, năng lực tài chính, khả năng thực hiện Hợp đồng vay nước ngoài của Bên cho vay nước ngoài. Doanh nghiệp có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích và phù hợp với qui định của pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp, cá nhân tự chịu mọi rủi ro và trách nhiệm trước pháp luật  Việt Nam trong việc ký và thực hiện Hợp đồng vay nước ngoài.

5.
Doanh nghiệp, cá nhân không phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước khi ký các thoả thuận vay nước ngoài không có hiệu lực rút vốn như: Hiệp định tín dụng khung, biên bản ghi nhớ và các thoả thuận tương tự khác, nhưng nội dung các thoả thuận vay nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

6.
Đối với các khoản vay hợp vốn của Doanh nghiệp, cá nhân từ các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và Bên cho vay nước ngoài, phần vốn vay nước ngoài Doanh nghiệp phải thực hiện theo các quy  định  tại Thông tư này.

7.
Trường hợp hai hoặc nhiều doanh nghiệp, cá nhân đi vay cùng thực hiện hợp đồng vay nước ngoài, các bên đi vay thực hiện uỷ quyền cho một doanh nghiệp (hoặc cá nhân) làm đầu mối thực hiện các thủ tục cần thiết đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài, mở tài khoản vốn vay và trả nợ nước ngoài và thực hiện việc rút vốn và trả nợ nước ngoài theo qui định tại Thông tư này.

8.
Việc bảo lãnh, bảo đảm tài sản cho khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân được thực hiện theo các qui định của pháp luật có liên quan.
           
9. Doanh nghiệp, cá nhân được phép mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép để thanh toán nợ gốc, lãi và phí trên cơ sở xuất trình các chứng từ hợp lệ theo quy định của tổ chức tín dụng được phép.

10
. (Phương án 1):Trường hợp khoản vay nước ngoài ngắn hạn duới 6 tháng được gia hạn  với thời gian gia hạn thêm trên  6 tháng   tính từ thời điểm ký Hợp đồng gia hạn,  Doanh nghiệp phải thực hiện  đăng ký  với Ngân hàng Nhà nước theo các qui định tại Thông tư này áp dụng đối với các khoản vay nước ngoài ngắn hạn, trung và dài hạn phải đăng ký.
      (Phương án 2): Các khoản vay nước ngoài ngắn hạn không phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Doanh nghiệp thực hiện đăng ký các khoản vay nước ngoài ngắn hạn với Ngân hàng Nhà nước.

MỤC II: ĐIỀU KIỆN VAY NƯỚC NGOÀI

4.  Điều kiện vay ngắn hạn, trung và dài hạn áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc khu vực công:
4.1) Điều kiện chung:
a) Khoản vay của Doanh nghiệp nằm trong kế hoạch tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Đáp ứng  đầy đủ các điều kiện sau đây do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ ( trong trường hợp có quy định điều kiện):
- Đối tượng được vay nước ngoài;
- Giới hạn về chi phí khoản vay (gồm lãi suất, phí và các chi phí khác).
- Tỷ lệ ký quỹ bắt buộc  tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt nam
c) Mục đích vay phù hợp với phạm vi hoạt động của Doanh nghiệp được qui định trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc Giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp;
d) Nội dung của Hợp đồng vay nước ngoài và các thoả thuận liên quan đến khoản vay nước ngoài của phải phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
e) Trường hợp Doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp phải lập đề án phát hành, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4.2) Điều kiện áp dụng riêng:
a) Doanh nghiệp là Tổ chức tín dụng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ về giới hạn vay, bảo lãnh vay nước ngoài ngắn hạn và đảm bảo qui định về tỷ lệ an toàn của tổ chức tín dụng;
b) Doanh nghiệp không phải là Tổ chức tín dụng vay trung và dài hạn phải có Dự án đầu tư hoặc Phương án sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo qui định của pháp luật.

5. Điều kiện vay ngắn hạn, trung và dài hạn đối với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân:

5.1) Khoản vay của Doanh nghiệp nằm trong kế hoạch tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5.2) Trường hợp vay nước ngoài bằng hình thức phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng được các qui định của pháp luật có liên quan về phát hành trái phiếu quốc tế.
5.3) Doanh nghiệp là Tổ chức tín dụng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ về giới hạn vay, bảo lãnh vay nước ngoài ngắn hạn và đảm bảo qui định về tỷ lệ an toàn của tổ chức tín dụng;
5.4) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được vay nước ngoài vượt tổng vốn đầu tư đã đăng ký theo quy định của pháp luật về đầu tư;

6. Điều kiện vay ngắn hạn, trung và dài hạn đối với cá nhân:

6.1) Cá nhân là người thành niên, có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của người thành niên theo qui định của pháp luật. 
6.2) Khoản vay nước ngoài ngắn, trung và dài hạn phải nằm trong Kế hoạch tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6.3) Khoản vay nước ngoài nhằm phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh hợp pháp theo qui định của pháp luật Việt Nam.
6.4) Đáp ứng đầy đủ các quy định về chi phí khoản vay (gồm lãi suất, phí và các chi phí khác) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ ( trong trường hợp có quy định).
6.5) Các thoả thuận trong Hợp đồng vay nước ngoài trung, dài hạn phải phù hợp với quy định hiện hành có liên quan của pháp luật Việt Nam như việc mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để phục vụ giao dịch của khoản vay, sử dụng các biện pháp đảm bảo tài sản, vay để góp vốn thành lập doanh nghiệp và các nội dung khác được pháp luật Việt Nam quy định.
6.6) Đối với khoản vay của cá nhân người nước ngoài là người cư trú, thời hạn vay phải phù hợp với thời gian cư trú tại Việt Nam.
6.7) Được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép. 

  
MỤC III:  QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP CHO VAY NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI CÁ NHÂN

7. Cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện qui định tại Thông tư này, trước khi ký Hợp đồng vay nước ngoài (ngắn, trung và dài hạn) gửi Ngân hàng Nhà nước hồ sơ xin phép vay vốn nước ngoài .Hồ sơ xin phép vay nước ngoài của cá nhân bao gồm:
a) Đơn đề nghị cho phép thực hiện vay nước ngoài (theo Phụ lục 1 đính kèm Thông tư này)
b) Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực áp dụng của cá nhân đề nghị vay nước ngoài.
c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh hay dự án đầu tư theo qui định của pháp luật. Trường hợp khác, phải có giải trình và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích phù hợp với qui định của pháp luật.
d) Dự thảo lần cuối Hợp đồng vay nứơc ngoài sẽ ký.

8.
 Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cá nhân đề nghị vay vốn nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản về việc cho phép hoặc từ chối cho phép cá nhân vay nước ngoài . Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước sẽ nêu rõ lý do. Trường hợp cần giải trình các thông tin cần thiết khác, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu cá nhân xin vay nước ngoài  cung cấp.

MỤC IV: ĐĂNG KÝ, ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI KHOẢN VAY

9. Đăng ký khoản vay đối với doanh nghiệp
9.1) (Phương án 1 ) Đăng ký vay ngắn hạn: Doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng ký các khoản vay nước ngoài ngắn hạn bằng tiền, khoản vay có trị giá từ 1.000.000 USD (một triệu  Đôla Mỹ hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương tại thời điểm ký hợp đồng)  với thời hạn vay trên 6 tháng hoặc được gia hạn với thời hạn gia hạn thêm trên 6 tháng tính từ thời điểm ký Hợp đồng gia hạn . Doanh nghiệp thực hiện đăng ký trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày ký Hợp đồng vay nước ngoài và trước khi rút vốn hoặc kể từ ngày ký Hợp đồng gia hạn. Trong trường hợp cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc đăng ký đối với các khoản vay ngắn hạn có trị giá dưới 1.000.000 USD (một triệu  Đôla Mỹ hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương tại thời điểm ký hợp đồng)  và các khoản vay ngắn hạn có thời hạn vay 6 tháng và dưới 6 tháng.
( Phương án 2) : Bỏ quy định tại 9.1
 9.2) Đăng ký vay trung, dài hạn: Doanh nghiệp  phải thực hiện đăng ký  các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn, hoặc các khoản vay ngắn hạn được gia hạn với thời hạn gia hạn thêm trên 1 năm tính từ thời điểm ký Hợp đồng gia hạn  với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày ký Hợp đồng vay nước ngoài và trước khi rút vốn hoặc kể từ ngày ký Hợp đồng gia hạn.
 9.3) Trường hợp khoản vay ngắn hạn , trung và dài hạn nước ngoài  phải đăng ký được bảo lãnh bởi Người cư trú, Doanh nghiệp thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày ký Thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh.

10. Đăng ký khoản vay đối với cá nhân.

 Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản việc vay vốn nước ngoài (ngắn, trung và dài hạn), cá nhân thực hiện ký Hợp đồng vay  nước ngoài và thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày ký Hợp đồng vay nước ngoài và trước khi rút vốn.  

11.  Đăng ký thay đổi khoản vay

 Trường hợp cóthay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay nước ngoài so với nội dung văn bản xác nhận đăng ký vay, trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước, Doanh nghiệp, cá nhân được ký thoả thuận thay đổi khi nội dung thay đổi phù hợp với các qui định có liên quan tại Thông tư này  và  phải thực hiện việc đăng ký thay đổi với Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thoả thuận thay đổi và trước khi nội dung thay đổi có hiệu lực.

12. Hồ sơ đăng ký vay trả nợ nước ngoài của Doanh nghiệp.

12.1) Đăng ký vay, trả nợ nước ngoài đối với Doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng bao gồm:
a)  Đơn đăng ký vay, trả nợ nước ngoài (theo Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này);
b) Bản sao có công chứng Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh; hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc giấy phép hoạt động, văn bản liên quan khác do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Bản sao có công chứng văn bản của cấp có thẩm quyền theo qui định của pháp luật phê duyệt Dự án đầu tư hoặc Phương án sản xuất kinh doanh. (trừ những trường hợp không phải đăng ký đầu tư theo qui định tại Luật đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005) 
d) Bản sao có công chứng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra nước ngoài (trong trường hợp Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra nước ngoài);
đ) Bản sao và bản dịch ra tiếng Việt Nam Hợp đồng vay nước ngoài đã ký (có xác nhận của đại diện đủ thẩm quyền của Doanh nghiệp).
e) Bản sao (có xác nhận của đại diện đủ thẩm quyền của Doanh nghiệp) Thư bảo lãnh vay vốn nước ngoài (trường hợp được Chính phủ bảo lãnh).
f) Bản sao (có xác nhận của đại diện đủ thẩm quyền của Doanh nghiệp) các chứng từ chứng minh việc rút vốn của Doanh nghiệp đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn gia hạn thành khoản vay nước ngoài trung – dài hạn theo qui định tại Thông tư này.
12.2) Hồ sơ Đăng ký vay, trả nợ nước ngoài đối với Doanh nghiệp là tổ chức tín dụng bao gồm: Các tài liệu quy định tại điểm 12.1(a), 12.1(d), 12.1(đ), 12.1 (e) .

13. Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài của cá nhân

13.2) Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài của cá nhân:
a) Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài  của cá nhân (theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này) b) Bản sao có công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh hay dự án đầu tư theo qui định của pháp luật hoặc văn bản giải trình và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích phù hợp với qui định của pháp luật.
c) Bản sao và bản dịch ra tiếng Việt Nam Hợp đồng vay nước ngoài đã ký.

14. Hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân:

14.1) Đơn đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài (theo Phụ lục số 4 kèm theo Thông tư này);
14.2) Bản sao và bản dịch ra tiếng Việt Nam (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của Doanh nghiệp hoặc của cá nhân thực hiện vay nước ngoài) thoả thuận thay đổi đã ký;
14.3) Văn bản chấp thuận của Bên bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân về nội dung  thay đổi (trong trường hợp khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân được bảo lãnh).

MỤC V : XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ, ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI

15. Thẩm quyền xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi vay, trả nợ nước ngoài
15.1) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc diện phải đăng ký; các khoản vay trung dài hạn của Doanh nghiệp thuộc khu vực công và Doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trên địa bàn có giá trị đến  20 triệu đô la Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương tại thời điểm ký hợp đồng vay nước ngoài)  phù hợp với các  qui định tại Thông tư này;
15.2) Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay trung, dài hạn của Doanh nghiệp thuộc khu vực công; thuộc khu vực tư nhân ngoài các đối tượng nêu tại điểm 15.1 Điều này và các khoản vay nước ngoài (ngắn, trung và dài hạn) của cá nhân.

16. Xác nhận đăng ký của Ngân hàng Nhà nước:
16.1) Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận việc Đăng ký vay, trả nợ nước ngoài và Đăng ký thay đổi của Doanh nghiệp, cá nhân trên cơ sở:
a) Kế hoạch tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm do Thủ tướng Chính phủ duyệt;
b) Chính sách quản lý ngoại hối của nhà nước trong từng thời kỳ;
c) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện qui định  tại  Thông tư này;
d) Ý kiến của các cơ quan có liên quan đối với khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân  trong trường hợp cần thiết.
16.2) Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo bằng văn bản cho Doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Doanh nghiệp về việc:
a) Xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân;
b) Từ chối xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân. Trường hợp từ chối,  Ngân hàng Nhà nước sẽ nêu rõ lý do.
16.3) Trong trường hợp cần thêm thông tin, điều kiện khác để có đủ cơ sở xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân, Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thông báo cho Doanh nghiệp, cá nhân biết trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận  hồ sơ của Doanh nghiệp, cá nhân. 
16.4) Sau khi xác nhận hoặc xác nhận đăng ký thay đối khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân Ngân hàng Nhà nước gửi 01 văn bản xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đối khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp, cá nhân cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nới cá nhân cư trú để phối hợp theo dõi và quản lý.

MỤC VI: MỞ TÀI KHOẢN, RÚT VỐN VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

17. Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài:
17.1)  Khi  thực hiện vay nước ngoài bằng tiền, đối với mỗi khoản vay, Doanh nghiệp, cá nhân phải mở 01 Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài tại 01 Tổ chức tín dụng được phép, mọi giao dịch của khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi, phí…) phải được thực hiện thông qua Tài khoản này, trừ những trường hợp quy định tại điểm 17.2.Khi thực hiện vay nước ngoài bằng các hình thức khác, Doanh nghiệp, cá nhân thực hiện mở tài khoản theo quy định của Tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan.
17.2) Doanh nghiệp, cá nhân không phải mở Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Rút vốn thanh toán trực tiếp cho Người thụ hưởng nước ngoài đối với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu và trả nợ bằng xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ cho người thụ hưởng nước ngoài;
b) Rút vốn, trả nợ thông qua tài khoản của Doanh nghiệp mở tại nước ngoài (trong trường hợp Doanh nghiệp, cá nhân được phép mở tài khoản ở nước ngoài);
c) Rút vốn dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ trả chậm và trả nợ dưới hình thức xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ.
d) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện khoản vay nước ngoài.  Mọi giao dịch của khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi, phí…) phải được thực hiện thông qua Tài khoản này.
e) Các trường hợp khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
17.3) Trường hợp Doanh nghiệp, cá nhân đang thực hiện việc rút vốn, trả nợ qua một Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài tại một Tổ chức tín dụng được phép nhưng có nhu cầu chuyển sang một Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài tại một Tổ chức tín dụng được phép khác thì phải tất toán các giao dịch rút vốn, trả nợ, đóng tài khoản tại ngân hàng cũ; Nếu là khoản vay đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, Doanh nghiệp, cá nhân phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước về việc thay đổi Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài .

17.  Rút vốn, trả nợ nước ngoài
:
17.1) Khi rút vốn thông qua tổ chức tín dụng:   
a) Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải xuất trình  bản chính Hợp đồng vay nước ngoài ngắn hạn đã ký (trường hợp khoản vay ngắn hạn không phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước);  bản chính hoặc bản sao có công chứng văn bản Xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (trường hợp khoản vay ngắn hạn không phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước)
b) Đối với khoản vay trung, dài hạn của Doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải xuất trình  bản chính hoặc bản sao có công chứng văn bản Xác nhận đăng ký vay, trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước;
c) Đối với khoản vay nước ngoài ngắn, trung và dài hạn của cá nhân: Cá nhân phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có công chứng văn bản Xác nhận đăng ký  vay, trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước.
d) Ngoài ra, đối với các khoản vay ngắn, trung, dài hạn, Doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm xuất trình các văn bản, tài liệu cần thiết khác khi Tổ chức tín dụng được phép yêu cầu.
17.2) Khi trả nợ nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng:
a) Doanh nghiệp, cá nhân phải xuất trình cho Tổ chức tín dụng :
- Bản chính hoặc bản sao có công chứng văn bản Xác nhận đăng ký vay, trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước) đối với khoản vay phải đăng ký.
- Bản chính Hợp đồng vay nước ngoài (ngắn, trung, dài hạn) đã ký;
- Bản chính hoặc bản sao (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của Doanh nghiệp) các chứng từ chứng minh việc rút vốn theo Hợp đồng vay nước ngoài (ngắn, trung, dài hạn) và các văn bản, tài liệu cần thiết khác khi Tổ chức tín dụng được phép yêu cầu.

MỤC VII: TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤ NG

18. Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn:
a) Tổ chức tín dụng được phép thực hiện việc rút vốn, chuyển tiền trả nợ nước ngoài cho Doanh nghiệp, cá nhân trên cơ sở bản chính Hợp đồng vay nước ngoài ngắn hạn đã ký; bản chính hoặc bản sao có công chứng văn bản Xác nhận đăng ký vay, trả nợ nước ngoài (đối với cá nhân vay nước ngoài và các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước), các chứng từ chứng minh việc rút vốn, trả nợ do Doanh nghiệp xuất trình;
b) Kiểm tra, đối chiếu các tài liệu do Doanh nghiệp, cá nhân xuất trình để đảm bảo thực hiện đúng các giao dịch khoản vay của Doanh nghiệp, cá nhân;
c) Thống kê các giao dịch rút vốn, trả nợ phát sinh, số dư, số nợ quá hạn của các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp, cá nhân mở Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài hoặc Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp được mở tại Tổ chức tín dụng được phép.
d) Lưu bản sao các văn bản cần thiết do Doanh nghiệp, cá nhân xuất trình.

19.
Đối với khoản vay trung, dài hạn:
a) Thực hiện việc rút vốn, chuyển tiền trả nợ nước ngoài trên cơ sở văn bản xác nhận đăng ký; văn bản xác nhận đăng ký thay đổi vay, trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước, Hợp đồng vay nước ngoài trung, dài hạn và các chứng từ chứng minh việc rút vốn, trả nợ do Doanh nghiệp, cá nhân xuất trình;
a) Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các tài liệu do Doanh nghiệp, cá nhân xuất trình để đảm bảo thực hiện đúng các giao dịch của khoản vay mà Doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước;
c) Lưu bản sao văn bản Xác nhận đăng ký vay, trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước và bản sao các văn bản, tài liệu cần thiết khác do Doanh nghiệp xuất trình;
d) Thống kê các giao dịch rút vốn, trả nợ phát sinh và số dư của từng khoản vay  trung, dài hạn theo Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài hoặc Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp được mở tại Tổ chức tín dụng được phép mở cho Doanh nghiệp.

20.
 Tổ chức tín dụng được phép không thực hiện việc rút vốn, chuyển tiền trả nợ nước ngoài theo yêu cầu của Doanh nghiệp, cá nhân  đối với các khoản vay không có văn bản  của Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi vay, trả nợ nước ngoài ( đối với khoản vay phải đăng ký theo quy định tại Thông tư này)

21.
 Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm hướng dẫn các Doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đúng các quy định hiện hành về vay, trả nợ nước ngoài; kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp phát hiện Doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các quy định hiện hành về vay, trả nợ nước ngoài.

MỤC VIII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

22. Chế độ báo cáo vay và trả nợ nước ngoài áp dụng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
22.1) Tổng hợp tình hình xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Doanh nghiệp trên địa bàn gửi Ngân hàng Nhà nước (theo Phụ lục số 5a, Phụ lục số 5b  kèm theo Thông tư này).
22.2) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) theo qui định sau:
a) Tổng hợp số liệu báo cáo về tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và  hạn của Doanh nghiệp, cá nhân cư trú trên địa bàn theo qui định hiện hành về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
b) Định kỳ 6 tháng 1 lần (chậm nhất ngày 15/7 và ngày 15/1 hàng năm), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố  trực thuộc trung ương báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình thực hiện việc quản lý vay, trả nợ nước ngoài, những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước.

23. Chế độ báo cáo vay và trả nợ nước ngoài áp dụng với doanh nghiệp và cá nhân:

23.1) Doanh nghiệp là tổ chức tín dụng thực hiện việc báo cáo Ngân hàng Nhà nước về số liệu  vay, trả nợ  nước ngoài theo qui định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. 23.2) Doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, cá nhân thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nơi cá nhân cư trú về tình hình thực hiện các khoản vay nước ngoài theo quy định sau:
a) Định kỳ hàng quý (chậm nhất ngày 7 của tháng đầu quý tiếp theo): Báo cáo tình hình thực hiện các khoản vay ngắn hạn của Doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện việc rút vốn và trả nợ qua Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài mở tại Tổ chức tín dụng được phép (các trường hợp nêu tại khoản 1 điểm 17 Thông tư này). Báo cáo thực hiện theo Phụ lục số 6 kèm theo Thông tư  này.
b) Định kỳ hàng quý (chậm nhất ngày 7 của tháng đầu quý tiếp theo): Báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài trung, dài hạn theo Phụ lục số 7 kèm theo Thông tư này.

                        MỤC XI: CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

24.Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
24.1) Định kỳ hoặc khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan tiến hành công tác kiểm tra tình hình vay, trả nợ nước ngoài;  cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của các  đối tượng được phép thực hiện vay, trả nợ nước ngoài hoặc cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo qui định tại Thông tư này. Các đơn vị, cá nhân được kiểm tra ó trách nhiệm cung cấp mọi văn bản, tài liệu cần thiết để việc kiểm tra được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
24.2) Trường hợp xảy ra vi phạm các qui định tại Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm, doanh nghiệp, cá nhân, Tổ chức tín dụng được phép, Tổ chức kinh tế sẽ bị xử phạt theo các qui định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

MỤC X: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

25. Điều khoản thi hành
25.1) Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư số 09/2004/TT-NHNN ngày 21/12/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của các Doanh nghiệp;
25.2) Các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư 09/2004/TT-NHNN ngày 21/12/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của các Doanh nghiệp mà còn thời hạn thực hiện sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì vẫn có hiệu lực mà không phải sửa đổi hoặc đăng ký lại khoản vay đó..

26. Tổ chức thực hiện
26.1)  Mọi sửa đổi, bổ sung Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
26.2) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai, thực hiện Thông tư này.
26.3) Các Bộ, Ngành, cơ quan quản lý của Doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chỉ đạo thực hiện Thông tư này.
 
                                                                                              THỐNG ĐỐC 
Nơi nhận:                                                                
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng;                                                                         
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Uỷ ban Nhân dân, Hội đồng,
Nhân dân các Tỉnh, Thành phố                                                                 
trực thuộc trung ương;                                                 
- Văn phòng Trung ương và
các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- BLĐ NHNN,
- Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN VN,
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước;
- Các Tổ chức tín dụng;
- VP đại diện NHNN tại TP HCM,
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp
- Lưu VP.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Phụ lục 1: Đơn đề nghị cho phép thực hiện khoản vay nước ngoài

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 3: Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài của cá nhân

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 5b: Báo cáo tình hình xác nhận thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 7: Báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài trung, dài hạn của doanh nghiệp

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 6: Báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài ngắn hạn

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 4: Đơn đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 2: Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Phụ lục 5a: Báo cáo tình hình xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức, cá nhân

Ngày nhập

10/05/2007

Đã xem

2074 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 9

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com