Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước

Ngày đăng: 17:06 26-06-2008 | 1658 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Nội vụ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước 

      Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ,
Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định như sau:
 
I. CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM, DỊCH VỤ MẬT MÃ DÂN SỰ 

1. Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự:
a) Điều kiện về chủ thể:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
b) Điều kiện về nhân sự:
- Người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự phải có lý lịch rõ ràng, có hiểu biết về pháp luật, tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành: điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán tin, an toàn thông tin; có kinh nghiệm tối thiểu 05 (năm) năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
- Các thành viên phụ trách về kỹ thuật phải có lý lịch rõ ràng và tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành: điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán tin, an toàn thông tin.
- Đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý, nhân viên điều hành, nhân viên an ninh và nhân viên dịch vụ khách hàng phải có hợp đồng lao động và đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
c) Điều kiện đảm bảo khác:
- Bảo đảm điều kiện an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Có phương án kỹ thuật và phương án kinh doanh khả thi, phù hợp với các quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mật mã dân sự.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự được lập thành 02 (hai) bộ. Mỗi bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự theo Mẫu 01 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản kê khai các nội dung xin cấp phép theo Mẫu 02 -  Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp;
- Danh sách trích ngang toàn bộ cán bộ lãnh đạo, các thành viên phụ trách về kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý, nhân viên điều hành, nhân viên an ninh và nhân viên dịch vụ khách hàng;
- Hồ sơ của người đứng đầu doanh nghiệp và các thành viên phụ trách về kỹ thuật, bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã nơi cư trú hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
+ Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành: điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán tin, an toàn thông tin.
- Hồ sơ kỹ thuật bao gồm:
+ Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự dự kiến sản xuất, kinh doanh;
+ Tài liệu về đặc tính kỹ thuật, tham số kỹ thuật của sản phẩm (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của từng sản phẩm; môi trường, điều kiện hoạt động của sản phẩm trong hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông…);
+ Các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, phương án bảo hành, bảo trì nhằm bảo đảm an toàn, an ninh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
- Phương án sản xuất, kinh doanh bao gồm:
+ Phạm vi, đối tượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ;
+ Quy mô, số lượng dự kiến sản xuất, kinh doanh;
+ Hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật;
+ Hình thức đầu tư (liên doanh, hợp tác kinh doanh, 100% vốn trong nước, 100% vốn nước ngoài, …).

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự gửi trực tiếp về:
Trung tâm Bảo mật thông tin kinh tế xã hội - Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Nội vụ.
Địa chỉ: 62 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội.
Điện thoại: 04-7756896; Fax: 04-7756896
E-mail: info@bis.gov.vn
        
4. Kiểm tra hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự của doanh nghiệp, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho doanh nghiệp để bổ sung hồ sơ.

5. Thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Ban Cơ yếu Chính phủ tiến hành thẩm định hồ sơ và thẩm tra thực tế tại doanh nghiệp; nếu các yêu cầu quy định được bảo đảm, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự theo Mẫu 05 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ban Cơ yếu Chính phủ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự có hiệu lực trong thời hạn 05 (năm) năm.

7. Thay đổi, bổ sung nội dung danh mục đã được cấp phép
Sau khi được cấp phép, nếu có thay đổi, bổ sung danh mục sản phẩm mật mã dân sự được phép sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải đề nghị với Ban Cơ yếu Chính phủ xin thay đổi, bổ sung.
Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung được lập thành 02 (hai) bộ. Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị thay đổi, bổ sung nội dung danh mục đã được cấp phép theo Mẫu 03 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản kê khai danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự xin phép sản xuất, kinh doanh theo Mẫu 02 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Hồ sơ kỹ thuật phù hợp với nội dung xin phép sản xuất, kinh doanh bổ sung;
d) Phương án sản xuất, kinh doanh theo nội dung xin phép sản xuất, kinh doanh bổ sung.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Cơ yếu Chính phủ ra Quyết định về việc thay đổi, bổ sung nội dung danh mục đã được cấp phép cho doanh nghiệp theo Mẫu 06 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối, Ban Cơ yếu Chính phủ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

8. Cấp lại giấy phép trong trường hợp bị mất giấy phép, giấy phép bị rách, nát, hết hạn hoặc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

a) Cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất:

- Khi bị mất giấy phép, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan Công an nơi gần nhất, gửi giấy báo tới Ban Cơ yếu Chính phủ và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng 03 lần liên tiếp;
- Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo công khai, nếu doanh nghiệp không tìm lại được giấy phép đã mất, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp lại giấy phép. Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu 04 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Xác nhận của cơ quan Công an về việc khai báo mất giấy phép;
+ Giấy tờ của cơ quan báo, đài về việc nhận đăng thông báo mất Giấy phép hoặc tờ báo đã đăng thông báo này.

b) Cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị rách, nát:

Trường hợp giấy phép bị rách, nát, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp lại giấy phép. Hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu 04 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản chính giấy phép đã bị rách, nát.

c) Cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép hết hạn:

Ba mươi ngày trước khi Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự hết hạn, doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp lại phải lập hồ sơ gửi Ban Cơ yếu Chính phủ. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu 04 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Hồ sơ quy định tại khoản 2 mục này, bản chính giấy phép đang sử dụng và những bổ sung thay đổi (nếu có).

d) Cấp lại giấy phép trong trường hợp thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Trường hợp doanh nghiệp thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp lại giấy phép. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu 04 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới đã được cấp;
- Bản chính giấy phép đang sử dụng.
Trường hợp thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp), ngoài các giấy tờ trên, doanh nghiệp phải gửi 01 bộ hồ sơ của người đứng đầu doanh nghiệp, bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã nơi cư trú hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
+ Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành: điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán tin, an toàn thông tin của người đứng đầu doanh nghiệp;
g) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ,  Ban Cơ yếu Chính phủ xem xét cấp lại Giấy phép cho doanh nghiệp theo Mẫu 05 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Trong trường hợp cấp lại giấy phép do giấy phép cũ bị mất hoặc bị rách, nát thì số của giấy phép cấp lại là số ghi trong giấy phép đã mất hoặc bị rách, nát. Trong trường hợp cấp giấy phép do thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc do giấy phép hết hạn, doanh nghiệp phải nộp lại giấy phép cũ. Trên giấy phép cấp lại ghi rõ lần cấp lại và ngày cấp lại.

9. Thu hồi giấy phép
Ban Cơ yếu Chính phủ ra quyết định thu hồi giấy phép đã cấp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 73/2007/NĐ-CP theo Mẫu 07 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải chấm dứt việc ký kết hợp đồng với khách hàng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải giải quyết thanh lý toàn bộ các hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự đã thoả thuận với khách hàng.
Sau thời hạn 3 tháng kể từ khi bị thu hồi Giấy phép sản xuất kinh doanh, sản phẩm mật mã dân sự, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2007/NĐ-CP thì doanh nghiệp có thể xin cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự. Thủ tục như khi xin cấp mới.

10. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ xin cấp hoặc cấp lại giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS, hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung nội dung danh mục cấp phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS qua mạng điện tử tại địa chỉ website: http://www.bis.gov.vn. Trong trường hợp này, sau khi xem xét hồ sơ, Ban Cơ yếu Chính phủ thông báo cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có). Doanh nghiệp phải nộp 01 bộ hồ sơ gốc bằng giấy theo quy định tại khoản 2, khoản 7, khoản 8 Mục I Thông tư này để Ban Cơ yếu Chính phủ đối chiếu và lưu hồ sơ.

11. Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm bảo mật thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và các thông tin khác mà doanh nghiệp cung cấp cho Ban Cơ yếu Chính phủ.

12. Phí, lệ phí cấp phép thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

II. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN, HỢP QUY SẢN PHẨM MẬT MÃ DÂN SỰ

Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm kiểm định, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự. Quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự thực hiện như sau:

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự được lập thành 03 (ba) bộ. Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự theo Mẫu 01, Mẫu 02 - Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp; quyết định thành lập đối với tổ chức;
c) Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm, bao gồm: tài liệu xuất xứ sản phẩm, đặc tính kỹ thuật, tham số kỹ thuật của sản phẩm, tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, phương pháp thử nghiệm (nếu có), giải pháp nghiệp vụ, thuyết minh kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn sử dụng, ảnh chụp bên ngoài của sản phẩm, phần mềm và tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng.       
Đối với sản phẩm mật mã dân sự đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn, nếu đã có kết quả kiểm định, đánh giá của các tổ chức trong nước hoặc các tổ chức nước ngoài thì nộp bản sao và bản dịch tiếng Việt hợp lệ kết quả kiểm định, đánh giá của sản phẩm.
Đối với sản phẩm mật mã dân sự đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp quy, nếu đã có kết quả kiểm định, đánh giá hợp chuẩn thì nộp bản sao và bản dịch tiếng Việt (đối với kết quả kiểm định, đánh giá của tổ chức nước ngoài) hợp lệ kết quả kiểm định, đánh giá hợp chuẩn hoặc Giấy chứng nhận hợp chuẩn của sản phẩm.
Đối với sản phẩm mật mã nước ngoài, tài liệu kỹ thuật gồm bản sao và bản dịch tiếng Việt hợp lệ.
d) Sản phẩm mẫu (sản phẩm mẫu sẽ được trả lại cho tổ chức, cá nhân sau quá trình đánh giá, chứng nhận).

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự là Cơ quan chứng nhận - Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Nội vụ.
Địa chỉ: 62 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội.
Điện thoại: 04-7756896; Fax: 04-7756896
E-mail: info@bis.gov.vn

3. Kiểm tra hồ sơ 
Sau khi nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự của tổ chức, cá nhân, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 07 ngày làm việc. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận bổ sung hồ sơ.

4. Thời hạn kiểm định, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan chứng nhậnchuyển hồ sơ cho tổ chức kiểm định. Tổ chức kiểm định có trách nhiệm kiểm định, đánh giá sản phẩm và gửi báo cáo kết quả cho Cơ quan chứng nhận trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Tổ chức kiểm định, Cơ quan chứng nhận xem xét, cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cấp, Cơ quan chứng nhận thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
Trường hợp đặc biệt, thời gian kiểm định, đánh giá, cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự được gia hạn thêm nhưng không quá 6 (sáu) tháng. Cơ quan chứng nhận có trách nhiệm thông báo lý do bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận.

5. Cơ quan chứng nhận có trách nhiệm bảo mật các thông tin thu thập được trong quá trình chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy.

6. Phí, lệ phí thẩm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự và cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

7. Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự, Mẫu Dấu chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự được cấp theo Mẫu 03, Mẫu 04, Mẫu 05 - Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; Dấu chứng nhận hợp quy được cấp theo hướng dẫn và quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Quyết định số 24/2007/QĐ - BKHCN  ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
III. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM MẬT MÃ DÂN SỰ
1. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự có trách nhiệm:
a) Quản lý hồ sơ, tài liệu về giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất;
b) Áp dụng các biện pháp về an ninh, an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu giữ sản phẩm mật mã dân sự;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; chấp hành các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy các sản phẩm mật mã dân sự do mình sản xuất, kinh doanh.
d) Tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo an ninh quốc gia;
e) Phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu;
g) Doanh nghiệp phải có đủ hệ thống sổ sách ghi chép, lưu giữ chứng từ ban đầu, thẻ kho, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hoá đơn kinh doanh, thống kê đầy đủ mọi hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn kho, tiêu huỷ sản phẩm mật mã dân sự. Các sổ sách, chứng từ nêu trên phải được bảo quản, lưu giữ theo các quy định hiện hành;
h) Ký kết các hợp đồng theo Mẫu 01 - Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
i) Không cung cấp sản phẩm mật mã cùng khoá mã hệ thống cho các khách hàng khác nhau;
k) Bồi thường cho khách hàng khi có thiệt hại xảy ra do doanh nghiệp không tuân thủ quy trình cung cấp đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc sản phẩm, dịch vụ cung cấp không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã công bố; khi bị thu hồi giấy phép.
l) Nếu sản phẩm mật mã cần sử dụng hệ thống chứng thực điện tử thì doanh nghiệp phải tuân thủ và tư vấn cho khách hàng tuân thủ các quy định của nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử theo quy định của pháp luật.
m) Bảo dưỡng, sửa chữa và bảo hành sản phẩm mật mã dân sự do mình cung cấp cho khách hàng;
n) Lưu giữ và bảo mật thông tin của khách hàng, thông tin khoá mã của doanh nghiệp đã cung cấp cho từng đối tượng khách hàng hoặc từng lô sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký kết giữa hai bên; thời gian lưu giữ là 10 năm, nếu khách hàng không có yêu cầu khác.
o) Lập báo cáo định kỳ sáu tháng, hàng năm gửi Ban Cơ yếu Chính phủ về tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự và tổng hợp thông tin khách hàng theo Mẫu 02 - Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Ban Cơ yếu Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 31 tháng 12 đối với báo cáo năm.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm mật mã dân sự có trách nhiệm:
a) Tuân thủ các quy định đã cam kết với nơi cung cấp sản phẩm mật mã dân sự về: quản lý sử dụng khoá mã, chuyển nhượng, sửa chữa, bảo dưỡng sản phẩm mật mã dân sự và các nội dung khác có liên quan;
b) Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mật mã, an ninh thông tin, ngăn ngừa tội phạm đánh cắp thông tin, mật mã và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự vào mục đích không hợp pháp;
c) Cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và chịu trách nhiệm pháp lý về những thông tin đó trong hợp đồng ký kết với doanh nghiệp;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bản thân vi phạm hoặc để người khác lợi dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự để vi phạm pháp luật về sử dụng sản phẩm mật mã dân sự.
 
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết./.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo

Ngày nhập

26/06/2008

Đã xem

1658 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Nội vụ

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com