Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường

Ngày đăng: 13:40 25-10-2006 | 2466 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

  Bộ Tài nguyên và Môi trường
                         
  Số:           /2006/TT – BTNMT
             Dự thảo
    Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
                 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
            Hà Nội, ngày       tháng      năm 2006

                          Thông tư                               
     Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn
      môi trường
          

                                
                                         _____________________________________                                      
 
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ - CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) như sau:          

 I. Những quy định chung  
              
1. Phạm vi điều chỉnh,

Thông tư này quy định về: Điều kiện, nguyên tắc cấp và sử dụng giấy chứng nhận; trách nhiệm của cơ sở đề nghị cấp và được cấp giấy chứng nhận; thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận; trình tự, thủ tục cấp cấp giấy chứng nhận; hiệu lực, sửa đổi, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận và các vấn đề khác có liên quan.
 
2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng tại Thông tư này bao gồm: Các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ sở) hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt việc quản lý chất thải. 

Đối với doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.
 
 3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận

 Cơ sở được cấp giấy chứng nhận khi đủ những điều kiện sau:

a) Đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) bắt buộc áp dụng trong lĩnh vực môi trường (quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia (QCVN)

b) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt

c) Địa điểm xây dựng phải theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt

d) Chấp hành chế độ nộp thuế và phí bảo vệ môi trường

đ) Không có khiếu kiện về ô nhiễm môi trường.
 
4. Nguyên tắc cấp và sử dụng giấy chứng nhận

 a) Việc cấp giấy chứng nhận do cơ sở tự nguyện đề nghị

 b) Việc cấp giấy chứng nhận phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục và đúng thẩm quyền

 c) Trừ các trường hợp quy định tại Mục III khoản 7 Thông tư này và bị khiếu kiện về ô nhiễm môi trường, cơ sở được cấp giấy chứng nhận không bị kiểm tra, thanh tra về quản lý chất thải trong thời hạn giấy chứng nhận có hiệu lực

d) Giấy chứng nhận chỉ có giá trị sử dụng đối với cơ sở được cấp. Nghiêm cấm việc cho, mượn, tẩy, xoá; làm sai lệch hình thức, nội dung, giấy chứng nhận
 
5. Trách nhiệm của cơ sở đề nghị và được cấp giấy chứng nhận

 a) Cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan theo quy định tại Thông tư này cho Cục Bảo vệ môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (địa bàn cơ sở có địa điểm hoạt động) và cam kết phải bảo đảm tính chuẩn xác, đúng đắn các tài liệu, thông tin đã cung cấp 

b) Cơ sở được cấp giấy chứng nhận phải thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này. Nếu vi phạm sẽ bị thu hồi, tước giấy chứng nhận hoặc xử lý theo quy định của pháp luật
 
6. Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận

6.1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi truờng cấp, thu hồi giấy chứng nhận đối với các trường hợp sau:

a) Các cơ sở thực hiện dự án do Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt; dự án liên ngành, liên tỉnh;

b) Các cơ sở thực hiện dự án thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. 

6.2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi làcấp tỉnh) cấp, thu hồi giấy chứng nhận đối với các trường hợp sau:

 a) Các cơ sở thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường, quản lý, quyết định, phê chuẩn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

b) Các đối tượng phải có bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Điều 24 Luật bảo vệ môi truờng năm 2005.
     
 7.Trách nhiệm của Cục Bảo vệ môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh)  về việc cấp và thu hồi  giấy chứng nhận

 Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi truờng và Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện những công việc sau đây:

a) Niêm yết công khai các hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thời gian và các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận tại trụ sở;

b) Tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận;

c) Xem xét, kiểm tra, đánh giá tính xác thực của hồ sơ do cơ sở cung cấp;

d) Tổ chức giám định lại tính xác thực các thông tin về hồ sơ, tài liệu do cơ sở cung cấp  trong các trường hợp cần thiết;  

 đ) Hoàn chỉnh thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cho cơ sở nếu đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, hoặc trả lời khi không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận;

g) Thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
h) Đưa và cập nhật thông tin về việc cấp giấy chứng nhận  cho cơ sở lên trang điện tử (Website) của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận lần đầu hoặc sửa đổi, thu hồi giấy chứng nhận. Thông báo tình hình cấp giấy chứng nhận tới các cơ quan liên quan khi cần thiết; mã hoá việc cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Mục IV khoản 3 Thông tư này;

i)Thực hiện đầy đủ các chế độ lưu trữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về lưu trữ; 

m) Giám sát, theo dõi việc tuân thủ các điều kiện cấp giấy chứng nhận; tiến hành kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở khi cần thiết để kịp thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận hoặc thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư này; 

 n) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. 
            
II.Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận                                     
 
1. Hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận

1.1. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (mẫu Phụ lục 1)

b) Bản sao giấy phép hoạt động của cơ sở (có công chứng);

c) Báo cáo kết quả bảo vệ môi trường (mẫu Phụ lục 2)

1.2. Tiếp nhận hồ sơ

a) Khi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ; hướng dẫn làm lại hồ sơ ( nếu cần). Cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ;

b) Việc tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận được ghi vào sổ đăng ký (hoặc trang đăng ký chữ ký điện tử) của cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

c) Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải gửi công văn thông báo  (mẫu Phụ lục 3) cho chính quyền địa phương theo quy định tại Mục II, khoản 2, điểm 2.1, tiết a Thông tư này.
      
2. Ý kiến tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và cấp giấy chứng nhận 

2. 1. ý kiến tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư 

a) Sau khi đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho cơ sở, trong thời gian 7 ngày làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường) phải gửi thông báo bằng văn bản cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) qua Sở Tài nguyên và Môi trường; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi truờng cấp tỉnh) phải gửi thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã(gọi chung là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) về việc cấp giấy chứng nhận nơi cơ sở hoạt động.
Thông báo phải nói rõ những thông tin về cấp giấy chứng nhận cho cơ sở; tình hình tác động môi trường, xử lý ô nhiễm và những vấn đề có liên quan, cũng như cam kết của cơ sở sẽ phải thực hiện để khắc phục tình trạng trên.

 b) Trong 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cấp xã có trách nhiệm thông báo nội dung văn bản cho cộng đồng dân cư xung quanh địa điểm hoạt động của cơ sở. 

 c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, Uỷ ban nhân dân cấp cấp tỉnh phải gửi văn bản trả lời về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Bảo vệ môi trường) trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đựơc thông báo Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi văn bản trả lời về Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh), trên cơ sở tổng hợp ý kiến của chính quyền địa phương cấp xã.

Văn bản trả lời phải nói rõ việc có đồng ý cấp hay không đồng ý cấp giấy chứng nhận cho cơ sở. Nếu hết thời hạn trên địa phương không có công văn bản trả lời, cơ quan gửi thông báo có quyền làm thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cho cơ sở.

d) Trường hợp cần có sự thống nhất, điều chỉnh, bổ sung, các bên có liên quan phải tổ chức bàn bạc để tháo gỡ vướng mắc nhưng không được quá thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

2.2. Cấp giấy chứng nhận

 a) Sau khi đầy đủ các điều kiện; đàm phán, thảo luận, giải quyết xong các vướng mắc, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất hồ sơ, Cục Bảo vệ môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi truờng cấp tỉnh (nơi cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận) có trách nhiệm làm thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cho cơ sở; 

 b) Trường hợp cần phải kiểm tra, xác định lại tính chính xác, đúng đắn về các điều kiện cấp giấy chứng nhận của cơ sở, Cục Bảo vệ môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh được tổ chức giám định lại. Thẩm quyền, thủ tục, trình tự và những vấn đề có liên quan đến việc giám định được áp dụng theo (mẫu Phụ lục 4)Thông tư này. 

c) Trường hợp từ chối thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, phải thông báo bằng văn bản  cho cơ sở đề nghị cấp và phải nói rõ lý do từ chối .
 
III. Mã hoá, Mẫu giấy chứng nhận;quyết định, hiệu lực, sửa đổi, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận
 
1. Mã hoá việc cấp giấy chứng nhận vào sổ đăng ký nghiệp vụ và trang thông tin điện tử

 Cục Bảo vệ môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh ghi mã số cấp giấy chứng nhận của cơ sở (hoặc trang thông tin điện tử) theo hướng dẫn như sau: 

- Mã số Bộ Tài nguyên và Môi trường và mã số tỉnh: 2 ký tự (theo mẫu Phụ lục 5) kèm theo Thông tư này;

-  Mã số thứ tự của cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999;

- Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang

Ví dụ: Ghi sổ cấp giấy chứng nhận của Cục Bảo vệ môi trường đối với công ty Su pe phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ) được ghi mã số như sau:

01 – 000005 (Giấy  chứng nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường có mã số 01, cấp cho Công ty Su pe phốt phát Lâm Thao - Phú Thọ có mã số 000005)
 
2. Mẫu giấy chứng nhận: Theo mẫu Phụ lục 6  ban hành kèm theo Thông tư này.
 
3. Quyết định cấp giấy chứng nhận: Theo mẫu Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tưnày 
  

4. Hiệu lực Giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận có hiệu lực 2 năm kể từ ngày cấp
  
 5. Giấy chứng nhận có thể sửa đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các điều kiện cấp giấy chứng nhận thay đổi so với thời điểm cấp giấy chứng nhận;

b) Công nghệ hoặc năng suất sản xuất của cơ sở  thay đổi theo yêu cầu của giấy chứng nhận;
 
6. Gia hạn giấy chứng nhận

Việc gia hạn giấy chứng nhận được tiến hành như việc cấp giấy chứng nhận mới
 
7. Giấy chứng nhận bị thu hồi (hoặc tước quyền sử dụng) trong các trường hợp sau:

 a) Cơ sở ngừng hoạt động;

 b) Giả mạo hoặc cấp sai thẩm quyền

 c) Vi phạm nghiêm trọng các điều kiện và nội dung ghi trong giấy chứng nhận                                
                         
 
IV. Tổ chức thực hiện   

1. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Cục Bảo vệ môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có trách  nhiệm tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận; biên soạn và in ấn các mẫu có liên quan về cấp giấy chứng nhận theo hướng dẫn tại Thông tư này; cử, phân công tổ chức, cá nhân làm công tác chuyên môn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận.                           
 
2. Trung tâm thông tin (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm xây dựng trang thông tin điện tử (Website), phần mềm quản lý thông tin về cấp giấy chứng nhận; hướng dẫn cập nhật thông tin cho các cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Bảo vệ môi trường) hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để nghiên cứu báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
 
4.Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế “Thông tư số 2781 – TT/KCM ngày 03/12/1996 của Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường hướng dẫn về thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho các cơ sở công nghiệp” và những quy định pháp luật trước đây về cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường có liên quan.
        
5. Ban hành kèm theo Thông tư này là các phụ lục 1,2,3,4,5,6,7.


 
Nơi nhận:
 -Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
-VKSND tối cao;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Công báo;
- Bộ TNMT: Bộ trưởng, cácThứ trưởng và đơn vị thuộc cơ quan Bộ TNMT;
- Sở TNMT các Tỉnh, TP thuộc TW;
- Lưu VT, VP, CBVMT.
 
 

  
 Bộ trưởng 
  
  
  
    
  
  
 Mai Ái Trực
 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo và phụ lục

Ngày nhập

25/10/2006

Đã xem

2466 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com