Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định Về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông

Ngày đăng: 09:21 08-12-2007 | 1879 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH
Về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông
 
CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ngày 22 tháng 5 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, 

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG  

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện đầu tư theo các hình thức đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và các quy định đặc thù đối với việc quản lý dự án đầu tư công trình bưu chính, viễn thông nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính” bao gồm các hoạt động đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát.
2. “Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực viễn thông” bao gồm các hoạt động đầu tư: thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng để cung ứng dịch vụ viễn thông, Internet.
3. “Nhà đầu tư nước ngoài” là tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
 4. “Nhà cung ứng dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam” là doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.

Điều 4. Thủ tục đầu tư

1. Các quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư và thủ tục đăng ký đầu tư được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông thuộc diện phải thẩm tra bao gồm:
a) Dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài không phân biệt quy mô đầu tư.
b) Dự án đầu tư trong nước thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông không phân biệt quy mô đầu tư.
c) Dự án đầu tư trong nước cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn từ 300 (ba trăm) tỷ đồng trở lên.
3. Thẩm quyền thẩm tra dự án đầu tư:
a) Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện phải thẩm tra.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư khác còn lại thuộc diện phải thẩm tra.
4. Nội dung, quy trình thẩm tra dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 5. Thời hạn đầu tư

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được quy định trong giấy phép hoạt động chuyên ngành theo quy định của pháp luật liên quan.

Điều 6. Giám sát dự án đầu tư

1. Không được phép chuyển nhượng giấy phép hoạt động chuyên ngành bưu chính, chuyển phát, viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng.
2. Việc chuyển nhượng vốn đối với phần vốn góp nước ngoài phải phù hợp với quy định tại Nghị định này và các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực có liên quan.
3. Trong trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư, chuyển nhượng vốn, tạm ngừng, hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét việc cấp lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chuyên ngành theo quy định.

Điều 7. Áp dụng pháp luật

 Đối với các điều ước, thoả thuận hoặc văn kiện quốc tế khác mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có những quy định khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo các quy định trong các văn bản quốc tế đó.

Chương II
ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC VIỄN THÔNG

Điều 8. Dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông
Dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông phải thoả mãn các điều kiện sau:
1. Điều kiện chung:
a) Phù hợp với chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển viễn thông của Việt Nam;
b) Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch phân bổ tài nguyên thông tin và các quy định của pháp luật chuyên ngành về viễn thông có liên quan.
2. Điều kiện chủ thể:
a) Nhà đầu tư trong nước:
- Phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
- Trong trường hợp dự án đầu tư có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia thì phải có ít nhất một nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối và nhà đầu tư này có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 51% tổng số vốn đầu tư của dự án.
b) Nhà đầu tư nước ngoài:
Nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải liên doanh hoặc liên kết với nhà đầu tư trong nước đã được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng và cung ứng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam;
- Có tỷ lệ phần vốn góp trong dự án phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
3. Vốn đăng ký tối thiểu:
a) Dự án đầu tư được phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi toàn quốc phải có số vốn đăng ký tối thiểu là 1.600 (một nghìn sáu trăm) tỷ đồng.
b) Dự án đầu tư được phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trở lên phải có số vốn đăng ký tối thiểu là 500 (năm trăm) tỷ đồng.
c) Dự án đầu tư được phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi một tỉnh, thành phố phải có số vốn đăng ký tối thiểu là 160 (một trăm sáu mươi) tỷ đồng.

Điều 9. Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng

Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng phải thoả mãn các điều kiện sau:
1. Điều kiện chủ thể:
a) Nhà đầu tư trong nước:
- Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia thì phải có ít nhất một nhà đầu tư có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án.
b) Nhà đầu tư nước ngoài:
Nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tỷ lệ phần vốn góp phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam;
- Phải liên doanh với doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam trong trường hợp cung ứng dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ truy nhập Internet. 
2. Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 10. Giấy phép hoạt động viễn thông

1. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư lập đề án đề nghị cấp giấy phép hoạt động viễn thông.
2. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động viễn thông thực hiện theo pháp luật chuyên ngành về viễn thông.
3. Nhà đầu tư được cấp giấy phép hoạt động viễn thông trong trường hợp có đề án thoả mãn các điều kiện sau:
a) Đúng với dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông có thẩm quyền chấp thuận khi thẩm tra.
b) Đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành về cấp phép tài nguyên thông tin, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, giá cước, kết nối, đảm bảo an ninh thông tin, ...
c) Trường hợp đề án đề nghị cấp giấy phép hoạt động viễn thông không phù hợp với nội dung của dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông có thẩm quyền chấp thuận khi thẩm tra và/hoặc không đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông từ chối cấp giấy phép hoạt động viễn thông. 

Chương III
ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH 

Điều 11. Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát
Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát phải thoả mãn các điều kiện sau:
1. Điều kiện chủ thể:
a) Nhà đầu tư
Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phải là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc nước sở tại và có đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát.
b) Đối tác nước ngoài của nhà đầu tư trong nước
Đối tác nước ngoài của nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát hợp pháp tại nước sở tại, nếu đầu tư để cung ứng dịch vụ chuyển phát quốc tế.
- Là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát hợp pháp tại nước sở tại và có mạng lưới, kinh nghiệm hoạt động trong phạm vi hợp tác, nếu đầu tư để cung ứng dịch vụ chuyển phát thư quốc tế.
c) Nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
 Nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát hợp pháp tại nước sở tại; có mạng lưới và kinh nghiệm trong phạm vi hợp tác.
2. Tỷ lệ vốn góp
a) Nhà đầu tư trong nước được thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư trong nước để cung ứng dịch vụ chuyển phát.
b) Nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài được hợp tác đầu tư theo các hình thức đầu tư trực tiếp để cung ứng dịch vụ chuyển phát với phần vốn góp của bên nước ngoài tối đa đến 51% và phù hợp với quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
c) Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh với nhà đầu tư trong nước với tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trên 51% hoặc thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài kể từ ngày 11/01/2012.

Điều 12. Giấy phép hoạt động bưu chính

1. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư thực hiện các công việc sau:
a) Thông báo hoạt động kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát.
b) Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chuyên ngành theo quy định của pháp luật liên quan đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát thư.
2. Trường hợp nhà đầu tư trong nước làm đại lý dịch vụ chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan. 

Chương IV
MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐẶC THÙ VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG 

Điều 13. Quản lý dự án đầu tư công trình bưu chính, viễn thông
Việc quản lý các dự án đầu tư công trình bưu chính, viễn thông được thực hiện theo các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các quy định của Nghị định này.

Điều 14. Thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư công trình bưu chính, viễn thông.

1. Các dự án có quy mô đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên không phân biệt nguồn vốn, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở.
2. Đối với các dự án có quy mô đầu tư dưới 7 tỷ đồng, người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định dự án trước khi phê duyệt dự án.
3. Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở:
a) Đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A không phân biệt nguồn vốn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở.
b) Đối với các dự án nhóm B, C (có quy mô đầu tư trên 7 tỷ đồng), Sở Bưu chính Viễn thông nơi triển khai dự án tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở và lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương (nếu dự án có hoạt động xây dựng).
c) Đối với các dự án nhóm B, C có công trình triển khai trên nhiều địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở sau khi lấy ý kiến của các địa phương có công trình đi qua về quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi trường.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông quy định nội dung, quy trình thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư công trình bưu chính, viễn thông. 

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Các dự án đầu tư công trình bưu chính, viễn thông được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải trình duyệt lại dự án, các nội dung công việc tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các quy định trái với các quy định của Nghị định này.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

08/12/2007

Đã xem

1879 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com