Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động và đình công

Ngày đăng: 10:59 16-04-2007 | 1398 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;          
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;          
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, 

Nghị định:
 
Chương I
Quy định chung 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động liên quan đến việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công được Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006.
 
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động; Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Ban chấp hành công đoàn lâm thời (sau đây gọi chung là Ban chấp hành công đoàn cơ sở); đại diện của tập thể lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã;
b) Tổ chức, đơn vị, cá nhân Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có sử dụng người lao động Việt Nam theo chế độ hợp đồng lao động.
2. Người lao động Việt Nam làm việc cho các cơ quan, tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được áp dụng quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Khoản 1 và các cơ quan, tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của các tổ chức kinh tế nước ngoài có sử dụng người lao động Việt Nam theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Khoản 2 Điều này, sau đây gọi chung là doanh nghiệp.
4. Nghị định này cũng được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp lao động, giải quyết các cuộc đình công của tập thể lao động.
 
Điều 3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động, đình công
1. Việc giải quyết tranh chấp lao động phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 158 của Bộ luật lao động.
2. Việc giải quyết tranh chấp lao động phải đảm bảo các quy định của pháp luật lao động về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động từ hoà giải tại cơ sở đến việc giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc Hội đồng trọng tài lao động.
3. Việc giải quyết đình công phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, lợi ích công cộng.
4. Các bên tranh chấp lao động phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đình công, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đình công. 

Chương II
Giải quyết tranh chấp lao động 
      
Mục I
Hội đồng hoà giải lao động cơ sở và hoà giải viên lao động 

Điều 4. Thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở theo Khoản 1 , Khoản 2 Điều 162 và Hoà giải viên lao động theo Điều 163 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở (sau đây gọi tắt là Hội đồng hoà giải), dự kiến và cùng thảo luận, quyết định lựa chọn các thành viên tham gia Hội đồng.
2. Người sử dụng lao động ra Quyết định thành lập Hội đồng hoà giải, trong Quyết định ghi rõ họ tên của từng thành viên, Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng hoà giải, nhiệm kỳ của Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng hoà giải.
Quyết định thành lập Hội đồng hoà giải phải được gửi về cơ quan lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan lao động cấp huyện) để theo dõi, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và các thành viên của Hội đồng.
3. Đại diện của bên người sử dụng lao động và bên người lao động trong Hội đồng hoà giải như sau:
a) Bên người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền bằng văn bản để thực hiện các quyền của doanh nghiệp theo quy định pháp luậtcử làm đại diện;
b) Đại diện của người lao động do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cử trong số uỷ viên Ban chấp hành công đoàn hoặc đoàn viên công đoàn tại doanh nghiệp.
Ban chấp hành công đoàn cơ sở có thểthoả thuận với người sử dụng lao động để lựa chọn một hoặc một số chuyên gia ngoài doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này cùng tham gia vào Hội đồng hoà giải.
4. Những người có đủ các điều kiện sau đây được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện công nhận là hoà giải viên lao động:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có hiểu biết về pháp luật lao động hoặc có uy tín trong quan hệ lao động;
c) Có kỹ năng hoà giải hoặc kinh nghiệm trong việc tổ chức hoà giải để đảm nhiệm công việc của hoà giải viên lao động;
d) Tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải.
5. Hội đồng hoà giải phải có ít nhất bốn (04) người trong đó có Chủ tịch và Thư ký Hội đồng. Kể từ ngày thành lập, mỗi năm một lần đại diện của mỗi bên luân phiên làm Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.
6. Cơ quan lao động cấp huyện, Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Liên đoàn lao động cấp huyện) hoặc tương đương(Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất...), đại diện của người sử dụng lao động cấp huyện lập danh sách các thành viên có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này gửi cơ quan lao động cấp huyện tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận hoà giải viên lao động.
Đối với những người có đủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều này, nếu có nguyện vọng tham gia hoà giải viên lao động thì nộp hồ sơ gửi cơ quan lao động cấp huyện để đăng ký danh sách tham gia hoà giải viên lao động.
7. Trên cơ sở danh sách hoà giải viên đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận, cơ quan lao động cấp huyện cử hoà giải viên lao động tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động cụ thể tại địa bàn.
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục cử hoà giải viên lao động và việc quản lý đội ngũ hoà giải viên lao động.
 
Điều 5. Hoạt động giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng hoà giải theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 162 và Điều 165a của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Hội đồng hoà giải có nhiệm vụ hoà giải các vụ tranh chấp lao động cá nhân xảy ra tại doanh nghiệp và các vụ tranh chấp lao động tập thể khi có yêu cầu.
2. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải, Hội đồng hoà giải phải họp với các bên tranh chấp lao động để hoà giải.
3. Hội đồng hoà giải tổ chức việc hoà giải để giải quyết tranh chấp lao động theo các quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định này.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng hoà giải trong thời gian tham gia hoà giải, như: phòng họp hoà giải khi có vụ việc, cung cấp các phương tiện làm việc cho thành viên Hội đồng hoà giải, trả lương, trả công cho thành viên Hội đồng hoà giải trong quá trình tham gia hoà giải tranh chấp lao động.
 
Điều 6. Hoạt động giải quyết tranh chấp lao động của hoà giải viên lao độngtheo Điều 163 và Điều 165a của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Hoà giải viên lao động có nhiệm vụ hoà giải tất cả các vụ tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp chưa có Hội đồng hoà giải, tranh chấp việc thực hiện hợp đồng học nghề và chi phí dạy nghề, các tranh chấp quy định tại Khoản 2 Điều 166 của Bộ luật Lao động khi các đương sự có yêu cầu vàcác vụ tranh chấp lao động tập thể khi có yêu cầu.
2. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải, hoà giải viên lao động phải họp với các bên tranh chấp lao động để hoà giải.
Trường hợp vụ tranh chấp lao động xảy ra tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bố trí địa điểm để hoà giải viên lao động tiến hành phiên họp hoà giải.
Các trường hợp tranh chấp lao động không xảy ra tại doanh nghiệp thì cơ quan lao động cấp huyện bố trí địa điểm để hoà giải viên lao động tiến hành phiên họp hoà giải.
3. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của hoà giải viên lao động do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp trong dự toán kinh phí của cơ quan lao động cấp huyện.
4. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động và thù lao cho hoà giải viên lao động khi tham gia hoà giải tranh chấp lao động.
 
Điều 7. Lựa chọn hoà giải trong trường hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo Khoản 1 Điều 170 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động thoả thuận với người sử dụng lao động bằng văn bản trong việc lựa chọn Hội đồng hoà giải hoặc hoà giải viên lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại cơ sở.Trường hợp hai bên không thoả thuận được việc lựa chọn Hội đồng hoà giải hoặc hoà giải viên lao động giải quyết tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp thuộc trách nhiệm của Hội đồng hoà giải.

Mục II
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện 

Điều 8. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo Khoản 2 Điều 170 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có nhiệm vụ giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền xảy ra trên địa bàn trong các trường hợp sau:
a) Vụ tranh chấp lao động tập thể đã được Hội đồng hoà giải hoặc hoà giải viên lao động tiến hành hoà giải nhưng không thành;
b) Đã hết thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn mà Hội đồng hoà giải hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải hoặc không tổ chức được phiên họp hoà giải.
2. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải họp với các bên tranh chấp lao động để giải quyết vụ tranh chấp.
         
Điều 9. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo Điểm b Khoản 1 Điều 170a của Bộ luật lao động được quy định như sau:
1. Trong thời gian bangày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, cơ quan lao động cấp huyện chủ trì phối hợp với Phòng Tư pháp, Thanh tra cấp huyện và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu các nội dung liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể và đề xuất biện pháp giải quyết.
2. Trường hợp cần thiết, tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thể mời các cơ quan, tổ chức hữu quan cấp huyện cùng tham dự phiên họp giải quyết.
3. Trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền, nếu xét thấy vụ tranh chấp lao động tập thể xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác tại doanh nghiệp, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính.
Trường hợp các nội dung của tranh chấp lao động tập thể không liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác tại doanh nghiệp thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cùng với các cơ quan chuyên môn tiến hành hoà giải vụ tranh chấp. Nếu hai bên chấp nhận phương án hoà giải, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập biên bản hoà giải thành; nếu một trong hai bên không chấp nhận phương án hoà giải, thì lập biên bản hoà giải không thành và hướng dẫn để các bên tranh chấp lao động yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết hoặc tập thể lao động tiến hành các thủ tục để đình công.
4. Cơ quan lao động phối hợp với Liên đoàn lao động cấp huyện hoặc tương đương giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, giám sát các bên tranh chấp lao động thực hiện các quy định của pháp luật về việc yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết tranh chấp lao động hoặc tiến hành các thủ tục để đình công. 

Mục III
Gải quyết tranh chấp lao động tập thể của Hội đồng trọng tài lao động 

Điều 10. Thành lập Hội đồng trọng tài lao độngtheo Điều 164 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
1. Sau khi thống nhất với các ngành liên quan dự kiến Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động để hoà giải các vụ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xảy ra trên địa bàn mình quản lý.
2. Hội đồng trọng tài lao động đặt trụ sở tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có con dấu riêng.
3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động do ngân sách nhà nước cấp được tổng hợp trong dự toán kinh phí của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí địa điểm, phương tiện làm việc và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.
4. Thành phần của Hội đồng trọng tài lao động được hình thành theo số lẻ, tối đa không quá bảy thành viên, tối thiểu không dưới năm thành viên, gồm có:
a) Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Thư ký Hội đồng là công chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cử;
c) Một thành viên là đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh;
d) Một thành viên là đại diện của người sử dụng lao động;
đ) Một hoặc một số thành viên là luật gia hoặc là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động, có uy tín và công tâm.
5. Thư ký Hội đồng trọng tài lao động làm việc chuyên trách làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng, được hưởng phụ cấp trách nhiệmtương đương chức vụ trưởng phòng. Các thành viên khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tham gia giải quyết vụ tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật tương đương với chế độ bồi dưỡng phiên toà.
6. Các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin về các quy định của pháp luật lao động, được tham dự các lớp bồi dưỡng về pháp luật lao động do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
 
Điều 11. Hoạt động giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động theo Điều 164 và Điều 171 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Khi Hội đồng trọng tài lao động họp để hoà giải vụ tranh chấp lao động tập thể, số thành viên có mặt của Hội đồng nhất thiết phải có các thành viên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, đại diện của những người sử dụng lao động địa phương.
2. Khi tiến hành giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp không được đình công xảy ra trên địa bàn, Hội đồng trọng tài phải ra Quyết định giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Quyết định của Hội đồng trọng tài là Quyết định cuối cùng trong việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đối với các doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp không được đình công.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải, Hội đồng trọng tài lao động phải họp với các bên tranh chấp lao động để giải quyết vụ tranh chấp lao động. 

Chương III
Cử đại diện tập thể lao động để tổ chức Đình công, xác định người lao động không tham gia đình công và việc Giải quyết các vụ ngừng việc của tập thể lao động khi tranh chấp lao động tập thể về quyền          

Điều 12. Cử đại diện tập thể lao động để tổ chức và lãnh đạo đình công theo Điều 172a của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở, tập thể lao động được cử đại diện để tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định như sau:
1. Căn cứ vào quy mô và số lượng người lao động trong doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp, tập thể lao động quyết định số lượng đại diện tập thể lao động theo nguyên tắc số lẻ, tối đa không quá chín (09) người, tối thiểu không dưới ba (03) người để đại diện cho tập thể lao động để tổ chức và lãnh đạo đình công tại doanh nghiệp.
2. Cơ quan lao động cấp huyện phối hợp với Liên đoàn lao động cấp huyện hoặc tương đương hướng dẫn tập thể lao động cử đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp.
3. Những người lao động được tập thể lao động cử làm đại diện cử một người chuẩn bị bằng văn bản thông báo với Liên đoàn lao động cấp huyện hoặc tương đương về việc được cử làm đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp.
4. Những người được cử làm đại diện tập thể lao động để tổ chức, lãnh đạo đình công có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động về việc tổ chức, lãnh đạo đình công;
b) Có các quyền hạn và nghĩa vụ như đối với thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức, lãnh đạo đình công;
c) Được hưởng quyền lợi như cán bộ công đoàn cơ sở khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động trong quá trình làm đại diện tập thể lao động;
d) Thời gian làm đại diện tập thể lao động được tính từ thời điểm tập thể lao động cử đến khi kết thúc việc giải quyết tranh chấp lao động.
 
Điều 13. Xác định người lao động không tham gia đình công theo quy định tại Khoản 1 Điều 174d của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
Người lao động được xác định là người không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công là những người bỏ phiếu không tán thành hoặc không biểu quyết đình công, những người thuộc bộ phận của doanh nghiệp không đình công nhưng do ảnh hưởng của đình công phải ngừng việc. 
 
Điều 14. Giải quyết cuộc ngừng việc tập thể lao động khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyềntheo khoản 3 Điều 159 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyền dẫn đến ngừng việc tạm thời của tập thể lao động mà không tuân theo quy định của pháp luật lao động về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, đình côngthì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan của tỉnh phối hợp giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể.
2. Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động cấp tỉnh, đại diện của người sử dụng lao động cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan phải có mặt kịp thời tại doanh nghiệp để phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể.
3. Căn cứ vào nội dung yêu cầu của tập thể lao động, các cơ quan, tổ chức tiến hành giải quyết như sau:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra Quyết địnhyêu cầu tập thể lao động phải trở lại làm việc ngay;
b) Xem xét, xử lý đối hành vi vi phạm pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác tại doanh nghiệp;
c) Tiến hành hoà giải đối với các nội dung của tranh chấp lao động tập thể không xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác tại doanh nghiệp;
Trường hợp hoà giải không thành, đối với nơi có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì hướng dẫn các bên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật lao động về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Đối với nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì Liên đoàn lao động cấp tỉnh hướng dẫn tập thể lao động cử đại diện tập thể lao động để tiến hành giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể theo đúng quy định của pháp luật.

Chương IV
Điều khoản thi hành 

Điều 15. Hiệu lực thi hành          
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Bãi bỏ Nghị định số 58/CP ngày 31 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc trả lương và giải quyết các quyền lợi khác cho người lao động tham gia đình công trong thời gian đình công; bãi bỏ Quyết định số 744/TTg ngày 08 tháng 10 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh. 
 
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. 

TM. CHÍNH PHỦ
  THỦ TƯỚNG

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

16/04/2007

Đã xem

1398 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com