Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT XÂY DỰNG SỬA ĐỔI

Ngày đăng: 09:43 03-07-2013 | 2101 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Xây dựng

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

Dự thảo (18-6-2013)

Ghi chú:

-    Chữ nghiêng là nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Xây dựng hiện hành

                                                                   

LUẬT XÂY DỰNG (Sửa đổi)

            Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

  Quốc hội ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi).

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

  Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

  Luật này quy định về hoạt động đầu tư xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư xây dựng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

  Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

  Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát khảo sát xây dựng, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.

  2. Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế.

  3. Thiết bị lắp đặt vào công trình bao gồm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ. Thiết bị công trình là các thiết bị được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế xây dựng. Thiết bị công nghệ là các thiết bị nằm trong dây chuyền công nghệ được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ.

  4. Thi công xây dựng công trình bao gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình.

  5. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải và các công trình khác.

  6. Hệ thống công trình hạ tầng xã hội bao gồm các công trình y tế, văn hoá, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên, mặt nước và các công trình khác.

  7. Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa, để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.

  8. Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên lô đất.

  9. Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng­, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trư­ờng. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.

  10. Quy hoạch xây dựng vùng là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc một huyện, liên tỉnh, liên huyện phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

  11. Khu chức năng đặc thù được hình thành, xác định theo quy hoạch xây dựng vùng. Tùy tính chất, chức năng, mục tiêu phát triển, khu chức năng đặc thù có thể phải được cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập.

  12. Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù là việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi một khu chức năng đặc thù, đảm bảo các hoạt động sinh hoạt và làm việc của người dân. Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù bao gồm các cấp độ: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng.

   13. Quy hoạch chung xây dựng là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một khu chức năng đặc thù, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu chức năng đặc thù, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

   14. Quy hoạch phân khu xây dựng là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực thuộc khu chức năng đặc thù nhằm cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung xây dựng.

   15. Quy hoạch chi tiết xây dựng là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hoá nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung xây dựng.

   16. Thời hạn quy hoạch xây dựng là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho việc lập đồ án quy hoạch xây dựng.

   17. Thời hạn hiệu lực của quy hoạch xây dựng là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc huỷ bỏ.

   18. Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng là chỉ tiêu để quản lý phát triển không gian, kiến trúc được xác định cụ thể cho một khu vực hay một lô đất bao gồm mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao xây dựng tối đa, tối thiểu của công trình.

   19. Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án quy hoạch xây dựng là các chỉ tiêu được dự báo, xác định, lựa chọn làm cơ sở đề xuất các phương án, giải pháp quy hoạch xây dựng bao gồm quy mô dân số, đất đai, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội và môi trường.   

   20. Chứng chỉ quy hoạch là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và các thông tin liên quan của một khu vực hoặc một lô đất theo đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

   21. Hạ tầng kỹ thuật khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính của khu chức năng đặc thù, bao gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật.

  22. Quy hoạch xây dựng nông thôn là việc tổ chức không gian, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của nông thôn. Quy hoạch xây dựng nông thôn bao gồm quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

  23. Điểm dân cư nông thôn là nơi cư trú tập trung của nhiều hộ gia đình gắn kết với nhau trong sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác trong phạm vi một khu vực nhất định bao gồm trung tâm xã, thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn) được hình thành do điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá, phong tục, tập quán và các yếu tố khác.

  24. Dự án đầu tư xây dựng là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến việc nghiên cứu, bỏ vốn, xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình xây dựng để phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong một thời hạn nhất định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án, dự án đầu tư xây dựng được thể hiện thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

  25. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và tính hiệu quả của việc đầu tư xây dựng, làm cơ sở để xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.

  26. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở để xem xét, phê duyệt và quyết định đầu tư xây dựng.

  27. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế bản vẽ thi công đối với các công trình có quy mô nhỏ, để làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

  28. Thẩm định là việc kiểm tra, đánh giá của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với những nội dung cần thiết trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng để làm cơ sở xem xét, quyết định phê duyệt.

  29. Thẩm tra là việc kiểm tra, đánh giá về mặt chuyên môn của tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với những nội dung cần thiết trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng để làm cơ sở cho công tác thẩm định.

  30. Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng là quyết định của người có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng  sau khi đã được thẩm định.

  31. Người quyết định đầu tư là cá nhân hoặc đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 47 của Luật này.

32. Chủ đầu tư xây dựng là tổ chức, cá nhân sở hữu vốn hoặc người thay mặt chủ sở hữu hoặc người vay vốn và trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động xây dựng.


  33. Quy chuẩn kỹ thuật là các quy định bắt buộc áp dụng trong các hoạt động xây dựng, bao gồm: khảo sát và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.

34. Tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động xây dựng là các quy định về đặc tính kỹ thuật được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động xây dựng. Tiêu chuẩn xây dựng gồm tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài.

35. Giấy phép xây dựng tạm là giấy phép được cấp để xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo thời hạn thực hiện quy hoạch xây dựng.

36. Giấy phép xây dựng theo giai đoạn là giấy phép được cấp cho từng phần của công trình hoặc công trình của dự án khi thiết kế xây dựng của cả công trình hoặc của cả dự án chưa được thực hiện xong.

  37. Nhà thầu trong hoạt động xây dựng là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

  38. Tổng thầu xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng để nhận thầu toàn bộ một loại công việc hoặc toàn bộ công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình. Tổng thầu xây dựng bao gồm các hình thức chủ yếu sau: tổng thầu thiết kế; tổng thầu thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình.

  39. Nhà thầu chính trong hoạt động xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng nhận thầu trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng để thực hiện phần việc chính của một loại công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình.

  40. Nhà thầu phụ trong hoạt động xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng để thực hiện một phần công việc của nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng.

  41. Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

  42. Thiết kế cơ sở là tập tài liệu bao gồm thuyết minh và bản vẽ thể hiện giải pháp thiết kế chủ yếu bảo đảm đủ điều kiện lập tổng mức đầu tư và là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.

  43. Giám sát tác giả là hoạt động giám sát của người thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình nhằm bảo đảm việc thi công xây dựng theo đúng thiết kế.

  44. Sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ; đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ công trình hoặc công trình không sử dụng được theo thiết kế.

  45. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bao gồm: Chính phủ; Bộ Xây dựng; các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các cấp.

  46. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành bao gồm: Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

  47. Cơ quan chuyên môn thuộc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng (viết tắt là Cơ quan chuyên môn về xây dựng) là cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc quận, huyện thuộc các thành phố trực thuộc trung ương.

  48. Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Tờ trình về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi)

Ngày nhập

03/07/2013

Đã xem

2101 lượt xem

DỰ THẢO LUẬT XÂY DỰNG SỬA ĐỔI

Ngày nhập

03/07/2013

Đã xem

2101 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Xây dựng

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com