Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT VỀ HỘI

Ngày đăng: 19:59 10-05-2006 | 1837 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Nội vụ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

LUẬT VỀ HỘI

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10.
Luật này quy định về hội. 

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hội
Hội là tổ chức tự nguyện, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng, góp phần phát triển đất nước.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có tư cách pháp nhân.
2. Hội không có tư cách pháp nhân do Chỉnh phủ quy định.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Phương án 1:
1. Luật này áp dụng đối với công dân, tổ chức Việt Nam.
2. Luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và các tổ chức tôn giáo.
3. Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thương mại, đầu tư và dịch vụ tại Việt Nam được thành lập hội doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Phương án 2:
1. Luật này áp dụng đối với công dân, tổ chức Việt Nam
2. Luật này không áp dụng đối với các tổ chức tôn giáo.
3. Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thương mại, đầu tư và dịch vụ tại Việt Nam được thành lập hội doanh nghiệp do Chính phủ quy định.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội

Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:
1. Tự nguyện;
2. Hoạt động thường xuyên;
3. Tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật;
4. Tự chủ về tài chính;
5. Không vụ lợi;
6. Dân chủ, công khaii, minh bạch.

Điều 5. Áp dụng pháp luật về hội

1. Việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội áp dụng theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp đặc thù liên quan đến việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội được quy định tại luật khác thì áp dụng theo quy định của luật đó.

Điều 6. Điều kiện trở thánh hội

1.Có mục đích hoật động không trái pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trên cùng một đơn vị hành chính.
2. Có giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Có đủ số hội viên tham gia hội theo quy định của Chính phủ; có điều lệ; có trụ sở giao dịch; có tài sản độc lập.

Điều 7. Nội dung quản lý nhà nước về hội

1. Xây dựng, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về hội.
2. Đăng ký thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể hội; công nhận điều lệ hội.
3. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.
5. Đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác hội.

Điều 8. Cơ quan quản lý nhà nước về hội

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội.
2. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về hội trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

Lợi dụng quyền lập hội, danh nghĩa của hội để hoạt động trái pháp luật; xâm phạm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết dân tộc, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đực, thuần phong mỹ tục của dân tộc.  

Chương II
THỦ TỤC THÀNH LẬP HỘI

Điều 10. Ban vận động thành lập hội
1. Sáng lập viên thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội có ít nhất 5 thành viên. Sau khi thành lập, ban vận động thành lập hội thông báo bằng văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này.
2. Sáng lập viên gồm:
a) Công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, có hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động.
b) Tổ chức được thành lập hợp pháp.
3. Ban vận động thành lập hội có các nhiệm vụ:
a) Lập hồ sơ đăng ký thành lập hội gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Tổ chức đại hội thành lập hội sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội.
4. Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội thành lập bầu được ban lãnh đạo hội.

Điều 11. Tên, biểu tượng, trụ sở và con dấu của hội

1. Tên của hội:
a) Bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật;
b) Không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành lập hợp pháp;
c) Không vi phạm truyền thống văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Hội có thể có biểu tượng riêng.
3. Hội có trụ sở chính đặt tại Việt Nam và thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở.
4. Hội có con dấu, và tài khoản riêng.

Điều 12. Hồ sơ đăng ký thành lập hội

Hồ sơ đăng ký thành lập hội gồm:
1. Đơn đăng ký thành lập hội;
2. Dự thảo điều lệ;
3. Lý lịch tư pháp của người đứng đầu ban vận động thành lập hội;
4. Danh sách cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia hội;
5. Dự kiến nơi đặt trụ sở chính..

Điều 13. Nội dung chủ yếu của Điều lệ hội

1. Tên hội, biểu tương (nếu có);
2. Trụ sở chính;
3. Mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động;
4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động;
5. Tiêu chuẩn hội viên;
6. Quyền, nghĩa vụ của hội viên;
7. Thủ tục vào hội, ra hội;
8. Thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên;
9. Tổ chức hội;
10. Nhiệm vụ, quyền hạn, thể thức bầu, miễn nhiệm ban lãnh đạo hội và ban kiểm tra;
11. Tài sản, tài chính.
12. Trình tự, thủ tục giải thể.
13. Khen thưởng, kỷ luật;
14. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung điều lệ;
15. Khiếu nại, giải quyết khiếu nại.
16. Hiệu lực thi hành.

Điều 14. Nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 15. Đại hội thành lập hội.

1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, Ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội thành lập hội và báo cáo kết quả đại hội, văn bản đề nghị công nhận điều lệ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn 60 ngày, kể tự ngày nhận được điều lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận điều lệ hội, trường hợp không công nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
3. Điều lệ hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Điều 16. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội; công nhận điều lệ hội

1. Bộ Nội vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội; công nhận điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước, liên tỉnh.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội; công nhận điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.
3.Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội đối với hội nào thì cấp giấy đăng ký việc đổi tên, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; chấp thuận hoặc quyết định giải thể hội; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, khi hội giải thể.  

Chương III
HỘI VIÊN

Điều 17. Hội viên của hội
Hội viên của hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết, hội viên danh dự.

Điều 18. Hội viên chính thức

1. Công dân, tổ chức Việt Nam tán thành điều lệ hội, tự nguyện gia nhập hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội viên theo quy định của điều lệ hội.
2. Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam tán thành điều lệ hội, tự nguyện, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội viên theo điều lệ hội, được gia nhập hội doanh nghiệp của Việt Nam cùng lĩnh vực hoạt động.

Điều 19. Hội viên liên kết

Phương án 1:
Công dân, tổ chức Việt Nam tán thành điều lệ hội, tự nguyện tham gia hội, đóng góp cho hội nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa có nguyện vọng trở thành hội viên chính thức có thể trở thành hội viên liên kết.
Người nước ngoài là nhà khoa học, hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực hội hoạt động, tán thành điều lệ hội, đóng góp cho hội có thể trở thành hội viên liên kết.
Phương án 2:
Công dân, tổ chức Việt Nam tán thành điều lệ hội, tự nguyện tham gia hội, đóng góp cho hội nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa có nguyện vọng trở thành hội viên chiín thức có thể trở thành hội viên liên kết.

Điều 20. Hội viên danh dự

Công dân, tổ chức Việt Nam có uy tín, đóng góp cho hội, được hội suy tôn là hội viên danh dự.

Điều 21. Kết nạp, khai trừ hội viên

Việc kết nạp, khai trừ hội viên do điều lệ hội quy định.

Điều 22. Quyền, nghĩa vụ của hội viên

1. Quyền, nghĩa vụ của hội viên do điều lệ hội quy định.
2. Hội viên liên kết, hội viên danh dự có quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức trừ quyền bầu cử, ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, ban kiểm tra của hội và không tham gia biểu quyết về các vấn đề của hội.  

Chương IV
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 23. Tổ chức của hội
Tổ chức của hội gồm:
1. Đại hội;
2. Ban lãnh đạo;
3. Ban kiểm tra;
4. Các tổ chức khác do điều lệ hội quy định.

Điều 24. Đại hội
1. Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội. Đại hội được tổ chức theo hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu hội viên do điều lệ hội quy định.
2. Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy đinh, nhưng không quá 5 năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước; trường hợp hội không tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định của điều lệ hội, ban lãnh đạo hội có văn bản đề nghị gia hạn thời gian tổ chức đại hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 25. Đại hội bất thường

Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất trên một phần hai số hội viên chính thức hoặc hai phần ba tổng số thành viên ban lãnh đạo hội đề nghị.

Điều 26. Báo cáo đại hội.

1. Chậm nhất 30 ngày trước khi tổ chức đại hội, ban lãnh đạo hội thông báo bằng văn bản về việc tổ chức đại hội gửi tới cơ  quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường, ban lãnh đạo hội báo cáo kết quả đại hội bằng băn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 27. Biểu quyết

Nguyên tắc và hình thức biểu quyết do điều lệ hội quy định.

Điều 28. Ban lãnh đạo, ban kiểm tra, người đứng đầu hội

Nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo, ban kiểm tra, người đứng đầu hội do điều lệ hội quy định.

Điều 29. Tiêu chuẩn người đứng đầu hội

Người đứng đầu hội phải có các tiêu chuẩn:
1. Là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự;
2. Có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ và có uy tín trong lĩnh vực hội hoạt động;
3. Có sức khỏe, điều kiện để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Điều 30. Văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài của hội

Hội được lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Điều 31. Quyền hạn của hội

1. Tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
2. Tuyên truyền mục đích của hội.
3. Kết nạp, khai trừ hội viên.
4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên.
5. Phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên.
6. Tư vấn, phản biện, giám định các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.
7. Được thành lập pháp nhân thuộc hội hoạt động trong lĩnh vực mà điều lệ hội quy định. Việc thành lập pháp nhân thuộc hội theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Nghĩa vụ của hội

1. Nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
2. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi người đứng đầu hội, địa chỉ trụ sở hội.
3. Hàng năm hội báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán và thống kê.
5. Hồ sơ danh sách hội viên, tổ chức thuộc hội, chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của hội, nghị quyết và biên bản các kỳ họp ban lãnh đạo hội được lưu giữ tại trụ sở hội.
6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. 

Chương V
LIÊN HIỆP; HỢP NHẤT, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ HỘI

Điều 33. Liên hiệp
1. Các hội hoạt động trong cùng lĩnh vực có thể tự nguyện liên kết thành lập liên hiệp.
2. Việc gia nhập hoặc rút khỏi liên hiệp trên cơ sở tự nguyện của mỗi hội do đại hội và điều lệ hội quy định.
3. Các hội thành viên được tổ chức, hoạt động theo điều lệ của hội và thực hiện điều lệ của liên hiệp.
4. Việc thành lập liên hiệp thực hiện theo quy định từ Điều 9 đến Điều 16 Chương II của Luật này.

Điều 34. Hợp nhất, chia, tách, sáp nhập hội

Việc hợp nhất, chia, tách, sáp nhập hội được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 35. Giải thể hội

Hội giải thể trong các trường hợp sau:
1. Tự giải thể;
2. Bị giải thể.

Điều 36. Hội tự giải thể

Hội tự giải thể trong các trường hợp:
1. Hết thời hạn hoạt động theo quy định của điều lệ hội;
2. Trên một nửa số hội viên đề nghị giải thể;
3. Mục tiêu đã hoàn thành.

Điều 37. Trách nhiệm của ban lãnh đạo hội khi hội tự giải thể

1. Ban lãnh đạo hội gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền các văn bản:
a) Văn bản đề nghị giải thể hội;
b) Nghị quyết giải thể hội;
c) Bản kiểm kê tài sản, tài chính;
d) Dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ.
2. Ban lãnh đạo hội phải thông báo thời hạn thanh toán nợ (nếu có) cho các tổ chức, có nhân có liên quan.

Điều 38. Chấp thuận việc giải thể

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc giải thể hội và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội khi:
a) Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài sản
b) Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ, thanh lý tài sản, tài chính mà không có khiếu nại, tố cáo;
2. Quyền, nghĩa vụ của hội chấm dứt kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội.

Điều 39. Hội bị giải thể

Hội bị giải thể trong các trường hợp sau:
1. Không hoạt động liên tục trong 12 tháng;
2. Hoạt động của hội vi phạm nghiêm trọng pháp luật, điều lệ hội;
3. Hết thời hạn hoạt động mà hội không tự giải thể.
4. Quá thời giạn gia hạn 12 tháng mà không tổ chức Đại hội nhiệm kỳ

Điều 40. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi hội bị giải thể

1. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý tài sản, tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Xử lý tài sản, tài chính khi hội hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể

Việc xử lý tài sản, tài chính khi hội hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể theo quy định của pháp luật.

Điều 42. khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về hội theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và điều lệ hội 

Chương VI
TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 43. Thu và chi của hội
1. Các khoản thu gồm:
a) Hội phí;
b) Tài trợ của tổ chức, cá nhận trong nước và ngoài nước
c) Các khoản chi được thực hiện theo quy định của điều lện hội và quy định của pháp luật.

Điều 44. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội

Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật.

Điều 45. Chính sách về tài chính của nhà nước đối với hội

Chính phủ quy định về chính sách tại chính của nhà nước đối với hội. 

Chương VII
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 46. Khen thưởng
Hội và hội viên có nhiều thành tích đóng góp cho hội và phát triển đất nước thì được khen thưởng theo quy định của điều lệ hội và pháp luật

Điều 47. Xử lý vi phạm

Người nào vi phạm quy định của Luật này và quy định của các luật khác có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày …... tháng …........ năm 2007
2. Luật này thay thế Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Luật quy định quyền lập hội
3. Hội thành lập hợp pháp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải làm thủ tục đăng ký thành lập lại theo quy định của Luật này.

Điều 49. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ … thông qua ngày … tháng … năm …2006
 
                                                                   CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
                                                                         Nguyễn Văn An 
 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Báo cáo thẩm tra

Ngày nhập

10/05/2006

Đã xem

1837 lượt xem

Tờ trình dạng .PDF

Ngày nhập

10/05/2006

Đã xem

1837 lượt xem

Dự thảo dạng .PDF

Ngày nhập

10/05/2006

Đã xem

1837 lượt xem

Tờ trình dạng .DOC

Ngày nhập

10/05/2006

Đã xem

1837 lượt xem

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

10/05/2006

Đã xem

1837 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 5

Cơ quan soạn thảo Bộ Nội vụ

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com