Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Ngày đăng: 16:53 07-04-2014 | 2202 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

LUẬT

TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý tổng hợp, thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển Việt Nam và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển Việt Nam và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.

2. Trường hợp quy định của Luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.  

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước, đáy và lòng đất dưới đáy biển, vùng bờ và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

2. Vùng bờ là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển.

3. Hải đảo bao gồm các đảo, quần đảo.

4. Quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái là phương thức quản lý nhằm bảo đảm tài nguyên được khai thác, sử dụng hợp lý, duy trì tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

5. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển là khả năng xảy ra ô nhiễm và thiệt hại mà ô nhiễm môi trường biển có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội.

6. Chủ cơ sở là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về pháp lý đối với các hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu, hóa chất độc hại gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển.

7. Nhận chìm là việc đánh chìm xuống biển tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác.

8. Đổ thải là việc trút bỏ xuống biển các chất thải.

9. Vùng biển 03 hải lý vùng biển có ranh giới phía ngoài cách đường mép nước biển triều kiệt trung bình trong nhiều năm theo phương vĩ tuyến một khoảng cách 03 hải lý.

10. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo là việc Nhà nước điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng tài nguyên biển và hải đảo tại thời điểm thống kê và tình hình biến động giữa hai lần thống kê.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành, các cấp và các bên liên quan, đi đôi với bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo.

2. Hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo phải được quản lý thống nhất và thực hiện đi trước một bước theo định hướng ưu tiên trong từng giai đoạn, bảo đảm tính lồng ghép trong điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường.

3. Tăng cường bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển, quản lý chặt chẽ các hoạt động đổ thải, nhận chìm trên biển.

4. Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, thống nhất, hiệu quả về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh, quốc phòng.

5. Đẩy mạnh công tác đào tạo, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tăng cường sự tham gia của tổ chức, cộng đồng và người dân trong quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

6. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

 7. Tăng cường kiểm tra, giám sát tổng hợp hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 6. Nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhất là ở vùng bờ phải được quản lý tổng hợp, thống nhất dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển, hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển, hải đảo được tăng cường bảo vệ, đồng thời hài hòa được lợi ích của các bên liên quan.

2. Mỗi vùng biển và hải đảo là một hệ thống tài nguyên thống nhất, phải được quản lý theo phương thức không cắt rời, chia nhỏ hoặc xem xét các thành phần của vùng biển, hải đảo một cách riêng biệt để đảm bảo tính toàn vẹn.

3. Mỗi vùng biển và hải đảo là một hệ thống tài nguyên đa chức năng, cần được quản lý để bảo đảm việc khai thác, sử dụng phù hợp với các chức năng đó và trong giới hạn chịu tải của hệ thống.

4. Việc quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đồng thời, bảo đảm sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân địa phương trong quá trình quản lý.

Điều 7. Nội dung quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Đánh giá tiềm năng kinh tế - xã hội liên quan đến biển; thống kê, phân loại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

3. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đăng ký hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

4. Thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ các cấp.

5. Điều tra, thống kê, phân loại, quản lý hồ sơ, quản lý việc khai thác, sử dụng các hải đảo.

6. Quản lý hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, thống nhất, hiệu quả về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

7. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển; quản lý, cấp phép việc nhận chìm, đổ thải trên biển.

8.  Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

9. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Ngày nhập

07/04/2014

Đã xem

2202 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com