VCCI_Góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Thứ Sáu 09:17 27-07-2018

Kính gửi: Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 2162/BTTTT-VP của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông (sau đây gọi tắt là Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau[1]:

  1. Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ An toàn thông tin mạng

Đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ điều kiện “Có phương án kinh doanh phù hợp” (điểm d khoản 1 Điều 42 Luật an toàn thông tin mạng), vì:

  • Mục tiêu quản lý: Quy định về điều kiện này là chưa rõ về mục tiêu quản lý. Nếu nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây là mục tiêu không phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014;
  • Tính minh bạch: Không rõ phương án kinh doanh thế nào được cho là “phù hợp”? Phù hợp về điều gì?
  • Tính hợp lý: Phương án kinh doanh của doanh nghiệp được quyết định dựa vào chiến lược kinh doanh, diễn biến của thị trường, vì vậy có thể nhiều lần thay đổi, đặc biệt là có thể thay đổi ngay sau thời điểm được cấp phép. Do đó, thông tin của phương án kinh doanh tại thời điểm xem xét để cấp phép là ít ý nghĩa. Mặt khác, cơ quan nhà nước không thể yêu cầu doanh nghiệp mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh lại phải thông báo/báo cáo/xin phép vì như thế là can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp cũng như tạo ra gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.

 

 

  1. Kinh doanh nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

Các điều kiện để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP, cần được cân nhắc, xem xét ở các vấn đề sau:

  • “Là tổ chức, doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng”.

Quy định này là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014 vì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Đề nghị bỏ cụm từ “có chức năng nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng”;

  • “Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động”

Quy định này vừa chưa minh bạch vừa chưa hợp lý, bởi:

  • Không rõ thế nào được cho là “có đủ” khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức nhân sự thế nào được cho là “phù hợp” với quy mô hoạt động;
  • Yêu cầu về tài chính, nhân sự, tổ chức nội bộ của doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh này là không cần thiết, bởi vì vì nhu cầu phát triển tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải bố trí tài chính cũng như nhân sự để có thể hoạt động. Nếu không có khả năng tài chính, cũng như nhân sự thì chính doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu rủi ro, còn những lợi ích công cộng sẽ ít bị ảnh hưởng. Do đó, Nhà nước không cần/không nên can thiệp về vấn đề này.

Từ những phân tích trên, đề nghị bỏ điều kiện này.

  1. Kinh doanh nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động về cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử

Phương án đã cắt giảm một số điều kiện để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, điều này thể hiện tinh thần cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong hoạt động này vẫn còn một số điều kiện cần được xem xét để cắt giảm tiếp, cụ thể:

  • “Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng”.

Góp ý tương tự như trên, để đảm bảo thống nhất với Luật doanh nghiệp 2014, đề nghị bỏ cụm từ “ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng”;

  • “Có phương án đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người chơi”

Quy định này là không cần thiết, vì trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thì yếu tố về chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người chơi là một trong những điểm để doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng. Vì vậy tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ nếu muốn tồn tại và phát triển. Do đó, đây là vấn đề của thị trường Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

Về việc bảo vệ quyền lợi của người chơi, quy định hiện hành đã có nhiều ràng buộc để bảo vệ người chơi ở dưới góc độ (an toàn, bí mật thông tin cá nhân của người chơi; giới hạn thời gian chơi tối đa) – đây là những vấn đề thuộc về lợi ích công cộng, Nhà nước can thiệp là hợp lý. Còn vấn đề thuộc về lĩnh vực thị trường thì Nhà nước can thiệp là chưa hợp lý.

Đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này. Tương tự, bỏ quy định này trong Điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4.

  • “Có đội ngũ nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động và loại hình cung cấp dịch vụ”

Tương tự như phân tích ở trên, điều kiện này vừa chưa đảm bảo tính minh bạch (không rõ thế nào được cho là “phù hợp”) vừa chưa đảm bảo tính hợp lý (tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải bố trí các nhân sự phù hợp để đảm bảo hoạt động), đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này.

  1. Kinh doanh dịch vụ viễn thông

Các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (bao gồm Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông) theo quy định tại Luật viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 81/2016/NĐ-CP, cần được xem xét ở một số vấn đề sau:

  • “Có đủ khả năng tài chính, bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án”

Quy định này là chưa rõ về mục tiêu quản lý. Nếu nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh/hoạt động của doanh nghiệp thì là mục tiêu chưa phù hợp với quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014. Mặt khác, điều kiện này chưa đảm bảo yếu tố minh bạch vì không rõ như thế nào được cho là “đủ” khả năng tài chính, bộ máy và nhân lực.

Đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này.

  • “Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông”.

Tương tự các góp ý về phương án kinh doanh ở trên, quy định này là sự can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp trong quyết định các phương án kinh doanh và ít ý nghĩa vì các phương án có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường. Mặt khác, cơ quan nhà nước liệu có đủ năng lực để đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh của doanh nghiệp? Liên quan đến yếu tố quản lý về các phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giá cước, cơ quan nhà nước có thể quản lý bằng hình thức hậu kiểm thay vì quy định là điều kiện kinh doanh tại thời điểm mới gia nhập thị trường.

Đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này.

  1. Kinh doanh dịch vụ bưu chính

Góp ý tương tự như trên, đề nghị cân nhắc bỏ các điều kiện:

  • Nội dung “hoạt động bưu chính … trong lĩnh vực bưu chính” của điều kiện “Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính/Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính”;
  • Có khả năng tài chính phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép;
  • Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính.
  1. Hoạt động của Nhà xuất bản

Đề nghị xem xét các điều kiện sau:

  • “Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 mét vuông sử dụng trở lên”

Không rõ cơ sở để quy định về diện tích tối thiểu của trụ sở nhà xuất bản (tại sao lại là 200 mét vuông mà không phải là con số khác)? Hơn nữa, thật khó để trả lời câu hỏi, nếu trụ sở nhà xuất bản không từ 200 mét vuông trở lên thì yếu tố quản lý nhà nước nào sẽ bị ảnh hưởng? Nếu mục tiêu của quy định này chỉ hướng đến việc đảm bảo không gian để nhà xuất bản có thể hoạt động, thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh.

Đề nghị cân nhắc bỏ quy định về diện tích tối thiểu của trụ sở của nhà xuất bản.

  • “Có ít nhất 05 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản”

Yêu cầu về vốn theo quy định này được suy đoán nhằm “bảo đảm hoạt động xuất bản”. Đây là mục tiêu chưa phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh. Hoạt động hiệu quả hay không là yêu cầu tự thân của mỗi nhà xuất bản, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

Mặt khác, yêu cầu về vốn pháp định thường áp dụng đối với các ngành, nghề mà yếu tố vốn tác động trực tiếp đến các lợi ích công cộng quan trọng, theo diện rộng, ví dụ như: ngân hàng (“tiền” là sản phẩm giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng và đây là yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như sự ổn định của kinh tế – xã hội). Lĩnh vực xuất bản không có tính chất đặc thù này, vì vậy yêu cầu về vốn là chưa phù hợp.

Đề nghị cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Hoạt động in

Nghị định 25/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP. Văn bản này được xem là bước cải cách rất đáng hoan nghênh trong hoạt động in. Tuy nhiên, để lĩnh vực này thực sự có bước cải cách triệt để, đề nghị cân nhắc, sửa đổi điều kiện kinh doanh sau:

Đối với điều kiện của cơ sở in các sản phẩm: Báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí; Mẫu, biểu mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành; Tem chống giả, hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền), theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện “có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”.

VCCI đã rất nhiều lần đề nghị bỏ điều kiện này của cơ sở in nói chung trong các văn bản góp ý trước đó, bởi vì điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in chưa phù hợp ở các điểm:

  • Tính cần thiết: Trình độ chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tự bản thân doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn trình độ chuyên môn của người đứng đầu. Đứng dưới góc độ quản lý, việc người đứng đầu cơ sở in có trình độ nào thì cũng ít ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng để buộc Nhà nước phải đặt ra các giới hạn nhất định của đối tượng này. Do đó, yêu cầu trình độ của người đứng đầu cơ sở in là không cần thiết.
  • Tính hợp lý: Trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực, người đứng đầu của hơn 3000 cơ sở in trong cả nước không phải ai cũng có bằng cao đẳng ngành in, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn hoạt động hiệu quả và có tốc độ tăng trưởng khả qua. Như vậy, yêu cầu phải có bằng cao đẳng ngành in không phải là “bảo chứng” cho chất lượng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Quyền tự do kinh doanh: Quyền tự do lựa chọn người đứng đầu, người điều hành có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn là quyền và nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
  • Chi phí tuân thủ: Doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí và thời gian để người đứng đầu cơ sở in tham gia đào tạo và được cấp chứng chỉ và chi phí này được đánh giá là không hề rẻ (5.000.000 đồng/người với thời lượng thực tế của lớp học chỉ 3 ngày).

Để đảm bảo tinh thần cải cách, đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ điều kiện của người đứng đầu cơ sở in.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Vì thời hạn lấy ý kiến ngắn (ngày VCCI nhận được Công văn là 13/7/2018, ngày yêu cầu trả lời là trước 16/7/2018) nên các ý kiến góp ý tại văn bản này trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia của VCCI, chưa có điều kiện lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp.