VCCI_Góp ý Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất

Thứ Hai 11:28 02-04-2018

Kính gửi: Cục Quản lý tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo 1 Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất (phiên bản ngày 01/3/2018 như sau:

  • Về việc lấy ý kiến và thông tin tới đối tượng chịu sự tác động (Điều 7, Điều 10 Dự thảo):
  • Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm Quyết định của Ủy ban nhân dân) có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải gửi lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 1, khoản 2 Điều 7 nội dung này để việc thực hiện được đồng bộ, thống nhất.
  • Điểm b, khoản 3 Điều 7 quy định hình thức công bố mới chỉ dừng lại ở các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, thông báo tới Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã mà chưa có hình thức thông báo nào tới các đối tượng chịu sự tác động. Đề nghị bổ sung nội dung này để bảo đảm tính khả thi của quy định.
  • Điều 10 Dự thảo quy định “Sở Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến của từng chủ giấy phép …về phương án tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất”. Đây là quy định rất tiến bộ, thể hiện sự quán triệt tinh thần cầu thị cao của đơn vị soạn thảo đối với đối tượng chịu sự tác động. Tuy nhiên, để việc này thực sự đem lại hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị quy định rõ thời hạn lấy ý kiến và trách nhiệm giải trình đối với từng kiến nghị của nhà đầu tư.

Cũng về nội dung này, có thắc mắc rằng trong trường hợp ý kiến của doanh nghiệp trái với ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước được lấy ý kiến sau đó thì giải quyết như thế nào? Có tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo tiếp theo hay không? Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề này.

  • Ngoài ra, đề nghị bổ sung vào hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khoản 3 Điều 10 Dự thảo): bản tổng hợp ý kiến, giải trình tiếp thu (trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau, mâu thuẫn hoặc gây tranh cãi) để Bộ có cơ sở chấp thuận hay không chấp thuận phương án đó.
  • Các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất (Điều 8, 9 Dự thảo):
  • Điểm a, khoản 1 Điều 8 quy định: “Không cấp phép, yêu cầu dừng khai thác, trám lấp các giếng khai thác thuộc công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép hoặc phải đăng ký nhưng chưa có giấy phép, chưa đăng ký theo quy định”. Đây là quy định chế tài đối với trường hợp vi phạm quy định về việc đăng ký khai thác nước dưới đất chứ không phải là hình thức hạn chế. Đề nghị xem xét bỏ ra khỏi Điều 8.
  • Điểm b, khoản 1 Điều 8: “Không cấp phép xây dựng thêm mới công trình khai thác nước dưới đất” có nội hàm tương đương với Khoản 2 Điều 9 “Cấm xây dựng mới…công trình khai thác nước dưới đất hiện có…”. Trong cả hai hình thức này, doanh nghiệp đều không được mở rộng quy mô khai thác. Do đó, một mặt ở đây có sự trùng lắp về mặt quy phạm, mặt khác, khi doanh nghiệp bị đưa vào một trong hai hình thức cấm hoặc hạn chế khai thác sẽ có sự khác biệt liên quan đến quyền được bồi thường. Hiện tại, theo quy định tại dự thảo, chỉ có trường hợp cấm thì doanh nghiệp mới được bồi thường theo quy định của nhà nước. Điều này có thể phát sinh nguy cơ các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ chỉ áp dụng hình thức hạn chế để tránh bồi thường cho doanh nghiệp.

Với các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại các khoản, điểm trên có thể gây lúng túng, thiếu thống nhất hoặc diễn giải chủ quan trong quá trình áp dụng.

  • Về việc bồi thường nhà nước cho đối tượng chịu sự tác động:

Về nguyên tắc, bồi thường được thực hiện dựa trên cơ sở có thiệt hại thực tế xảy ra. Hiện tại, Dự thảo quy định tại Điều 9 – Trường hợp doanh nghiệp bị áp dụng hình thức cấm khai thác nước dưới đất thì được bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đây là quy định đúng đắn giúp bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong hoạt động khai thác nước dưới đất.

Tuy nhiên, không chỉ cấm mà cả việc hạn chế khai thác cũng đã làm xuất hiện yếu tố thiệt hại. Thậm chí, trong miêu tả tại điểm d khoản 1 Điều 8: “Điều chỉnh giảm lưu lượng hoặc số lượng giếng của công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép hoặc đăng ký” thì việc điều chỉnh giảm lưu lượng còn gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp hơn biện pháp “cấm tăng lưu lượng”. Tương tự như vậy, việc điều chỉnh chiều sâu, tầng chứa nước khai thác hoặc không gia hạn giấy phép không thể không gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều khoản về bồi thường thiệt hại, cơ chế bồi thường, cách tính toán (nếu có yếu tố kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực này) hoặc dẫn chiếu đến quy định hiện hành về bồi thường nhà nước để áp dụng cho cả trường hợp hạn chế và trường hợp cấm khai thác nước dưới đất.

  • Về các trường hợp ngoại lệ:
  • Điểm b, khoản 1 Điều 4: “trường hợp đối với khu vực miền núi, các vùng khan hiếm nước, khó khăn về nguồn nước cấp hoặc các khu vực khác thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định với mức cao hơn 50m, nhưng phải bảo đảm khả năng tự phục hồi mực nước của công trình khai thác.” Đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý để xem xét, đưa ra quyết định, tránh tình trạng chủ quan, thiếu khách quan khi lựa chọn các dự án/công trình được áp dụng mức ngoại lệ này.
  • Điểm d, khoản 2 Điều 8 quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ xem xét cấp, gia hạn giấy phép đối với các công trình có yêu cầu đặc thù về sử dụng nước, chất lượng nước”. Quy định này có một số điểm chưa rõ như sau:
  • “yêu cầu đặc thù” là gì? Được quy định ở đâu?
  • Có phải cứ “đặc thù” là được cấp, gia hạn luôn không hay còn phải tiếp tục được “xem xét” sau đó?
  • Cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đâu để quyết định công trình nào được cấp, gia hạn giấy phép?

Nếu không quy định rõ các nội dung này, rất dễ xảy ra tình trạng tùy tiện, chủ quan trong áp dụng và khả năng khiếu nại từ các doanh nghiệp do sự thiếu minh bạch, công bằng trong việc ra quyết định lựa chọn.

Nếu xác định mục tiêu xuyên suốt của Nghị định là bảo vệ nguồn nước dưới đất thì đây phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ căn cứ, trình tự, thủ tục để thực hiện trường hợp ngoại lệ này.

Ngoài ra, có thể có một số trường hợp hoặc tình huống đặc biệt khác như: do yêu cầu của vị trí địa lý, địa hình, môi trường, thiên tai… thì cũng cần có cơ chế đặc thù và xem xét ngoại lệ không áp dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các biện pháp hạn chế, cấm đang được nêu trong dự thảo.

  • Một số góp ý khác:
  • Phạm vi điều chỉnh của Nghị định: đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung “cấm khai thác nước dưới đất” để bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc của Hiến pháp, Luật quản lý tài nguyên nước; bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người dân.
  • Nguyên tắc khoanh định (Điều 3): Việc cấp giấy phép khai thác nước dưới đất có một trong các căn cứ là Quy hoạch sử dụng nước tại địa phương. Vì vậy, cần thiết phải có sự liên kết giữa quy hoạch sử dụng nước với việc quyết định cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo hướng: hạn chế tối đa việc thay đổi làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình thẩm định, phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác: Điều 4 Dự thảo quy định: Vùng hạn chế 3 được xác định có trường hợp: “khu dân cư tập trung có nhiều người bị mắc các bệnh hoặc có nghi ngờ bị mắc các bệnh có liên quan đến sử dụng nguồn nước dưới đất” do đó cần thiết phải đưa cơ quan quản lý ngành y tế vào thành phần các cơ quan có ý kiến trong quá trình Dự thảo danh mục cấm/vùng cấm.
  • Danh mục vùng cấm (Khoản 5 Điều 6 Dự thảo): đề nghị bổ sung nội dung về “thời gian dự kiến áp dụng và dự kiến tổ chức thực hiện Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác. Việc này nhằm bảo đảm doanh nghiệp khi được thông báo sẽ có cơ sở để điều chỉnh kế hoạch khai thác nước dưới đất, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo 1 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

VCCI sẽ tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp khi có phiên bản hoàn thiện hơn của Dự thảo theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan