VCCI_Góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)

Thứ Ba 11:11 28-06-2022

Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 2040/BTNMT-ĐCKS ngày 20/04/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một nội dung mang tính đột phá của Luật Khoáng sản năm 2010, tuy nhiên thực tiễn triển khai chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, chiếm tỷ lệ 1.4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394 trên tổng số 4279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9.2%. Đây là những tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin-cho”.

Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TNMT cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Một phần nguyên nhân của thực trạng trên nằm trong chính các quy định của Luật Khoáng sản 2010. Điều 78 của Luật Khoáng sản đã không quy định rõ tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá, mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này dẫn đến tình trạng các tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng và thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản được xếp vào diện không đấu giá.

Do đó, VCCI đề nghị việc sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung vào việc làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong luật. Định hướng là mở rộng tối đa các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, các trường hợp không đấu giá chỉ nên áp dụng rất hạn chế.

Cơ quan soạn thảo có đề xuất thẩm quyền xác định khu vực không đấu giá nên chuyển cho Bộ TNMT thay vì để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như hiện nay, với lý do tránh quá nhiều việc trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, như đã phân tích, nguyên nhân của việc phải trình nhiều văn bản lên Thủ tướng là do tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng. Nếu giảm được tiêu chí này thì sẽ khắc phục được vấn đề trên. Việc duy trì thẩm quyền của Thủ tướng cũng sẽ là một biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế số lượng mỏ không qua đấu giá.

  1. Quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản

Qua thực tiễn triển khai Luật Khoáng sản trong 10 năm qua, VCCI nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản không được pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ, mặc dù họ đã phải nộp một số tiền cấp quyền khai thác rất lớn. Trên thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng quyền khai thác khoáng sản đã được cấp làm tài sản bảo đảm để huy động vốn đầu tư xây dựng công trình mỏ. Đây cũng là thông lệ quốc tế về thực tiễn kinh doanh trong ngành khoáng sản tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, tại Việt Nam, khi doanh nghiệp muốn thế chấp quyền khai thác khoáng sản để vay vốn đầu tư mỏ thì bị một số cơ quan nhà nước gây khó khăn. Lý do được đưa ra là vì Luật Khoáng sản không đề cập đến việc bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả quyền thế chấp) đối với quyền khai thác khoáng sản.

Việc tuyên bố rõ ràng và bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (nhất là việc thế chấp để vay vốn trong giai đoạn ngay sau cấp phép) sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và có thêm nguồn lực để xây dựng công trình mỏ an toàn, hiện đại, giúp giảm tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và nâng cao khả năng khai thác triệt để nguồn lợi khoáng sản.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định về bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp, có thể tiến hành dẫn chiếu sang Bộ luật Dân sự để tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót.

  1. Bảo hộ đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản

Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra nhiệm vụ phải thu hút được các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lĩnh vực khoáng sản của Việt Nam đã không thu hút được các dự án đầu tư lớn, bài bản nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do pháp luật Việt Nam chưa có được cơ chế bảo hộ thích đáng đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án khoáng sản quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Trao đổi với các doanh nghiệp khoáng sản, VCCI nhận thấy một trong những nguyên nhân lớn nhất hạn chế đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản là rủi ro chính sách. Sự thay đổi chính sách thường xuyên, liên tục theo chiều hướng bất lợi đối với các dự án khoáng sản đã đi vào hoạt động đã tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách đã tăng gấp gần ba lần so với các quy định vào thời điểm cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, như tăng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuế xuất khẩu khoáng sản.

Khoáng sản là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên cần có môi trường kinh doanh ổn định mới có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, hiện đại, có khả năng thu hồi triệt để khoáng sản. Nếu các rủi ro chính sách này không được loại bỏ thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cố gắng khai thác những phần quặng giàu, gần mặt đất và bỏ lại tài nguyên khó khai thác hơn.

Kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực đầu tư khác cho thấy, muốn thu hút đầu tư lớn thì cần giảm rủi ro chính sách cho các dự án này. Việt Nam đang thu hút thành công các dự án đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác như chế tạo, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhờ sự ổn định chính sách. Các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng các sắc thuế như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân hay kể cả thuế nhập khẩu sẽ không có sự thay đổi lớn và đột ngột trong một khoảng thời gian dài. Sự ổn định này đã không có trong lĩnh vực khoáng sản trong 10 năm qua.

Thay vì hình thức cấp phép khai thác của Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí lại quy định việc đầu tư khai thác dầu khí được thực hiện theo các hợp đồng giữa Việt Nam và nhà đầu tư. Điều này giúp giảm rủi ro chính sách cho dự án, việc thay đổi các quy định pháp luật sau thời điểm ký hợp đồng (như tăng thuế phí) không tác động tiêu cực đến dự án. Chính nhờ những cam kết như vậy thì Việt Nam mới có thể thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào dự án khai thác dầu khí kéo dài nhiều năm.

Vấn đề bảo hộ đầu tư các dự án lớn luôn cần sự cân bằng giữa hai yếu tố. Một bên là sự ổn định của pháp luật (đặc biệt là các nghĩa vụ tài chính với ngân sách) nhằm tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư thì họ mới bỏ vốn làm ăn. Bên kia là tự chủ của Nhà nước trong việc ban hành các quy định pháp luật vì lợi ích công cộng. Nếu không có các biện pháp bảo đảm đầu tư mạnh mẽ hơn thì chắc chắn mục tiêu thu hút đầu tư dự án lớn, kéo dài, công nghệ hiện đại sẽ không đạt được.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn, cụ thể như sau: Bảo đảm đầu tư bằng hình thức hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, thay vì hình thức cấp phép, nhằm bảo đảm sự ổn định khi có thay đổi pháp luật. Trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật liên quan đến lợi ích công cộng như bảo vệ môi trường, an toàn lao động… nhà đầu tư phải đáp ứng quy định mới. Trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật về nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách thì có thể có cam kết không áp dụng mới các thay đổi bất lợi cho nhà đầu tư trong toàn bộ hoặc 50% thời gian đầu của dự án.

  1. Xã hội hoá điều tra cơ bản địa chất và thông tin thăm dò khoáng sản

Dự thảo đề xuất hoàn thiện cơ chế hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất và cơ chế chuyển nhượng thông tin thăm dò khoáng sản. Đây là những đề xuất hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn trên thực tế. Tuy nhiên, sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VCCI nhận thấy nhiều quốc gia trên thế giới xác định những thông tin về tiềm năng khoáng sản có được từ công tác điều tra địa chất và thăm dò khoáng sản sẽ được coi là bí mật kinh doanh (một dạng tài sản trí tuệ được quy định tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam). Luật Khoáng sản có thể bổ sung quy định coi thông tin về khoáng sản là bí mật kinh doanh và dẫn chiếu đến Luật Sở hữu trí tuệ thì sẽ bảo đảm quyền của chủ sở hữu thông tin. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp khoáng sản yên tâm bỏ tiền đầu tư vào công tác điều tra địa chất và thăm dò vì quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với loại tài sản này được bảo đảm.

  1. Thông tin trong Phụ lục 6 của Báo cáo tổng kết

Đề nghị cơ quan soạn thảo kiểm tra lại số liệu tại Phụ lục 6 của Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Khoáng sản 2010. Một số thông tin không thống nhất và có nhiều chỗ khiến người đọc băn khoăn về độ chính xác. Ví dụ:

  • Khoản hỗ trợ địa phương của các doanh nghiệp khoáng sản tại Nam Định là 124 nghìn tỷ đồng (liệu có phải là 124 triệu đồng hay 124 tỷ đồng?)
  • Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhỏ hơn tổng khi cộng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền và phí bảo vệ môi trường.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.