VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Thứ Năm 16:32 20-02-2020

Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 635/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đường bộ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Một số quy định về thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính hợp lý và minh bạch

Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, trong đó có một số quy định chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại một số quy định sau:

  1. Báo cáo về kết quả xử lý vi phạm

Theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Dự thảo thì đơn vị kinh doanh vận tải phải “báo cáo định kỳ hàng tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải về kết quả xử lý vi phạm tại đơn vị”. Yêu cầu báo cáo này cần được xem xét ở các điểm:

  • Xử lý vi phạm tại đơn vị thuộc về vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, việc cơ quan quản lý yêu cầu cung cấp thông tin này là chưa rõ về mục tiêu quản lý và có thể là sự can thiệp vào thông tin nội bộ của doanh nghiệp;
  • Xét tính minh bạch, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo với tần suất “hàng tháng” là quá nhiều, tạo áp lực và gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Báo cáo về phương tiện trước khi ngừng hoạt động kinh doanh vận tải

Điểm đ khoản 2 Điều 14 Dự thảo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải “báo cáo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử danh sách phương tiện trước khi ngừng hoạt động kinh doanh vận tải liên tục 07 ngày trở lên đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu, biển hiệu”.

Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo trong trường hợp này là vừa chưa rõ về mục tiêu quản lý (hiện nay, vận tải hành khách đường bộ là thị trường cạnh tranh với rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, việc một doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh này của thị trường, hay việc đi lại của hành khách. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo khi ngừng hoạt động kinh doanh liên tục từ 07 ngày trở lên dường như không cần thiết – nếu nhìn từ góc độ quản lý nhà nước) vừa tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Dự thảo.

  1. Quy định về bổ sung xe, thay thế xe

Điều 34 Dự thảo quy định:

  • Đối với tuyến xe buýt nội tỉnh: Sở Giao thông vận tải quyết định bổ sung, thay thế xe khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản 1);
  • Đối với tuyến xe buýt liên tỉnh: Sở Giao thông vận tải các tỉnh có tuyến xe buýt đi qua thống nhất trước khi “chấp thuận” bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến theo đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản 2)

Quy định trên là chưa rõ ở các điểm:

  • Căn cứ/tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc từ chối đề nghị của doanh nghiệp?
  • Trình tự, thủ tục chấp thuận như thế nào (hồ sơ, thời gian thẩm định và hình thức chấp thuận)?

Để đảm bảo tính minh bạch về thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  1. Thủ tục báo cáo của bến xe khách

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Dự thảo thì định kỳ hàng tháng bến xe khách “tổng hợp những trường hợp không bố trí xe thực hiện vận chuyển khách của các đơn vị kinh doanh vận tải và tình hình an toàn giao thông tại bến xe, báo cáo Sở Giao thông vận tải bằng văn bản để xử lý theo quy định”. Quy định này cần được xem lại ở các điểm sau:

  • Việc doanh nghiệp bố trí hay không bố trí xe thực hiện vận chuyển hành khách thuộc về quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, trong một số trường hợp, doanh nghiệp không thể bố trí xe hoạt động được. Nếu theo báo cáo của bến xe khách, việc doanh nghiệp không bố trí xe vận chuyển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xử lý. Điều này dường như là sự can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Việc yêu cầu bến xe khách hàng tháng báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính rất lớn cho doanh nghiệp.

Để đảm bảo tính hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 2 Điều 56 Dự thảo.

  1. Quy định về đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng

Theo quy định tại Điều 59, 60 Dự thảo thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng thông báo cho Sở Giao thông vận tải địa phương các nội dung về: địa chỉ, số điện thoại liên hệ và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quy định về thủ tục này là không cần thiết và gia tăng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, bởi vì: các hoạt động cung cấp dịch vụ trên là các ngành nghề kinh doanh không chịu ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh, tức là doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Việc yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo thông tin khi kinh doanh ngành nghề này là biện pháp quản lý chưa thực sự phù hợp với tính chất của ngành nghề kinh doanh này. Mặt khác, nếu cơ quan quản lý nhà nước muốn nhận biết thông tin về doanh nghiệp thì có thể chia sẻ thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh.

Để giảm thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định về việc yêu cầu doanh nghiệp phải gửi thông báo trong các quy định trên.

  1. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính minh bạch
  2. Tiếp cận dữ liệu video tại camera lắp trên xe của đơn vị

Khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm “cung cấp công cụ cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu bằng văn bản để xem hoặc trích xuất dữ liệu video tại camera lắp trên xe của đơn vị”. Quy định này chưa rõ ràng ở các điểm:

  • Các cơ quan nhà nước nào được gọi là “lực lượng chức năng”?
  • Trường hợp nào “lực lượng chức năng” được quyền yêu cầu tiếp cận dữ liệu video tại camera lắp trên xe của đơn vị kinh doanh vận tải?

Việc thiếu rõ ràng trong các quy định này có thể tạo ra những rủi ro trong việc bảo mật các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và sự tùy nghi của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ các vấn đề trên.

  1. Một số thủ tục liên quan đến khai thác trên tuyến cố định

Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì cơ chế quản lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định là, các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải tuyến cố định sẽ lựa chọn giờ xuất bến trên danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định “biểu đồ” chạy xe theo tuyến đã công bố và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khai thác (khoản 1 Điều 20). Như vậy, với quy định này thì mỗi thời điểm trên một tuyến chỉ có một đơn vị kinh doanh vận tải được khai thác. Tại thời điểm Nghị định 10/2020/NĐ- CP đang là Dự thảo, VCCI nhiều lần có ý kiến về tính hợp lý quy định này (nhất là ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường).

Tuy nhiên, quy định này vẫn tiếp tục được giữ lại. Điều này khiến cho các quy định về thủ tục liên quan đến khai thác tuyến cố định trong Dự thảo có một số bất cập, thiếu tính minh bạch và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cụ thể:

  • Việc thay thế xe đang khai thác trên tuyến hoặc bổ sung xe, doanh nghiệp phải thông báo gửi cho cơ quan quản lý nhà nước (khoản 1 Điều 22 Dự thảo);
  • Trường hợp thay thế xe đột xuất (do gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn), doanh nghiệp không bố trí được phương tiện khác thay thế, Sở Giao thông vận tải “quyết định việc điều động phương tiện của đơn vị khác trên tuyến để thay thế trên cơ sở để xuất của đơn vị vận tải hoặc bến xe liên quan” (khoản 2 Điều 22 Dự thảo);
  • Trước các thời gian đặc biệt (dịp Lễ, Tết, các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng), Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách (trong đó có danh sách phương tiện, lái xe được điều động) (khoản 2 Điều 23 Dự thảo);
  • Trước 15/01 hàng năm, doanh nghiệp thống nhất với bến xe khách xây dựng phương án tăng cường trên tuyến và thông báo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến (khoản 3 Điều 23 Dự thảo).

Những thủ tục này xuất phát từ việc tổng số xe được khai thác trên mỗi tuyến bị giới hạn và gây ra tình trạng không có xe vận tải nếu doanh nghiệp không bố trí được xe. Điều này tác động đến thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, do đó cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp theo hướng điều phối để đảm bảo luôn có xe khai thác trên mỗi tuyến tại mỗi thời điểm.

Nếu tổng số chuyến xe trên mỗi tuyến không bị giới hạn và doanh nghiệp có giấy phép có thể tự do cung cấp dịch vụ vận tải ở mỗi thời điểm thì những vấn đề lo ngại về thị trường và quyền lợi của khách hàng trên sẽ không còn. Doanh nghiệp cũng không phải thực hiện các thủ tục hành chính trên và giảm đáng kể về gánh nặng của chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Nếu cho rằng, vì “lý do kỹ thuật” nên trong mỗi thời điểm không thể có nhiều hơn một xe vận chuyển trên tuyến, thì thật khó để lý giải cho trường hợp cao điểm, phải có xe tăng cường trên tuyến?

Tóm lại, vì quy định về khai thác tuyến đã có trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Dự thảo không thể quy định khác hơn, nhưng để đảm bảo tính minh bạch của chính sách và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số điểm sau:

b.1.  Thay thế đột xuất xe khai thác trên tuyến

Điểm a khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định “khi xe khai thác trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn, doanh nghiệp, hợp tác xã được sử dụng phương tiện khác đủ điều kiện hoạt động của đơn vị để thay thế. Trường hợp đơn vị không bố trí được phương tiện thay thế, Sở Giao thông vận tải quyết định việc điều động phương tiện của đơn vị khác trên tuyến để thay thế trên cơ sở đề xuất của đơn vị vận tải hoặc bến xe liên quan”.

Quy định trên cần được xem xét ở các vấn đề sau:

  • Trường hợp nào Sở Giao thông vận tải sẽ điều động theo đề xuất của đơn vị vận tải, trường hợp nào sẽ điều động theo đề xuất của bến xe liên quan? Trong trường hợp cả đơn vị vận tải và bến xe đều cùng đề xuất các đơn vị vận tải khác nhau thì sẽ lựa chọn đơn vị vận tải dựa trên đề xuất nào?
  • Lựa chọn “đơn vị khác trên tuyến” có được hiểu là lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp phép và đăng ký khai thác trên tuyến hay không? Nếu hiểu theo cách này thì tại sao lại không lựa chọn một đơn vị kinh doanh vận tải có giấy phép nhưng chưa được đăng ký khai thác tuyến? Điều này có thể là rào cản gia nhập thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định.

Để đảm bảo tính minh bạch của chính sách, đề nghị Ban soạn thảo giải trình các vấn đề trên.

b.2. Tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách

Theo quy định tại Điều 23 Dự thảo thì trong các trường hợp đặc biệt (dịp Lễ, Tết, các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng) sẽ tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách. Quy định tại Dự thảo là chưa rõ ở các điểm:

  • Xe tăng cường là của các doanh nghiệp đang khai thác tuyến hay là cả của các doanh nghiệp không đang khai thác tuyến?
  • Trường hợp các doanh nghiệp đang khai thác tuyến không đủ số lượng xe tăng cường thì giải quyết như thế nào?
  • Sở Giao thông vận tải quyết định điều động các phương tiện để tăng cường giải tỏa hành khách vào các dịp Lễ, Tết, các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng dựa vào căn cứ nào? Các xe điều động của đơn vị kinh doanh vận tải nào (đang khai thác tuyến hay chưa khai thác tuyến)? Trình tự thủ tục như thế nào?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên trong Dự thảo.

  1. Một số góp ý khác
  2. Xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ

Điểm b khoản 4 Điều 13 Dự thảo quy định “doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trước khi tham gia khai thác tuyến phải gửi thông báo mức chất lượng dịch vụ trên tuyến đến bến xe hai đầu tuyến”. Quy định này cần được xem lại ở khía cạnh sau, các bến xe không phải là đơn vị giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ của các đơn vị kinh doanh vận tải, vì vậy việc gửi cho các bến xe về mức chất lượng dịch vụ trên tuyến là … không cần thiết.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách

Khoản 3 Điều 20 Dự thảo quy định, xe trung chuyển phải có “sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái) và phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã” (khoản 3). Nghị định 10/2020/NĐ-CP không quy định về đặc điểm của xe trung chuyển, có nghĩa đơn vị kinh doanh vận tải có thể sử dụng xe có sức chứa trên hoặc dưới 16 chỗ ngồi để làm trung chuyển. Quy định tại Dự thảo dường như chưa phù hợp với Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 20 Dự thảo.

  1. Quy định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải

Điều 25 Dự thảo quy định doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải:

  • “Thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 giờ, thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 30 phút” (khoản 5). Quy định này là can thiệp vào giao dịch dân sự giữa đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách;
  • “Chịu trách nhiệm liên đới khi lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chở quá trọng tải hoặc quá số người quy định” (khoản 6). Quy định này là … thừa, vì lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đang hoạt động cung cấp dịch vụ nhân danh doanh nghiệp chứ không phải là cá nhân, vì vậy các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ này doanh nghiệp là chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải là người lao động của doanh nghiệp;
  • “Doanh nghiệp, hợp tác xã khi nhận hàng hóa gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng” (khoản 7). Quy định này là can thiệp vào giao dịch dân sự giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người gửi hàng.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định trên.

Góp ý tương tự, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3, 4 Điều 40 Dự thảo.

  1. Quy định về bến xe hàng

Khoản 1 Điều 57 Dự thảo quy định về các yêu cầu kỹ thuật của bến xe hàng. Quy định này có tính chất là điều kiện kinh doanh, áp đặt về quy mô của bến xe hàng. Điều này là chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2014 sửa đổi năm 2016 (không phù hợp về thẩm quyền quy định điều kiện kinh doanh; không phù hợp quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 57 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đường bộ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.