VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Thứ Hai 15:15 03-06-2019

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước

Trả lời Công văn số 1535/TTGSNH5 ngày 22/04/2019 của Quý Cơ quan về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Thông tư Quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Phân quyền giữa Ban kiểm soát đặc biệt và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Khi tiến hành kiểm soát đặc biệt, một vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh là phân quyền giữa Ban kiểm soát đặc biệt và các cá nhân, đơn vị trong ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt trong việc ra các quyết định hàng ngày của ngân hàng đó. Điều 146b của Luật Các tổ chức tín dụng cũng mới chỉ đưa ra các quy định rất chung về quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt chứ chưa có quy định đủ chi tiết để thực thi.

Việc thiếu các quy định như vậy sẽ dẫn đến rất nhiều các câu hỏi trên thực tiễn như: hoạt động nào ngân hàng được tự quyết định, hoạt động nào phải xin ý kiến Ban kiểm soát đặc biệt trước khi quyết định? Từ những vấn đề như kinh doanh, cấp tín dụng, đòi nợ, cho đến chi trả cho người lao động, chi cho hàng hoá, dịch vụ mua ngoài, bổ nhiệm nhân sự các cấp, các chương trình khuyến mãi,… Nếu không có quy định rõ ràng, cụ thể về việc phân quyền giữa Ban Kiểm soát đặc biệt và ngân hàng thì có thể nảy sinh khó khăn khi thực thi.

Nếu phân quyền quá lớn cho Ban Kiểm soát đặc biệt thì với nhân sự có hạn, có thể khiến cho công việc của Ban trở nên quá tải và làm khó khăn, chậm chễ cho việc ra các quyết định của ngân hàng đó. Nhưng ngược lại, nếu để lại quyền tự chủ quá lớn cho các cá nhân trong ngân hàng thì có thể làm giảm hiệu quả của biện pháp kiểm soát đặc biệt. Về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng: Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thống đốc quyết định những hoạt động nào mà ngân hàng phải xin ý kiến Ban kiểm soát trước khi thực hiện. Nội dung này nên được thể hiện ngay trong quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt do Thống đốc ban hành.

  1. Các hình thức kiểm soát đặc biệt

Điều 7.2 và Điều 7.3 của Dự thảo cũng mới chỉ đưa ra hai hình thức kiểm soát đặc biệt là “giám sát đặc biệt” và “kiểm soát toàn diện”. Có thể coi, hình thức giám sát đặc biệt là vẫn duy trì rất nhiều quyền tự quyết cho ngân hàng, còn hình thức kiểm soát toàn diện là việc Ban Kiểm soát đặc biệt sẽ nắm rất nhiều quyền đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đủ rõ về mức độ can thiệp trên thực tế của Ban Kiểm soát vào hoạt động hàng ngày của ngân hàng.

Việc một ngân hàng bị rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do năng lực điều hành của lãnh đạo ngân hàng đó yếu kém, có thể do người trong ngân hàng gian lận, có thể do rủi ro từ hoạt động kinh doanh… Đối với những trường hợp gian lận thì việc kiểm soát đặc biệt cần phải được tiến hành chặt chẽ. Ngược lại, trong trường hợp rủi ro hoạt động kinh doanh hoặc do năng lực chưa đáp ứng thì việc kiểm soát chỉ nên dừng lại ở mức độ phòng tránh sai sót, bởi bản thân những cá nhân làm việc trong ngân hàng đó vẫn có động lực tốt để cải thiện việc kinh doanh của ngân hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng, chỉ áp dụng biện pháp kiểm soát toàn diện nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại ngân hàng đó. Thêm vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra nhiều mức độ kiểm soát đặc biệt hơn, ngoài giám sát đặc biệt và kiểm soát toàn diện thì có thể có thêm các hình thức như kiểm soát một phần, kiểm soát một số hoạt động, lĩnh vực.

  1. Thời hạn, gia hạn và chấm dứt kiểm soát đặc biệt

Luật Các tổ chức tín dụng giao Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết về thời hạn và gia hạn kiểm soát đặc biệt. Điều 9 Dự thảo chỉ quy định về thời hạn kiểm soát đặc biệt được ghi trong Quyết định kiểm soát đặc biệt và được phép gia hạn không giới hạn. Theo suy đoán, sau khi kết thúc thời hạn kiểm soát đặc biệt thì sẽ có 3 phương án (1) kết thúc kiểm soát đặc biệt và ngân hàng trở lại hoạt động bình thường; (2) gia hạn, tiếp tục kiểm soát đặc biệt; (3) đưa ra phương án cơ cấu lại theo Điều 3.35.5 của Luật Các tổ chức tín dụng. Việc kéo dài kiểm soát đặc biệt có thể khiến các nguồn lực xã hội bị đình trệ, không được phân bổ một cách hiệu quả. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào kinh nghiệm thực tế, quy định rõ thời hạn tối đa của việc kiểm soát đặc biệt và số lần tối đa được phép gia hạn kiểm soát đặc biệt. Quy định như vậy sẽ tạo áp lực cần thiết để Ban kiểm soát đặc biệt phải đưa ra được giải pháp để xử lý ngân hàng mất thanh khoản, chứ không thể kéo dài mãi biện pháp này.

Quy định về thời hạn và gia hạn kiểm soát đặc biệt sẽ là vô nghĩa nếu hết thời hạn này mà biện pháp kiểm soát đặc biệt không tự động chấm dứt mà buộc phải có quyết định của Thống đốc như quy định tại Điều 10 của Dự thảo. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một trường hợp chấm dứt kiểm soát đặc biệt khi kết thúc thời hạn đã được xác định trên Quyết định kiểm soát đặc biệt.

  1. Công bố thông tin kiểm soát đặc biệt

Điều 11.2 của dự thảo quy định chỉ phải lựa chọn một hoặc một số hình thức công bố thông tin gồm (1) website Ngân hàng Nhà nước; (2) website ngân hàng; (3) báo giấy; (4) họp báo; và (5) đại hội đồng cổ đông hoặc đại hội đồng thành viên. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng ít nhất phải có hình thức công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước, các hình thức khác là tuỳ chọn.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư Quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.