VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về giấy phép hoạt động điện lực

Thứ Tư 10:25 15-07-2020

Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 727/ĐTĐL-CP của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Nguyên tắc cấp giấy phép và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực (Điều 4)
  • Căn cứ pháp lý quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực: khoản 4 Điều 32 Luật Điện lực năm 2004 trao quyền cho Chính phủ quy định về “thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực đối với từng loại hình hoạt động điện lực”. Tuy nhiên khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2011 đã sửa đổi điều khoản này theo hướng bỏ quy định Chính phủ quy định về “thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực đối với từng loại hình hoạt động điện lực”. Các Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực và cũng không trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Như vậy, quy định về thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 4 Dự thảo căn cứ từ quy định pháp lý nào? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật;
  • Căn cứ xác định thời hạn của giấy phép: Khoản 6 Điều 4 Dự thảo quy định “Căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có thể cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng về căn cứ xác định thời hạn giấy phép hoạt động điện lực (điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện như thế nào thì được cấp giấy phép có thời hạn tối đa hoặc không đạt thời hạn tối đa? Nếu không đạt thời hạn tối đa thì thời hạn giấy phép là bao nhiêu năm?), điều này có thể tạo ra sự tùy nghi của các cơ quan cấp phép trong quyết định thời hạn của giấy phép và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp (nếu thời hạn giấy phép ngắn sẽ phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép nhiều lần).

Đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể các căn cứ xác định thời hạn của giấy phép hoặc nếu không quy định cụ thể được vấn đề này, đề nghị bỏ quy định tại khoản 6 Điều 4 Dự thảo.

  1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực (Điều 6)

Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực doanh nghiệp phải cung cấp:

  • (1) Tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội giữa chuyên gia tư vấn và tổ chức;
  • (2) Tài liệu chứng minh kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn

Quy định trên cần được xem xét ở điểm sau:

  • Tài liệu (1): yêu cầu tài liệu này, suy đoán, nhằm chứng minh doanh nghiệp thực sự có chuyên gia tư vấn theo quy định. Tuy nhiên, việc yêu cầu phải có tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội của chuyên gia tư vấn tại thời điểm xin cấp giấy phép là chưa hợp lý, bởi vì thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực (vì chưa có giấy phép), do đó chuyên gia tư vấn sẽ chưa là người lao động làm việc cho doanh nghiệp này, vì vậy chưa thể có tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội của chuyên gia tư vấn được.

Mặt khác, trên thực tế hoạt động, khi đóng bảo hiểm xã hội lần đầu, doanh nghiệp sẽ được cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội được hiểu là mã số này thì tại thời điểm xin cấp giấy phép, doanh nghiệp cũng khó cung cấp vì có thể chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chưa hoạt động vì chưa có giấy phép.

Tóm lại, việc tại thời điểm cấp giấy phép, yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp “tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội giữa chuyên gia tư vấn và tổ chức” là chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu này.

  • Tài liệu (2) là chưa rõ tài liệu nào chứng minh kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các loại tài liệu này để tạo cách hiểu thống nhất trong quá trình thực hiện.
  1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực phát điện (Điều 7)

Khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định “trường hợp thuê khoán, cho thuê hoặc giao quản lý vận hành, ngoài các hồ sơ trên, phải bổ sung hợp đồng thuê khoán nhà máy điện, hợp đồng thuê quản lý vận hành hoặc văn bản giao quản lý vận hành”. Quy định này được hiểu tại thời điểm xin giấy phép, doanh nghiệp xin cấp phép không trực tiếp quản lý vận hành mà giao cho tổ chức khác.

Trong trường hợp, sau khi được cấp phép doanh nghiệp có giấy phép mới thuê khoán, cho thuê hoặc giao quản lý vận hành nhà máy phát điện thì có phải thực hiện thủ tục gì không? Dự thảo không quy định về trường hợp này. Nếu không phải thực hiện thủ tục gì thì tại thời điểm xin cấp phép doanh nghiệp xin cấp phép phải bổ sung “hợp đồng thuê khoán nhà máy điện, hợp đồng thuê quản lý vận hành hoặc văn bản giao quản lý vận hành” là chưa hợp lý.

Đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bổ sung quy định giải quyết trường hợp, sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp cho thuê hoặc giao quản lý vận hành nhà máy phát điện, hoặc
  • Bỏ quy định trên tại khoản 3 Điều 7 nếu không quy định giải quyết cho trường hợp được nêu trên.
  1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện (Điều 9)

Khoản 3 Điều 9 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện phải có thẻ an toàn điện của người trực tiếp quản lý kinh doanh. Điều này là chưa phù hợp, vì khoản 5, 6 Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP không yêu cầu người trực tiếp quản lý kinh doanh phải có thẻ an toàn điện.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “thẻ an toàn điện” trong quy định tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo.

  1. Thủ tục xin cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất, hỏng

Dự thảo chưa có quy định xử lý trường hợp giấy phép bị mất, hỏng. Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế thực hiện và ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp được cấp phép nếu rơi vào trường hợp này.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép bị mất, hỏng.

  1. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực (Điều 11)

a. Phương thức gửi hồ sơ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo thì hồ sơ xin cấp giấy phép sẽ được nộp theo hai phương thức:

  • Thông qua cổng Dịch vụ công trực tuyến
  • Gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc các tài liệu theo quy định của pháp luật không được gửi qua mạng thông tin điện tử

Quy định trên là chưa đủ rõ ràng để doanh nghiệp nhận biết trường hợp nào thì được phép thực hiện qua cổng Dịch vụ công trực tuyến, trường hợp nào thì thực hiện theo thủ tục truyền thống, vì không xác định được các loại tài liệu nào không được gửi qua mạng thông tin điện tử.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp thực hiện theo phương thức trực tuyến, trường hợp thực hiện theo phương thức “truyền thống” (gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính) hoặc dẫn chiếu tới văn bản quy định cụ thể các loại tài liệu nào không được gửi qua mạng thông tin điện tử.

b. Trường hợp phải kiểm tra tại cơ sở

Điểm c khoản 5 Điều 11 Dự thảo quy định, cơ quan cấp giấy phép sẽ kiểm tra tại cơ sở “nếu cần thiết” trong thời hạn thẩm định hồ sơ. Khái niệm “nếu cần thiết” là chưa đủ rõ ràng, vì không xác định được trường hợp nào cơ quan cấp phép sẽ đi kiểm tra thực tế, trường hợp nào không. Điều này sẽ tạo ra sự tùy nghi của cơ quan thực thi và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng cấp phép trong cùng điều kiện.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định các trường hợp cơ quan cấp giấy phép sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở trong giai đoạn thẩm định hồ sơ cấp phép.

  1. Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực (Điều 14)

Khoản 10 Điều 14 Dự thảo quy định đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải:

  • (1) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi địa chỉ trụ sở trong giấy phép hoạt động điện lực;
  • (2) Báo cáo ngay với cơ quan cấp giấy phép trong trường hợp Giấy phép hoạt động điện lực bị mất hoặc bị hỏng

Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Đối với trường hợp (1): yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo trong trường hợp này là không cần thiết, bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép khi thay đổi tên, địa chỉ trụ sở làm việc. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhận biết và quản lý được thông tin doanh nghiệp thông qua thủ tục này;
  • Đối với trường hợp (2): đây là biện pháp quản lý chưa phù hợp, vì sau khi báo cáo thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý như thế nào? Có cấp lại giấy phép không? Nếu có thì theo thủ tục nào? Nếu không thì tại sao? Như phân tích ở mục góp ý số 5, trong trường hợp doanh nghiệp bị mất giấy phép thì cần thiết kế thủ tục để cấp lại thay vì yêu cầu doanh nghiệp báo cáo.

Từ phân tích ở trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 10 Điều 14 Dự thảo.

  1. Mẫu 4d về Báo cáo về việc duy trì điều kiện hoạt động và tình hình hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện

Mẫu 4d Phụ lục Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai việc duy trì điều kiện giấy phép trong lĩnh vực tư vấn điện. Tuy nhiên, một số nội dung báo cáo không liên quan đến duy trì điều kiện hoạt động hay tình hình hoạt động, bao gồm: danh sách trích ngang của cán bộ quản lý; danh mục phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn; danh mục phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác tư vấn. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các nội dung này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.