VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư quy định chi tiết Luật Du lịch

Thứ Năm 14:41 12-09-2019

Kính gửi:   Tổng cục Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 2223/BVHTTDL-TCDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Về sửa đổi, bổ sung quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 06)

Dự thảo đã có những sửa đổi, bổ sung về chuyên ngành về lữ hành (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Thông tư 06) theo hướng cởi mở hơn so với quy định hiện hành. Việc sửaa đổi này phần nào đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị rất đáng hoan nghênh từ phía cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc, việc sửa đổi cần tập trung xử lý bất cập cốt lõi là điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành liên quan đến người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại Điều 31 Luật Du lịch 2017. Tại thời điểm Luật Du lịch đang ở dạng Dự thảo, VCCI đã có ý kiến về các điều kiện kinh doanh của dịch vụ lữ hành, trong đó có điều kiện của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Quy định về điều kiện này là chưa hợp lý và chưa phù hợp với tính chất của điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, ít nhất ở các điểm:

  • Về mục tiêu quản lý: Một trong những mục tiêu quản lý khi yêu cầu trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành được cho là nhằm bảo đảm sự chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh lữ hành[1]. Mục tiêu này không phù hợp với mục tiêu của các điều kiện kinh doanh theo Điều 7 Luật Đầu tư (theo đó điều kiện kinh doanh phải được thiết kế theo hướng nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng như an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng liên quan). Hơn nữa, từ góc độ kỹ thuật, du lịch lữ hành không phải ngành nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật mà là một dạng dịch vụ xã hội, do đó đào tạo chuyên môn có thể là cơ sở nhưng không phải là điều kiện bảo đảm chất lượng hay tính chuyên nghiệp của dich vụ này. Từ góc độ thị trường, sự chuyên nghiệp hay chất lượng của dịch vụ là vấn đề của thị trường, tự bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng nếu muốn tồn tại và phát triển, nhất là trong thị trường cạnh tranh mạnh mẽ như ngành du lịch.
  • Về thực tiễn áp dụng: Trong thời gian qua, khi thi hành Thông tư 06, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã phản ánh vướng mắc, bất cập về điều kiện của người phụ trách kinh doanh. Yêu cầu phải có trình độ chuyên môn/chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch đã khiến cho doanh nghiệp gia tăng chi phí và thời gian để đáp ứng điều kiện này, trong khi trên thực tế trước khi Luật Du lịch và Thông tư 06 ban hành, rất nhiều doanh nghiệp du lịch hoạt động hiệu quả mà người phụ trách kinh doanh không cần phải có bằng cấp/chứng chỉ như yêu cầu.

Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc trên, trong tương lai khi sửa đổi Luật Du lịch, đề nghị bỏ các điều kiện về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

  1. Về cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch (Điều 5 Thông tư 06)

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 06 quy định về các tiêu chí để cơ sở đào tạo được tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch: chuyên ngành đào tạo; đề án tổ chức thi, quy trình, cơ sở vật chất, hội đồng thi; lý lịch (không vi phạm các quy định về tổ chức thi, cấp chứng chỉ). Các quy định này được hiểu là các điều kiện để một cơ sở đào tạo được phép đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch và là một dạng điều kiện kinh doanh.

Theo quy định Điều 7 Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh chỉ có thể được quy định trong văn bản từ cấp Nghị định trở lên. Vì vậy, việc Thông tư quy định về các điều kiện này là không phù hợp.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ khoản 1 Điều 5 Thông tư 06.

Góp ý và đề nghị tương tự đối với khoản 1 Điều 15 Thông tư 06.

  1. Về tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế (khoản 10 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm c, d khoản 1 Điều 13 Thông tư 06)

Dự thảo sửa đổi một trong các tiêu chuẩn liên quan tới “sử dụng thành thạo ngoại ngữ” (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Thông tư 06): “có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở nước ngoài. Trường hợp đào tạo bằng ngôn ngữ khác, cần bổ sung giấy tờ chứng minh ngôn ngữ được đào tạo”.

Về mặt logic, quy định “trường hợp đào tạo bằng ngôn ngữ khác…” là không cần thiết bởi ở đây mọi ngôn ngữ trừ tiếng Việt đều được coi là ngoại ngữ và đều phù hợp với yêu cầu về “ngoại ngữ”. Hơn nữa, về mặt thực tiễn, quy định này hầu như không hiệu quả bởi làm sao để biết là có “đào tạo bằng ngôn ngữ khác” trong khi suy đoán là việc đào tạo ở nước ngoài sẽ không thực hiện bằng tiếng Việt (bởi không thể đi xác minh từng trương hợp xem việc đào tạo đó là bằng ngôn ngữ nào).

Ngay cả khi quy định nói trên là hợp lý đi nữa thì quy định cũng có nhiều điểm không rõ ràng: Ngôn ngữ khác là ngôn ngữ nào? Giấy tờ nào để chứng minh ngôn ngữ được đào tạo (chú ý là các trường cao đẳng, đại học ở nước ngoài không phát hành xác nhận ngôn ngữ đào tạo cho từng sinh viên theo yêu cầu)

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Trường hợp đào tạo bằng ngôn ngữ khác…”.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] https://baomoi.com/khai-tu-quy-dinh-bat-hang-ngan-sep-cong-ty-du-lich-den-lop/c/28480951.epi