VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán

Thứ Tư 11:23 23-01-2019

Kính gửi: Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 10098/NHNN-TT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về Chủ tài khoản thanh toán (Điều 1)

So với quy định hiện hành thì Dự thảo bổ sung quy định về đối tượng mở tài khoản đối với trường hợp “hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” (sau đây gọi tắt là “tổ chức không có tư cách pháp nhân).

Cụ thể, Dự thảo quy định trong các trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân mở tài khoản, chủ thể (có quyền đại diện) mở tài khoản được xác định là “các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” (khoản 3 Điều 11 sửa đổi). Quy định này dường như chỉ tập trung giải quyết vấn đề “ai là người đi mở tài khoản” mà chưa giải quyết được vướng mắc nhất hiện nay – “ai là chủ tài khoản” trong trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân.

  • Về vấn đề Chủ tài khoản mở cho tổ chức không có tư cách pháp nhân

Vướng mắc trên thực tế hiện nay chủ yếu là ở việc Thông tư 32 không công nhận “tổ chức không có tư cách pháp nhân” là chủ tài khoản thanh toán, dẫn tới tình trạng tài khoản mặc dù được mở phục vụ hoạt động của “tổ chức không có tư cách pháp nhân” nhưng lại mang tên của một cá nhân là thành viên của tổ chức đó. Điều này đồng nghĩa với việc không thể phân biệt được tài khoản của cá nhân mở phục vụ chính cá nhân đó với tài khoản của cá nhân mở cho “tổ chức không có tư cách pháp nhân”, từ đó phát sinh các bất cập về pháp lý có thể dẫn tới các xáo trộn trong thực tiễn giao dịch:

  • Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ chức liên quan tới tài khoản vốn là tài sản chung của tổ chức này bị ảnh hưởng;
  • Đối tác của “tổ chức không có tư cách pháp nhân” không có căn cứ nào để nhận diện tài khoản được cá nhân cung cấp là tài khoản của tổ chức mình đang giao dịch hay là tài khoản riêng của cá nhân đó.

Quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 32/2016/TT-NHNN) thật ra hoàn toàn giải quyết được vấn đề này, theo đó “Tài khoản thanh toán của tổ chức là tài khoản do khách hàng là tổ chức mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản”. Vấn đề vướng mắc lại là Khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN khi giải thích về “Tổ chức” (mặc dù chỉ đơn thuần xác định chủ thể mở tài khoản, không ảnh hưởng hay liên quan gì tới Chủ tài khoản) lại chỉ giới hạn ở “Tổ chức là pháp nhân”[1]

Việc Dự thảo bổ sung quy định về đối tượng mở tài khoản trong trường hợp “tổ chức không có tư cách pháp nhân” hoàn toàn không giải quyết được vướng mắc nói trên, bởi đây chỉ là quy định về “đối tượng mở tài khoản”, Chủ tài khoản trong trường hợp này vẫn là “cá nhân” (là các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân, dù là họ trực tiếp mở tài khoản hay ủy quyền cho cá nhân khác trong tổ chức mở), chứ không phải “tổ chức không có tư cách pháp nhân”.

  • Về góc độ pháp lý, việc quy định Tổ chức không có tư cách pháp nhân có thể là Chủ tài khoản (như quy định tại khoản 3 Điều 3 và khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN sửa đổi) hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015 ít nhất là bởi các lý do sau:Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận 04 nhóm chủ thể của quan hệ dân sự là “cá nhân”, “pháp nhân”, “Nhà nước, cơ quan Nhà nước”, “hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” (Các Chương III, IV, V, VI Bộ luật Dân sự). Do đó các chủ thể này hoàn toàn có thể được ghi nhận bằng chính tên của mình trong các quan hệ dân sự nói chung, trong giao dịch tài khoản thanh toán nói riêng;
  • Bộ luật Dân sự 2015 quy định về cá nhân, pháp nhân với tính chất là các đối tượng chịu trách nhiệm về các quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 1 Bộ luật Dân sự) – theo nghĩa các quyền và nghĩa vụ dân sự đến cuối cùng sẽ truy về từng cá nhân, pháp nhân cụ thể. Như vậy, dù các chủ thể trong quan hệ dân sự là ai, quyền và trách nhiệm liên quan sẽ được quy chiếu cụ thể đối với từng chủ thể (ví dụ với pháp nhân thì pháp nhân chịu trách nhiệm, với các tổ chức không có tư cách pháp nhân thì cá nhân chịu trách nhiệm theo cách thức phân bổ trách nhiệm phù hợp với quy định của pháp luật cho tổ chức đó).

Trong trường hợp cụ thể của việc mở tài khoản thanh toán, chủ tài khoản vẫn có thể là “tổ chức không có tư cách pháp nhân” trong khi quyền và nghĩa vụ liên quan tới tài khoản đó thuộc về từng thành viên của tổ chức theo quy định tương ứng cho tổ chức đó.

Với các phân tích nêu trên, có thể nói quy định trong khoản 2 Điều 11 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN vẫn hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, với việc Bộ luật Dân sự 2015 có cách gọi mới về các chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân, khoản 2 Điều 11 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN có thể phải điều chỉnh lại cho tương thích.

Vì vậy, ở góc độ này (Chủ tài khoản), đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh Khoản 2 Điều 11 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN như sau: “2. Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật

Chú ý: Cũng liên quan tới vấn đề Chủ tài khoản là ai, nhân dịp sửa đổi Thông tư 23, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 3 cho trường hợp tài khoản của Cá nhân theo hướng bổ sung quy định tương tự trường hợp tài khoản của Tổ chức, theo đó “Chủ tài khoản của cá nhân là cá nhân có tên trên tài khoản”. Đây là quy định cần thiết để phân biệt Cá nhân Chủ tài khoản với Cá nhân đại diện cho họ mở/giao dịch tài khoản (đặc biệt trong trường hợp Cá nhân là chủ tài khoản thanh toán chưa đủ 15 tuổi, hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự… buộc phải mở tài khoản hoặc giao dịch thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của mình – trong khi tài sản trong tài khoản thanh toán vẫn là tài sản của Cá nhân đó, không phải tài sản của Người đại diện/Người giám hộ).

  • Về vấn đề Chủ thể thay mặt “tổ chức không có tư cách pháp nhân” thực hiện các giao dịch liên quan tới tài khoản thanh toán

Quy định về chủ thể có quyền thực hiện các giao dịch liên quan tới tài khoản thanh toán của Tổ chức được quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN ở 02 điều khoản:

  • Khoản 3 Điều 3 Thông tư 23 (sửa đổi bởi Thông tư 32) theo đó người đại diện theo pháp luật của hoặc đại diện được ủy quyền thay mặt tổ chức thực hiện các giao dịch liên quan tới tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện (suy đoán là chủ thể thực hiện các giao dịch sau khi tài khoản đã mở);
  • Khoản 2 Điều 11 Thông tư 23 (sửa đổi bởi Thông tư 32): suy đoán là quy định này xác định đối tượng mở tài khoản trong trường hợp tổ chức – tuy nhiên thực tế trong nội dung quy định lại không nêu rõ đối tượng nào.

Dự thảo bổ sung quy định xác định đối tượng mở tài khoản trong trường hợp Tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo đó mọi thành viên của Tổ chức (tự mình hoặc ủy quyền cho người khác) đều có thể mở tài khoản của Tổ chức.

Quy định tại Dự thảo dường như là không phù hợp với Bộ luật Dân sự (Điều 101), theo đó các giao dịch của các Tổ chức này được thực hiện bởi:

  • Hoặc là tất cả các thành viên của Tổ chức
  • Hoặc là một thành viên của Tổ chức theo ủy quyền bằng văn bản của các thành viên còn lại trong Tổ chức (nếu không có ủy quyền thì giao dịch đó được xem là giao dịch của cá nhân thành viên đó, không phải giao dịch của Tổ chức).

Hơn nữa, từ góc độ thực tiễn, việc cho phép bất kỳ thành viên nào của Tổ chức cũng có thể mở, sử dụng, giao dịch trên tài khoản mang tên và nhân danh Tổ chức mà không cần ủy quyền như dự kiến tại Dự thảo sẽ gây ra rủi ro cho các thành viên còn lại cũng như cho các đối tác của Tổ chức.

Ngoài ra, mặc dù tên của Điều này là “Đối tượng mở tài khoản thanh toán” Dự thảo lại quy định cả về đối tượng “xác lập và sử dụng tài khoản” trong trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa Điều 11 như sau:

  • Đổi tên Điều 11 hiện tại thành “Đối tượng xác lập, thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán”; sửa tương ứng với phần mào đầu của khoản 1 Điều 11 và các khoản sau đó:
  • Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 11 hiện tại thành: “Đối tượng xác lập, thực hiện mở, sử dụng tài khoản của Tổ chức là pháp nhân là Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền đại diện của Pháp nhân”
  • Sửa quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo theo hướng: “Đối tượng xác lập, thực hiện mở, sử dụng tài khoản của Hộ gia đình, Tổ hợp tác, Tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là tất cả các thành viên cùng lúc hoặc một thành viên được ủy quyền bằng văn bản bởi tất cả các thành viên còn lại”.
  1. Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 2)
  • Đề nghị bỏ quy định tại Điều 2 vì việc giữ nguyên tên của tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không làm thay đổi việc thực hiện mở tài khoản thanh toán.
  • Trong trường hợp vẫn giữ quy định nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 32/2016/TT-NHNN theo hướng:

“Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành để phối hợp với khách hàng thực hiện bổ sung, hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán và thực hiện thay đổi tên chủ tài khoản mà không cần ký lại hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán (trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của chủ tài khoản thanh toán) đối với trường hợp hồ sơ mở tài khoản thanh toán đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ hoặc hướng dẫn khách hàng ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán đảm bảo tuân thủ đúng quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán”.

Việc Dự thảo phân biệt 02 trường hợp “hồ sơ mở tài khoản thanh toán đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ” và trường hợp còn lại (suy đoán là hồ sơ mở tài khoản không đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ) là không cần thiết bởi việc “rà soát hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng”, “thực hiện bổ sung, hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán” nêu ở đoạn đầu chính là các bước để hoàn thiện hồ sơ theo hướng “đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ” theo quy định của pháp luật mới rồi.

Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ đoạn quy định “đối với trường hợp hồ sơ mở tài khoản đã đầy đủ….thủ tục mở tài khoản thanh toán” này.

  1. Về hiệu lực thi hành (Điều 4)

Điều 2 Dự thảo đã sửa đổi toàn bộ Điều 4 Thông tư 32 vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bãi bỏ toàn bộ Điều 4 Thông tư 32 thay vì chỉ bỏ khoản 2, giữ lại khoản 1 và 3.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Trong khi bản thân mục tiêu của Điều khoản này (đối tượng nào “đi mở tài khoản” trong trường hợp Chủ tài khoản là Pháp nhân) lại không được làm rõ.