VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Thứ Năm 16:13 17-09-2020

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 2599/BKHCN-PC của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về tiêu chí hệ thống quản lý chất lượng

Khoản 1 (sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 2 Thông tư 32/2011/TT-BKHCN), khoản 2 (sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 32/2011/TT-BKHCN) Điều 1 Dự thảo sửa đổi tiêu chí về hệ thống quản lý chất lượng, theo đó dự án phải đáp ứng điều kiện về “hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt một trong các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, HACCP, CMM hoặc GMP (tùy theo đặc thù dự án ứng dụng công nghệ cao áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế)”. Việc liệt kê cụ thể các tiêu chuẩn áp dụng cho hệ thống quản lý chất lượng là cần thiết, tuy nhiên để đảm bảo tính ổn định của pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “hoặc chứng chỉ có giá trị tương đương” trong trường hợp thế giới công nhận thêm các chứng chỉ khác có giá trị tương đương, hạn chế tình trạng phải sửa quy định tại Thông tư.

  1. Về tiêu chí chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ cao được thực hiện tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư 32/2011/TT-BKHCN) thì chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ cao được thực hiện tại Việt Nam của dự án phải thuộc một trong các trường hợp:

  • Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động của dự án trên 300 người thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 0,5% tổng doanh thu thuần của dự án;
  • Dự án không thuộc trường hợp trên thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu thuần của dự án

Quy định xác định tỷ lệ % dựa trên tổng doanh thu thuần của dự án cần được xem xét lại ở điểm: theo phản ánh của doanh nghiệp, khi hoàn thành một sản phẩm để đưa ra thị trường, chi phí nghiên cứu và phát triển có thể cố định, do đó khi mở rộng sản xuất, tăng doanh thu nếu vẫn áp dụng tính tỷ lệ % cứng như quy định (0,5% hoặc 1%) dựa trên tổng doanh thu thuần thì nhiều khả năng dự án sẽ không đáp ứng được điều kiện. Điều này vô hình trung sẽ cản trở nhà đầu tư khai thác hiệu quả công nghệ của dự án đầu tư và hạn chế nhà đầu tư mở rộng sản xuất hoặc tham gia liên kết với các nhà sản xuất khác  để chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất.

Vì vậy, một số doanh nghiệp kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc sửa đổi quy định trên theo hướng, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được tính trên phần giá trị gia tăng tại Việt Nam, tức là được tính trên doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào là nguyên liệu sản xuất (nhập khẩu hoặc mua trong nước).

  1. Về tiêu chí môi trường, tiết kiệm năng lượng

Khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 2 Thông tư 32/2011/TT-BKHCN) Dự thảo quy định về tiêu chí môi trường, tiết kiệm năng lượng, theo đó dự án phải “áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành”. Quy định “tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành” là chưa đủ rõ ràng, có thể gây khó khăn trên thực tế áp dụng vì doanh nghiệp sẽ không biết tiêu chuẩn nào để so sánh áp dụng.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành (chẳng hạn, đối với tiêu chí về môi trường, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương; về tiêu chí tiết kiệm năng lượng, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các tiêu chuẩn tương đương).

  1. Về chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao của dự án

Khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 2 Thông tư 32/2011/TT-BKHCN) Dự thảo quy định “Phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao được ứng dụng trong dự án và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ” được xem là chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao của dự án.

Quy định này được hiểu, phí bản quyền, li-xăng chỉ được tính vào chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao khi hợp đồng chuyển giao đã thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định. Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế một số dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, được hưởng ưu đãi theo địa bàn vì vậy không thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để được hưởng ưu đãi theo diện cấp Giấy chứng nhận này. Đối với các trường hợp này, theo quy định tại Dự thảo, phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ không được tính vào chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ, trong khi thực tế có phát sinh chi phí bản quyền, li-xăng. Điều này có thể không tạo thuận lợi và có thể phát sinh thủ tục cho các doanh nghiệp.

Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng các trường hợp trên doanh nghiệp cũng sẽ được tính phí bản quyền, li- xăng vào chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ.

Trên đây là một số góp ý của các doanh nghiệp đối với Dự thảo Thông tư quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuyển tới quý Cơ quan. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.