VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thứ Sáu 17:29 30-09-2022

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 5689/BNN-PC ngày 30/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị góp ý dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến thành lấy ý kiến cộng đồng kinh doanh và có một số góp ý như sau:

        Giám định tư pháp liên quan đến việc xác định quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức (trong đó có cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh) khi họ là một bên tham gia vào vụ án hình sự, vụ việc dân sự hoặc vụ án hành chính. Giám định tư pháp là một hoạt động quan trọng, trong nhiều trường hợp có ý nghĩa quyết định ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

  • Về quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp

        Điều 4 Dự thảo quy định: “2. Đối với nội dung giám định không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì áp dụng các quy định pháp luật về ngành, lĩnh vực của nội dung cần giám định để thực hiện.”Quy định này có thể sẽ gặp vướng mắc khi thực thi bởi các lý do sau:

        Trước hết, về khía cạnh pháp lý quy định này không phù hợp với điểm e, khoản 1 Điều 27 Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp. Nội dung của Điều 27 như sau: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm ban hành quy chuẩn giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Trường hợp không ban hành quy chuẩn riêng cho hoạt động giám định tư pháp thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình”. Như vậy, nếu nội dung giám định không có trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì Bộ phải hướng dẫn theo quy chuẩn chuyên môn.

        Hơn nữa, về cả khía cạnh lý luận và thực tiễn, không thể căn cứ vào quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực để giám định. Nội dung giám định là những yếu tố thuộc về kỹ thuật, tính chất lý, hoá liên quan đến đặc tính, tình trạng… của đối tượng giám định (trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là cây trồng, vật nuôi, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…). Trong khi đó quy định pháp luật là các quy tắc xử sự chung[1] mà phần lớn trong đó là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Do đó, quy định như tại Điều 4 dự thảo là không khả thi.

        Bên cạnh đó, giả sử các giám định viên vẫn buộc phải và có thể tìm thấy các căn cứ tại quy định pháp luật thì khả năng đưa tới các cách hiểu, áp dụng khác nhau là rất dễ xảy ra, bởi quy định của pháp luật mang tính áp dụng chung, trong khi giám định tư pháp lại cần được cụ thể và rất chi tiết theo từng vụ việc, chủ thể giám định.

        Vì các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như hướng dẫn tại Nghị định  sửa đổi quy định này theo hướng trong trường hợp nội dung giám định không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì căn cứ vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực đó, có thể giới hạn ở địa điểm và thời gian nhất định (so sánh với sản phẩm, hàng hoá, chất liệu, vật liệu, chẩn đoán…tương tự).

  • Về thời hạn giám định tư pháp

        Điều 5 Dự thảo quy định “Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.” Thời hạn giám định là một trong những bất cập được nêu tại Báo cáo Tổng kết thi hành Thông tư số 49/2014/TT-BNNPTNT ngày 23/12/2014 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. là thời gian giám định không kịp thời, thời hạn giám định bị kéo dài. Dự thảo đã có các quy định hạn chế tình trạng này bằng các giới hạn cụ thể (3 tháng đối với vụ việc giám định một lĩnh vực, 4 tháng với vụ việc có tính chất phức tạp, từ 2 nội dung giám định khác nhau trở lên liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; được gia hạn tối đa không quá ½ thời hạn giám định tối đa). Đây là quy định tiến bộ, góp phần tăng tính minh bạch của hoạt động giám định tư pháp.

        Tuy nhiên, khoản 5 Điều 5 lại có một quy định mang tính chất “quét”: “Trường hợp khi có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở xác định việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn, cá nhân, tổ chức thực hiện việc giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định”. Quy định này có thể dẫn tới trường hợp cho phép kéo dài thời gian giám định tới mức không thể xác định, không bị ràng buộc bởi các điều khoản phía trên bởi sẽ có rất nhiều lý do (cả khách quan và chủ quan) khiến cho việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn. Nói cách khác, khoản 5 đã vô hiệu hoá các thời hạn pháp luật đặt ra và cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp được tự đặt ra thời gian (dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định).

        Bên cạnh đó, còn có khá nhiều khoảng trống về thời hạn trong quy trình thực hiện việc giám định tư pháp, mà nếu không được quy định cụ thể hơn sẽ có thể dẫn đến kéo dài thời gian một cách khó kiểm soát. Ví dụ như:

  • Thời hạn bổ sung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật hiện không tính vào thời hạn giám định trong khi khoản 2 Điều 13 Dự thảo lại quy định “Trong trường hợp cần thiết, người thực hiện giám định có thể trao đổi, phối hợp với bên trưng cầu và các bên có liên quan để khảo sát, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc lập đề cương và thực hiện giám định”. Vì không có quy định cụ thể các “trường hợp cần thiết” là các trường hợp nào nên khả năng lạm dụng quy định này làm kéo dài thời gian là hoàn toàn có thể xảy ra; hoặc:
  • Trường hợp cần tạm ứng chi phí giám định, dự thảo Thông tư cũng không quy định thời gian xử lý đề nghị tạm ứng chi phí giám định là bao lâu. Nếu không quy định thời hạn này thì khả năng sẽ không biết khi nào việc giám định sẽ được thực hiện;
  • Không rõ trong trường hợp trưng cầu trực tiếp cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thời hạn được tính từ thời điểm nào vì quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo hiện không yêu cầu các cá nhân, tổ chức này phải ban hành văn bản gửi cho người trưng cầu giám định, trong khi quy định tại Điều 5 nêu rõ “thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức … nhận được quyết định trưng cầu”.

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát và bổ sung các quy định về thời hạn nói trên, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 5 Dự thảo hoặc xây dựng nội dung theo hướng làm rõ các trường hợp được kéo dài thời hạn giám định khi có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở xác định việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn là gì, có thể theo hướng chỉ giới hạn ở các trường hợp bất khả kháng và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thông báo tới người có yêu cầu giám định.

Trên đây là ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Các văn bản liên quan