VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Thứ Năm 15:05 29-03-2018

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 1727/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về tổ chức thu phí

Theo quy định tại Điều 2 Dự thảo thì “tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài sử dụng nguồn phóng xạ tại Việt Nam khi sử dụng dịch vụ lưu giữ nguồn phóng xạ phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này”. Quy định này được hiểu, tất cả các giao dịch về sử dụng dịch vụ lưu giữ nguồn phóng xạ sẽ phải áp dụng các mức phí theo quy định tại Thông tư.

Theo quy định tại Luật năng lượng nguyên tử (2008) và các văn bản liên quan thì mọi chủ thể, nếu đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật, đều có thể được cấp phép thực hiện các dịch vụ công nghệ bức xạ (trong đó có  hoạt động lưu giữ nguồn phóng xạ[1] mà không bị giới hạn về nguồn gốc vốn sở hữu[2] (Nhà nước hay tư nhân) hay tính chất pháp lý (tổ chức sự nghiệp hay doanh nghiệp kinh doanh). .

Kết hợp hai yếu tố yếu tố nói trên, có thể hiểu theo Điều 2 của Dự thảo thì tất cả các chủ thể nào được cấp phép kinh doanh hoạt động lưu giữ nguồn phóng xạ đều sẽ phải tuân thủ Thông tư này.

Điều này dường như là không phù hợp với quy định tại Điều 2 Luật phí và lệ phí, theo đó “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí”. Như vậy, Nhà nước không thể quy định về phí đối với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ lưu giữ nguồn phóng xạ như dịch vụ kinh doanh thông thường.

Chú ý là mặc dù Điều 3 Dự thảo có quy định giới hạn các tổ chức thu phí ở Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hai tổ chức (suy đoán) là đơn vị sự nghiệp công được cấp phép lưu giữ nguồn phóng xạ, cách quy định này là không hợp lý bởi:

  • Mâu thuẫn với Điều 2 Dự thảo
  • Không bao trùm (bởi rất có thể còn có các cơ quan, tổ chức sự nghiệp khác của Nhà nước cũng được cấp phép thực hiện dịch vụ này hiện tại hoặc trong tương lai)

Từ các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Sửa đổi quy định tại Điều 2 theo hướng: chỉ áp dụng Thông tư này cho các Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước ủy quyền thực hiện dịch vụ lưu giữ nguồn phóng xạ như một dịch vụ công
  • Sửa đổi Điều 3 theo hướng: không liệt kê cụ thể tên các tổ chức mà chỉ nêu các loại tổ chức phải tuân thủ Thông tư này (tương tự như Điều 2).
  1. Về Biểu mức thu phí sử dụng dịch vụ lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

Một số quy định tại Dự thảo chưa phù hợp:

  • Chưa thống nhất về đơn vị tính: Theo bảng biểu mức phí thì “lưu giữ nguồn phóng xạ nhóm 1” được tính theo TBq, trong khi đó các nhóm còn lại là “01 nguồn”. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về sự khác nhau này.
  • Trong phần Ghi chú có nội dung “từ 2 đến 3 nguồn phóng xạ thì áp dụng mức thu bằng 95% mức thu quy định tại biểu trên”. Quy định này chưa rõ ở điểm: từ 2-3 nguồn phóng xạ được tính theo mỗi nhóm (ví dụ: lưu giữ 3 nguồn phóng xạ nhóm 2) hay là theo nhóm nguồn phóng xạ (ví dụ: lưu giữ 3 nguồn phóng xạ trong đó 01 nguồn phóng xạ nhóm 2, 02 nguồn phóng xạ nhóm 3)? Để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Khoản 6 Điều 2 Thông tư 22/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 25/8/2014 quy định về quản lý chất thải, phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

[2] Khoản 1 Điều 75 Luật năng lượng nguyên tử 2008